Ngày
08 tháng 03 năm 2024, trong buổi tiếp kiến các tham dự viên (bao gồm các linh mục,
phó tế và sinh viên thần học), tham dự khoá học về toà trong (Corso sul foro
interno) do Toà Ân Giải Tối Cao tổ chức từ ngày 4-8 tháng Ba, Đức Thánh Cha
Phanxicô đã gửi đến các tham dự viên bài huấn dụ dựa trên lời Kinh Ăn Năn Tội
của Thánh Anphongsô.
Mở
đầu bài huấn dụ, ĐTC giới thiệu ý nghĩa và nguồn gốc của Kinh Ăn Năn Tội.
Ngài nói: “Trong bối cảnh của Mùa Chay, và đặc biệt, của năm cầu nguyện để chuẩn
bị cho Năm Thánh 2025, Cha gửi đến các con một vài suy tư dựa trên lời cầu nguyện
đơn sơ và phong phú, nó thuộc về di sản của Dân Thánh Chúa và được đọc trong
nghi thức hoà giải, đó là: Kinh Ăn Năn Tội. Bất chấp ngôn ngữ của nó hơi
cổ xưa, có thể bị hiểu sai trong một vài cách diễn đạt, nhưng lời cầu nguyện
này vẫn giữ nguyên tất cả giá trị của nó cả về phương diện mục vụ lẫn thần học.
Vả lại, tác giả của lời kinh này là Thánh Anphongsô vĩ đại, bậc thầy về thần học
luân lý, một mục tử gần gũi với dân chúng và một con người chủ trương trung
dung, tránh xa chủ nghĩa nhiệm nhặt và phóng khoáng.”
Tiếp
đến, ĐTC suy tư về ba thái độ được diễn tả trong Kinh Ăn Năn Tội có thể
giúp chúng ta suy ngẫm về mối tương quan của mình với lòng thương xót của Thiên
Chúa đó là: ăn năn tội trước Thiên Chúa, niềm tin tưởng vào Ngài và dốc lòng
chừa.
Ăn
năn tội
Trước
hết, thái độ ăn năn tội. Đức Thánh Cha nói: “Việc sám hối, ăn năn
tội không phải là hoa trái của sự tự phân tích, cũng không phải là một cảm giác
tâm lý về tội lỗi, nhưng tất cả đều phát xuất từ việc ý thức về nỗi thống khổ của
chúng ta trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Ngài thì
không bao giờ có giới hạn. Thật vậy, chính kinh nghiệm này thúc đẩy tâm hồn chúng
ta cầu xin sự tha thứ của Ngài. Tin tưởng vào tình phụ tử của Ngài, như lời
kinh diễn tả: “Lạy Chúa, con hết lòng đau đớn về mọi điều xấu con đã làm.”[1]
Và hơn nữa, lời kinh còn thêm: “Vì khi phạm tội, con đã xúc phạm đến Chúa là
Đấng rất tốt lành.”[2]
Trên thực tế, nơi con người, cảm thức về tội lỗi tỷ lệ chính xác với nhận
thức về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa: chúng ta càng cảm nhận được sự dịu dàng
của Thiên Chúa, càng khao khát được hiệp thông trọn vẹn với Người thì sự xấu xa
của điều ác càng trở nên rõ ràng hơn trong con người chúng ta. Chính nhận thức
này, được diễn tả như là sự “sám hối” và “ăn năn,” thúc đẩy chúng ta suy tư về
chính mình, về những hành vi của mình, và qua đó, thúc đẩy chúng ta hoán cải.” ĐTC
khẳng định: “Chúng ta hãy nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho
chúng ta, và về phần chúng ta, chúng ta cũng không bao giờ mệt mỏi cầu xin Ngài
tha thứ!”
Niềm
tin tưởng
Thái
độ thứ hai được ĐTC đề cập đến là niềm tin tưởng. Trong Kinh
Ăn Năn Tội, Thiên Chúa được diễn tả như là “Đấng rất tốt lành và đáng yên
mến trên hết mọi sự.”[3]
Thật là tuyệt vời khi được nghe những lời thốt ra trên môi miệng của một hối
nhân, việc thừa nhận lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa, sự trổi vượt của
Ngài trong cuộc sống của mình và tình yêu dành cho Ngài. Yêu mến “trên hết mọi
sự” có nghĩa là đặt Thiên Chúa vào trung tâm tất cả đời mình, như là ánh sáng cho
hành trình và nền tảng của mọi trật tự giá trị, phó thác mọi sự cho Ngài. Và
đây là tính ưu việt làm sinh động mọi tình yêu khác: tình yêu dành cho con người
và cho mọi loài thụ tạo, bởi vì ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu mến anh em
mình” (x. 1 Ga 4,19-21) và luôn tìm kiếm thiện ích của mình trong công
lý và hoà bình.
Dốc
lòng chừa
Khía
cạnh thứ ba ĐTC suy tư là dốc lòng chừa. Nó diễn tả ý muốn của hối
nhân không còn sa ngã vào tội lỗi đã phạm nữa (x. GLHTCG, số 1451), và
cho phép một bước chuyển tiếp quan trọng từ việc ăn năn tội cách chẳng trọn
(attrizione) sang sự ăn năn tội cách trọn (contrizione), từ
việc thống hối chưa hoàn hảo (il dolore imperfetto) đến việc thống hối
hoàn hảo (il dolore perfetto) (x. GLHTCG, 1452-1453). Chúng ta bày tỏ thái
độ này bằng cách nói: “Nhờ ơn Chúa giúp, con dốc quyết hối cải, từ nay không
phạm tội nữa.”[4]
Những lời này diễn tả một ý định, chứ không phải một lời hứa. Trên thực tế,
không ai trong chúng ta có thể hứa với Chúa là sẽ không phạm tội nữa, và điều cần
thiết để nhận được sự tha thứ không phải là sự bảo đảm về sự hoàn hảo, mà là một
chủ ý hiện tại, được thực hiện với ý định đúng đắn vào lúc xưng tội. Hơn nữa,
đó là một cam kết mà chúng ta luôn thực hiện với lòng khiêm tốn, như được nhấn
mạnh bằng những từ “với sự giúp đỡ thánh thiện của Chúa.” Thánh Gioan Maria
Vianney, Cha sở họ Ars, thường lặp lại rằng “Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta
ngay cả khi Người biết rằng chúng ta sẽ lại phạm tội.” Và hơn thế nữa, nếu
không có ân sủng của Người thì không thể hoán cải được, điều này chống lại mọi
cám dỗ của chủ nghĩa pelagiô cũ hay mới.
Kế
đó, ĐTC hướng suy tư của mình đến phần kết của Kinh Ăn Năn Tội: “Lạy
Chúa, xin thương xót con.”[5]
Ở đây các hạn từ “Chúa” và “lòng thương xót” xuất hiện như những từ đồng
nghĩa và điều này mang tính quyết định! Thiên Chúa là lòng thương xót (1 Ga
4,8), lòng thương xót là tên của Người, là dung mạo của Người. Thật tốt cho
chúng ta khi luôn ghi nhớ điều này: trong mọi hành vi thương xót, trong mọi
hành vi yêu thương thì dung mạo của Thiên Chúa luôn được chiếu sáng.
Cuối
cùng, ĐTC nhắc nhở các tham dự viên về bổn phận của mình. Ngài nói: “Các con
thân mến, nhiệm vụ được giao phó cho các con trong toà giải tội thật đẹp và
quan trọng, vì nó cho phép các con giúp đỡ anh chị em của mình cảm nghiệm được
sự dịu dàng của tình yêu Thiên Chúa. Vì thế, cha khuyến khích các con hãy sống
mỗi lần xưng tội như một khoảng khắc ân sủng độc nhất và không thể lặp lại, và
hãy quảng đại trao ban sự tha thứ của Chúa, với sự niềm nở, tình phụ tử và cha
dám nói cả sự dịu dàng của tình mẫu tử nữa.”
Nguồn:
https://www.vatican.va/content/francesco/it/speeches/2024/march/documents/20240308-corso-penitenzieria.html
Kinh
Ăn Năn Tội bản gốc bằng tiếng Latin: “Deus meus, ex toto corde me prenitet ac
doleo de omnibus qure male egi et de bono quod omisi, quia peccando offendi te,
summe bonum ac dignum qui super omnia diligaris. Firmiter propono, adiuvante
gratia tua, me prenitentiam agere, de cetera non peccaturum peccatique
occasiones fugiturum. Per merita passionis Salvatoris nostri Iesu Christi,
Domine, miserere.”[6]
Ở Việt Nam, có hai bản dịch khác nhau về
Kinh Ăn Năn Tội:
1. Lạy Chúa, con hết lòng đau đớn về mọi điều xấu con đã làm và về việc lành con đã bỏ qua. Vì khi phạm tội, con đã xúc phạm đến Chúa là Đấng rất tốt lành và đáng yêu mến trên hết mọi sự. Nhờ ơn Chúa giúp, con dốc quyết hối cải, từ nay không phạm tội nữa, và xa lánh các dịp tội. Lạy Chúa, xin thương xót con vì công nghiệp khổ nạn của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng con. Amen.[7]
2. Lạy Chúa tôi, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, Chúa đã dựng nên tôi và cho Con Chúa ra đời chịu nhạn chịu chết vì tôi, mà tôi đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì tôi lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội tôi trên hết mọi sự, tôi dốc lòng chừa cãi, và nhờ ơn Chúa thì tôi sẽ tránh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.[8]
[1] Nghi thức Bích tích Thống hối, Ủy ban Giám mục
về Phụng vụ chuyển ngữ (1975), số 45.
[2] Ibid.
[3] Ibid.
[4] Ibid.
[5] Ibid.
[6] x. Thánh Bộ về Phụng tự, Ordo paenitentiae (1974).
[7] Nghi thức Bí tích Thống hối, Ủy ban Giám mục về Phụng vụ chuyển
ngữ (1975), số 45.
[8] Thánh
giáo Kinh nguyện, 28.