Thánh Gioan Newman - Vị tông đồ nhiệt thành của nước Mỹ

 

        Hôm nay, Giáo Hội nói chung, Dòng Chúa Cứu Thế nói riêng hân hoan mừng lễ kính thánh Gioan Neumann, Giám mục, tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế. Mừng lễ kính thánh nhân là dịp để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho Dòng Chúa Cứu Thế một gương mẫu thánh thiện, một chứng nhân đức tin tuyệt vời. Hơn nữa, với việc chiêm ngắm thánh Gioan Neumann hôm nay cũng là cơ hội để mỗi người nhìn lại con đường nên thánh của ngài, từ đó chúng ta can đảm sống như ngài đã sống: nhiệt thành, hăng hái và dấn thân hết mình trong sứ vụ Loan báo Tin Mừng với một con tim bừng cháy. 

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng. (Tv 126)

Quả thật, nhìn lại cuộc đời thánh Gioan Neumann, ta thấy ngài đã hết mình gieo những hạt giống tốt trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội bằng một đời sống cầu nguyện liên lỉ với Chúa, bằng một lối sống đơn sơ, khiêm hạ; bằng một lòng yêu người đến hy sinh bản thân mình. Nhờ hạt giống âm thầm gieo vào mảnh đất Philadenphia năm xưa ấy, nay Thiên Chúa đã làm trổ sinh những bông hạt cho thế hệ mai sau.

Thánh Gioan Neumann có biệt danh là “vị Giám mục bé nhỏ” vì chiều cao của Ngài khá khiêm tốn. Thánh nhân có sức khỏe thể chất không được tốt, nhưng trong quãng đời ngắn ngủi của mình, ngài đã đi thăm nom và đem về rất nhiều con chiên khô khan, nguội lạnh về với Hội Thánh. Hơn nữa, ngài cũng đã củng cố, làm bật dậy tinh thần Tin mừng nơi hàng giáo sĩ và nơi các tín hữu trong địa phận ngài quản cai.

Gioan Népomucène Neumann sinh ra và chịu phép rửa tội ngày thứ sáu tuần thánh, 28/3/1811, tại Pechatitz, một đô thị miền Tây Nam xứ Bohemia. Ngài lớn lên trong một gia đình ngoan đạo và được giáo dục rất nề nếp. Ngay từ nhỏ, cha thánh Neumann đã sớm bộc lộ cho mọi người thấy sự thông minh và tinh thần sâu sắc của ngài. Tuy thông minh và giỏi giang, nhưng ngài luôn tỏ thái độ khiêm nhường, hiền lành và vâng lời. Bởi thế, ai tiếp xúc với ngài đều cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Nhìn lại cuộc đời ngài, ta có thể điểm qua một vài nét nổi bật trong con đường nên thánh của ngài.

1.         Đời sống cầu nguyện

Điều đầu tiên mà ta dễ dàng nhận thấy, đó là đời sống cầu nguyện. Đời sống đạo đức của Gioan Neumann rất gương mẫu, đối với người thanh niên đầy nghị lực này, một điều dốc lòng là một đạo luật, và lỗi điều dốc lòng là một tội ác. Từ năm 16 tuổi, Neumann đã hiểu ích lợi của việc hãm mình mỗi ngày, bữa sáng và bữa tối, ngài chỉ ăn một mẩu bánh khô và không bao giờ chịu uống rượu mạnh, không bao giờ có bóng dáng ngài ở các rạp hát hay hí trường.

Khi còn là chủng sinh, có một khoảng thời gian, đời sống thiêng liêng của Neumann gặp khủng hoảng dữ dội: tâm hồn ngài khô khan, nguội lạnh một cách đáng sợ; ngài không còn cảm thấy có chút gì khao khát việc đọc kinh thần vụ hay đi lễ. Có nhiều lúc, những ý tưởng đen tối ám ảnh ngài dai dẳng: ngài gần như tuyệt vọng, cảm thấy mình có thể phạm những tội ác ghê gớm nhất. Đời linh mục trước mắt chỉ gây cho Neumann một cảm giác chán nản rã rời, những ước vọng tông đồ và tử đạo trong ngài tan biến hết. Thế nhưng, trong những khoảnh khắc đen tối ấy, ngài vẫn kiên trì cầu nguyện, ngài vẫn luôn nhẩm đi nhẩm lại lời cầu nguyện tắt: Xin cho ý Chúa được thể hiện nơi con, xin Chúa tẩy luyện con mỗi ngày một hơn ở thế gian này.

Chính khi vượt qua được đêm tối đức tin, ngài cảm nhận rõ nét trong tâm hồn sức sống siêu nhiên đang tuôn đổ trên ngài, tương quan giữa ngài với Chúa trở nên khăng khít hơn. Mùa chay năm 1835, ngài viết: Lạy Chúa Giêsu rất nhân từ, con sung sướng biết bao khi được đau khổ chút ít vì lòng yêu mến Chúa. Đau khổ của con chẳng là gì so với đau khổ trên thập giá mà Chúa phải gánh chịu vì chúng con. Lạy Chúa của đời con, của thân xác và tâm hồn con, xin phù trợ ước vọng của con, xin ban cho con ơn đau khổ nhiều cho Chúa để con tôn vinh và yêu mến Chúa thật lòng.

2. Một đời sống khiêm nhường

Điểm sáng thứ hai nơi cuộc đời ngài: đó là một đời sống khiêm nhường. Khiêm nhường có thể coi là nhân đức đặc biệt của ngài. Trong tập “Những kỷ niệm riêng tư của Đức Cha Neumann” đã viết: Nơi ngài sự thanh cao là một trạng thái bình thường của tâm hồn hơn là một nhân đức do rèn luyện mà có”. Suốt đời, Đức cha Neuman luôn cảm thấy mình hèn hạ. Ngài năng nêu lên sự thiếu kinh nghiệm và những vụng về trong các công việc liên quan đến luật pháp của ngài. Ngài có một sự tự ti mặc cảm rất nặng đối với chức vụ cao trọng đã được giao phó cho ngài. Chức vụ Giám mục mà ngài phải gánh lấy, lê lết cực nhọc như một tội nhân bị điệu đến nơi tử hình. Mặc dù chịu nhiều đau khổ nhưng cha thánh vẫn luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa và Mẹ Maria, nhiều lần ngài đã phải thân thưa với Đức Mẹ rằng: Ôi, Mẹ là nơi nương ẩn của các tội nhân, xin cho con đủ sức mạnh để lấy hết lòng chân thành xin Mẹ cầu xin Chúa ban cho con ơn khiêm nhường và luôn tuân hành thánh ý Chúa trong mọi sự.

Trong bài điếu văn ngày ngài mất, cha Sourin tóm lược rằng: Mọi góc cùng ngõ hẻm của địa phận đều được hưởng công lao của ngài. Chỉ trong một thời gian ngắn, ngài đã đưa tổ chức của địa phận đến chỗ hoàn hảo, đã gieo vãi tinh thần sốt sắng trong mọi họ đạo với một đời sống đạo hạnh, khiêm nhường và hiến toàn thân cho địa phận không hề dành lại một chút gì cho chính mình.

3. Một con người dấn thân không biết mệt mỏi

Điều thứ ba mà ta có thể gợi ra đây, đó là: Một con người dấn thân không biết mệt mỏi cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Khoảng thời gian sống 4 năm ở Buffalo, ngài không lùi bước trước một hành trình nào, người ta đã từng thấy Ngài lưng vác một bàn thờ và một gối nhỏ cần thiết, đi trên những con đường lầy lội để đến với những tín hữu xa xôi. Thế nhưng, khi đến những nơi đó, ngài lại phải nhẫn nhục để làm vừa lòng các ông cụ trong họ, chính các cụ làm mưa làm gió nơi giáo hữu và cha xứ. Các cụ tự cho mình là những người đầy quyền hành để định đoạt mọi chuyện của họ đạo, cha xứ chỉ là thừa tác viên của các cụ trong việc thiêng liêng. Trước những thử thách ấy, cha Neumann thường mang lòng khiêm nhường và tinh thần nhẫn nại ra đối phó. Cha thường im lặng lắng nghe tất cả. Khi ai nấy đã trình bày xong xuôi, cha chỉ nói: Được rồi, chuyện đó để đấy đã, chúng ta hãy đi đàng thánh giá” hay “chúng ta hãy lần một chuỗi, rồi sau đó chúng ta sẽ thanh toán mọi chuyện.” Phương thế đạo hạnh này ít khi làm cha thất bại.

Dốc toàn lực hy sinh vì nghĩa vụ. Có bao nhiêu hăng hái nhiệt thành, ngài dồn cả vào việc tìm kiếm những tâm hồn đáng thương, bị bỏ rơi hơn cả; vì thế sức lực cha Neumann chẳng mấy chốc bị hao mòn, đã có lần Ngài ngất đi trong khi làm việc tông đồ, và cuối cùng vào năm 1837, Ngài buộc phải nghỉ dưỡng sức trong 3 tháng. Thế nhưng, khi đi nghỉ ngơi, ngài lại thấy cánh đồng nơi Mỹ Châu đang khan hiếm thợ gặt thiêng liêng, Ngài rất lo lắng, tìm mọi cánh để khuyến khích ơn thiên triệu, và chính Ngài đã thảo kế hoạch để xây cất một tiểu chủng viện, nhưng chuyện không thành. 

Khi được bầu chọn làm Giám mục địa phận Philadelphia, trong 3 năm đầu, mỗi năm Đức Giám mục Neumann đã dành đến 5 tháng để đi thăm các con chiên tại Pennsylvania, Belware và New Jersay. Ngài khởi xướng phong trào tôn thờ thánh thể trong 40 giờ khắp toàn địa phận. Người ta còn nói rằng, không có một linh mục nào ở Philadelphia ngồi tòa giải tội nhiều bằng ngài. Ở tòa giám mục mỗi buổi sáng sau nửa giờ tạ ơn, Ngài đi ngồi tòa. Bổn đạo nói với nhau: Đức Cha luôn là người ngồi tòa trước nhất. Người ta còn thấy Ngài giải tội trong các kỳ đại phúc ở các xứ, trong những kỳ tôn thờ Thánh Thể 40 giờ. Một số linh mục trong địa phận nói ngài quá dễ dàng với những người đến xưng tội. Nhưng đức cha trả lời họ: Đó là bí tích của sự thương xót.

Địa phận Philadelphia gồm chừng 115 địa sở, dưới sự chăm sóc của 100 linh mục, một đại chủng viện và nhiều Dòng tu nam nữ. Hầu hết những người Công giáo là những người di cư từ xa đến. Họ thường trú ngụ ở ngoại ô thành phố hay lập nghiệp tại đồng quê, phần đông là những gia đình nghèo cần được giúp đỡ. Ở địa phận này, một khoản nợ khổng lồ được giao lại cho ngài khi ngài nhậm chức. Điều này luôn khiến ngài ám ảnh và lo sợ. Thế nhưng, với lòng cậy trông vào Chúa, ngài từng bước khắc phục trả nợ, hơn nữa, ngài còn xây cất trường học và củng cố đời sống đạo của các tín hữu.

Sự thiếu thốn của các linh hồn đã không để Ngài nghỉ yên một giây phút. Trong đời Giám mục của ngài, mối bận tâm lớn nhất có lẽ là việc thành lập các trường học Công giáo với một ban giáo sư gồm các tu sĩ để hướng dẫn và giáo dục. Ngài cho đó là một đảm bảo cho công việc giữ đạo của những người di cư sống trên đất khách quê người. Ngài đã được coi như kẻ khởi xướng hệ thống các trường học.

Chính bởi sự hoạt động tông đồ không biết mệt mỏi mà ngài đã ngã gục ở ngoài đường vào ngày 5.1.1860 khi trở về từ nhà một vị trạng sư để điều tra về tài sản thuộc về Giáo hội. Cuộc đời của một vị thánh suốt đời chỉ muốn làm vừa lòng Chúa chứ không tìm làm vừa lòng người đời, chấm dứt một cách âm thầm lặng lẽ.

Lạy Thánh Gioan Neumann, khi xưa ngài đã không quản ngại khó khăn, gian khổ để phục vụ Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Thì nay, xin ngài cũng chuyển cầu cùng Chúa cho mỗi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế chúng con luôn biết nhiệt tâm, thao thức sứ vụ Loan báo Tin Mừng. Xin cho chúng con can đảm ra khỏi mình để đến với tha nhân và nói về tình yêu của Chúa cho họ. Amen.

Hiển Trần

Thánh Gioan Newman - Vị tông đồ nhiệt thành của nước Mỹ

Học viện Thánh Anphongsô