Xuất hành


Paul Phước Tuyển

Có thế nói, năm Tập Viện là một cuộc Xuất Hành, khi mỗi Tập sinh kinh nghiệm bản thân được cứu chuộc. Qua đó, anh em nhận biết rằng xuyên suốt hành trình này, anh em có được sự đồng hành của Đức Kitô, và Tình Yêu của Ngài luôn bao trùm lấy anh em.

Trong Cựu Ước, cuộc Xuất Hành là kinh nghiệm được cứu chuộc, qua đó, Thiên Chúa giải thoát dân Israel ra khỏi thân phận nô lệ cho Ai Cập. Thiên Chúa đã làm cho họ trở nên một dân có chủ quyền, một cộng đoàn có Ngài làm Chúa và là Mục tử.[1] Thật vậy, dẫu cuộc Xuất Hành có thành công đi nữa mà dân không nhận biết có một Thiên Chúa yêu thương và đồng hành cùng họ trên hành trình đó, thì họ đã không được gọi là dân Thiên Chúa. Tương tự như thế khi gọi năm Tập Viện là một cuộc Xuất Hành, khi mỗi Tập sinh kinh nghiệm bản thân được cứu chuộc. Qua đó, anh em ý thức và nhận biết rằng xuyên suốt hành trình của năm Tập viện này, anh em có được sự đồng hành của Đức Kitô, và tình yêu của Ngài luôn bao trùm lấy anh em. Nhờ vậy, anh em mỗi ngày được biến đổi, được lớn lên trong tình yêu của Chúa và được hội nhất với Ngài. Đến nỗi có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Như vậy, để đi đến được miền đất hứa là được gặp gỡ Đức Kitô và để cho Ngài biến đổi con người mình, anh em Tập sinh đã phải trải qua những chặng Xuất Hành khác nhau với những đòi hỏi trong việc nỗ lực cộng tác với ơn Chúa ban.

Một trong những chặng đầu tiên của một cuộc Xuất Hành có thể kể đến là việc ra khỏi những che đậy, phòng vệ, để dễ dàng đến với Chúa và tha nhân. Thật vậy, làm sao người ta có thể đến với nhau cách chân thành, nếu giữa họ còn có những ẩn khuất và cản trở. Điều này càng đúng hơn nữa đối với một người khao khát kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện.

Những sự che đậy diễn ra khi một người cố tình không bộc lộ hết con người của mình và phủ lên cái tôi thực tế những lớp mặt nạ, thể hiện qua lối ứng xử gượng ép, không mấy tự nhiên. Ngoài ra, một trong những nguồn gốc khác của sự che đậy chính là hiện tượng phòng vệ. Hiện tượng phòng vệ xuất hiện khi trong cuộc đời một người gặp những khó khăn, tổn thương. Lúc này, nơi người đó lập tức xuất hiện những cơ chế nhằm bảo vệ sự lành mạnh, quân bình đời sống của họ. Một số phản ứng phòng vệ thường xảy ra như: chối bỏ (phủ nhận thực tế đau buồn, trái ý); chuyển di (chuyển cảm xúc tiêu cực sang một đối tượng khác); hồi tưởng, thu rút (không muốn đối diện với thực tế khó khăn, thường nhớ và muốn ở lại trong những kỷ niệm hạnh phúc, dễ chịu). Những cơ chế phòng vệ này có thể là hữu ích nếu chúng giúp cho một người vượt qua được những thời khắc khó khăn trong cuộc sống và rồi cho phép họ tiếp tục theo đuổi các hoạt động mà không phải suy sụp hoàn toàn. Thế nhưng, những cơ chế này sẽ tỏ ra vô ích, thậm chí nguy hại nếu chúng cứ tiếp tục bảo vệ một người đã qua cơn nguy khó. Sự việc không khác gì một viên cảnh sát cố chấp, cứ mặc áo chống đạn, ngay cả khi không còn phải đối diện với bất cứ hiểm nguy nào.[2]

Như thế, việc dứt khoát bước ra khỏi những che đậy và phòng vệ là điều tiên quyết phải thực hiện để dễ dàng đi đến với Chúa và tha nhân. Khi một người có thể ý thức về những gì họ là và xa hơn nữa là ý thức về “những nhu cầu, sự nghèo đói và sự lệ thuộc thực sự của họ nơi Thiên Chúa.[3] Từ đó, họ để cho Chúa Kitô lôi kéo cách mạnh mẽ và êm ái tới việc hoán cải liên tục và trọn vẹn (x. HP 11).

Trong việc đến với tha nhân cũng vậy. Khi đã cởi bỏ được những lớp vỏ giáp bên ngoài, người ta có thể đến với nhau bằng tất cả sự chân thành, cởi mở và cũng dễ dàng để góp ý trên tinh thần xây dựng mà không cần phải e sợ chạm phải những phản ứng quá đáng như là những di chứng của các cơ chế phòng vệ.

Một chặng xuất hành khác cần thực hiện, đó là việc ra khỏi những tổn thương, mặc cảm, thậm chí là thù hận, để đi đến sự chữa lành và tha thứ. Không khác những hiện tượng che đậy, phòng vệ, các tổn thương và mặc cảm như những cản vật làm kiệt quệ một con người, khiến họ phải lê bước trong mọi hành trình họ đi trong đời, không riêng gì hành trình thánh hiến.

Chẳng hạn với những tổn thương. Có thể hiểu đây là những biến cố, sự kiện tiêu cực xảy ra trong cuộc đời một người, khiến cho họ tắc nghẽn và mãi loay hoay nơi những vết thương đó. Để rồi, trong cuộc sống, có những lúc vô tình đụng phải hay khơi gợi lên, họ lại trở nên khổ sở và cạn kiệt năng lượng sống. Những mặc cảm cũng như một dạng tổn thương. Khi một người không bao giờ tự tin về những gì mình là thì sinh ra thu rút khép mình. Hoặc ở một thái cực khác, người đó cố hết sức bằng mọi cách bày tỏ chính mình.

Cả những tổn thương và mặc cảm đều là những sự việc không hề dễ chịu và gây nhiều đau khổ cho con người. Thay vì tìm cách giải quyết và chữa lành, có không ít người lại ôm lấy thù hận. Sự thù hận này xem chừng rất tinh vi và khó nhận biết. Như vậy, chẳng mấy ai cho rằng bản thân có ý định trả thù những người từng làm tổn thương mình. Thế nhưng, sự dày vò, lời than trách, thậm chí là lòng căm tức thì cứ mãi được nuôi dưỡng, nhất là đối với tổn thương được gây ra bởi những người gần gũi, thân yêu.

Những cảm xúc tiêu cực này có thể tiếp tục đeo bám một người trong mọi cảnh huống cuộc sống và dĩ nhiên cả trong lúc nguyện gẫm. Lúc này, họ chỉ mãi loay hoay với những vết thương lòng mà không thể đi vào những tâm tình, tương quan cá vị với Thiên Chúa.

Vậy làm sao để ra khỏi những tổn thương, mặc cảm cũng như những hình thái khác nhau của cảm xúc thù hận? Thưa là hãy để cho phép màu của sự tha thứ tác động. Sự tha thứ và là tình yêu vĩ đại nhất chính là Đức Giêsu Kitô – Ngài là Con Thiên Chúa đã đến thế gian để chịu lấy những tổn thương của nhân loại: Nhục hình, phản bội, chối bỏ, sỉ vả, chế giễu, đòn roi,… và nhất là Ngài đã chịu đóng đinh và chết nhuốc nha tủi hổ trên cây thập giá. Và rồi, trong giờ phút lâm chung, Đức Giêsu đã thưa lên với Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ…” (Lc 23,34). Lời đó như là lời cầu xin cho hết thảy từng người trong nhân loại. Thật vậy, “chỉ người nào xác tín thâm sâu là chính mình đã làm cho Đức Kitô phải khổ mới thực sự biết những đau khổ của Ngài”[4], để rồi mỗi người đi đến xác tín: “Đức Kitô đã cầu xin sự tha thứ cho chính tôi, Ngài yêu thương và tha thứ cho tôi, mặc cho những bất xứng và xúc phạm của tôi.” Vì sự yêu thương vô bờ bến đó, Đức Giêsu đã đến ở giữa nhân loại để cứu chuộc nhân loại đang giãy giụa, đớn đau trong vũng lầy của tội lỗi. Ở giữa thế gian, Con Thiên Chúa đã trở nên một trẻ thơ được sinh ra nằm trong máng cỏ, một cậu bé trong xưởng mộc, rồi sau đó là một tội phạm trên thập giá; và bây giờ là tấm bánh trên bàn thờ. Có điều gì Chúa chưa làm để cho Ngài được yêu.[5]

Còn về phần mỗi người trên hành trình của sự tha thứ, chữa lành, cần đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa qua việc để cho mình cảm nhận được tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa trên bản thân. Và từ đó, mỗi người khiêm tốn cầu xin sự trợ lực của Chúa trong việc tha thứ cho những người, những biến cố đã gây nên tổn thương và mặc cảm trong cuộc đời. Bởi như Chúa đã nói: “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được” (Ga 15,5) và như Chúa đã mời gọi: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15,5). Như vậy, việc ở lại trong tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa giúp cho một người có thể trở nên sai hoa lắm quả là ân huệ của sự tha thứ để họ có thể bước ra khỏi những tổn thương, mặc cảm, tự ti…

Trái ngược với những mặc cảm, tự ti là sự tự tôn. Điều này cũng là một cản trở lớn trên hành trình thiêng liêng này, cũng cần lắm một cuộc xuất hành nhằm ra khỏi những sự tự hào, tự tôn bởi những giá trị thế gian, để đi đến sự khiêm nhường. Đó là một đòi hỏi kiên quyết để gặp được Chúa.

Có thể nhìn nhận rằng đã là người, ai cũng có những giá trị đặc biệt, những điều đáng tự hào để có thể trở nên quan trọng giữa tha nhân. Còn có những người thiện chí đã “từ bỏ mọi sự” để bước theo Chúa Kitô trong đời thánh hiến thì sao? Nói là “từ bỏ” thế nhưng, khi từ đời bước vào nhà Dòng, lắm khi người tu còn mang lấy nơi mình những tự hào mà họ cho rằng chúng đến từ nỗ lực cá nhân, chằng hạn như bằng cấp các loại, những mối tương quan rộng rãi và đặc biệt, những trải nghiệm, các tài năng… Không phủ nhận các giá trị này thật hữu ích trong việc phục vụ những người nghèo khổ. Tuy nhiên, những giá trị đó sẽ là cản trở nếu người sở hữu chúng tự coi những gì mình có là nhất; văn hóa quê tôi là nhất; bằng cấp của tôi là xịn nhất; mối quan hệ của tôi là rộng nhất; quan điểm, cách nhìn nhận của tôi là đúng nhất… Với những nhìn nhận đó, một người sẽ mãi ảo tưởng trong các “cái nhất” của mình mà không bao giờ có thể học hỏi những “cái nhất” của người khác. Để rồi, khi có dịp buộc phải trao đổi học hỏi thì cũng chỉ dừng ở thái độ hờ hững: “Cái này tôi biết rồi”; “cái này không có gì mới”… và thật sự, họ chỉ để ý tìm thấy điều dở, điều đã biết mà tiếp nhận, chứ không mảy may lưu tâm học hỏi những điều hay ho, mới mẻ từ tha nhân.

Đó là trong cuộc sống thường ngày. Còn trong hành trình tìm Chúa, người tự tôn sẽ mãi chẳng bao giờ tìm được điều gì mới mẻ, bởi lòng họ đã đầy và ân sủng không bao giờ rót vào được nữa. Như vậy, để có thể lớn lên và trở nên phong phú trong tương quan gặp gỡ Chúa, người theo Chúa cần ra khỏi sự tự tôn mà sống sự khiêm nhường. Như Hiến pháp số 6 của nhà Dòng đòi hỏi mỗi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế: “Tự buộc mình trở nên những tôi tớ khiêm tốn và can trường của Tin Mừng Đức Kitô, là Đấng Cứu Thế và là Chúa, là nguyên lý và là mẫu mực của nhân loại mới”. Tinh thần khiêm nhường ấy cũng thật cần thiết cho sứ vụ của một tu sĩ thừa sai DCCT, để có thể mở ra đối thoại với thế giới như Hiến pháp số 19 đề cập: “Để công việc thừa sai được phát triển và thành công thực sự, cần thiết phải có kiến thức đầy đủ và kinh nghiệm thực tiễn về thế giới cũng như sự cộng tác trong Hội Thánh. Vì lý do đó, các tu sĩ của Dòng dẫn thân một cách tự tin vào cuộc đối thoại với thế giới này trong tinh thần thừa sai”.

Và rồi với tất cả những tâm tình đó, ta để cho “Đức Kitô, là Đấng Cứu Thế và là Chúa, là nguyên lý và là mẫu mực của nhân loại mới” (HP 6), chứ không phải những giá trị của thế gian như quyền lực, thế giá, khoa bảng, địa vị… làm nguyên lý. Từ đó để cho Đức Kitô làm nguyên lý đời mình khi dám xác tín như thánh Phaolô: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,7-9).

Có thể nói rằng, đối với thánh Phaolô, việc nhận biết Đức Kitô không chỉ dừng lại ở biến cố trên đường đi Đamas, nhưng là cả một chuỗi đáp trả khi thánh nhân mau mắn, nhạy bén mà cộng tác với ơn Thiên Chúa trên hành trình rao giảng Tin Mừng Đức Kitô cho dân ngoại. Đối với mỗi người đi theo Chúa cũng vậy, họ cần ra khỏi sự vô tâm và vô ơn để đi đến sự nhạy bén, nhận biết và cộng tác với ơn Chúa.

Cũng như mặc cảm và tự tôn, sự vô tâm và vô ơn được sinh ra bởi lòng chỉ quy về mình. Chỉ biết để ý đến những tổn thương của mình hay những gì mình “nhất”… mà không biết để ý đến những hồng ân, những hành động của Chúa đã làm cho họ trên cuộc đời như sự bao bọc, chở che, huấn luyện, yêu thương… Do không nhận biết nên không thể lớn lên về phương diện đức tin cũng như không có sự đáp trả qua việc biến đổi và hoán cải đời sống.

Đó là sự nhạy bén nhận biết Chúa khi nhìn lại lịch sử cuộc đời như là một lịch sử cứu độ. Thế nhưng, việc nhận biết Thiên Chúa và những ơn lành của Người không chỉ dừng lại ở đó, mà còn rộng ra nơi tha nhân và vạn vật xung quanh. Chẳng hạn như việc “nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi người, trong phẩm giá của con người là hình ảnh của Thiên Chúa và là con của Chúa Cha”[6] hoặc có lấy nơi bản thân “khả năng cất tiếng ca tụng Chúa một cách hạnh phúc chỉ bởi cảm nhận được làn gió nhẹ thổi qua mình”…[7]

Và như vậy, khi vượt qua được sự vô tâm, vô ơn mà đi đến sự nhạy bén và tri ân, người theo Chúa sẽ nhận biết và xác tín rằng họ “đã được nghĩ đến trước, trước khi học biết suy nghĩ, đã được yêu trước khi biết yêu thương và đã được khao khát trước khi bắt đầu biết khao khát”[8]. Thật vậy, con người được nghĩ đến, được yêu, được khao khát bởi Thiên Chúa Cha – “Đấng đã yêu thương ta trước và đã sai Con của Người làm của lễ đền tội chúng ta” (1Ga 4,10; HP 6). Và rồi, khi nhận biết được chân lý tình yêu đó, người Kitô hữu được thôi thúc đáp trả bằng chính đời sống của mình.

Đi cùng với hồng ân nhận biết Chúa qua những chặng của cuộc Xuất Hành, người theo Chúa cảm nhận mình được yêu thương và lắng nghe lời mời gọi ngày một rõ ràng hơn trong việc “theo gương Chúa Giêsu Cứu Thế” bằng cách rao giảng Lời Chúa cho người nghèo khó” (x. HP 1). Đứng trước lời mời gọi hệ trọng này, nhiều người không khỏi lắng lo về sự bất xứng, bất trung và yếu đuối của bản thân. Lại một lần nũa, người theo Chúa được mời gọi bước ra khỏi sự loay hoay của những tâm trạng e dè, hoài nghi của chính mình, mà đi đến sự phó thác nơi tình yêu và sự quan phòng trong Đức Kitô – Con Thiên Chúa. Thật vậy, khi gắn với tình yêu của Đức Kitô, như lời Chúa mời gọi: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9), mỗi người ý thức rằng bản thân được đón nhận một tình yêu hiến mạng, một tình yêu với trái tim không ngơi nghỉ, những mong muốn bằng mọi cách bày tỏ tình yêu. Và dĩ nhiên, trong tương quan của tình yêu thì không thể thiếu sự đáp trả, rằng Thiên Chúa cần được yêu.[9] Như vậy, chính nhờ việc ở lại trong tình yêu của Chúa mà người thánh hiến có thể vượt qua khó khăn, nghi nan. Từ đó, họ dễ dàng đáp trả qua việc tin tưởng, cộng tác với sự đồng hành thật gần gũi và thiết thân của Chúa.

Sự ở lại, gắn bó thiết thân với Đức Kitô trong đời sống cầu nguyện giúp mỗi người trở nên người hơn. Thật vậy, “con người sẽ hoàn toàn là mình khi không còn bám vào bản thân, không còn khép kín nơi mình, khẳng định mình, mà ngược lại, hoàn toàn khai mở ra với Thiên Chúa.”[10] Hay nói cách khác là ra khỏi con người cũ của mình để mặc lấy con người mới là Đức Kitô – Con Thiên Chúa. Qua việc biết cộng tác với ân sủng của Chúa mà biến đổi, hoán cải mỗi ngày. Và “khi chúng ta thay đổi, chúng ta trở thành công cụ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa”[11]. Cũng trong tiến trình thay đổi này, “không cần phải nói với Thiên Chúa điều Người phải làm nhưng phải học chấp nhận Người, như Người tự biểu lộ cho chúng ta; không muốn tự nâng mình lên vị trí cao cả của Thiên Chúa, nhưng trong sự khiêm tốn của phục vụ, dần dần uốn nắn theo hình ảnh đích thực của Thiên Chúa.”[12] Ngoài ra, trong Hiến pháp số 41 của DCCT cũng có những hướng dẫn nhằm giúp các tu sĩ sống sự hoán cải: “Các tu sĩ phải hết sức lưu tâm mặc lấy con người mới, được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết, hầu thanh luyện các động cơ của mình trong việc phán đoán và hành động. Việc hoán cải tâm hồn và canh tân lòng trí không ngừng phải là nét đặc thù của toàn bộ đời sống thường nhật của họ”.

Trong việc mặc lấy con người mới là Đức Kitô, đòi hỏi mỗi người phải biết rõ Ngài, phải có kinh nghiệm cá vị và thâm sâu với Ngài. Một cách rất cụ thể là biết Đức Kitô nhờ thói quen đọc và suy gẫm Kinh Thánh mỗi ngày. Bởi “ai không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô” (thánh Giêrônimô). Để rồi từ đó có thể đi tới xác tín rằng: “Tôi biết Đức Kitô là ai. Và trong mức độ khả năng của tôi, tôi muốn trở thành Đức Kitô cho anh em khi Ngài thực sự sống cuộc đời của Ngài giữa anh em, cho anh em cùng với anh em trong ân sủng và Thần khí Ngài.”[13]

Sống cuộc đời của Đức Kitô cho tha nhân một cách rất riêng đối với tu sĩ DCCT là ra đi “rao giảng Lời Chúa cho người nghèo” mà Hiến pháp số 1 đã nêu rõ. Đây chính là mục đích và linh đạo DCCT. Khi nói về linh đạo, một tác giả đã đưa ra định nghĩa khá thú vị như sau: “Chúng ta thức dậy trong ray rứt với ước muốn cháy bỏng, với cuồng nộ, chúng ta xử sự thế nào với sự cuồng nộ ấy thì đó là linh đạo của chúng ta. Chúng ta làm gì với ước muốn cháy bỏng đó, làm sao để định hướng nó, thì đó là linh đạo của chúng ta”[14].

Vậy, là một người trẻ, người theo Chúa có mang trong mình những ước muốn cháy bỏng, những cảm thức không ngơi nghỉ đối với thế giới và nhân loại mà họ đang thuộc về hay không? Là một tu sĩ thừa sai DCCT, họ có ôm lấy những trăn trở, thao thức của Đức Kitô là ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho những người nghèo khổ nhất hay không? Chính những “cảm thức không nghỉ yên như một hạt giống, sau này sẽ được gieo và sẽ sinh nhiều hoa trái”[15]. Thế nhưng, khi ôm lấy trong lòng những hạt giống thao thức cháy bỏng đó, người theo Chúa đã cộng tác với ân sủng ra sao để làm cho hạt giống đó nảy nở và trổ sinh? Họ đã có những dốc quyết dấn thân cụ thể nào trong hoàn cảnh hiện tại? Còn đối với việc cầu nguyện, học hành và trau dồi các khả năng thì sao? Tất cả những điều này để nhằm mục đích duy nhất là trở nên một thừa sai đích thực “hiến mình một cách đặc biệt cho Thiên Chúa và cho hoạt vụ thừa sai” (x. HP 1).

Như vậy, mỗi Tập sinh cùng với Đức Kitô thực hiện cuộc xuất hành, tức là ra khỏi những miền đất nô lệ, tối tăm, miền đất của sa mạc, đồng hoang cỏ cháy đầy những giá trị chết chóc, để đi đến miền đất của sự sống, của tự do trong Đức Kitô. Vậy là cuộc hành trình thiêng liêng có một không hai trong đời sắp kết thúc. Lại mở ra một hành trình mới sắp tới với không ít thách đố, đòi hỏi người tu cần tiếp tục dò tìm mà dứt khoát ra khỏi những miền đất tối tăm còn tồn tại trong tâm hồn khiến họ rời xa Đức Kitô. Từ đó, họ thật sự thong dong, tự do và tràn đầy lòng yêu mến mà nhiệt thành đáp trả lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

 


[1] x. Johh O’Donnell, C.Ss.R, Những suy tư về Hiến pháp DCCT (Kỳ 3, tiếp theo), Nguyễn Thanh Bích chuyển ngữ.

[2] x. Jean Monbourquette, Làm sao tha thứ, Trần Minh Huy chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2020), 246.

[3] x. Michael Brehl, Cầu nguyện trong tinh thần và truyền thống thánh Anphongsô Liguori, 297.

[4] Raniero Cantalamessa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, Trần Đình Quảng chuyển ngữ (Đồng Nai: NXB. Đồng Nai, 2020), 41.

[5] x. Lưu Quang Bảo Vinh, Ơn Cứu Độ trong cảm thức thừa sai của thánh Anphongsô (Kỳ 3).

[6] ĐTC Phanxicô, Sống tốt, 158.

[7] Ibid., 92.

[8] Ibid,. 95.

[9] x. Lưu Quang Bảo Vinh, Ơn Cứu Độ trong cảm thức thừa sai của thánh Anphongsô (Kỳ 3).

[10] Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, 248.

[11] Michael Brehl, Cầu nguyện trong tinh thần và truyền thống thánh Anphongsô Liguori, 30.

[12] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth – phần II, Nguyễn Văn Trinh chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2011), 94.

[13] Anphongsô Phạm Gia Thụy lược soạn, Lịch sử và linh đạo Anphong, 286.

[14] Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Ơn Cứu Chuộc chan chứa nơi Người – Linh Đạo Dòng Chúa Cứu Thế, 97.

[15] ĐTC Phanxicô, Sống Tốt, 29.

Xuất Hành

Học viện Thánh Anphongsô