Đức Maria - Mẹ của niềm hy vọng

 

Vincent Phạm

Đức Maria là niềm hy vọng mà Giáo Hội cậy nhờ không chỉ mỗi khi con thuyền Giáo Hội gặp phong ba bão táp mà ngay cả lúc thuận buồm xuôi gió. Vì chính Mẹ là bảo chứng cho niềm hy vọng chúng ta đặt để nơi Thiên Chúa, là dấu chứng chắc chắn của ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban xuống cho con người.

Thánh Phaolô đã từng thốt lên: “Hiện tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10). Điều ngài đã xác tín về chính mình cách mạnh mẽ và dứt khoát như thế, chúng ta cũng có thể nhìn thấy nơi Đức Trinh Nữ Maria. Ân sủng là lời giải thích trọn vẹn về Đức Maria, về vẻ đẹp và sự cao trọng của Người. Mẹ chính là lời công bố sống động và cụ thể rằng ngay từ đầu, ân sủng đã là yếu tố căn bản trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và thụ tạo.[1] Tất nhiên ân sủng nơi Đức Maria tùy thuộc vào sứ mạng làm Mẹ Đấng Mêsia mà thiên thần loan báo, nhưng điều đó chưa giải thích hết ân sủng nơi Mẹ. Quả thật, chính nơi Đức Maria, Thiên Chúa đã làm cho lời hứa của Người với con người được nên thành toàn khi Mẹ đón nhận và cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể. Mẹ là hiện thân cho ân sủng của Thiên Chúa muốn tuôn đổ trên nhân loại này. Chúng ta sẽ cùng suy tư về cuộc đời của Đức Maria khởi đi từ Kinh Thánh, dưới ánh sáng của Truyền Thống để cùng nhau làm nổi bất lên khía cạnh Người Nữ Tông đồ của niềm hy vọng của Mẹ. Khi chiêm ngắm như thế, chúng ta sẽ cùng đi với Mẹ trong ba thời điểm chính yếu, cấu thành mầu nhiệm Kitô giáo: Nhập Thể, mầu nhiệm Vượt Qua và Lễ Ngũ tuần. Nhập Thể, lúc chính Đấng Cứu Thế là Thiên Chúa và là người được hình thành; mầu nhiệm Vượt Qua, lúc Đấng Cứu Thế hoàn tất công trình cứu chuộc chúng ta; lễ Ngũ tuần, lúc Thánh Thần, Đấng làm cho ơn Cứu Độ luôn hiện hiện và hoạt động trong Giáo Hội được ban xuống.[2] Bước theo Đức Maria trên hành trình này, chúng ta sẽ có được sự nâng đỡ trong bước đường theo Chúa Kitô Cứu Thế, bởi Mẹ sẽ giúp chúng ta sống trọn vẹn mầu nhiệm của Chúa bằng một sự trợ giúp cụ thể và mang tính quyết định, vì Mẹ là niềm hy vọng cho mỗi người chúng ta.

Đức Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể

Khởi đi từ những trang đầu của Kinh Thánh, chúng ta nhận ra một nhân loại đang rên xiết trong khổ đau, mong ngóng và trông chờ một Đấng Mêsia đến giải thoát con người khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi và sự chết. Những lời loan báo của các ngôn sứ trong Cựu Ước diễn tả nỗi niềm khao khát để cho lời Thiên Chúa hứa được hoàn tất: “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ, đồng thời chính trực sẽ vươn lên” (Is 45,8). Dân Israel đang lầm bước trong tăm tối như thế, hẳn trong thâm tâm của mỗi người, ai cũng trông đợi từng ngày để mong thấy được ơn cứu chuộc Israel tận mắt. Đức Maria cũng không ngoại lệ. Chắc hẳn, trong tâm hồn, Mẹ khao khát và hy vọng Thiên Chúa sẽ đến cứu thoát Dân Người. Và Thiên Chúa đã chuẩn bị một kế hoạch vĩ đại khôn lường. Không ngờ rằng, một thôn nữ ở một ngôi làng nhỏ bé miền Nadarét, nơi vùng đất Palestin, lại được đẹp lòng Thiên Chúa và được Người tuyển chọn giữa muôn ngàn phụ nữ để làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Đức Maria đã được diễm phúc biết là dường nào. Nơi Mẹ, Ngôi Lời Nhập Thể là chính Thiên Chúa đã được cưu mang và hạ sinh cho đời. Nói như các Giáo phụ, cung lòng của Mẹ là “máy dệt”, là “xưởng thợ” nơi Chúa Thánh Thần dệt cho Ngôi Lời tấm hình hài nhân loại, là “giường cưới” nơi Thiên Chúa kết hiệp với con người.[3]

Đức Trinh nữ Maria được Thánh Kinh giới thiệu là “Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28) , là người nữ thật diễm phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Mẹ (x. Lc 1,42). Lời chào của sứ thần Gabriel nói cùng Đức Maria bao hàm hai tầng ý nghĩa. Trước nhất, Mẹ được đắc sủng của Thiên Chúa. Hãy nhìn xem, các nguồn suối đổ đầy ra biển khơi thế nào thì Mẹ cũng được Thiên Chúa đổ đầy dư nơi tâm hồn như vậy. Có ai trong Cựu Ước được tràn đầy ân sủng như Mẹ. Và có lẽ không ai nữa sau Mẹ được dư đầy như thế. Hãy nghiệm xem có ai được Thiên Chúa ở cùng đến mức như Đức Maria. Thiên Chúa ở cùng Mẹ không chỉ bằng quyền năng, bằng sự quan phòng nhưng là sự hiện diện đích thân của Người nơi tâm hồn Mẹ. Thứ hai, vì Đức Maria không chỉ được Thiên Chúa đem lòng sủng ái mà Người còn tự trao ban trọn vẹn trong Con của Người. Bởi vậy, nơi Mẹ, Thiên Chúa biểu dương sự thánh thiện của Người, khi làm cho Mẹ trở nên “vô tì tích, không vương nhiễm bất cứ tội gì”. Do đó, Giáo Hội mượn lời của sách Diễm ca để ca khen Mẹ là Đấng “tuyệt mỹ” (Dc 4,1), diễm lệ như ánh bình minh, Mẹ hoàn toàn tinh sạch, thuần khiết. Nơi Mẹ có tất cả mọi nhân đức và tất cả vẻ đẹp lộng lẫy phát xuất từ ân sủng.[4]

Thêm vào đó, lời loan báo ân sủng của thiên thần năm xưa còn mang lại sự can trường và niềm an ủi. Đức Maria được sứ thần Chúa mời gọi hãy vui lên vì “ân sủng” của Chúa tràn đầy trên Mẹ và đừng sợ cũng vì “ân sủng” bởi chính Thiên Chúa thương luôn ở cùng Mẹ: “Đừng sợ, vì Bà được đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30). Với sự tin tưởng đầy vững vàng, Mẹ đã nói lên lời thưa Fiat với Thánh ý của Thiên Chúa. Sự tràn đầy lòng tin nơi Đức Maria tương ứng với ân sủng tràn đầy do bởi Thiên Chúa ban xuống cho Mẹ. Thế nhưng, chúng ta không thể nói rằng lòng tin của Đức Maria có vẻ là một hành vi dễ dàng, đương nhiên. Bởi chưng, đức tin đích thực không bao giờ là một ưu tuyển hay một vinh dự, mà là luôn dưới hình thái của một sự chết đi. Thiên Chúa không khi nào lừa dối những người được Chúa mời gọi thực hiện ý định của Người bằng cách cố tình che dấu đi những khó khăn, thử thách sẽ xảy đến[5]. Như lời sách Huấn ca đã viết: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách” (Hc 2,1). Điều này được áp dụng cách đặc biệt cho Đức Maria. Trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Mẹ chắc chắn thoáng nhận ra, con đường mình đi sẽ không tránh khỏi những thử thách, gian truân. Và lời tiên báo của cụ già Simêon làm cho linh cảm đó càng thêm rõ nét khi ông loan báo cho Mẹ biết một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ (x. Lc 2,34-35). Ngay trên bình diện nhân loại, Mẹ sẽ phải ở vào một trạng thái cô đơn hoàn toàn. Tất cả những gì sẽ xảy ra cho Mẹ, ai có thể giải thích nổi. Ai sẽ tin lời Mẹ nói rằng đứa trẻ ở trong cung lòng Mẹ hoàn toàn do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta tin chắc rằng Đức Maria hoàn toàn hiểu được tình trạng mà Mẹ sẽ phải đối diện với cái xã hội nơi Mẹ đang sống, bởi vì chính sự sống của Mẹ sẽ gặp nguy khi Mẹ chấp nhận lời loan báo này (x. Đnl 22, 20tt ).

“Nếu tin như là ‘lênh đênh giữa trùng khơi, dưới chân là biển sâu thăm thẳm’, nếu tin như là ‘thực hiện một hành động qua đó ta thấy mình như hoàn toàn bị quăng ném vào cánh tay của Tuyệt Đối’”[6] thì Đức Maria phải là kẻ tin tuyệt vời và khôn sánh. Mẹ hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa. Mẹ đã tin ngay khi được loan báo, không do dự, không trì hoãn, đã dấn thân cách lập tức, trọn vẹn. Như thế, lời chào của bà Êlisabét khi được Mẹ viếng thăm đã nói lên tất cả những gì mà tâm hồn của Mẹ hằng quy hướng về Thiên Chúa. Đức Maria đã tin và điều Mẹ tin đã xảy ra nơi Mẹ. Vì thế, chúng ta cũng hãy tin, ngõ hầu điều xảy ra nơi Mẹ cũng ích lợi cho chúng ta.[7]

Đức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua

Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô bao gồm cả sự chết và phục sinh của Người. Mầu nhiệm này là sự vượt qua từ sự chết đến sự sống lại hiển vinh. Thế nhưng, Đức Maria chỉ được nhắc đến dưới chân thập giá và trong cái chết của Đức Giêsu. Không một chứng từ Kinh Thánh nào nhắc đến việc Đấng Phục Sinh hiện ra với Mẹ. Trong Tin Mừng Gioan, tác giả giới thiệu: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala” (Ga 19,25). Khi trình bày như thế, thánh sử Gioan muốn đặt Đức Maria vào ngay trung tâm của mầu nhiệm Vượt Qua. Nếu như đối với Gioan, “Giờ” của Đức Giêsu là giờ của vinh quang, là thời mà “Chúa Con được Chúa Cha tôn vinh” thì chúng ta có thể hiểu được rằng Mẹ có mặt dưới chân thập giá không phải chỉ trong sự thất bại và cái chết của Con Mình nhưng còn là trong sự tôn vinh, trong vinh quang của thập giá. Chúng ta có thể hiểu câu nói này của Gioan đối với Đức Maria: “Chúng tôi đã được chiêm ngắm vinh quang của Người” (Ga 1,14). Chính Mẹ đã tận mắt thấy và chiêm ngắm vinh quang của Chúa Kitô, một vinh quang thật khác biệt và mới mẻ so với thứ vinh quang của loài người. Chính Mẹ đã thấy vinh quang của Thiên Chúa tình yêu.

Nói như thế, không có nghĩa là Đức Maria không phải đau khổ khi ở trên đồi Calvê đẫm máu đó. Còn đau khổ nào có thể sánh được với khổ đau của người mẹ khi chứng kiến người con yêu dấu duy nhất của mình bị trao nộp vào tay người đời, bị hành hạ, chế diễu, sỉ nhục, gục ngã thảm thương và bị chết treo cách nhục nhã trên thập giá. Những hình dung mà Mẹ thoáng thấy năm xưa khi cụ già Simêon loan báo giờ đây đã thành hiện thực trước mắt Mẹ. Có thể nói, Đức Maria cũng đã uống cạn chén đắng mà Thiên Chúa đã trao vào tay Mẹ. Mẹ đã tham dự trọn vẹn vào cuộc khổ nạn của Con Mình. Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ, đã rời xa vòng tay êm ái của Mẹ và giờ này đây, thân hình Người như nát tan dưới những đòn tra tấn và dưới sức nặng của thập giá. Đức Maria thốt ra làm sao được nỗi khổ đau đang hành hạ Mẹ từ trong thẳm sâu của tâm hồn. Lời của thiếu nữ Xion thốt lên có thể áp dụng cho Mẹ trong những giờ phút này: “Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn kỹ mà xem: Có nỗi khổ nào sánh được với nỗi khổ mà tôi đang phải chịu” (Ac 1,12). Thế nhưng, không một tiếng khóc than nào của Đức Maria được thuật lại. Hoàn toàn chỉ có sự thinh lặng nơi Mẹ. Sự thinh lặng nơi Mẹ nói lên điều gì? Tất cả những gì đang diễn ra trên ngọn đồi năm xưa ấy phải được diễn ra nơi ngôn ngữ của thập giá. Đức Maria lặng thinh bởi “Mẹ dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người Mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra”.[8] Mẹ hiệp nhất với hy tế của Con mình, cùng chia sẻ một nỗi đau với Con. Mẹ phải chịu khổ trong tâm hồn những gì mà Con của Mẹ phải chịu nơi thân xác. Và điều này hoàn toàn có thể hiểu được ngay trên bình diện tự nhiên.

Chúng ta đã nói rằng, Đức Maria đã sống trọn vẹn mầu nhiệm Vượt Qua, điều đó bao hàm rằng Mẹ đã ở bên thập giá Chúa “trong niềm hy vọng”. Mẹ đã cùng thông phần với Con của Mẹ không chỉ trong cái chết nhưng còn trong niềm hy vọng về sự phục sinh. Chúng ta có thể áp dụng hình ảnh của Abraham năm xưa cho Đức Maria. Theo Thánh Kinh, do lòng tin đặt nơi Thiên Chúa, ông Abraham đã tiến dâng người con một của mình là Isaac. “Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo: Chính do Isaac mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi.” Quả thật, ông Abraham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng” (Hr 11,18-19). Về niềm tin này nơi ông Abraham, thánh Phaolô quả quyết: “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4,18). Những điều này còn đúng hơn khi nói về Đức Maria dưới chân thập giá. Mẹ đã tin dù xem ra lời hứa năm xưa qua miệng sứ thần trở nên đối nghịch với hoàn cảnh hiện tại. Mẹ vẫn cậy trông dù trên bình diện tự nhiên, Mẹ ở trong một tình trạng hoàn toàn bị tước hết mọi hy vọng.[9] Đức trông cậy nơi Mẹ đã trở nên hoàn hảo vì Mẹ xác tín cách vững mạnh rằng: “điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4,21).

Đức Maria trong ngày lễ Ngũ tuần

Chúng ta nhận ra sự hiện diện hết sức đặc biệt của Đức Maria trong lúc khởi đầu của Giáo Hội. Trong sách Công vụ tông đồ, thánh Luca viết: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu (Cv 1,14). Với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, đời sống của Giáo Hội Chúa Kitô được khởi đầu. Sự non trẻ của Giáo Hội ngay từ tiên khởi đã được củng cố và đỡ nâng bởi Chúa Thánh Thần. Ở đây, chúng ta nhận ra một mối liên kết không thể tách rời giữa Thánh Thần và Đức Maria. Mối liên kết đó là chính Đức Kitô Giêsu trong mầu nhiệm Nhập Thể. Ngay từ đầu, Thánh Thần Chúa đã được ban xuống trên Đức Maria, quyền năng Đấng Tối Cao đã rợp bóng trên Mẹ. Mẹ đã cùng song hành với Con của Mẹ và Thánh Thần, Đấng hiện xuống giữa tông đồ đoàn và tất cả những người có mặt tại phòng tiệc ly chính là Đấng được Chúa Kitô gửi đến để hướng dẫn, nâng đỡ và gìn giữ Hội Thánh. Ở đây chúng ta muốn nói đến vai trò của Đức Maria giữa lòng Hội Thánh. Mẹ hiện diện ngay tại trung tâm của Giáo Hội. Nếu như dưới chân Thập giá, Đức Maria hiện diện như là Mẹ của Giáo Hội, thì giờ đây nơi nhà tiệc ly, Mẹ xuất hiện như Người Mẹ đỡ đầu của Giáo Hội. Chúng ta có thể nói như thế là vì chính Mẹ đã chịu phép rửa trong Thánh Thần và bây giờ, Mẹ mang Giáo Hội đến chịu phép rửa bởi Thánh Thần.[10] Đó là những gì Mẹ đã làm cho các tông đồ và là điều Mẹ đang làm với chính chúng ta.

Trong trình thuật mà chúng ta vừa trích dẫn, thánh Luca giới thiệu cho người đọc biết: Đức Maria xuất hiện trong tư thế đang cầu nguyện và quả thật, qua những gì được rút từ Kinh Thánh và truyền thống của Hội Thánh, chúng ta có thể nói, từ trong và sau biến cố Ngũ Tuần, Đức Maria hoàn toàn rút lui về phía sau, trong sự cô tịch, thinh lặng sâu thẳm nhất. Ở đó, Mẹ chuyên chăm cầu nguyện, kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa và nâng đỡ Giáo Hội từ phía sau. Điều mà chúng ta nói về những vị thánh của cầu nguyện trong Giáo Hội, chúng ta hoàn toàn có thể nói về Đức Maria, và còn hơn thế nữa, vì ngay từ đầu, Mẹ đã kết hiệp cách trọn hảo với Thiên Chúa. Mẹ đã khai mở khía cạnh hết sức quan trọng của Giáo Hội là ẩn giấu và cầu nguyện, bên cạnh khía cạnh tông đồ và hoạt động. Mẹ là nguyên mẫu cho đời sống Giáo Hội cầu nguyện. Khi nói như thế, chúng ta phải hiểu rằng, đời sống của Đức Maria là cả một sự cầu nguyện liên lỉ, không ngừng trong tâm hồn. Nó thể hiện ở niềm khao khát Thiên Chúa mà không gì nơi trần gian này bù đắp được. Như thánh Augustinô giải thích “bản chất của cầu nguyện là khao khát Thiên Chúa trào dâng từ đức tin, đức cậy và đức mến. Niềm khao khát đó là lời cầu nguyện của bạn, nếu niềm khao khát của bạn liên tục thì lời cầu nguyện của bạn cũng liên tục.”[11] Như thế, chúng ta có thể nói gì về Đức Maria? Chúng ta hiểu rằng, tâm hồn của người mẹ luôn đặt để nơi người con mà họ cưu mang. Một người mẹ tự nhiên luôn hướng về người con. Do đó, Đức Maria, khi cưu mang và hạ sinh Chúa Giêsu, Mẹ đã không còn thuộc về mình nữa, vì cả cuộc đời của Mẹ giờ đây thuộc trọn về Con Chí Ái của Mẹ là Đức Giêsu. Thế mà, Đức Kitô, sau khi lên trời, Người không còn hiện diện cách thể lý nữa. Và vì thế, Đức Maria không còn thấy Con của mình trên bình diện tự nhiên. Ở đây, điều mà thánh nữ Monica, sau khi đã cảm nến được sự sống vĩnh cửu đã thốt lên: “Tôi làm gì ở đây nữa nhỉ?”[12] cũng có thể nói về Đức Maria. Hay nói như thánh Phaolô: “ao ước của tôi là ra đi để được ở cùng Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần” (Pl 1,23). Thế nhưng, chúng ta dám chắc rằng Mẹ vẫn hiện diện là để nâng đỡ cho Giáo Hội của Chúa. Mẹ như là niềm hy vọng mà Giáo Hội cậy nhờ không chỉ mỗi khi con thuyền Giáo Hội gặp phong ba bão táp mà ngay cả lúc thuận buồm xuôi gió. Vì chính Mẹ là bảo chứng cho niềm hy vọng chúng ta đặt để nơi Thiên Chúa, là dấu chứng chắc chắn của ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban xuống cho con người.

Chúng ta còn thêm điều gì nữa về Đức Maria là niềm hy vọng cho chúng ta? Đó là, Mẹ là một con đường trổi vượt, con đường tốt nhất để đến với Đức Kitô.[13] Nói cách khác, Mẹ là con đường qua đó Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô. Con đường tốt nhất theo nghĩa là con đường dễ đi hơn cả, gần gũi với thân phận hiện tại của chúng ta nhất, bởi cũng như chúng ta, Mẹ đã tiến bước trong đức tin, đức cậy và đức mến. Mẹ luôn tâm niệm trong tâm hồn: Mẹ cũng chỉ là khí cụ trong bàn tay của Thiên Chúa. Nhưng đó là một khí cụ hoàn hảo, một bảng chỉ đường đúng đắn nhất, mà mỗi chúng ta, khi tin tưởng bước theo, chắc chắn Mẹ sẽ dẫn tất cả đến cùng Đức Kitô, đến cùng Thiên Chúa, Đấng là nguyên mẫu và cùng đích của hạnh phúc tuyệt hảo.

Tổng Công Hội XXVI của Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) đã chọn câu chủ đề: “Những thừa sai của niềm hy vọng theo bước chân Chúa Cứu Thế” như là kim chỉ nam cho lục niên này. Với câu chủ đề này, Nhà Dòng mời gọi mỗi tu sĩ hãy trở nên những thừa sai niềm hy vọng cho một thế giới đầy dẫy những bất an và ngập chìm trong vô vọng. Họ phải là những chứng nhân kiên cường, bất khuất và can đảm để nói cho thế giới biết “vận mệnh cao cả của mỗi cá nhân và của toàn nhân loại rằng tất cả đều được tuyển chọn, được cứu chuộc và được quy tụ trong Đức Kitô” (HP 7). Họ phải là những thừa sai với niềm hy vọng lớn lao, hy vọng vì biết rằng Đức Kitô là trung tâm của đời sống mỗi người, hy vọng vì tin rằng Chúa luôn ở cùng; hy vọng để can đảm đối diện với những thực tại khó khăn, hy vọng để phục vụ bằng sự yêu thương và khiêm nhường. Khi nói đến những điều này, Hiến Pháp mời gọi mỗi tu sĩ,

“Hãy nhận Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc làm gương mẫu và là vị bảo trợ của mình, bởi vì Mẹ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin và đã hết lòng tuân phục ý định cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ đã hoàn toàn hiến mình cho thân thế và sự nghiệp của Con mình như một nữ tỳ của Chúa, và như thế, Mẹ đã phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc. Thật vậy, Mẹ vẫn đang phục vụ mầu nhiệm ấy, như là Đấng hằng cứu giúp của dân Thiên Chúa trong Đức Kitô. Vì thế, các tu sĩ hãy gắn bó với Mẹ như mẹ của mình với tất cả lòng yêu mến và sự tôn kính mà họ phải có như những người con” (HP 32).

Quả thực, mỗi tu sĩ khi cao rao về Mẹ Maria rất thánh, họ đang nói cho thế giới biết về một phương thế linh nghiệm mà từng người có thể chạy đến để xin Mẹ chuyển cầu, bởi Mẹ đang ở bên Chúa Con mà chuyển cầu cho nhân loại. Mặt khác, các tu sĩ DCCT cần phải trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Kitô, và vì vậy, họ đón Đức Maria về nhà mình để chính Mẹ hướng dẫn, nâng đỡ, củng cố và bảo ban. Thật thế, các tu sĩ tôn kính Đức Maria như Đấng Vô nhiễm nguyên tội, vị quan thầy chính, Đấng bảo trợ và gìn giữ sứ mạng thừa sai của Hội Dòng. Họ nhiệt thành trong việc quảng bá lòng sùng kính Đức trinh nữ Maria, vì họ biết, qua Mẹ, chúng ta chắc chắn đến được với Chúa.

Được kêu mời để trở nên những thừa sai của niềm hy vọng, các tu sĩ DCCT nỗ lực không ngừng để làm chứng cho những thực tại Nước Trời mà ngay ở đời này, chính Chúa sẽ ban cho những ai hết lòng tìm kiếm với một con tim chân thành và khiêm nhường. Hơn bao giờ hết, điều này đã được thành toàn nơi Đức trinh nữ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế. Vì vậy, mọi Kitô hữu hãy chạy đến cùng Mẹ, xin Mẹ dẫn dắt và chỉ bảo, bởi Mẹ là gương mẫu cho niềm hy vọng bất diệt vào Thiên Chúa.

 


[1] x. Raniero Cantalamesa, Đức Maria tấm gương cho Giáo Hội, Nguyễn Quốc Lâm chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2022), 26.

[2] x. Ibid., 12-13.

[3] x. Ibid., 26.

[4] Ibid., 32.

[5] Ibid., 70.

[6] Kierkegaard, L’école du Christianisme I, trích trong Đức Maria tấm gương cho Giáo Hội, 73.

[7] Augustinô, Sermon 215, trích trong Đức Maria tấm gương cho Giáo Hội, 91.

[8] Hiến chế Lumen gentium, số 58.

[9] x. H. Schlier, Der Roemerbrief, trích trong Đức Maria tấm gương cho Giáo Hội, 201.

[10] x. Ibid., 263.

[11] Augustino, Sur les Psaumers 37, trích trong Đức Maria tấm gương cho Giáo Hội 270.

[12] Augustino, Tự thuật XI, 10s.

[13] x. Ibid., 356.

Đức Maria - Mẹ của niềm hy vọng

Học viện Thánh Anphongsô