MỘT THÂN MÌNH
MÙA VỌNG – PHẦN 1
Các bằng chứng Kinh Thánh dành cho Mùa Vọng
Gioan Tẩy giả
Lời giới thiệu
Mùa Vọng là một thời điểm mạnh của Hội Thánh. Mùa Vọng,
đối với các môn đệ của Chúa Giêsu là thời chuẩn bị cho Chúa đến. Và
việc chuẩn bị đón Chúa đến này có nghĩa là nhìn vào cuộc sống mình và ao ước
làm cho đời mình khớp với Tin Mừng hơn. Nỗ lực làm cho nếp sống của ta phù
hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu này, được gọi là HOÁN CẢI.
Sống lời mời gọi hoán cải không có nghĩa là thay đổi hoàn
toàn đâu. Sống lời mời gọi hoán cải này muốn nói tới việc để cho Thiên Chúa đi
vào trong đời ta. Tôi tin rằng ta phải một cách nào đó tự giải thoát khỏi cơn
cám dỗ bảo rằng, ta phải là một người khác với mình, ta phải là mình cách sâu
xa. Nhưng “ta thế nào,” thì ta cũng phải để cho Thiên Chúa ở trong ta như thế:
ta phải để cho Thiên Chúa đi vào tính cách ta đang có; phải để cho Thiên Chúa
đi vào trong quá khứ và trong lịch sử ta đang sống. Khi Thiên Chúa đi vào trong
cuộc sống ta, dẫu có là gì đi nữa, TA VẪN TOẢ SÁNG. Nếu Thiên Chúa đi vào trong
phận hèn của tôi, tôi có thể toả sáng đấy!
Vì Mùa Vọng đang tới này, tôi xin đưa ra cho anh em bốn
bằng chứng của các nhân vật trong Kinh Thánh, những người có thể giúp ta sống
Mùa Vọng cách sốt sắng, để Chúa Giêsu đi vào trong đời ta: 1. Ông Gioan tẩy
Giả; 2. Bà Elizabeth và Zacharia; 3. Bà Anna; 4. Thánh Giuse.
1. Thánh Gioan Tẩy Giả
Khuôn mặt Mùa Vọng đầu tiên của Kinh Thánh, giúp ta sống
Mùa Vọng sốt sắng, nghĩa là, chuẩn bị ta đón Chúa đến là Gioan Tẩy Giả.
Sa mạc – việc tái khám ra ra giá trị của những gì thiết yếu cho cuộc sống.
Gioan chọn một nơi xa cách thành phố để hoạt động. Ông
chọn sa mạc. Đây là những gì thánh sử Matthêu thuật lại:
“Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa
miền Giu-đê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Ông chính là
người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy
dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Ông Gio-an mặc
áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức
ăn” (Mt
3,1–4).
Trong sa mạc, ông sống đời giản dị và khắc khổ. Tin Mừng
Mathêu nhấn mạnh sự nghèo khó của cơm ăn, áo mặc của Gioan. Sự thật là “trong
sa mạc người ta luôn tái khám phá ra giá trị của những gì thật sự thiết yếu và
thật sự cần thiết cho cuộc sống.” Sự thật này đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô
XVI nhắc cho Hội Thánh, cách đây sấp sỉ mười năm, lúc khai mạc năm đức tin[1]. Và nếu anh em còn nhớ, thì Đức Giáo Hoàng
Bênêđictô đã nói về một hiện tượng thật buồn: “Trong những thập niên qua, có
một lối sống ngày một gia tăng, một thế giới thiếu vắng Thiên Chúa. Không may,
ngay ngày hôm nay đây, ta đang thấy một sự trống rỗng vẫn đang lan tràn vì “sự
hoang hoá thiêng liêng.”
Trong sa mạc, bao giờ người ta cũng tái khám phá ra những
gì là thiết yếu cho cuộc sống. Và trong sa mạc, cách đặc biệt, bao giờ cũng có một nhu
cầu dành cho những người có đức tin, về chính cuộc sống mình, một cuộc sống
được Thiên Chúa biến đổi, họ đang chỉ cho thấy con đường hy vọng, chỉ cho thấy
Thiên Chúa.
Dường như đối với tôi, việc đưa ra những đặc tính của
thánh Gioan Tẩy Giả có thể đã là một chỉ dẫn rồi, một sự trợ giúp ta trong ước
vọng và nỗ lực làm cho đời ta phù hợp hơn với những đòi hỏi của Tin Mừng. Ta
cần tự hỏi:
* Tôi có thật sự chỉ lấy những gì cần thiết cho
cuộc sống chăng?
* Tôi đang đề nghị một nếp sống nào liên quan tới những
gì tôi đang có và những gì cộng đoàn cho phép tôi có?
* Tôi có phải là chứng nhân của một nếp sống giản dị?
1.2. Một người của Thiên Chúa đang thức tỉnh khát vọng về
Thiên Chúa nơi những người khác
Trong lịch sử của Israel, sa mạc đã trở thành nơi gặp gỡ
Thiên Chúa, nơi có sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa, ta hãy nói – (là) nơi
Thiên Chúa mặc khải. Ta chắc chắn rằng thánh Gioan khi chọn sa mạc, là ngài
chọn ở với Thiên Chúa. Sa mạc, ngay cả đối với ngài, đã thành một nơi, một kinh
nghiệm về Thiên Chúa, một sự đích thân gặp gỡ Thiên Chúa. Để làm chứng cho việc
này, ta nhắc lại bằng chứng của thánh sử Gioan. Cách chính xác trong chương 1
của Tin Mừng này, thánh Gioan Tẩy Giả thuật lại kinh nghiệm của mình về Thiên
Chúa: “Lúc đầu, tôi không biết Ngài, nhưng Ngài, Đấng sai tôi đi thanh tẩy
bằng nước đã nói với tôi: ngươi thấy Thần khí đáp xuống và đậu lại trên ai, thì
đó chính là Đấng sẽ thanh tẩy bằng Thánh Thần”. Tôi đã thấy Ngài và nay tôi làm
chứng rằng Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 3, 31 – 34).
ð Thiên Chúa đã đi vào trong cuộc đời của
Gioan
ð Thiên Chúa đã nói với Gioan
ð Thiên Chúa uỷ thác cho Gioan một sứ vụ
ð Và Thiên Chúa làm cho Gioan thành
ánh sáng và dấu hiệu cho những người khác.
Thiên Chúa làm cho Gioan thành TIẾNG NÓI của Ngài – hay
cách chính xác hơn – Gioan đã luôn sẵn sàng đối với Thiên Chúa và dâng cho Ngài
TIẾNG NÓI của mình!
Và khi trở lại với bằng chứng của Tin Mừng Matthêu, ta
thấy Gioan hoàn tất sứ vụ lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa. “Gioan
Tẩy Giả rao giảng trong sa mạc miền Giudea rằng: ‘Hãy sám hối vì
nước trời đã đến gần’” (Mt 3, 2). Gioan rao giảng bằng cách kêu gọi người
ta hoán cải và chịu thanh tẩy. Và lời giảng của Gioan là một cái gì đó rất đặc
biệt. Bài giảng của ông là:
* một lời kêu gọi thay đổi cuộc sống cách đơn giản
* kêu gọi hoán cải
* kêu gọi đoạn tuyệt với tội lỗi
Việc rao giảng của Gioan không có phép lạ kèm theo. Phép
lạ duy nhất ta thấy được đó là những đoàn người đông đảo đến với Gioan, người
ta tụ tập chung quanh ông nhờ nước sông Giođan. Gioan có thể chạm vào tim
lòng người ta. Ông thành công trong việc khơi lên nơi họ một khát vọng
về Thiên Chúa
Vì sao đám đông bị thu hút đến với Gioan? Cái gì đã thúc
đẩy họ đến với ông và xưng thú tội lỗi? Ở đây, nhắc lại chuyện ông được sinh ra hay đúng hơn
chuyện về song thân ông, Zacharia và Elizabeth có lẽ sẽ rất ích lợi. Tôi tự
hỏi, người ta đã nói gì trong căn nhà ấy, người ta đã sử dụng lời lẽ nào trong
căn nhà ấy? Chắc chắn, Zacharia và Elizabeth, những người đã cầu xin Chúa một
phép lạ để có con, phép lạ để được làm cha làm mẹ, đã nói về sự cao cả của
Thiên Chúa, về vẻ tuyệt mỹ và tốt lành của Thiên Chúa, là những thứ họ đã kinh
nghiệm được khi họ sinh con! Và khi Gioan đã trưởng thành, ông đã trốn vào sa
mạc để ở với vị Thiên Chúa tốt lành này.
Cái gì đã lôi cuốn người ta đến với Gioan trong sa mạc? Họ thấy nơi ông một tiêu chuẩn cao
về người của Thiên Chúa, một con người đang đụng chạm Thiên Chúa, một con người
mà Thiên Chúa là mọi sự đối với ông.
Tôi xin trích lại từ lời giới thiệu của Tông huấn Vita
Consecrata, của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một tài liệu mô tả đời sống
thánh hiến và sứ vụ của đời sống ấy trong Hội Thánh và thế giới hôm nay:
“Trải qua các thế kỷ, chưa bao giờ thiếu những ngưởi
nam nữ, ngoan nguỳ trước lời kêu gọi của Chúa Cha và với tác động của Thần khí
(…), đã bỏ hết mọi sự, giống như các Tông đồ, để ở với Chúa Giêsu và giống như
Chúa Giêsu, hiến mình phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình”. “Thật vậy, bậc tu
trì […] luôn thể hiện việc đề cao Nước Thiên Chúa hơn tất cả mọi sự thuộc trần
thế” (VC, số 20).
“Điều ta cần, trước hết, vào lúc này trong lịch sử, là
những con người, nhờ một đức tin được khai sáng và được sống làm Thiên Chúa trở
thành có thể tin được trong thế giới hôm nay. Các chứng tá tiêu cực của các
Kitô hữu, những người nói về Thiên Chúa nhưng lại sống một nếp sống chống lại
Ngài, đang che khuất hình ảnh của Thiên Chúa và đang mở cửa cho sự bất tín. Ta
cần những con người luôn nhìn thẳng vào Thiên Chúa, để từ đó, học được bản tính
con người đích thật (…) Chỉ nhờ những người, được Thiên Chúa đụng tới, Thiên
Chúa mới có thể quay trở lại với con người”[2].
Ở đây, tôi có thể đưa ra câu hỏi thứ hai liên quan tới
ước vọng muốn làm cho nếp sống của ta phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu hơn.
ð Trong tôi, trong những chọn lựa của
tôi, trong nếp sống của tôi, anh em tôi và những người gặp gỡ tôi, có thể gặp
được một người, một tu sĩ, một người anh em đang gặp gỡ Chúa, một người luôn
thể hiện sự gần gũi Thiên Chúa và sự tốt lành của Ngài, một người cứu thế có
Thiên Chúa là mọi sự đối với mình không?
ð Tương quan của tôi, trong việc liên kết
với Thiên Chúa, có thức tỉnh nơi họ một khát vọng Thiên Chúa chăng?
1.3. Hai lời kêu gọi khẩn thiết đặc biệt[3]
Thánh sử Luca đề cập tới những lời kêu gọi khẩn thiết đặc
biệt của lời giảng của Gioan, những chỉ dẫn cụ thể mà ta có thể dùng cho việc
hoán cải cá nhân vào Mùa Vọng. Thánh Luca viết: “Có tiếng người hô trong
hoang địa: Hãy dọn đường cho Chúa, hãy làm cho thẳng các con đường của Ngài!
Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy, mọi núi đồi hãy bạt xuống; những đường quanh co
sẽ uốn cho ngay, và những con đường không thể qua lại được, hãy làm cho phẳng”
(Lc 3,4–5).
a) “hãy làm cho những con đường thật thẳng” – thực hành
việc là những người giản dị
Điều đầu tiên thánh Gioan nói là để dọn đường cho Chúa ta
phải “làm cho các con đường thật thẳng.” Những người có đời sống thiêng liêng
sâu sắc thường có khuynh hướng giản dị, có khuynh hướng giản dị hoá những thứ
phức tạp.
Ta tìm được ví dụ về một người phức tạp gặp Chúa Giêsu
trong Tin Mừng Gioan (5,1–9). Lần kia, Chúa Giêsu đi tới một vùng tại
Giêrusalem nơi có hồ nước gọi là Bethsaida. Người Do Thái tin rằng khi nước
động, thì chỉ người đầu tiên bước xuống nước mới được ơn chữa lành. Vì thế mà,
chung quanh hồ có rất nhiều người bệnh, đây là những người phải mau chân, để
thành người đầu tiên xuống nước khi thiên thần khuấy nước. Chúa Giêsu đến gần
một người bệnh đặc biệt, người này bị mắc kẹt, bại liệt suốt 38 năm. Chúa Giêsu
đến gần người ấy và hỏi một câu đơn giản. Ngài hỏi ông: “Ông có muốn được
chữa lành không?”
Câu trả lời đơn giản đối với câu hỏi này là “có.” Thay
vào đó, người ấy đã không trả lời như thế. Ông nói: “Chẳng ai bế tôi lên; chẳng
ai dìm tôi xuống hồ khi nước động; có người khác đã xuống trước tôi.” Thay vì
trả lời cách đơn giản “có, tôi muốn được lành,” ông ta lại kết án những người
khác. Ông bắt đầu đổ trách nhiệm cho hết người này đến người khác, ông bắt đầu
phân tích hoàn cảnh. Đây là ví dụ về một người phức tạp. Người này trước hết
phải khôi phục TÍNH ĐƠN GIẢN. Chúa Giêsu trước hết đã thay đổi cách lập luận
của ông, ông phải làm cho tâm hồn thành đơn sơ. Chúa chữa lành ông mà không cần
để ông xuống nước.
Gioan Tẩy Giả đang cho ta một chỉ thị cụ thể đầu tiên để
dọn đường cho Chúa, để tiếp đón Chúa Giêsu. Việc đầu tiên ta phải làm là cố
gắng là một người giản dị. Con đường của sự giản dị, làm cho lòng ta trống
rỗng, và chuẩn bị cho ta có thể đón tiếp Chúa.
Phải phục hồi sự giản dị này thế nào? Ta có những anh em
bên cạnh, các mối tương quan này là những nơi ta có thể cải thiện đời sống
thiêng liêng. Nếu có thể làm việc này với những anh em ta có bên cạnh mình –
Chúa có thể đến. Nhưng nếu ta không làm, Chúa có thể không tới, đó là điều quá
phức tạp, một trạng thái rắc rối.
b) “Mọi núi đồi phải bạt xuống” = hạ thấp tính kiêu căng
Gioan cũng đưa ra lời kêu gọi “bạt hết các núi đồi.” Núi
đồi ông nói tới ở đây là gì? Đời sống thiêng liêng của ta có một tên đặc biệt
dành cho các núi đồi này: ông gọi là “lòng kiêu hãnh.” Và lòng kiêu hãnh là gì?
Lòng kiêu hãnh chính là “cái tôi” của ta, luôn lấp đầy mọi sự. Lòng kiêu hãnh
ấy lấp đầy mọi sự đến mức không còn chỗ cho Chúa Giêsu. Nếu anh em muốn để cho
Chúa Giêsu vào, anh em phải làm cho “cái tôi” của mình nhỏ lại, làm cho lòng
kiêu hãnh bé đi. Và lòng kiêu hãnh ấy không muốn buông bỏ, không muốn từ bỏ bất
cứ cái gì đã gắn bó với ta.
Trong Cựu Ước có câu truyện đặc biệt của ông Naaman, một
vị tướng vĩ đại và nổi tiếng người Aram. Ông đang có kinh nghiệm về một thứ
xung đột bởi ông mang binh giáp hào nhoáng, một sự nổi tiếng mọi người nhìn
nhận, nhưng ông lại bị cùi. Bên dưới binh giáp ấy là một thân xác bệnh hoạn.
Ngôn sứ Elisa cho ông Naaman một bài học về sự hoán cải. Elisa không ra khỏi
nhà khi vị tướng này tới, nhưng sai một trong các đầy tớ ra nói với ông: “Hãy
xuống sông Giodan, tắm bảy lần rồi ông sẽ được lành và trở về quê hương.” Bị
sỉ nhục thế, ông quyết định ra về. Nhưng một trong các đầy tớ của ông bàn luận
với ông, nói: “Nhưng nếu vị ngôn sứ có đòi cha làm một việc anh hùng, cha có
làm không? Chắc chắn làm! Cha có mất gì khi làm một việc đơn giản này không?”
Người đầy tớ ấy xin Naaman khiêm tốn. Naaman phải cởi bỏ binh giáp để bước
xuống nước. Ta đang có cử chỉ của Chúa Giêsu đấy, kenosis của
Chúa, cởi bỏ quần áo, khiêm tốn. Da thịt của vị tướng ấy trở nên y như da thịt
của trẻ em.
Không khiêm tốn, ta không thể chấp nhận Chúa Giêsu được.
Và sự khiêm tốn thật là để mình bị lột sạch. Để mình bị lột có lúc
là do người khác, có lúc do hoàn cảnh ta đang kinh nghiệm. Sự khiêm tốn thật là
học cho biết chịu thua, chịu nhường. Khiêm tốn là chấp nhận mọi sự như
thể do từ bàn tay Thiên Chúa đến!
ð Có ngày anh em được yêu thương nhiều, tốt
ð Có ngày anh em bị hiểu lầm, anh em cũng hãy
đón nhận
ð Có ngày anh em chịu thử thách, hãy đón nhận
thử thách ấy
ð Lần khác, anh em được an ủi, hãy đón nhận sự
an ủi đó
Con đường của ta phải là con đường không muốn kiểm soát
mọi sự, vì đó là kiêu ngạo. Đặc tính quan trọng nhất của khiêm tốn là hàng phục
Chúa, là phó thác bản thân cho Ngài: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn thế, thì con cũng
muốn thế!
Gioan Tẩy Giả, khuôn mặt đầu tiên của Kinh Thánh giúp ta
sống giai đoạn này của Mùa Vọng sốt sắng, đó là chuẩn bị cho ta chờ mong Chúa
đến, khi đề nghị cho ta cách cụ thể:
(1) Tái khám phá ra giá trị của những gì là thiết yếu cho
cuộc sống
(2) Là một tu sĩ không ngừng gặp gỡ Thiên Chúa
(3) Học cách thực hành việc là người giản dị
(4) Giảm bớt tính kiêu ngạo bằng cách chấp nhận cuộc sống
cách khiêm tốn hơn
(5) Chấp nhận mọi sự như từ tay Thiên Chúa đến.
Lm. Krzysztof Bielinski, C.Ss.R.
Học viện Anphongsô tại Rôma
Bản gốc bằng tiếng Ý – Được chuyển qua tiếng Anh bởi: Lm.
Joseph Ivel Mendanha, C.Ss.R
Chuyển ngữ tiếng Việt: Lm. Đaminh Nguyễn Đức
Thông,C.Ss.R.
[1] Bắt đầu vào ngày 11. 10. 2012, nhân kỷ
niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II và kết thúc vào ngày Lễ Trọng kính
Đức Giêsu Kitô là Vua Vũ trụ, ngày 24.11.2013.
[2] J. RATZINGER/BENEDICTO XVI, “Europe in
Crisis of Cultures’, trong P. Azzaro – C. Granados (eds.), The True Europe,
Identity amd Mission, 235 – 47, ở đây, 245 – 247.
[3] Ở đây, tôi thường sử dụng bài thuyết
trình của DON LUIGI MARIA EPICOCO, “Prepare the way of the Lord, straighten his
Paths”, St Pius Peruggia Church, 3. 12. 2022, trong https:/ / www.
Youtube.com/watch v=của_82HxQhytc&themeRefresh= 1.
Nguồn: dcctvn.org