Chân phúc Phêrô Donders - Tông đồ của những người phong cùi

 

Thánh Anphongsô lập Dòng Chúa Cứu Thế với mục đích là theo gương Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế bằng cách rao giảng Lời Chúa cho người nghèo, như chính Ngài đã tuyên bố về mình; Người đã sai tôi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Dòng thi hành sứ vụ ấy với lòng nhiệt thành thừa sai nhằm đáp ứng những nhu cầu mục vụ khẩn thiết cho những người bị bỏ rơi hơn cả, đặc biệt là những người nghèo, bằng cách hiến mình hoàn toàn cho việc loan báo Tin Mừng. Hôm nay DCCT trên toàn Thế giới mừng kính Chân Phúc Phêrô Donders, đây là dịp ta tạ ơn Chúa đã ban cho dòng thánh chúng ta vị chứng nhân trung thành trong đời sống sứ vụ của mình. Được chiêm ngắm lại hình ảnh người anh em đã đi trước chúng ta và đã thi hành trọn vẹn đời sống tông đồ của mình: là hiến mình 1 cách đặc biệt cho Thiên Chúa và cho hoạt vụ thừa sai. Bên cạnh đó, chúng ta được mời gọi duyệt xét lại đời sống của chúng ta với mục đích cũng như sứ vụ mà ta đang thi hành.

Cuộc đời nhiệt thành của Chân phúc Phêrô Donders là niềm tự hào và vinh dự của mỗi tu sĩ DCCT, nhưng cũng là bài học sống động về tinh thần xả thân phục vụ người nghèo, đặc biệt là những người bị bỏ rơi nhất trong xã hội. Cha Donders đã dấn thân phục vụ người cùi, người nô lệ, người da đen, da đỏ. Họ là người nghèo của Chúa Kitô, những người con yếu đuối, bé bỏng và thiệt thòi, nhưng lại chiếm một tình yêu sâu đậm nhất trong tim Chúa. Cha đã mang đến cho họ tình thương của người mục tử và hơn hết là niềm vui được nghe loan báo Tin Mừng, được hưởng ơn cứu độ. Cha đã bước theo Chúa, đã sống nghèo và chết nghèo bên những người nghèo của nước Trời. Chân thành, trung thành và nhiệt thành, là những từ nói lên đời sống đơn sơ của vị tu sĩ thừa sai Phêrô Donders

Phêrô Donders sinh tại Hà Lan năm 1809 trong một gia đình nghèo. Từ nhỏ đã mơ ước được làm linh mục của Chúa, nhưng đến năm 12 tuổi phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình và sức khỏe yếu. Nhưng cậu luôn ký thác hoài bão làm linh mục vào tay Chúa Quan Phòng và kiên tâm cầu nguyện.

Dù đã 22 tuổi, nhưng sức khỏe vẫn yếu. 5 lần bị đánh trượt đi nghĩa vụ quân sự, cậu nhận được phiếu chứng nhận: miễn vĩnh viễn phận sự quân dịch. Tưởng chừng như Donders chẳng còn hy vọng gì, tương lại đạo – đời mù mịt, thì từ đây đời tu của cậu lại bắt đầu nhóm lửa.

Năm 23 tuổi, được nhận vào tiểu chủng viện, với công việc lao công. Chẳng phải vì quý mến gì mà cha giám đốc TCV nhận cậu vào, nhưng là vì lúc đó công nhân làm việc tại TCV bị gọi đi phục vụ quân dịch, TCV thiếu người, nên cậu được nhận, với danh xưng “chủng sinh lao công”. Tuổi 23, học chung với các chú đệ tử bị chê là ông già, bị trêu chọc, châm biếm, khinh chê của các em, nhưng Donders luôn ngước mắt lên Chúa và Mẹ Maria phó dâng mọi buồn tủi và nài xin ơn trung thành.

Xưa kia thánh Tôma Aquinô được các bạn gọi là con bò câm, thì nay Donders cũng có biệt danh là Con Vịt cồ. Nhưng đâu ai biết rằng, chú vịt này sẽ bay cao, bay xa đến nỗi ai ai cũng phải nể phục.

26 tuổi, cậu Phêrô hoàn tất chương trình TCV, đang băn khoăn không biết kiếm đâu ra tiền để lo học phí cho chương trình Đại Chủng Viện, thì chính trong thời gian này, chú nảy ra ý muốn làm 1 tu sĩ thừa sai và mong muốn đi truyền giáo tại Mĩ Châu. Phêrô đến gõ cữa dòng Tên thì bị kêu là già quá, đến Tập viện DCCT bị từ chối vì học kém. Đến dòng Phanxicô thuật lại 2 sự việc trên thì được trả lời: cứ về chờ đến năm sau. Thế nhưng, chờ mãi chẳng thấy gọi!

Nhưng Thiên Chúa có chương trình riêng của Ngài nơi tôi tớ Donders. Năm 1839, 1 giám mục thừa sai từ Surinam về tuyển mộ chủng sinh tình nguyện đi truyền giáo. Ai ai cũng hoan hô, tưng bừng ủng hộ nhưng chỉ duy nhất 1 mình thầy Phêrô tình nguyện đi. 3 năm sau cuộc gặp gỡ, thầy được phong chức linh mục và lên đường đi Nam Mĩ, với tuổi 32.

Đức cha giáo phận chào đón vị tân linh mục và trao cho cha cánh đồng rộng 140 ngàn cây số vuông, gấp 4 lần đất nước Hà Lan với núi non, sông nòi chằng chịt, thổ dân da đen, da đỏ đủ cả, gồm 46.000 nô lệ da đen có khai báo, trong khi chưa kể đến vô số đang trốn chui trốn lủi nơi rừng núi âm u. Và tất nhiên, cũng còn chưa tính đến vô số người cùi. Tính ra tân linh mục này coi giáo xứ gần 140 ngàn dân. Thế nhưng cha không bỏ cuộc, cha vẫn hăng say phục vụ những con chiên mà Chúa giao phó cho mình. Cả chiên lành lẫn “chiên ghẻ”, mà ghẻ chiếm đa số.

Năm 1863, Hà Lan ký sắc lệnh trả quyền tự do cho hơn 30 nghìn nô lệ tại Surinam. Quyết định này đi kèm với quyền tự do tín ngưỡng, như vậy cánh đồng truyền giáo được mở rộng. Ðể đáp ứng nhu cầu mục vụ khẩn cấp trước mắt và đảm bảo việc truyền giáo cho tương lai, Tòa Thánh muốn ủy thác toàn bộ công việc thừa sai này cho một Dòng tu. Và Dòng Chúa Cứu Thế được Rôma chọn đảm đương công việc này.

Năm 1866, Ðức giám mục Swinkels, tu sĩ DCCT, vừa được tấn phong, cùng với ba tu sĩ của Dòng đặt chân đến Surinam. Một tháng sau, Cha Donders đến thăm các Cha Dòng và trình bày được trở thành tu sĩ DCCT, một ước mơ Ngài đã ôm ấp từ ngày còn là một đại chủng sinh. Cha được Cha Bề Trên mời lưu lại và sau đó được ngài chấp thuận cho vào Dòng. Không quên rằng cách đây 30 năm trước, Thầy Donders đã bị chúng ta từ chối!

Một năm sau, hai tập sinh Linh mục là Phêrô Donders và 1 người bạn của cha chính thức tuyên khấn trở nên tu sĩ DCCT. Cha vui mừng viết lại: “Ðã 58 tuổi đầu rồi mà lại được làm tu sĩ của Dòng, thật vui sướng biết bao”. Khấn xong, Cha Donders trở về lại trại cùi, trở về với những anh chị em yêu mến nhất của Ngài trong Chúa. Vị “Tông đồ người cùi” tiếp tục phục vụ đàn chiên nghèo của Chúa suốt 16 năm, từ năm 1867-1883. Năm 1884 cha được gọi về nhà dòng vì đã 74 tuổi đời, nhưng ít tháng sau ta lại thấy những dấu chân quen thuộc của cụ già Donders tại trại phong cùi Batavia.

Cuối năm 1886, cha giảng bài cuối cùng và nói: “Hãy nhẫn nại. Tôi sẽ chết vào ngày thứ sáu, lúc 3 giờ chiều”. Quả thật, thứ sáu 14-01-1887, lúc 3 giờ chiều, cha tắt thở. Đám tang thật đặc biệt và cảm động, theo sau quan tài là một đoàn con đau khổ, què quặt, đui mù, da đen, da đỏ, da vàng, da trắng đủ cả, lê bằng đầu gối thật nặng nề và chua xót để đưa tiễn vị tông đồ của Chúa. Cuộc đời vị “tông đồ người cùi” kết thúc sau 78 năm trên dương thế.

Cả cuộc đời dài của cha tưởng chừng như chẳng có mấy thành công, nhưng sự thành công nơi cha là đã luôn trung thành với sứ mạng của mình. Cha đã trung thành với Nhà Dòng, trung thành phục vụ anh chị em nghèo khổ nhất trong xã hội, với 26 năm sứ vụ Linh mục triều, 20 năm trong sứ mạng tu sĩ thừa sai DCCT. Lạy cha thánh Phêrô Donders, xin cho mỗi chúng con là những tu sĩ thừa sai cũng biết luôn trung thành với sứ mạng của mình, hăng say, nhiệt thành trong việc làm vinh danh Chúa và lợi ích cho các linh hồn. Amen.

Hùng Vĩ


Chân Phúc Phêrô Donders - Tông đồ của những người phong cùi

Học viện Thánh Anphongsô