Peter
Phạm Sinh
Thiên Chúa là tình yêu và
Ngài luôn trung tín trong tình yêu của Ngài (x. 2Tm 2,11-13). Vì yêu, Ngài đã
tạo dựng muôn loài và cho con người quản lý công trình Ngài sáng tạo (x. St
2,15), nhưng con người lại bất trung, phản nghịch lại với tình yêu của Thiên
Chúa (x. St 3,6-7). Dẫu thế, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương nhân loại. Quả
thật, trong suốt chiều dài lịch sử Cứu Độ, Thiên Chúa luôn trung thành với tình
yêu của Người. Và đỉnh cao của tình yêu đó chính là việc Người đã trao ban
chính Con Một để cứu độ nhân loại (x. Ga 3,16-17). Con Một Thiên Chúa là Chúa
Giêsu Kitô đã chịu chết để cứu độ nhân loại ngay khi họ còn là tội nhân, còn
thù nghịch với Người (x. Rm 5,6-11). Và khi được dìm vào trong cái chết của
Người, chúng ta cũng được mai táng với Người. Cũng như Chúa Giêsu Kitô đã được
sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha thì chúng ta cũng
được sống một đời sống mới nhờ sự chết và phục sinh vinh hiển của Người (x. Rm
6,4-5). Vì vậy, chính sự chết và sống lại của Chúa Giêsu là niềm vui và niềm hy
vọng của chúng ta. Để từ nay, những người tin vào Chúa Giêsu Kitô sẽ trở nên
công chính (x. Rm 3,22). Vậy chúng ta phải sống niềm hy vọng ấy như thế nào?
Với tâm tình và thái độ nào?
Sống trong niềm hy vọng
là sống niềm vui của sự biến đổi
Sau khi kết thúc năm Tập
viện với muôn ơn lành của Chúa, bản thân tôi đã nhận ra được niềm vui và hy
vọng Chúa ban cho tôi. Tôi hiểu rằng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.
Người đã yêu thương tôi từ thuở đời đời. Ngay khi tôi còn là tội nhân, sống xa
lìa tình thương của Người thì Chúa vẫn trung tín trong tình yêu của Người nơi
Đức Giêsu Kitô (x. Rm 5,6-11). Khi tôi còn mải mê với những tính toán cá nhân
và một lối sống chỉ quy về mình thì Chúa vẫn luôn yêu thương tôi và gọi tôi để
tôi được bước vào mối tương quan thân tình với Người. Khi nghiêm túc nhìn lại
hành trình cuộc đời của tôi dưới ánh sáng của Lời Chúa, tôi nhận ra rằng: Thiên
Chúa đã luôn yêu thương, quan phòng và đồng hành cùng tôi như một người cha,
người mẹ. Người luôn ân cần che chở và bao bọc tôi như Lời Chúa phán trong sách
ngôn sứ Hôsê rằng: “Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo
chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má” (Hs
11,4).
Cách cụ thể, tôi nhận ra
được sự hiện diện của Chúa ngang qua những điều tốt đẹp mà Người đã thực hiện
trong đời tôi. Tôi biết rằng Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời tôi, giống như
ĐTC Phanxicô đã nói: “Chúa Giêsu ở trong con, Người ở với con và không bao giờ
bỏ rơi con. Dù con có rời xa Người, Đấng Phục sinh vẫn ở bên con. Người kêu gọi
con và chờ đợi con bắt đầu lại.”[1] Quả thật, từ khi được làm dày thêm và
xác tín hơn về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục sinh thì cuộc đời tôi có một khởi
đầu mới. Đó là khởi đầu của sự hoán cải và biến đổi tâm hồn. Từ khi nhận ra có
Chúa trong cuộc đời, tôi được cứu thoát khỏi sự u mê, lầm lạc của chính tôi
trước đây. Chính sự tăm tối bên trong của con người tôi mà trong một thời gian
dài, tôi sống hờ hững với tình yêu của Thiên Chúa dành cho tôi. Tuy mang danh
là Kitô hữu, nhưng tương quan giữa tôi với Chúa rất hời hợt và mong manh. Tôi
đã đến với Chúa như một thói quen và chỉ cố gắng không phạm luật. Nhưng ngay cả
điều đó, tôi cũng ít khi chu toàn. Dẫu thế, tôi vẫn xác tín rằng Thiên Chúa
luôn yêu thương, quan phòng và giúp tôi biến đổi nhờ tình yêu của Người. Thiên
Chúa đã dành cho tôi một hồng phúc lớn lao là được ở gần bên Chúa hơn trong năm
Tập Viện này. Trong năm hồng phúc này, tôi cũng được Chúa huấn luyện khi được
gần bên Chúa như các môn đệ xưa kia. Thật vậy, tôi được Chúa điều chỉnh những
bất tương hợp, những tinh thần xấu của cái tôi và hướng đến tinh thần tốt, tinh
thần của Thần Khí Thiên Chúa. Từ một người sống quy về mình, ích kỉ và thiếu
quan tâm đến người khác, qua sự trợ giúp của vị Tập sư và anh em, Chúa đã cho
tôi được biến đổi để biết sống quan tâm, yêu thương và xây dựng hơn.
Khi đón nhận niềm vui Phục
sinh, tôi dần thay đổi những giá trị trước đây tôi vẫn tìm kiếm. Giờ đây, những
giá trị của thế gian được thay thế bằng những giá trị của Tin Mừng. Trước đây,
tôi dành nhiều thời gian và công sức vào những thứ chóng qua của trần gian này
để khỏa lấp những khát vọng ở trong tôi. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, tôi nhận ra
rằng chỉ khi chọn Chúa Kitô là trung tâm, là nền tảng của đời sống tôi, tôi mới
có hạnh phúc thật. Từ đó, tôi cũng ý thức hơn về việc sống tinh thần của Hiến
pháp số 41: “Mặc lấy con người mới, được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Kitô
chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết, hầu thanh luyện các động cơ của mình
trong việc phán đoàn và hành động”.
Từ một con người khao khát
ước muốn quá nhiều thứ để đảm bảo cho sự an toàn hạnh phúc của bản thân, và phủ
lấp những khoảng trống trong tâm hồn, tôi được huấn luyện và biết được rằng ngoài
Chúa ra, tôi không thể tìm đâu được hạnh phúc (x. Tv 16,2). Bởi vì ngoài Chúa,
không có thực tại nào trên trần gian này có thể khỏa lấp được những khao khát
sâu thẳm nhất của tâm hồn tôi. Tôi nhận ra rằng chính Chúa đã khắc
sâu trong tôi lòng khao khát tìm kiếm Chúa và chỉ có ở nơi Người, tôi mới gặp
được chân lý và hạnh phúc đích thật.[2]
Sống niềm hy vọng là sống
dồi dào trong tâm tình tạ ơn
Có thể nói, người sống
trong niềm hy vọng là sống trong sự phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Vì
thế, khi chấp nhận bản thân với những yếu đuối, bất toàn của mình, họ biết luôn
tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và sự đổi mới trong Ngài, bởi vì họ
biết rằng Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương họ ngay khi họ là người tội lỗi,
bất toàn… (x. Rm 5,6-11). Ngay khi tin tưởng và xác tín như vậy, tôi
thấy mình sống hạnh phúc và tràn đầy hơn. Bởi vì, tôi biết mình thật
sự được yêu thương và thật quý giá trước mặt Cha trên trời (x. Is 43,4). Và Lời
Chúa như khẳng định với tôi rằng: Chúa yêu thương và dành riêng cho tôi một vị
trí đặc biệt trong trái tim của Người:“Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn
tay Ta” (Is 49,16).
Một cách cụ thể, ngang qua
sự Phục sinh của Đức Kitô, tôi đã cảm nghiệm được một niềm vui, một
niềm hạnh phúc lớn lao khi được chính Chúa mời gọi cộng tác vào công trình cứu
chuộc của Người. Thật thế, sống niềm hy vọng cũng chính là đón nhận và sống
niềm vui Phục sinh, để rồi ra đi chia sẻ tin vui Phục sinh cho người khác.
Thánh Phaolô tông đồ cũng đã xác quyết rằng còn vinh quang nào lớn hơn cho con
người hơn là được làm cộng sự viên của Thiên Chúa (x. 1Cr 3,9). Sự
cộng tác đó trước tiên là sống trong tâm tình làm con thảo đối với Thiên Chúa,
đón nhận và thờ phượng Người là Cha, luôn ý thức về việc sống và xây dựng mối
tương quan thân tình với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thứ đến, tôi hiểu rằng sự cộng tác
đó làm cho tôi trở nên như những người trợ giúp, những người đồng hành và những
thừa tác viên của Chúa Kitô trong công trình vĩ đại của Ngài (x. HP 2). Chính
sự cộng này là cách thức tôi đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy
theo Thầy” (Ga 21,19b).
Thêm vào đó, niềm hy vọng vào Chúa Phục sinh cũng giúp tôi luôn ý thức rằng trên cuộc lữ hành trần gian, tôi luôn có sự đồng hành của Người. Người luôn hiện diện và giúp sức cho tôi trong những thách đố của cuộc sống. Thật thế, có những khó khăn trong cuộc đời và trong sự yếu đuối của bản thân khiến nhiều lúc tôi như muốn ngã gục. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, tôi vẫn đứng vững. Lời của Chúa Giêsu nói cùng các tông đồ năm xưa cũng như đang nói với tôi hôm nay: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Tôi hiểu rằng Lời Chúa là nguồn trợ lực, thêm sức cho tôi trên đường đời. Vì vậy, dù có những khó khăn, thách đố trên bước đường theo Chúa, tôi vẫn luôn thấy bình an vì Chúa luôn hiện diện và đồng hành với tôi.
Chính vì thế, niềm hy vọng
vào Chúa Giêsu Phục sinh đã cho tôi một niềm vui, hạnh phúc lớn lao mà không có
gì có thể thay thế được. Bởi vì, khi được đụng chạm, gặp gỡ Chúa Phục Sinh thì
cuộc sống của tôi có ý nghĩa và đầy tràn hơn. Từ tình trạng nô lệ cho tội lỗi
và sự chết, tôi được cứu thoát, được tự do nhờ cái chết và phục sinh của Con
Thiên Chúa (x. Rm 8,2). Và bây giờ, Ngài đang sống, đang hiện diện và đang làm
chủ thế giới này. Quả thật, “Ngài đang sống, sống như một vị Chúa, nghĩa là
điều khiển sinh mạng của tất cả vũ trụ và lịch sử, nhưng Ngài muốn điều khiển
trong sự tự do đón nhận của những kẻ tin vào Ngài”.[3] Đó là Tin Mừng trọng đại mà tôi được
đón nhận từ Thiên Chúa. Từ khi đón nhận Tin Mừng đó, cuộc đời tôi như có một
khởi đầu mới, một chân trời mới, một hướng đi mới với một quyết định dứt khoát.[4] Đó là theo Chúa Kitô Cứu Thế để loan
báo Tin Mừng cho người nghèo khó theo linh đạo và đặc sủng của
DCCT. Chính khi xác tín như vậy, lòng khao khát dấn thân của tôi cũng
mạnh mẽ hơn để bước theo Chúa Cứu Thế. Lời cha nguyên Bề trên tổng quyền Joseph
Tobin nhắn nhủ các tu sĩ thừa sai DCCT cũng đã đánh động tôi rất nhiều: “Đừng
sợ, và hãy nhớ rằng thế giới này đang đòi hỏi nơi chúng ta một sự dấn thân và
xác tín hơn. Chính chất lượng của sự dấn thân tông đồ cho Chúa Cứu Thế sẽ hình
thành cách thế chúng ta sống đặc sủng đã được tin tưởng trao cho chúng ta”.[5]
Sống niềm hy vọng là sống
nguyên lý xuất hành
Những ngày tháng ở Tập Viện
đã giúp tôi hiểu được rằng từ tình trạng sống không có định hướng, xa lìa tình
thương của Chúa, tôi vẫn được Chúa yêu thương và đưa về với mối tương quan thân
tình với Người. Quả thật, trước đây tôi thích sống cô độc và thường quy hướng
về mình. Tuy nhiên, khi nhận ra tình thương của Chúa, tôi ý thức rằng trên hành
trình cuộc đời của tôi, Chúa luôn đồng hành với tôi. Cách cụ thể, Ngài đang
hiện diện hằng ngày trong Bí tích Thánh Thể, trong Lời của Ngài, trong những
biến cố thường ngày của đời sống tôi.
Và bây giờ, Ngài mời gọi
tôi vào Dòng Thánh này để cùng đi với Ngài trong hành trình đem Tin Mừng đến
cho muôn dân. Quả thật, đó là một hồng phúc, một vinh dự lớn lao mà
Chúa Cứu Thế đã dành cho tôi. Trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi muốn đáp lại
tiếng Chúa mời gọi với con tim tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Như lời của Đức
Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói: “Ai khám phá ra Chúa Kitô thì phải dẫn đưa kẻ
khác đến với Người. Người ta không thể giữ cho mình một niềm vui to lớn, nhưng
cần phải thông truyền niềm vui đó”[6]. Cũng vậy, việc khám phá ra Chúa Kitô là
niềm vui lớn lao, hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi và tôi cần đem Người đến với
những người mà tôi được sai đến.
Tuy nhiên, để xuất hành và
loan truyền niềm vui có Chúa, tôi cần phải ra khỏi mình, ra khỏi vùng an toàn
mà chính tôi đã thiết lập, ra khỏi sự ù lì, lưỡng lự, thiếu tự tin của
tôi. Tôi hiểu rằng, dẫu có Chúa ở trong đời tôi, nhưng con người cũ trong
tôi vẫn còn đó. Trong tôi vẫn còn nhiều khiếm khuyết và bất toàn, chúng lắm lúc
kéo ghì tôi xuống. Vậy nên, tôi cần ý thức về sự hoán cải liên tục và tận căn
(x. HP 41) và biết chọn Chúa Kitô làm trung tâm của đời sống tôi (x. HP 23), và
luôn tín thác vào sự quan phòng của Chúa.
Thêm vào đó, để dấn thân theo Chúa Cứu Thế, tôi cần luôn ý thức về sự hiện diện
của Chúa Thánh Thần và sự thúc đẩy của Ngài từ bên trong (x. HP 25), cùng với
sự bảo trợ của Mẹ Maria. Trong cuộc lữ hành đức tin này, tôi tin Mẹ luôn tiến
bước cùng tôi (x. HP 32), cùng với sự cầu bầu của thánh tổ phụ
Anphongsô, các thánh, các chân phúc trong Dòng. Và cùng đi với tôi, luôn có anh
em đồng hành và giúp sức. Vậy nên, tôi không bao giờ đơn độc trên hành trình
theo Chúa.
[1] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus
vivit, Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ (Hà Nội: NXB: Tôn giáo, 2019), số 2.
[2] x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sách
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2012), số 27.
[3] Nguyễn Thế Thuấn, "Kerygma – Lời
rao giảng tiên khởi," (Lưu hành nội bộ), 365.
[4] x. ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus
Caritas Est, số 1.
[5] Joseph Tobin, Communicanda 2 (2006),
2.
[6] ĐGH Bênêđictô XVI, Thánh Lễ bế mạc ngày Quốc tế Giới Trẻ (Cologne, 21/8/2005).