Sử dụng Thập giá không có tượng chịu nạn trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh


Câu hỏi: Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, trong việc cử hành Sự Thương Khó của Chúa, nhìn chung, người ta chỉ sử dụng Thánh giá (Crocifisso – Tượng Chịu Nạn). Trong khi đó, trong nghi thức mời gọi kính thờ thập giá (croce – thánh giá trơn). Thật vậy, ca tiền xướng (đáp ca – antifona) mở đầu cho việc tôn thờ thập giá là: “Lạy Chúa, chúng con tôn thờ thập giá của Chúa. Chúng con ngợi khen và tôn vinh sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Từ cây gỗ giá, niềm vui đã đến cho toàn thể địa cầu.” Trong ngày này, một ý nghĩa nào đó, chúng ta đã tham dự trước vào sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Vậy, trong việc cử hành Cuộc Thương Khó, có được sử dụng thập giá không có tượng Chúa Kitô chịu nạn không?

Trả lời: Cha Antonio Sorrentino, giáo sư Phụng vụ và Bí tích, trong cuốn sách Liturgia in Frammenti (trang 176-177) đã trả lời như sau:

Chúng ta đọc trong sách Cerimoniale dei vescovi (Lễ nghi Giám mục), số 1011, như sau: “Trong các ảnh tượng thánh, hình Thánh giá quý báu và phát sinh sự sống phải chiếm chỗ chính, vì đó là biểu tượng của cả mầu nhiệm Vượt Qua. Đối với dân Kitô giáo, không có ảnh tượng nào quý giá và cổ kính hơn. Thánh giá là biểu hiện cuộc khổ nạn của Chúa Kitô cũng như việc Người toàn thắng sự chết, đồng thời theo lời các giáo phụ dạy, Thánh giá cũng loan báo việc Người sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang.”

Nghi thức thứ Sáu Tuần Thánh nói về thập giá (croce) chứ không nói về Thánh giá có tượng chịu nạn (Crocifisso) và chỉ đề cập đến việc tôn thờ thập giá. Rõ ràng rằng, việc thờ phượng ảnh tượng của chúng ta thì luôn liên quan đến mầu nhiệm mà ảnh tượng đó có ý muốn bày tỏ và chủ thể nhân vật chính của ảnh tưởng đó. Trong trường hợp của chúng ta, dĩ nhiên, thập giá ám chỉ đến sự cứu độ, là “lignum salutis – cây cứu độ”, đối nghịch với “legnum perditionis – cây diệt vong” của tội nguyên tổ. Và vì vậy, để dễ dàng chuyển từ dấu chỉ của ơn cứu độ đến chủ thể  Đấng cứu độ chúng ta, người ta đã tự ý (đặc biệt là cuối thời Trung cổ, khi nghệ thuật gotic và nền linh đạo của thánh Phanxicô Assisi muốn nhấn mạnh đến nhân tính đau khổ của Chúa Kitô) trình bày việc tôn thờ cho các tín hữu không còn là thập giá trơ trọi nữa mà là chiêm ngắm nó bằng cách thêm vào Tượng Chịu Nạn – Đấng mà trên cây thập giá đã trao ban chính mình làm lễ tế dâng lên Chúa Cha vì ơn cứu độ của chúng ta. Hiện nay, trong sự trung thành với nghi thức, chúng ta nên diễn tả việc tôn thờ thập giá trơn (nuda croce). Nhưng người giáo dân lại thích nhìn, tôn thờ và hôn Thánh giá (Crocifisso) hơn là dấu chỉ cứu độ của thập giá. Dường như đây không phải là một sự đầu hàng trước lòng đạo đức, nhưng là một đòi hỏi của giác quan trực tiếp nhất của các tín hữu, họ sẵn sàng chuyển từ dấu chỉ được ám chỉ (segno significante) sang ý nghĩa (significato) của nó.

Câu hỏi: Vấn đề đặt ra là: chúng ta tôn thờ (adoriamo) hay tôn kính (veneriamo) thập giá?

Trả lời: Cha Antonio Sorrentino, giáo sư Phụng vụ và Bí tích, trong cuốn Liturgia in Frammenti, trang 178, trả lời như sau:

Trong việc cử hành của thứ Sáu Tuần Thánh, linh mục vén mở dần dần Thập giá hay Thánh giá trơn (croce nuda) và trưng bày cho giáo dân tôn kính như dấu chỉ và công cụ của Ơn Cứu Độ, linh mục hát: “Đây là cây gỗ giá nơi đã treo Chúa Kitô – Đấng Cứu Độ trần gian, Ta hãy đến bái thờ (venite, adoriamo)”. Chúng ta tôn kính Thập giá, nhưng chúng ta tôn thờ Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh và Đấng Cứu ĐộChúng ta không tôn thờ một đồ vật, mà chúng ta tôn kính dấu chỉ và công cụ nhờ đó Chúa Kitô đã trao ban chính mình vì ơn cứu độ của chúng ta“Adoramus te, Christe, et benedicimus tibi quia per sanctam crucem tuam redemisti mundum – Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa vì Chúa đã dùng thập giá mà cứu chuộc thế gian.” Để giúp ích cho đức tin của người tín hữu và không đơn thuần phó mặc họ bởi các dấu chỉ, người ta chuyển từ dấu chỉ (segno) sang Ngôi Vị (persona) và đã đặt tượng Chúa Chịu Nạn lên cây thập giá. Đàng khác, Đấng Chịu Đóng Đinh không bị cô lập, nhưng đã hướng tới kết quả cuối cùng của sự đóng đinh. Không có sự phân tách giữ sự đóng đinh và phục sinh.

Chỉ riêng thập giá hay chỉ riêng Đấng Phục Sinh bị tách khỏi thập giá là những dấu chỉ không trọn vẹn, chưa hoàn thành. “Sự đóng đinh và phục sinh thì không thể tách rời nhau, chúng như hai mặt của mầu nhiệm vượt qua duy nhất, trong đó người tôi tớ được tôn làm Chúa” (Balthasar, Thần học về ba ngày). 

Phaolô Hồ Văn Nam, C.Ss.R. chuyển ngữ

Học viện Thánh Anphongsô