Đồng hành cùng Đức Kitô

 

Joseph Anh Nam

Đồng hành cùng Đức Kitô là ở lại trong tình thương của Ngài và theo thật sát bước chân của Đấng Cứu Thế ở mọi nơi Ngài hiện diện.

“Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau:“Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,30-32).

Trong sự bừng cháy của con tim rộng mở lắng nghe Lời và sốt sắng tham dự bẻ bánh, hai môn đệ trên đường về Emmau đã kinh nghiệm được Đấng Phục Sinh và nhận ra người lữ khách đã đồng hành với họ chính là Đức Kitô. Sự đụng chạm cụ thể ấy đã biến đổi họ từ những con người buồn bã, thất vọng trở nên những chứng nhân đầy hy vọng và tràn trề niềm hân hoan. Những bước chân chậm chạp, nặng nề bỗng trở thành những bước chạy rộn rã! Từ đây, họ ý thức sứ mạng của người môn đệ, mặc cho màn đêm đã phủ khắp không gian, ngay lập tức, họ lên đường trở lại Giêrusalem để loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả những ai là môn đệ Đức Giêsu đều được mời gọi tiếp nối sự hiện diện của Ngài trên trần gian và cùng lên đường với Ngài. Cùng Chúa, họ đến với mọi người, đi vào giữa đêm đen của thế gian và làm bừng lên ánh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa.

          Thời gian quý giá trong Tập Viện là cuộc mở đầu cho đời tu sĩ – tông đồ Chúa Cứu Thế, nơi đó, chúng tôi kinh nghiệm một cách cụ thể sự đồng hành của Đức Kitô. Cùng với vị Tập sư, trong đồng hành thiêng liêng, chúng tôi nhận ra sự hiện diện của Chúa qua khung cảnh những cuộc đối thoại cởi mở và kiên nhẫn, bầu khí của cầu nguyện và phân định. Nhờ đó, chúng tôi nhận biết ngày càng sâu sắc hơn gương mặt của Thiên Chúa tình yêu, một tình yêu cá vị và trung thành. Một Thiên Chúa mà bây lâu chúng tôi ngỡ rằng Ngài ở nơi cao xa, trong thánh điện hay ẩn hiện ở đâu đó trong khoảng mênh mông vô định của trời đất này. Nhưng không, Ngài ở rất gần, ngay trong chính chúng ta, tận nơi sâu thẳm nhất của lòng người. Chính biến cố Nhập Thể đã mang đến cho nhân loại Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Đấng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi, để cứu chúng ta (x. Pl 2,7tt). Việc cử hành mừng biến cố Nhập Thể hàng tháng trong Tập Viện theo truyền thống Nhà Dòng đã liên tục nhắc nhở chúng tôi về sự gần gũi của Thiên Chúa – Đấng Emmanuel.

          Trong đồng hành thiêng liêng, nhờ sự hướng dẫn của vị Tập sư, đồng thời cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa, chúng tôi nhận ra sự tăm tối và hỗn độn của cái tôi vốn bị nhận chìm trong thế gian. Nó trở nên những rào cản to lớn khiến chúng tôi khó có thể sống mối tương quan con cái đối với Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em. Trong cái nhìn quy ngã và ích kỷ, chúng tôi đã xây nên những bức tường kiên cố, ngăn cách chính mình với tha nhân. Những méo mó của các động cơ khiến con đường trở nên quanh co, gập ghềnh. Và giờ đây, Lời Chúa như ánh sáng dọi vào nơi tối tăm, mời gọi chúng tôi sửa lại lối quanh co, những khúc gập ghềnh (x. Lc 3,4-6). Chúng tôi phải phá đổ “bức tường” cố hữu ấy để chẳng còn “hòn đá nào trên hòn đá nào” hầu có thể được xây dựng lại trên nền đá tảng vững bền là chính Đức Kitô. Các giá trị sống đều được nhìn dưới ánh sáng Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu. Như thế, chúng tôi mặc lấy tâm tình và kinh nghiệm của vị Tông đồ dân ngoại, là xem mọi thứ như rác rến so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài (x. Pl 3, 8). Đó cũng là điều mà Hiến pháp Dòng Chúa Cứu Thế, số 41 kêu gọi:

“Các tu sĩ phải hết sức lưu tâm đến việc mặc lấy con người mới được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết, hầu thanh luyện động cơ của mình trong việc phán đoán và hành động. Việc hoán cải tâm hồn và canh tân lòng trí không ngừng phải là nét đặc thù của toàn bộ đời sống thường nhật của họ.”

          Chẳng dễ dàng chút nào! Quả thật, tất cả chúng tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều nỗi nghi nan tưởng chừng như đã có thể dừng lại! Nhưng cuộc “trở mình” nào cũng thế, đau đớn như là điều tất yếu để được sinh ra một lần nữa, như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình nhưng sinh con rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa bởi được chứa chan niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16,21). Và Chúa giải thích thêm: “Bây giờ anh em lo buồn nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22). Quả thế, như một bệnh nhân mắc một thứ ung nhọt độc dữ cần phải chấp nhận để cho vị lương y “cạo xương chữa thuốc”[1]. Để có thể chữa trị tận căn, phải chấp nhận một thứ nứt nẻ, đau đớn nào đó, sự đau đớn không hề được “gây mê” trước! Chẳng ai muốn khơi lại hay đụng chạm vào những tổn thương trong quá khứ còn tồn đọng nơi tâm lý hay thể lý, nhưng đây là lúc cần phải có bản lĩnh của bậc nam nhi. Vậy hãy cởi mở, chân thật, khiêm hạ và đơn sơ, cùng với vị Tập sư – lương y của Chúa, khám phá và chỉ ra những “triệu chứng”, hậu quả và tình trạng khốn cùng của “căn bệnh”, can đảm đi vào tiến trình chữa lành. Và rồi niềm vui của tâm hồn tự do sẽ đến và ngọt ngào hơn mọi đắng cay ta đã nếm trải trong quá khứ, ta sẽ nhìn quá khứ với lòng biết ơn, sẽ thấy được giá trị của mọi biến cố ta đã, đang và sẽ đối diện. Quả thật, Lời Chúa ngang qua việc đồng hành thiêng liêng và cầu nguyện không ngừng trước Thánh Thể trở nên phương dược chữa lành diệu kỳ. Từ đây, ta biết cảm nhận và sống tâm tình tạ ơn đối với Thiên Chúa và mọi người, hơn những ngày qua ta đã sợ hãi, lẩn trốn.

          Nhìn lại hành trình đã qua, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước tình yêu Thiên Chúa. Chúng tôi được đối diện với khoảnh khắc “vỡ ra” như chú gà con chọc thủng vỏ trứng để đón ánh sáng, ra khỏi sự chật chội của cái tôi để sống đời sống mới trong Thần Khí. Sự “vỡ ra” ấy làm chúng tôi nhận chân giây phút gặp gỡ Đấng Tuyệt Mỹ! Ngài đã đi vào cuộc sống trần gian, đi vào chính cuộc đời mỗi chúng tôi cách lạ lùng. Nơi đó, chúng tôi bừng nở một niềm vui nội tâm khó diễn đạt thành lời, nhưng chân thật, sung sướng đến phát khóc. Đức Giêsu Kitô làm tất cả vì yêu thương chúng tôi, Ngài đã ở bên chúng tôi từ lâu mà chúng tôi chẳng hay biết, chúng tôi đã thờ ơ với Ngài quá lâu. Và giờ đây, một cách cá vị, Ngài gần chúng tôi hơn bao giờ hết, chúng tôi được hạnh phúc sống quyền làm con, làm công dân Nước Trời, sống giá trị Tin Mừng một cách có ý thức hơn những ngày qua. Xin được mượn tâm tình của thánh Augustino đã thốt lên trong “tự thuật” của ngài rằng:

“Con đã yêu Chúa quá muộn màng, ôi! Đấng Tuyệt Mỹ, rất cổ kính nhưng cũng rất tươi mới. Con đã yêu Chúa quá muộn màng! Ngài đã ở trong con mà con lại ở một thế giới ngoài bản thân con. Ngài đã gọi con, Ngài đã than khóc vì con, Ngài đã mở tai con, Ngài đã chiếu sáng trên con, ánh sáng của Ngài bao phủ lấy con, Ngài đã cho con thoát khỏi sự mù lòa. Ngài đổ đầy hương thơm của Ngài trên con, con đã nín thở, nhưng giờ đây con được ngửi hương thơm ngọt ngào của Ngài. Con được cảm nếm Ngài và giờ đây con đói khát được ở trong Ngài. Ngài chạm đến con và con được ngập chìm trong tình yêu và bình an của Ngài.”[2]

Thật kỳ diệu khi một ngày chúng tôi biết được rằng Chúa Kitô gọi chúng tôi cất bước theo Ngài, ở lại trong Ngài, sống với Ngài và cùng Ngài lên đường làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Không nơi đâu có thể cảm nghiệm rõ và sống động điều ấy cho bằng ở trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Đấy chính là điểm hẹn lý tưởng cùng Giêsu sau những lần đồng hành, lao động, học tập hay bất cứ thời khắc nào trong ngày. Ngài luôn ở đó cách chắc chắn để ngỏ lời, nâng đỡ, thêm sức mạnh và củng cố lòng tin cho tất cả chúng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14,27).

Trung thành với tiến trình đồng hành thiêng liêng, chúng tôi được lớn lên về nhiều phương diện. Giờ cầu nguyện trở nên chân thực và đúng nghĩa hơn trong sự nhận biết sâu xa hơn về tình Cha yêu thương con cái; lòng khao khát tìm kiếm và thực thi thánh ý; sự tự do thanh khiết của trái tim và niềm vui đơn sơ phó thác cho sự quan phòng của Ngài. Ý thức về niềm hạnh phúc được trở về và ở lại với Chúa Giêsu, giờ là lúc chúng tôi được Ngài sai đi “như những người trợ giúp, những người đồng hành và những thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô trong công trình vĩ đại của ơn cứu chuộc” (HP 2). Như thế, chúng tôi được Tổng Công Hội XXVI của Nhà Dòng mời gọi: “Hãy can đảm lên! Hãy nhớ rằng, chính Chúa Cứu Thế là Đấng đi bên cạnh chúng ta, và là Đấng sai chúng ta đi với tư cách là những thừa sai mang tính ngôn sứ của hy vọng!”[3]

          Ngẫm lại những gì đã qua, chúng tôi đã thốt lên như hai môn đệ trên đường về Emmau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32). Đúng thế, lòng chúng tôi đã bừng cháy trong giây phút nhận ra Đấng Phục Sinh đã, đang và hằng luôn đồng hành với chúng tôi, giờ đây, chúng tôi hạnh phúc và “vui sướng lên đường như tráng sĩ” (Tv 19,6). Cùng với Đức Kitô, chúng tôi đi vào đời, đồng hành với những thân phận nghèo khổ, tất bạt, những tâm hồn tan nát và mất đi niềm hy vọng, để nói với họ rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta! Chúng tôi nhận ra mình được yêu vô hạn, yêu vô điều kiện và tình yêu ấy thôi thúc chúng tôi đáp nghĩa ân tình, bởi vì “nơi Đức Giêsu và đặc biệt qua mầu nhiệm chết và sống lại, người tu tìm gặp sinh lực siêu việt Nước Trời và biến cố cánh chung của ân huệ Thiên Chúa”[4]. Chúng tôi đáp trả lời mời gọi hiến thân không nhắm mục đích tìm sự thánh thiện cho riêng mình nhưng nhờ ơn Thánh Thần trợ lực, chúng tôi nỗ lực đạt tới sự hiến thân trọn vẹn, qua Đức Kitô, chúng tôi nhắm đến việc trở nên lời đáp trả cho Thiên Chúa – Đấng đã yêu thương chúng tôi trước (x. HP 56). Đồng thời, chúng tôi tham dự vào sự bỏ mình của Đấng chịu đóng đinh, toàn tâm toàn hiến cho sự sống trần gian (x. HP 51). Xin cảm tạ tình yêu Thiên Chúa, tri ân Mẹ Nhà Dòng cùng những vị đồng hành đầy kiên nhẫn là lòng bác ái mục tử.

          Đức Kitô không những đồng hành cách cá vị với từng người, Ngài còn hiện diện cụ thể và sống động trong bầu khí huynh đệ cộng đoàn, đồng một trật, tất cả đều được mời gọi cùng nhau lên đường với Đức Kitô. Quả thế, khi được quy tụ bên nhau trong bầu khí Tập Viện, chúng tôi ý thức rõ hơn về ơn kêu gọi: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn” (Mc 3,13). Chúng tôi có mặt ở đây hoàn toàn là do ý muốn của Thiên Chúa, cho dẫu tất cả đều là tội nhân thì ở mức độ sâu hơn, chúng tôi đã được tuyển chọn, được cứu chuộc và quy tụ trong Đức Kitô (x. HP 7). Chính trong cảm thức ấy, chúng tôi khám phá ra sự đồng hành kỳ diệu của Đấng Phục Sinh, được Ngài củng cố niềm tin như các tông đồ năm xưa tại nhà Tiệc ly. Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác về người anh em, về ân sủng Thiên Chúa hoạt động nơi anh em, từ đó nảy sinh một đoàn ngũ có Chúa ở cùng và đồng tạ ơn tình yêu Thiên Chúa. Khi cùng nhau ở lại trong Đức Kitô như lời Ngài mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9), chúng tôi được sai đi như một đoàn ngũ thừa sai duy nhất, hiến thân cho sứ mạng như một tập thể sống động (x. HP 2). Trên hành trình thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng, tất cả đều không đơn độc, nhưng luôn có nhau, có Đức Kitô làm trung tâm và hiệp bước cùng nhau làm chứng cho sự hiện diện hằng sống của Thiên Chúa.

          Hiến pháp Dòng Chúa Cứu Thế, số 7, chỉ ra: “Các tu sĩ cố gắng tìm gặp Chúa tại những nơi Ngài vẫn hiện diện và hoạt động theo cách thế nhiệm mầu của Ngài”. Mang theo bầu khí gặp gỡ Đức Kitô, có Đức Kitô đồng hành, chúng tôi đã có được những kinh nghiệm cụ thể và đáng nhớ khi có cơ hội thăm viếng, gặp gỡ người nghèo, bệnh nhân trong các hoạt vụ tông đồ. Nơi những anh chị em sắc tộc Vân Kiều tại Khe Sanh hay những hộ gia đình cùng khốn, các bệnh nhân nan y… chúng tôi nhận ra gương mặt của Đấng chịu đóng đinh. Chính Ngài vẫn còn chịu thương tích nơi sự thống khổ của những kiếp người nhỏ bé nghèo hèn, bị lãng quên. Ngài tiếp tục Nhập Thể, ở giữa nhân loại, chung chia kiếp sống và đồng hóa chính mình với họ (x. HP 4). Nơi họ, chúng tôi thấy được lý do hiện diện của Dòng Chúa Cứu Thế, chúng tôi thấy rõ sứ mạng của người môn đệ Chúa Kitô. Ngài mời gọi chúng tôi ở chung quanh Ngài, không chỉ là nơi nhà nguyện nhưng còn là ở giữa người nghèo như một đầy tớ khiêm tốn và can trường của Tin Mừng (x. HP 6) để rao truyền Lời hằng sống và ơn cứu chuộc cho họ. Chính nơi họ, chúng tôi thấy được diệu cảm từ lòng chạnh thương của Đấng Sáng Lập Dòng. Khi an ủi các bệnh nhân, chúng tôi liên tưởng đến những hoạt động tông đồ của Cha thánh tại bệnh viện Bất khả trị, sự cảm thông, liên đới của Cha thánh luôn là tấm gương sáng cho chúng tôi. Lúc tận mắt chứng kiến cuộc sống cơ cực, tất bạt của anh chị em sắc tộc Vân Kiều, chúng tôi cảm nhận được diệu cảm và khát khao của Cha thánh về sự hiện diện của một Hội Dòng thừa sai ở giữa những lớp dân bị bỏ rơi hơn cả nơi miền núi cao hẻo lánh Scala. Chúng tôi được mời gọi mặc lấy tâm tình của Đức Kitô, ngang qua diệu cảm của Cha thánh Anphongsô nhờ Thần Khí soi dẫn, hầu có thể trở nên những chứng nhân sống động của niềm hy vọng cho thế giới hôm nay.

Đồng hành cùng Đức Kitô là ở lại trong tình thương của Ngài và theo thật sát bước chân của Đấng Cứu Thế ở mọi nơi Ngài hiện diện. Chúng tôi đã kinh nghiệm thấy Ngài trong cầu nguyện, trong đồng hành thiêng liêng, trong bầu khí huynh đệ cộng đoàn và trong công việc tông đồ bên cạnh những người nghèo và bị bỏ rơi nhất. Đó là ân huệ tuyệt vời, là quà tặng của tình yêu Thiên Chúa, nhưng chúng tôi ý thức rõ, mình cũng chỉ là “bình sành, lọ đất” (x. 2 Cr 4,7), những con người mỏng giòn yếu đuối! Vì thế chúng tôi được mời gọi phó thác, hoán cải tâm hồn và canh tân lòng trí không ngừng (x. HP 41), đồng thời mở lòng mình ra, dễ dàng thuần phục đối với Chúa Thánh Thần (x. HP 25) để Ngài tự do sử dụng chúng tôi như khí cụ bình an của Chúa. Chúng tôi có một mẫu gương tuyệt vời là Đức Maria. Mẹ đã tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng Thiên Chúa và trung kiên dõi theo Con Mẹ trên mọi nẻo đường, đồng hành với Chúa cho đến tận đỉnh đồi Calvê, ở đó Chúa trao phó Mẹ cho chúng tôi và chúng tôi cho Mẹ (x. Ga 19,25-27). Luôn kiên trì và trung tín dẫu đang bước trên đường thập giá là minh chứng cho lòng yêu mến và trung thành thực sự của người môn đệ Chúa Cứu Thế, như sứ điệp của Tổng Công Hội XXVI mời gọi:

“Anh chị em thân mến, hôm nay, có lẽ hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi chấp nhận rủi ro, như những nhà thừa sai mang tính ngôn sứ của hy vọng, hãy sẵn sàng ra đi đến nơi Thần Khí mời gọi, với tầm nhìn về tạo thành và nhân loại được đổi mới theo hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Được Mẹ Hằng Cứu Giúp và tất cả tổ tiên của chúng ta trong gia đình Dòng Chúa Cứu Thế đồng hành, “chúng ta đừng để mất dấu Chúa Giêsu” (Hr 12, 2). Chúng ta hãy cùng nhau tiến lên trong hy vọng đầy can đảm!”[5]

          Lắng nghe lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng tôi thêm xác tín rằng: “Thiên Chúa không ở đâu xa, Người luôn ở cùng chúng ta, đến nỗi nhiều lần gõ cửa trái tim chúng ta. Chúa đi bên cạnh chúng ta để hỗ trợ chúng ta. Chúa không bỏ rơi chúng ta. Người đồng hành với chúng ta trong các sự kiện hiện sinh của chúng ta để giúp chúng ta khám phá ý nghĩa của cuộc hành trình, ý nghĩa của cuộc sống hàng ngày, để khơi dậy lòng can đảm trong thử thách và đau đớn. Giữa những giông tố cuộc đời, Thiên Chúa luôn tìm đến với chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi những mối đe dọa.”[6] Vậy hãy trỗi dậy, Đức Kitô đang chờ đợi, hãy lên đường và cùng đi với Ngài!



[1] Câu chuyện Hoa Đà “cạo xương – chữa thuốc” cho Quan Vũ thời Tam Quốc.

[2] x. Mark Falkenhair, Ơn gọi yêu thương, Nguyễn Hoài Huy chuyển ngữ, (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2021), 76.

[3] Sứ điệp của các nghị viên Tổng Công Hội XXVI Giai đoạn theo Giáo luật, số 5.

[4] Thần học đời tu, lưu hành nội bộ, 37.

[5] Sứ điệp của các nghị viên Tổng Công Hội XXVI Giai đoạn theo Giáo luật, số 9.

[6] ĐGH Phanxicô, Sống Tốt, Phương Đình Toại chuyển ngữ, (Đồng Nai: NXB. Đồng Nai, 2022), 104.


Đồng hành cùng Đức Kitô

Học viện Thánh Anphongsô