Lịch sử và ý nghĩa của việc tôn kính ảnh tượng




Nếu đọc toàn bộ Thánh Kinh, chúng ta sẽ nhận ra rằng cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, không có chỗ nào nói đến việc tôn kính ảnh tượng. Thậm chí, trong Cựu Ước, lề luật còn cấm tạc vẽ ảnh tượng. Điều đó cho thấy, ngay từ những ngày đầu truyền thống của Giáo Hội chưa cho phép sử dụng ảnh tượng. Lý do tại sao không được phép sử dụng ảnh tượng? Tại sao ban đầu không được phép nhưng dần dà ảnh tượng lại được sử dụng công khai, thậm chí nó lại trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đạo của người Ki-tô hữu? Đâu là mục đích và ý nghĩa đích thực trong việc tôn kính ảnh tượng? Tất cả những thắc mắc này phần nào được giải đáp trong bài viết sau đây.

1. Thánh Kinh nói gì về ảnh tượng?

1.1. Cựu Ước

Cấm tạc vẽ ảnh tượng

Người Do-thái tin vào một vị Thiên Chúa duy nhất. Ngài là Đấng vô hình, không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa. Thậm chí, nếu ai nhìn thấy Thiên Chúa thì có nguy cơ phải chết. Do đó, trong các bản văn Cựu Ước nhiều lần chúng ta gặp thấy luật cấm tạc vẽ ảnh tượng Thiên Chúa: «Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông» (Xh 20,3-5).

Một đàng, đây là việc người Do-thái tuyên xưng tính siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa so với những loài mà Người đã dựng nên. Với họ, Thiên Chúa không thể lẫn lộn với các loài thụ tạo khác. Thiên Chúa là một tinh thần vô hình (spirito invisibile). Đàng khác, để định ranh giới rõ ràng giữa người Do-thái và các dân tộc ngoại giáo, các nhà lập pháp thời Cựu Ước hướng sự bận tâm căn bản đến việc không để lẫn lộn giữa truyền thống Do-thái với việc thờ tự của các dân tộc khác. Vì trong niềm tin sâu xa của mình, người Do-thái chỉ tin vào một Thiên Chúa duy nhất và vô hình. Thiên Chúa không có một khuôn mặt cụ thể để con người có thể mô phỏng theo. Trong mắt người Do-thái, các dân tộc khác thờ các vị thần của họ ngang qua các bức tượng hay hình vẽ đều bị xem là thờ ngẫu tượng. Do đó, người Do-thái thời Cựu Ước cấm sử dụng ảnh tượng trong việc thờ phượng tại tư gia cũng như tại các hội đường và đền thờ. Tác giả Thánh vịnh 115 cho chúng ta thấy rõ điều đó:

«Sao chư dân lại nói: “Thiên Chúa chúng ở đâu?”

Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên.

Tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành.

Có mắt có miệng, không nhìn không nói,

có mũi có tai, không ngửi không nghe.

Có hai tay, không sờ không mó có hai chân, không bước không đi, từ cổ họng, không thốt ra một tiếng.

Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần cũng giống như chúng vậy.

Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa, chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che.

Nhà A-ha-ron, hãy tin cậy Chúa, chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che.

Ai kính sợ Chúa, hãy tin cậy Chúa, chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che.

Chúa nhớ đến ta và sẽ ban phúc cả: sẽ ban phúc cho nhà Ít-ra-en, sẽ ban phúc cho nhà A-ha-ron,

sẽ ban phúc cho người kính sợ Chúa, cho người lớn cũng như kẻ nhỏ» (Tv 115,2-13).

Hình ảnh trong dân Do-thái

Chúng ta tự hỏi, trong dân Do-thái đã sử dụng hình ảnh để diễn tả về Thiên Chúa chưa? Mặc dù không phải là một hình ảnh cụ thể về hình dạng của Thiên Chúa, nhưng một cách nào đó, trong dân Do-thái đã sử dụng biểu tượng để diễn tả về Thiên Chúa. Đó là ngọn đèn bảy ngọn (menorah) được thắp sáng vào mỗi tối thứ Sáu. Người Do-thái sử dụng ngọn đèn bảy ngọn như là một sự gợi nhớ lại biến cố Thiên Chúa tự tỏ mình ra với ông Mô-sê trong bụi gai bốc cháy nhưng không bị thiêu rụi (x. Xh 3,2-4). Như vậy, chúng ta thấy rằng, tự chính nó ngọn đèn bảy ngọn không miêu tả hình dạng người của Thiên Chúa. Vì theo họ, Thiên Chúa là Đấng vô hình, không ai được thấy Thiên Chúa để có thể họa lại hình ảnh của Ngài. Hơn thế nữa, theo một số bản văn Cựu Ước thì ai nhìn thấy Thiên Chúa sẽ có nguy cơ bị chết (x. Xh 3,6; 33,20; Is 6,5).

1.2. Tân Ước

Ngôi Lời Nhập Thể là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình

Dù không nói đến việc cấm tạc ảnh tưởng một cách cụ thể như Cựu Ước, nhưng trong Tân Ước, chúng ta vẫn không tìm thấy bằng chứng nào cho biết các Ki-tô hữu thời các tông đồ có sử dụng ảnh tượng. Tuy nhiên, ở thời điểm Con Thiên Chúa nhập thể làm người, Người đã đảm nhận một thân xác cụ thể. Ngài chính là hình ảnh hữu hình và sống động của Thiên Chúa vô hình của Cựu Ước. Chúa Giê-su quả quyết: «Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha» (Ga 14,9). Do đó, nếu chối bỏ việc tôn kính ảnh tượng thì cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận Mầu Nhiệm Nhập Thể và đồng thời phủ nhận luôn các mầu nhiệm khác của Chúa Ki-tô. Như vậy, ngang qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, vị Thiên Chúa vô hình của Cựu Ước giờ đây đã mang lấy một hình hài cụ thể nơi con người Giê-su. Giờ đây, con người có thể nhìn thấy, có thể đụng chạm, có thể hình dung được dung mạo của Thiên Chúa.

Các Ki-tô hữu tiên khởi

Những người Ki-tô đầu tiên phần lớn xuất thân từ người Do-thái, do đó họ bị ảnh hưởng bởi truyền thống Do-thái giáo. Họ vẫn chưa sử dụng ảnh tượng, vì trong đức tin và lòng đạo đức của người Do-thái không được phép làm điều đó. Cũng như người Do-thái, các tín hữu thời các tông đồ chuyên cần cầu nguyện với Thánh Vịnh và thường xuyên lui tới đền thờ Giê-ru-sa-lem để cùng đọc và chia sẻ Sách Thánh. «Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau […], đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ”» ( Cv 3,42.46).

Đồng thời, các tín hữu cũng tụ họp tại tư gia và cùng nhau cử hành bữa tối cuối cùng của Chúa để nhớ lại sự chết, phục sinh và chờ đợi ngày trở lại trong vinh quang của Ngài. «Họ siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, cầu nguyện không ngừng […]. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ» (Cv 2,42.46). Qua đó chúng ta thấy rằng, trong việc cử hành bữa tối cuối cùng của Chúa, các tín hữu thuở ban đầu đã sử dụng bánh và rượu như để diễn tả chính sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô. Vì họ tin rằng, mỗi khi họ hiện tại hóa lại việc cử hành mà Chúa Giê-su đã làm, thì họ được ăn chính Thịt và được uống chính Máu của Chúa Ki-tô. Từ đây, bí tích Thánh Thể là hình ảnh đích thực của Chúa Ki-tô.

2. Theo dòng lịch sử Giáo Hội: từ giữa thế kỷ thứ I đến trước Công đồng Va-ti-ca-nô II

2.1.  Ảnh tượng được phép sử dụng từ khi nào?

Như đã nói ở trên, lịch sử cho biết các tín hữu thời các tông đồ chưa sử dụng ảnh tượng trong việc thờ phượng. Nhưng sau Lễ Ngũ Tuần, chuyện gì đã xảy ra? Thánh Phao-lô đã đến thành A-thê-na và bắt đầu rao giảng: «Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: Kính thần vô danh. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị» (Cv 17,22-23). Phao-lô đã sử dụng phương pháp hội nhập văn hóa để Phúc Âm Hóa dân thành A-thê-na. Vì người dân A-thê-na không theo truyền thống Do-thái giáo, cho nên đối với họ việc tôn thờ ảnh tưởng là điều hết sức bình thường. Thánh Phao-lô nhận ra rằng, trong tôn giáo và việc thờ phượng của dân thành A-thê-na, họ đã trực giác là có một vị thần, có điều họ không biết tên của vị thần mà họ đang tôn thờ là gì. Bởi vì Thiên Chúa không mạc khải cho họ và từ trước đến nay cũng không ai nói cho họ biết. Thánh Phao-lô được sai đến với họ. Sau một thời gian quan sát, Phao-lô đã chỉ cho họ biết, vị thần mà người A-thê-na đã vẽ ảnh hay tạc tượng để tôn thờ trong những nơi thờ phượng là một vị Thần Hữu Danh.  Phao-lô không yêu cầu họ phá bỏ các ảnh tượng nhưng giải thích họ biết đó là Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta phải tôn thờ. Kể từ đây, có lẽ việc tôn kính ảnh tượng bắt đầu được phép sử dụng. Khởi đi từ A-thê-na rồi sau đó lan dần ra khắp đế quốc La-mã.

Sau biến cố Ngũ Tuần, các tông đồ tản ra khắp nơi để rao giảng Tin Mừng. Được Thánh Thần của Đấng Phục Sinh thúc đẩy, các ngài can đảm đến với vùng đất của dân ngoại để nói về Chúa cho họ. Không lâu sau đó, học thuyết Ki-tô giáo được lan rộng tới tận Địa Trung Hải và vùng phụ cận thuộc thế giới Hy-lạp – La-mã. Tại đây, việc sử dụng ảnh tượng đã được nới lỏng. Bởi vì, cũng như người A-thê-na, người dân nơi đây trong văn hóa và truyền thống tôn giáo, họ cũng đã sử dụng hình ảnh trong việc thờ phượng. Dần dần các tông đồ bắt đầu nhận ra và cảm thấy giá trị sư phạm của ảnh tượng. Không những cấm sử dụng mà các ngài còn quay sang sử dụng ảnh tượng như một công cụ để rao giảng Tin Mừng. Thật vậy, ảnh tượng như là cách thể để diễn tả về Thiên Chúa cho những người mù chữ, người ít học. Ảnh tưởng trở thành những bài giảng trong thinh lặng. Từ đó, ảnh tưởng trở thành trung tâm của phụng vụ By-zan-ti-nê.

2.2. Ngôn ngữ biểu tượng thời kỳ bị bách hại

Suốt gần 3 thế kỷ đầu, Giáo Hội đã chịu bách hại cách tàn khốc. Vì chưa được công nhận là một tôn giáo chính thức, cho nên giai đoạn này, khi người Ki-tô hữu chết, họ được chôn trong nghĩa trang của người ngoại giáo. Nhưng để phân biệt phần mộ của người Ki-tô hữu và người ngoại giáo, các Ki-tô hữu tiên khởi đã có sáng kiến dùng ngôn ngữ biểu tượng để đánh dấu và tuyên xưng đức tin của mình. Một vài biểu tượng thường thấy nơi các hầm mộ đó là: con cá[1], chữ X[2] và P, ông Giô-na[3], người thanh niên vác chiên trên vai[4]… Thông thường, các nghĩa trang cổ là một vùng đất trũng nằm ở ngoài thành phố và được đào sâu xuống thành từng tầng để chôn cất người chết, có nơi sâu đến 30 mét. Người ta gọi đó là catacumba[5] (nghĩa trang, hầm mộ). Chúng ta thấy rằng, giai đoạn này các Ki-tô đã sử dụng hình ảnh nhưng những hình ảnh đó chỉ mang tính ngôn ngữ biểu tượng hơn là để tôn kính.

2.3. Cấm sử dụng ảnh tượng thế kỷ VIII ở đế quốc By-zan-ti-nê

Chủ nghĩa bài trừ ảnh tượng thánh dưới thời hoàng đế Lê-ô III (717-741)

Cuộc chiến chống lại việc tôn kính ảnh tưởng xảy ra dưới Lê-ô III, ông là hoàng đế của đế quốc Đông La-mã từ 717-741. Chúng ta biết rằng, sau công đồng chung Ni-cê-a I năm 325, Giáo Hội ở Đông La-mã xuất hiện nhiều giáo phái và phong trào chống phá Giáo Hội, trong đó có phong trào bài trừ ảnh tượng thánh. Một số giám mục ở vùng Tiểu Á theo chủ nghĩa bài trừ ảnh tượng đã gây áp lực lên hoàng đế Lê-ô III khiến ông ra lệnh cho toàn đế quốc không được phép sử dụng ảnh tượng. Cùng với đó, trong những năm này thiên tai xảy ra thường xuyên trong đế quốc, trong số đó có một cơn sóng thần lớn đã tàn phá thành phố và giết chết nhiều người. Người ta đồn tai nhau rằng, đây là sự thịnh nộ của thần thánh trong việc sử dụng ảnh tượng. Với hai lý do đó, năm 726 hoàng đế Lê-ô III ra sắc lệnh cấm sử dụng ảnh tượng trong toàn đế quốc.

Thánh Gio-an Đa-mas-cô, một người khôn ngoan và có tầm ảnh hưởng đã can đảm đứng lên bảo vệ lập trường của Giáo Hội trong việc tôn kính ảnh tượng. Ngài khẳng định rằng: nếu phủ nhận việc tôn kính ảnh tượng đồng nghĩa với việc chối bỏ các mầu nhiệm của Chúa Ki-tô.

Ngoài ra, Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô II cũng cực lực phản đối sự can thiệp của hoàng đế trong lãnh vực thuộc thẩm quyền của Giáo Hội. Ngài đã viết thư gửi đến hoàng đế để nói lên lập trường cứng rắn của mình. Nội dung bức thư có đoạn viết: “Thưa hoàng đế, ông biết đó, những vấn đề liên quan đến giáo lý của Giáo Hội không thuộc thẩm quyền của hoàng đế, mà là của các giám mục. Vì thế, cũng như các giám mục không can thiệp vào các vấn đề liên quan đến chính trị của đế quốc thì hoàng đế cũng không có thẩm quyền can thiệp vào các vấn đề liên quan đến các tín điều và chân lý đức tin của Giáo Hội”.

Chủ nghĩa bài trừ ảnh tượng tiếp tục dưới thời hoàng đế Cos-tan-ti-nô V (741-775)

Sau cái chết của Lê-ô III, con trai của ông là Cos-tan-ti-nô V lên kế vị. Ông này tiếp tục ủng hộ quan điểm bài trừ ảnh tượng của vua cha. Ông lập luận rằng, con người không thể tái sao chép bản tính Thiên Chúa của Chúa Ki-tô. Vì thế, ông ra lệnh ảnh tượng không được phép sử dụng trong toàn đế quốc. Năm 754, ông triệu tập một công đồng tại Hi-ê-ri-a với sự tham dự của 338 giám mục, đa sống trong số này theo chủ nghĩa bài trừ thánh tượng. Công đồng này kết án việc sử dụng ảnh tượng và các việc tôn kính ảnh tượng. Và tuyên bố rằng, Bí tích Thánh Thể là hình ảnh duy nhất và đích thực của Chúa Ki-tô.

Mặc dù bị phản đối bởi các giáo mục không tham dự công đồng, nhưng Cos-tan-ti-nô V vẫn tiếp tục áp dụng những kết luận của công đồng trong toàn lãnh thổ thuộc quyền mình. Ông bắt đầu ra lệnh cho đập phá ảnh tượng và xóa bỏ việc tôn kính ảnh tượng. Vì thế, nhiều bức tranh cổ, nhiều bức bích họa và tranh khảm quý giá trong các nhà thờ đã bị phá bỏ trong giai đoạn này.

2.4. Cho phép sử dụng ảnh tượng với công đồng chung Ni-cê-a II (787)

Sau khi Cos-tan-ti-nô V qua đời, Lê-ô IV lên ngôi kế vị (775-780). I-rê-nê là hoàng hậu. Bà là người trong quá khứ đã âm thầm tôn kính ảnh tượng. Nhờ tầm ảnh hưởng và sự tác động của bà mà sự bách hại và đập phá thánh tượng không còn gay gắt như trước đây. Năm 780 hoàng đế qua đời vì một cơn bạo bệnh. Con trai của ông lúc đó là Cos-tan-ti-nô VI mới 6 tuổi, vì thế hoàng hậu I-rê-nê đảm nhận vai trò nhiếp chính. Bà đã viết thư cho Giáo Hoàng với mong muốn được nối lại mối tương quan với Tây La-mã. Cùng với đó, vì muốn thiết lập nền hòa bình trong đế quốc Đông La-mã, nên bà đã tìm mọi cách để loại bỏ chủ nghĩa bài trừ thánh tượng. Do đó, năm 787 bà đã triệu tập công đồng chung lần thứ VII của Giáo Hội tại Ni-cê-a (công đồng Ni-cê-a II) để thống nhất việc sử dụng thánh tượng trong Giáo Hội. Công đồng này đã loại bỏ những gì được quyết định trong công đồng Hi-ê-ri-a. Đồng thời khẳng định rằng, dựa theo truyền thống thì các ảnh tượng thánh có thể được tôn kính (venerare) mà không được tôn thờ (adorare). Được phép thể hiện việc tôn kính bằng việc thắp đèn, dâng hương và quỳ bái trước thánh giá, ảnh tượng Chúa Ki-tô, Đức Mẹ, các Thiên Thần và các Thánh. Công đồng cũng ra vạ tuyệt thông đối với những ai theo chủ nghĩa bài trừ thánh tượng.

Đặc biệt, công đồng Ni-cê-a II đã phân biệt hai hạn từ quan trọng liên quan đến tín lý đó là: tôn thờ (λατρεία-latria) và tôn kính (δουλεία-dulia). Latria[6] tôn thờ là hạn từ chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Trong khi đó, dulia – tôn kính thì dành cho Đức Mẹ, các thiên thần và các thánh. Một lưu ý quan trọng khi đứng trước ảnh tượng thánh thì chúng ta không được dừng lại ở việc ngắm hình ảnh mà phải vượt lên trên hình ảnh để hướng lòng đến chủ thể được diễn tả trong ảnh tượng thánh đó. Nghĩa là, chúng ta tôn kính chủ thể được miêu tả trong ảnh tượng thánh chứ không phải chỉ dừng lại ở hình ảnh. Nhờ việc chiêm ngắm ảnh tượng mà chúng ta thêm lòng yêu mến và bắt chước các nhân đức cao cả của các ngài để sống đức tin một cách xác tín hơn. Nếu tôi cầu nguyện trước bức ảnh của Đức Mẹ, nghĩa là tôi đang cầu nguyện với chính Đức Mẹ chứ không phải đối với hình ảnh về Mẹ.

Khi nhắc tới ảnh tượng, người ta thường nghĩ ngay tới những tác phẩm được làm bởi tay con người. Nhưng lịch sử cho thấy, tồn tại trong Giáo Hội nhiều bức tranh không do con người vẽ, mà đến một cách tự nhiên. Người ta gọi đó là ἀχειροποίητα[7]. Chúng ta có thể nhắc tới một vài bức tranh kiểu acheropita nổi tiếng như: Khăn liệm thành Tu-rin, Đức Mẹ Gua-đa-lu-pê ở Mê-xi-cô, Khuôn mặt Chúa Ki-tô[8] trong Đền Thờ Cầu Thang Thánh ở Rô-ma, Khuôn mặt Chúa Ki-tô trong chiếc khăn của bà Vê-rô-ni-ca[9] ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô…

3. Công đồng Va-ti-ca-nô II

Đặt nền tảng trên những quyết định của Công đồng Ni-cê-a II và thần học về Mầu Nhiệm Nhập Thể, Công đồng Va-ti-can-nô II tiếp tục khuyến khích việc tôn kính ảnh tưởng của Chúa, Đức Mẹ, các Thiên Thần và các Thánh trong Giáo Hội. Các nghị phụ công đồng đã nhận ra được tầm quan trọng của việc tôn kính ảnh tưởng trong đời sống đức tin và lòng đạo đức của người tín hữu. Vì thế, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium đã dành một chương để nói về nghệ thuật thánh và cách thực hành. Hiến chế đề cao vẻ đẹp của nghệ thuật trong việc huấn luyện đức tin cho các tín hữu. Vì «tự bản chất, nghệ thuật thánh diễn tả cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại, và góp phần ca tụng tôn vinh Thiên Chúa bằng cách không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự góp phần tích cực giúp tâm trí con người thành kính hướng về Thiên Chúa. Theo truyền thống, các thánh được tôn kính trong Giáo Hội và các thánh tích đích thực cũng như ảnh tượng của các ngài vẫn được sùng kính. Vì thế, việc đặt ảnh tượng thánh trong các thánh đường cho các tín hữu tôn kính vẫn được duy trì. Tuy nhiên, các ảnh tượng không nên quá nhiều và phải được bày trí thích hợp, để không phá hỏng lòng mộ mến nơi đoàn dân Kitô giáo, đồng thời cũng không nhượng bộ thói sùng bái lệch lạc» (x. SC số 111, 122, 125).

4. Giáo lý của Hội Thánh Công giáo

Việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã mở đầu một “nhiệm cục” mới của các ảnh tượng (GLHTCG số 1159). Trong Chúa Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể, diện mạo của Thiên Chúa vô hình trong Cựu Ước đã trở nên tỏ tường. Vì thế, việc sử dụng ảnh tượng không bao giờ là một sự tôn thờ thờ ngẫu tượng, nhưng đây là cách thể để tôn vinh Thiên Chúa, Đấng mạc khải trọn vẹn nơi Chúa Ki-tô Giê-su. «Tất cả các dấu chỉ của việc cử hành phụng vụ đều quy hướng về Chúa Ki-tô: kể cả các ảnh tượng của Mẹ Thiên Chúa và của các thánh. Thật vậy, các ảnh tượng này nói về Chúa Ki-tô, Đấng được tôn vinh nơi các ngài. Các ảnh tưởng này cho thấy “ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” (Dt 12,1), các ngài đang tiếp tục tham dự vào công trình cứu độ trần gian và chúng ta được liên kết với các ngài, nhất là khi cử hành các bí tích. Qua ảnh tượng của các ngài, điều được mạc khải cho đức tin của chúng ta là, con người, được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”, cuối cùng được biến hình nên “giống như Thiên Chúa, và cả các Thiên Thần, là những vị đã được quy tụ lại trong Chúa Ki-tô» (GLHTCG số 1161).

5.  Kết luận

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ việc cấm tuyệt đối theo truyền thống Do-thái, đến sự chống đối của lạc giáo bài trừ ảnh tượng và sự cấm đoán của quyền lực thế quyền ở thế kỷ thứ VIII, thế nhưng cho đến nay, việc thực hành tôn kính ảnh tượng vẫn luôn tìm thấy chỗ đứng trong Giáo Hội. Thật vậy, ngay sau khi Giáo Hội nhận ra giá trị của nghệ thuật trong việc sống và gìn giữ đức tin Ki-tô giáo, ảnh tượng là một phần không thể thiếu trong việc bài trí trong các nhà thờ. Ngang qua các bức sơn màu, tranh khảm, bức bích họa, tượng tạc trên đá hay gỗ, họa ảnh và kính màu được bài trí cách hợp lý trong nhà thờ giúp người tín hữu dễ dàng vươn tới Thiên Chúa hơn trong lúc họ cầu nguyện. Ngoài ra, các tác phẩm nghệ thuật thường kể về cuộc đời hay một biến cố được nói tới trong Sách Thánh và trong lịch sử của Chúa Giê-su, Đức Mẹ và các Thánh, cho nên chúng trở thành những bài giảng, những bài giáo lý hữu ích cho nhiều người, đặc biệt là những người mù chữ. «Việc chiêm ngắm các ảnh tượng thánh, cùng với việc suy niệm Lời Chúa và việc ca hát các thánh thi phụng vụ, sẽ tạo nên một sự hòa hợp các dấu chỉ trong cuộc cử hành, làm cho mầu nhiệm được cử hành in sâu vào tâm khảm các tín hữu, rồi được biểu lộ ra trong đời sống mới của họ» (GLHTCG số 1162). Qua đó nói lên tầm quan trọng của việc tôn kính ảnh tưởng trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu. Không quan trọng ảnh tượng được tác tạo trực tiếp bởi đôi tay và khối óc của con người hay con người đón nhận gián tiếp từ tự nhiên, mà quan trọng là khi chúng ta tôn kính ảnh tượng, chúng ta không được dừng lại ở việc chiêm ngắm vẽ đẹp nghệ thuật, nhưng mà vượt lên trên nó, vươn tới chiêm ngắm chủ thể được mô tả trong ảnh tượng. Đó là mục đích và ý nghĩa đích thực của việc tôn kính ảnh tượng thánh.

An Bình, C.Ss.R.



[1] Từ con cá trong tiếng Hi lạp là ΙΧΘΥΣ. Những mẫu tự này trùng với các chữ viết tắt của cụm từ: ησοῦς ΧριστὸςΘεοῦ ΥἱὸςΣωτήρChúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ. Vì thế, khi vẽ biểu tượng con cá là người tín hữu tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giê-su Ki-tô.

[2] Biểu tượng của chữ X (chi) và P (roh) xếp chồng lên nhau để chỉ danh Chúa Ki-tô. Đây là hai chữ cái đầu tiên của từ Χριστός trong tiếng Hy lạp, có nghĩa là Chúa Ki-tô.

[3] Chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy hình ảnh của ông Giô-na trên các bức tường trong hầm mộ đây là cách mà các Ki-tô tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm phục sinh. Hình ảnh này nhắc nhớ lại biến cố ông Gio-na ở trong bụng cá ba ngày điều đó cũng ám chỉ đến Chúa Ki-tô. Đấng đã chịu chết, chịu mai táng trong mồ và ngày thứ 3 Ngài đã trỗi dậy.

[4] Hình ảnh một người trẻ vác chiên trên vai, đối với người ngoại giáo đó đơn giản chỉ là một người chăn chiên bình thường, nhưng với người Ki-tô hữu đó lại là người Mục Tử Nhân Lành, là chính Chúa Ki-tô.

[5] Từ catacumba (La-tinh), catacomba (Ý), catacomb (Anh) có nghĩa là hầm mộ hay nghĩa trang dưới lòng đất. Nhưng trong tiếng Việt, người ta thường gọi catacumba là hang toại đạo để chỉ nơi trú ẩn của các Ki-tô hữu trong thời kỳ bách hại. Theo các nhà chuyên môn, có lẽ đây là cách hiểu và cách gọi chưa thực sự chính xác về catacumba và dễ gây ra hiểu nhầm.

[6] Latriadulia là phiên âm theo tiếng Hy-lạp. Tương đương với: latriam honor (tiếng La-tinh), adorazionevenerazione (tiếng Ý), adoration veneration (tiếng Anh).

[7] ἀχειροποίητα (Acheropita) là một từ ghép của χείρo (bàn tay) và ποιείν (làm, chế tạo). χειροποίητα có nghĩa là không được vẽ bởi tay con người.

[8] Bức ảnh thánh này được đặt ở trong nhà nguyện dành riêng cho Giáo Hoàng suốt gần 10 thế kỷ. Trước đây, khi Đức Giáo Hoàng còn ở Dinh La-tê-ra-nô, nhà nguyện này đặt rất nhiều thánh tích, cho nên người ta gọi đây là nơi thánh của các thánh (Sancta Sanctorum). Ở dưới bàn thờ, chúng ta nhìn thấy hàng chữ: “Non c’è luogo più santo di questo” nghĩa là không có nơi nào thánh hơn ở đây.

[9] Bức ảnh thánh này được đặt ở trong một nhà nguyện của Vương Cung Thánh Đường thánh Phê-rô. Hằng năm, vào Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay bức ảnh này sẽ được trưng bày cho các tín hữu tới chiêm ngắm và cầu nguyện.

Học viện Thánh Anphongsô