Thánh Cả Giuse - Đấng gìn giữ Gia Thất

 

Cả cuộc đời thánh Giuse là một lời đáp trả tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, cách riêng là qua việc gìn giữ Gia Thất, bảo vệ chở che Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

 

“Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là Mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16).

Ngay từ khởi đầu của Tin Mừng, thánh sử Mátthêu đã cho chúng ta thấy được vị trí và tầm quan trọng của thánh cả Giuse, hôn phu của Đức Maria, cha của Chúa Giêsu và là chủ Thánh Gia. Cả cuộc đời thánh Giuse là một lời đáp trả tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, cách riêng là qua việc gìn giữ Gia Thất, bảo vệ chở che Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Vậy đâu là những điểm đặc biệt mà chúng ta có thể nhận thấy nơi thánh Giuse với tư cách là Đấng gìn giữ Gia Thất? Đó là sự công chính, sự thanh sạch và sự thinh lặng của Ngài.

Thánh cả Giuse – Người Công Chính

“Công chính” đó là tính ngữ được quy cho thánh cả Giuse trong Tin Mừng và đó cũng là nét độc đáo trong nhân cách của Ngài[1]“Ông Giuse, chồng bà Maria, Mẹ Đức Giêsu Kitô, là người công chính” (x. Mt 1,18-21). Trong Cựu Ước, “công chính” là phẩm chất chỉ những người làm điều thiện, những người đạo đức, thánh thiện và luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa khi thực hiện ý muốn của Người, nhất là qua việc tuân giữ lề luật của Thiên Chúa. Thế nhưng, “sự công chính” của thánh Giuse lại không nằm ở việc thực thi những qui định của lề luật mà nằm trong sự tôn trọng sâu xa hơn, đó là sự chính trực vượt quá những đòi hỏi bề ngoài của lề luật. Hay có thể nói, đối với thánh Giuse, lề luật không bao giờ là một lý do để hạn chế tình yêu và đóng khung nó trong một vài biểu hiện bên ngoài mà đó là một lời mời gọi phó thác cho Chúa từ nơi thâm sâu của tâm hồn mình và thừa nhận phẩm giá của người khác.[2] Đó là lý do mà thánh Giuse, người công chính, đã không tố giác vị hôn thê của ngài là Đức Maria mặc cho lề luật cho phép, mặc cho những dấu chỉ bên ngoài. Vì thánh Giuse, với một lương tâm tinh tế, thì hẳn là Người biết Đức Maria hoàn toàn vô tội. Thánh nhân không nhận về cho mình những gì không thuộc về mình và, ngài tôn trọng mầu nhiệm Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Maria (x. Mt 1,18-25). Đó là sự công chính của thánh Giuse trước lề luật, sự công chính đã gìn giữ Chúa Giêsu và Đức Maria trước cái chết minh nhiên của lề luật.

Thế nhưng, sự công chính của ngài không chỉ có thế, nó còn là một sự trung thành tuyệt đối. Lòng trung thành của một con người không bao giờ đánh lừa người khác, không bao giờ đánh lừa Thiên Chúa trong suy nghĩ, lời nói cũng như hành động của mình. Vì là một con người công chính, thánh Giuse không bao giờ muốn lôi kéo sự chú ý của người khác về phía mình. Chính vì thế, nhân đức của ngài chẳng có ai thực sự biết đến ngoại trừ Đức Maria và Chúa Giêsu. Thế nhưng, cũng vì lẽ đó mà ngài có thể bảo vệ, chở che Gia Thất bằng cả con người của ngài, bằng tất cả những khả năng và yếu đuối của ngài, hay có thể nói, bằng tất cả những gì ngài là. Nói tóm gọn, thánh Giuse thế nào thì ngài muốn khi ra trước mặt Thiên Chúa cũng y như vậy.

Chúng ta có thể khẳng định giá trị đích thực của một con người chỉ đáng kể dưới cái nhìn yêu mến của Thiên Chúa.[3] Như thế, chẳng còn điều gì làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn so với việc thánh cả Giuse gìn giữ, bảo vệ và chở che Đức Maria và Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa. Và như vậy, sự công chính đó của thánh Giuse thực sự có giá trị cao cả vì nó được đặt dưới cái nhìn yêu mến của Thiên Chúa qua Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

Thánh cả Giuse- con người với tâm hồn thanh sạch

Sự công chính của thánh Giuse không phải tự nhiên mà có mà bởi vì sự công chính ấy đã được ngài nuôi dưỡng bằng chính tâm hồn của ngài, một tâm hồn hoàn toàn thanh sạch – một tâm hồn không có những rắc rối phức tạp do lòng tự ái gây nên, không có bất kỳ một mưu mô lệch lạc nào. Hay có thể nói, tâm hồn ngài đầy trong sáng và ngay chính. Chính vì thế mà ngài luôn sống trong tình thân mật với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, hằng che chở và gìn giữa gia đình của mình. Sự thanh khiết của thánh Giuse, không chỉ là một sự khiết tịnh thông thường mà nó là một ân sủng. Ân sủng đặc biệt đã được ban cho thánh Giuse để ngài có thể có một sự thanh khiết hoàn toàn trong tâm hồn và trong cách cư xử trước Đức Trinh Nữ Maria, một tâm hồn cũng được thánh hiến cách mầu nhiệm cho Thiên Chúa. Một sự kết hợp đồng trinh và dưới ân sủng của Thiên Chúa, sự kết hợp này được xem như một biểu hiện cao cả nhất của tình yêu trong hôn nhân. Chính vì thế, khi thiên thần yêu cầu thánh Giuse đưa Đức Maria về nhà như là vị hôn thê, ngài đã nhận ra cách chắc chắn rằng sự kết hợp thanh khiết này là thánh ý của Thiên Chúa. Đồng thời, ngài cũng ý thức được rằng, sự trinh khiết của Đức Maria đã được trao phó cho ngài và – với tư cách là Đấng gìn giữ Gia Thất, ngài phải bảo vệ sự trinh khiết này.[4] Tuy nhiên, khía cạnh đáng khâm phục nhất của sự kết hợp trinh khiết của thánh Giuse và Đức Maria là tính cách phong phú của nó. Sự khiết tịnh của thánh Giuse đã hợp pháp hóa tư cách làm cha đẹp đẽ nhất bằng ân sủng của Thiên Chúa. Nhờ đời sống khiết tịnh, trái tim thánh Giuse có thể trao ban tình phụ tử thanh sạch hơn cho Đức Giêsu Kitô – là sự thánh thiện tinh tuyền. Không những thế, chính sự thanh sạch của ngài mà tình yêu người chồng và tình yêu của một người cha đã được nâng cao lên với sự cao thượng và vô vị lợi hơn. Bằng tình phụ tử, thánh Giuse chứng tỏ rằng bất cứ sự hy sinh từ tâm hồn nào cũng đều nhận được từ Thiên Chúa một sự phong phú cao cả hơn, và những người biết từ bỏ để phó thác trọn vẹn hơn cho Chúa thì họ sẽ thu được một kết quả có giá trị hơn. Thánh Giuse cũng chứng thực rằng một tâm hồn càng trong trắng, thì càng có được một tình phụ tử đích thực, giống với tình yêu của Chúa Cha hơn.[5] Đó là sự thanh sạch của thánh cả Giuse, sự thanh sạch đã giúp ngài gìn giữ, bảo vệ và chở che Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Thánh cả Giuse – con người của thinh lặng

Điều mà mỗi người chúng ta có thể nhận ra về thánh Giuse trong Tin Mừng, không chỉ vì ngài là một người công chính, một con người với một tâm hồn thanh sạch mà còn là một con người của sự thinh lặng. Với Đức Maria, chúng ta có thể thấy được một vài lời ngắn ngủi và mang đầy ý nghĩa, nhưng còn thánh Giuse thì hoàn toàn khác, như thể ngài tự xóa bỏ mình bằng cách thinh lặng. Thế nhưng, chính trong sự thinh lặng này mà ngài đã hành động: bảo vệ và gìn giữ Mẹ Maria và Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa. Sự thinh lặng đầy niềm tin này đã giúp thánh Giuse bảo vệ sự uy tín của Đức Trinh Nữ Maria và đón nhận mặc khải việc thụ thai huyền nhiệm của Chúa Giêsu cũng như lời mời gọi trở nên người cha của Người. Có thể nói, thánh Giuse không cần thuyết phục người khác bằng lời nói mà chính cách cư xử đầy tình yêu thương của ngài đã chứng minh tất cả. Chính trong sự thinh lặng này, thánh cả đã tham dự vào biến cố ở Bêlem, khi Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh, thánh Giuse đã làm mọi việc có thể trong thinh lặng để cho Hài Nhi Giêsu có được một nơi để cất tiếng khóc chào đời. Thánh Giuse đã tiếp nhận con trẻ trong sự thinh lặng, để chiêm ngắm Chúa Hài Đồng một cách say mê. Hay có thể nói, ngài đã để niềm vui và sự biết ơn của ngài hướng lên Thiên Chúa trong sự tôn kính thầm kín. Sự thinh lặng của thánh cả chính là bài ca tụng dâng lên và làm đẹp lòng Thiên Chúa.[6] Thế nhưng, sự thinh lặng của thánh Giuse không chỉ dừng lại nơi biến cố Giáng Sinh mà còn tiếp tục diễn ra trong suốt cả cuộc đời ngài với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Thinh lặng nhưng đầy năng động và nhạy bén, đó là những từ được dùng để nói về biến cố thánh Giuse đưa Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13-18). Ngay khi vừa nghe thiên sứ báo tin rằng vua Hêrôđê sẽ tìm giết Hài Nhi, thánh Giuse đã không nói một lời nào mà ngay tức thì trỗi dậy, ngay trong đêm, đưa Chúa Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai Cập. Trước đó, khi ngài cùng với Đức Maria dâng Chúa Giêsu Hài Đồng vào Đền thờ, ngài cũng thinh lặng – sự thinh lặng nặng trĩu nỗi khổ đau ẩn chứa trong lời tiên tri của ông Simêon, thánh Giuse thinh lặng vì ngài muốn để cho lời tiên tri này thấm nhập vào lòng, lưu giữ âm vang của nó như là cử chỉ dâng hiến mà ngài phải thực hiện cùng với con của ngài,[7] và cách nào đó cũng nói lên rằng ngài cũng sẽ phải dùng cả cuộc đời mình để bảo vệ Hài Nhi và Mẹ Maria, hầu công trình cứu chuộc được diễn ra như thánh ý Chúa định. Sau này, khi tìm gặp lại Chúa Giêsu ở Đền thờ, sau khi thất lạc ba ngày, ngài vẫn thinh lặng không một lời than phiền, thậm chí là tràn đầy niềm vui, niềm vui vì tìm được Chúa Giêsu – nguồn hạnh phúc của Gia Thất (x. Lc 2,41-50). Còn trong suốt cuộc đời tại Nadarét, sự thinh lặng của thánh cả Giuse đã giúp cho cuộc đời ẩn dật của Gia Thất được hòa hợp và triển nở trong thánh ý Chúa và Chúa Giêsu chính là bằng chứng xác thực nhất cho những gì thánh Giuse đã làm: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).

Nói tóm lại, thánh cả Giuse, với tất cả nhân đức và ân sủng mà Chúa thương ban, đã gìn giữ Gia Thất bằng cả con người của ngài. Có thể nói, nếu không có thánh Giuse – Đấng gìn giữ Gia Thất, thì công trình cứu độ của Thiên Chúa đã không thể hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô. Cũng chính vì lẽ đó, tất cả chúng ta – những tu sĩ thừa sai DCCT – cũng được mời gọi nơi gương thánh cả Giuse trong việc gìn giữ Thánh Gia, không chỉ bằng một đời sống công chính, thanh khiết và thinh lặng nhưng còn bằng một đời sống thấm đượm “Tình gia thất”. Vì “Gia Thất” không chỉ có Chúa Giêsu và Mẹ Maria mà thôi, nhưng còn bao gồm tất cả mọi người trong Hội Thánh, trong nhà Dòng và trong xã hội, cách riêng là những người nghèo khổ, tất bạt và bị bỏ rơi nhất mà DCCT luôn hướng tới.

Lời kinh nguyện mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đọc lên trong năm mừng kính thánh Giuse là một lời kết tuyệt đẹp cho chân dung thánh cả Giuse – Đấng gìn giữ Gia Thất.

“Lạy thánh cả Giuse là Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế, là bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria. Thiên Chúa đã trao Con Một của Người cho ngài. Mẹ Maria đã tin tưởng vào ngài và Chúa Kitô đã tiến tơi sự trưởng thành dưới sự chăm sóc của ngài. Lạy thánh Giuse diễm phúc, xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời. Xin chuyển cầu cho chúng con ân sủng, lòng thương xót, đức can đảm và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen”.  

Joseph Hoàng Việt


1 x. Jean Galot, Thần học thánh Giuse, Thiên Hựu và Kim Ngân chuyển ngữ (TP. HCM: NXB. Phương Đông, 2006), 109.

2 x. Ibid., 110-111.

3 x. Ibid., 112.

4 Ibid., 140.

5 Ibid., 142-144.

6 Ibid., 128.

7 Ibid., 129.

Thánh Cả Giuse - Đấng gìn giữ Gia Thất

Học viện Thánh Anphongsô