Phản chiếu mầu nhiệm Giáo Hội hiệp hành, tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế theo sát Chúa Kitô Cứu Thế

Phản chiếu mầu nhiệm Giáo Hội hiệp hành, tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế theo sát Chúa Kitô Cứu Thế

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R.


Hiệp hành - tầm nhìn quan trọng của Đức Phanxicô về Giáo Hội

“Hiệp hành” là một tầm nhìn quan trọng của triều đại Đức Giáo Hoàng Phanxicô về mầu nhiệm Giáo Hội. Nói cách khác, mầu nhiệm Giáo Hội có tính hiệp hành là một “từ khoá” thuộc triều đại Đức Giáo Hoàng Phanxicô. “Hiệp hành” – synodos có nghĩa cụ thể nhất và mạnh nhất là “đi trên cùng một con đường”. Giáo Hội hiệp hành là Giáo Hội có các thành phần khác nhau cùng đi với nhau trên một con đường và có Chúa đi cùng.

Ngay lúc khởi đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã có viễn tượng về một Giáo Hội có tính hiệp hành hành như thế. Ngài chia sẻ: “Tôi nghĩ, kinh nghiệm tuyệt vời nhất mà chúng ta có được, đó là thuộc về một dân đang bước đi trong hành trình xuyên qua lịch sử cùng với Đức Chúa của mình, Đấng vẫn bước đi giữa chúng ta! Chúng ta không cô độc; chúng ta không bước đi một mình. Chúng ta thuộc về đoàn chiên duy nhất của Đức Kitô đang tiến bước cùng nhau.”[1]

Trong diễn từ ngày 17 tháng 10 năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Đức Phaolô VI lập cơ cấu “Thượng Hội Đồng Giám Mục”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập cụ thể hơn đặc tính hiệp hành của Giáo Hội khi ngài nhấn mạnh rằng: “Hiệp hành là một chiều kích thiết yếu của Giáo hội. Hiệp hành chính là con đường Thiên Chúa muốn Giáo Hội bước đi trong thiên niên kỷ thứ ba.”[2] Cũng trong diễn từ này, Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn tư tưởng của thánh Gioan Kim Khẩu để khẳng định rằng: “Giáo Hội chính là cuộc đồng hành của đoàn chiên Chúa trên các nẻo đường lịch sử hướng về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. [Do đó], không ai tự cho mình vượt trội những người khác. Trái lại, trong Giáo Hội, mỗi người cần phải ‘hạ mình xuống’ để phục vụ anh chị em trên nẻo đường lữ hành.”[3]

Làm sáng tỏ hơn ý niệm “hiệp hành”, ngày 18 tháng 9 năm 2021, Đức Giáo Hoàng đã giải thích: “Tính hiệp hành không phải là một chương trong sách giáo khoa về Giáo Hội học, càng không phải là một mốt nhất thời hay một khẩu hiểu được bàn tán trong các cuộc họp của chúng ta. Tính hiệp hành là sự thể hiện bản chất, hình thức, phong cách và sứ mạng của Giáo Hội. Chúng ta có thể nói về Giáo Hội như là ‘có tính hiệp hành’ mà không giản lược ý niệm đó thành một cách mô tả hay định nghĩa khác về Giáo Hội.”[4]

Như vậy, Giáo Hội hiệp hành, xét về từ ngữ, có thể là một tên gọi mới mẻ xuất hiện nhiều dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng xét về bản chất, thì ý niệm này không có gì xa lạ, mới mẻ. Thật vậy, Giáo Hội tự bản chất không phải là một tổ chức trần gian gồm những con người tự quy tụ với nhau, nhưng trước hết và trên hết, Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, do Thiên Chúa quy tụ, do Thiên Chúa dẫn đưa và có Thiên Chúa đang cùng đi để đưa cộng đoàn đó tới đích mà Ngài mong muốn. Nói cách khác, đặc tính của Giáo Hội là hiệp hành, nghĩa là mọi thành phần trong Giáo Hội cùng đi với nhau, cùng đi với Chúa trên cùng một nẻo đường và đang được Chúa dẫn đưa tới đích là chính Chúa. Hay nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo Hội không cô độc; Giáo Hội không bước đi một mình. Mọi thành phần khác nhau trong Giáo Hội thuộc về đoàn chiên duy nhất của Đức Kitô đang tiến bước cùng nhau và đoàn chiên đó đang trên các nẻo đường lịch sử hướng về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.[5]

Nền tảng cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội hiệp hành

Để làm sáng tỏ ý nghĩa của mầu nhiệm Giáo Hội hiệp hành như Đức Giáo Hoàng Phanxicô gợi nhắc, Uỷ ban Thần học Quốc tế đã đưa ra một tài liệu quan trọng có tựa đề Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Dựa vào mặc khải Kinh Thánh, Uỷ ban Thần học nhấn mạnh đến nền tảng Chúa Ba Ngôi của Giáo Hội hiệp hành. Giáo Hội không phải là một tổ chức thuần tuý trần gian, nhưng Giáo Hội là đoàn dân hiệp nhất từ Chúa Ba Ngôi được gọi và đủ tư cách là Dân Thiên Chúa để ra đi thực hiện s mệnh của mình “đến với Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Cũng vậy, trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội chia sẻ đời sống hiệp thông Ba Ngôi, một đời sống muốn ôm lấy toàn thể nhân loại.”[6]

Cũng trong tài liệu quan trọng này, Uỷ ban Thần học Quốc tế gợi nhắc đến Nhiệm cục cứu độ đang diễn ra trong chính nội tại của Giáo Hội hiệp hành. Nơi chính Giáo Hội, Chúa Giêsu Phục Sinh đang ban tặng ân huệ Thánh Thần. Trong thẳm sâu tâm hồn của mọi thành phần trong Giáo Hội, “Chúa Thánh Thần làm phát sinh và định hình sự hiệp thông và sứ mạng của Giáo Hội, Thân thể Chúa Kitô và Đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần (Ga 2,21; 1 Cr 2.1-11).”[7]

Ngoài việc trình bày nền tảng Ba Ngôi và nhiệm cục cứu độ của Giáo Hội hiệp hành, Uỷ ban Thần học chú trọng đến mầu nhiệm Thánh Thể. Giáo Hội đi giữa lòng thế giới không phải để quảng bá một học thuyết tâm linh cho nhân loại, nhưng Giáo Hội cử hành mầu nhiệm sự sống thần linh cho nhân thế. Uỷ ban Thần học nhấn mạnh rằng: “Con đường hiệp hành của Giáo Hội được hình thành và nuôi dưỡng bởi Bí tích Thánh Thể… Cội nguồn và chóp đỉnh của hiệp hành chính là việc cử hành phụng vụ - nhất là khi tham dự cử hành Thánh Thể cách duy nhất, trọn vẹn, ý thức và sinh động. Vì sự thông hiệp của chúng ta với Mình và Máu Chúa Kitô, ‘nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì tất cả chúng ta đều chia sẻ cùng một tấm bánh’ (1 Cr 10,17).”[8]

Chiều kích quy Kitô của Giáo Hội hiệp hành

Sau khi trình bày nền tảng của mầu nhiệm Giáo Hội hiệp hành dưới ánh sáng mặc khải Kinh Thánh, Uỷ Ban Thần học Quốc tế nhấn mạnh đến chiều kích quy Kitô nơi đời sống và sứ mạng của Giáo Hội hiệp hành. Giáo Hội với các thành phần khác nhau không đi trên con đường nào khác ngoài con đường của Chúa Kitô. Nói cách khác, Đức Kitô chính là con đường để Dân Chúa hiệp hành. Đi trên con đường này, Dân Chúa đạt tới đích của mình là chính Thiên Chúa. Uỷ Ban Thần học dựa vào mặc khải Tân Ước để khẳng định rằng: “Chiều kích hiệp hành thể hiện tính cách 'hành hương' của Giáo Hội. Hình ảnh của Dân Chúa, được tập hợp từ giữa các quốc gia (Cv 2,1-9; 15,14), thể hiện tính cách xã hội, lịch sử và truyền giáo của Giáo Hội, tương ứng với điều kiện và ơn gọi của mỗi người là một khách lữ hành (homo viator). Con đường là hình ảnh làm sáng tỏ mầu nhiệm Chúa Kitô là Con đường dẫn đến Chúa Cha. Chúa Giêsu là con đường từ Thiên Chúa đến con người và từ con người đến Thiên Chúa. Để ân sủng tuôn tràn, Ngài tự biến mình thành một người hành hương bằng cách cắm lều cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14); sự kiện đó đang diễn ra trên nẻo đường hiệp hành của Giáo Hội.”[9]

Đức Kitô không chỉ là con đường để Giáo Hội hiệp hành tiến về Thiên Quốc, mà chính Ngài cũng đang cùng đi với Giáo Hội. Nói cách khác, Giáo Hội hiệp hành đang làm cuộc lữ hành với Đức Kitô để đạt tới đích của mình. Dựa vào Kinh Thánh, Uỷ Ban Thần học diễn giải: “Giáo hội đang lữ hành với Chúa Kitô, qua Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Ngài, người dẫn đường, Con đường và quê hương của chúng ta, ban cho chúng ta Thánh Thần tình yêu của Ngài (Rm 5,5) để trong Ngài, chúng ta bước đi trên ‘con đường hoàn hảo nhất’ (1 Cr 12,31). Giáo Hội được mời gọi tiếp nối bước chân của Chúa cho đến khi Ngài trở lại (1 Cr 11,26). Giáo Hội là Dân lữ hành (Cv 9,2; 18,25; 19,9) hướng về Nước Trời (Pl 3,20). Hiệp hành là mô thức lịch sử của cuộc hành trình hiệp thông hướng tới sự sau cùng (Dt 3,6;4,14). Đức tin, Đức Cậy và Đức Mến hướng dẫn và thông báo cho cuộc hành hương về sự tập hợp của Chúa ‘trong viễn cảnh của đô thành tương lai’ (Dt 11,10). Kitô hữu là ‘lữ hành và khách lạ’ trên thế giới (1 Pr 2,11), được vinh dự với ân huệ và trách nhiệm loan báo Tin Mừng của Nước Trời cho mọi người.”[10]

Sống mầu nhiệm Giáo Hội hiệp hành, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế sequela Christi[11]

Nếu hiểu mầu nhiệm Giáo Hội hiệp hành là mọi thành phần Dân Chúa như lữ khách và khách lạ trên thế giới đang cùng đi với nhau trên con đường độc nhất là Chúa Kitô và theo sát Chúa Kitô để tiến về thành đô thiên quốc, thì có thể nói, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đang thể hiện chiều kích mầu nhiệm Giáo Hội hiệp hành cách mạnh mẽ và rõ ràng ngang qua đời sống thừa sai của mình.

Có một thuật ngữ rất quan trọng diễn tả linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế đó là bước theo Chúa Kitô Cứu Thế - Sequela Christi! Chị Celesta Crostarosa và vị linh hướng của thánh Anphongsô là đức cha Facoia muốn thánh Anphongsô thiết lập một hội dòng gồm những anh em “bắt chước các nhân đức của Chúa Giêsu”, nhưng thánh nhân lại không có cùng một diệu cảm và viễn tượng đó. Trái lại, ngài muốn anh em trong hội dòng mà ngài thiết lập phải “bước theo gương Chúa Kitô Cứu Thế”, chứ không chỉ dừng lại ở chỗ bắt chước các nhân đức của Chúa Giêsu. Thật vậy, từ đời sống cầu nguyện đến đời sống sứ vụ của thánh Anphongsô, chúng ta có thể nhận ra cách rõ ràng một linh đạo “bước theo Chúa Kitô Cứu Thế”, chứ không phải là linh đạo bắt chước các nhân đức của Chúa Giêsu.

Nếu cội nguộn và trung tâm của đời sống hiệp hành trong Giáo Hội là Bí tích Thánh Thể, thì linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế khởi đi từ thánh Anphongsô cũng luôn gắn liền với nhiệm tích cực trọng này. Thánh Anphongsô thường chỉ dẫn cho anh em trong Dòng luôn biết sống thân mật với Chúa Giêsu Thánh Thể và mỗi khi được rước lễ, thì phải biết thân thưa với Chúa: “Lạy Đấng Cứu Chuộc vô cùng dịu ngọt và đáng mến của con…xin biến đổi tâm hồn con, xin tách lòng trí con khỏi mọi sự quyến luyến thế gian, xin ban cho lòng con được hiệp nhất với thánh ý Chúa để nó không tìm kiếm điều gì khác ngoài việc làm đẹp lòng Chúa mà thôi.”[12]

Nếu Giáo Hội hiệp hành không có con đường nào khác ngoài con đường của Chúa Kitô để tiến về thành đô thiên quốc, thì linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế cũng phản ánh đậm nét con đường quy Kitô. Quả vậy, đối với thánh Anphongsô, bước theo Chúa Kitô Cứu Thế cũng có nghĩa là đi với Ngài trên con đường Ngài đã đi và chia sẻ những gì đã xảy đến với Ngài. Nói cách khác, theo Chúa Cứu Thế là vác thập giá với Ngài. Suy gẫm về mầu nhiệm thương khó của Chúa, thánh Anphongsô thốt lên: “Ôi hỡi linh hồn, hãy mang lấy thập giá vì lòng mến Chúa Giêsu, Đấng đã vì yêu ngươi mà chịu đau khổ quá nhiều. Hãy nhìn xem Người đang vác thập giá mà Người đang mời gọi ngươi hãy vác lấy thập giá mình mà theo Người.”[13]

Như thế, đặc sủng và linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế khởi đi từ thánh Anphongsô đậm chất sequela Christi. Nói cách khác, đời sống thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế đậm chất quy Kitô như chính đời sống và sứ mạng của Giáo Hội hiệp hành. Quả vậy, trở về cảm thức ban đầu của đấng sáng lập, ngay số Hiến Pháp đầu tiên đã xác định căn tính và mục đích của Hội Dòng là “bước theo gương Chúa Giêsu Cứu Thế bằng cách rao giảng Lời Chúa cho người nghèo, như chính Ngài đã tuyên bố về mình: ‘Người đã sai tôi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó.’”[14] Theo đó, Hiến Pháp Dòng đã xem việc bước theo Chúa Giêsu Cứu Thế như là chuẩn mực nền tảng của Hội Dòng.[15] Nói đúng hơn, đây là điều kiện tiên quyết cho mọi sự khác của đời sống tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Nếu tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nào không xem việc bước theo Chúa Giêsu Cứu Thế như là đòi buộc căn bản của đời sống mình, thì có thể nói, tu sĩ ấy không còn “chất Chúa Cứu Thế” nữa! Vì lẽ này mà Hiến Pháp đã đòi buộc ngay cả các tập sinh trong Dòng cũng phải biện phân cách kỹ càng việc bước theo Chúa Giêsu Cứu Thế. Hiến Pháp nhắc bảo: “Mục tiêu của Tập viện là nhằm giúp các ứng viên phân định đấu tháo hơn xem họ có thực sự được Chúa kêu gọi để bước theo Đức Kitô qua việc khấn dòng trong đời sống tông đồ của Dòng hay không.”[16] Đặc biệt, khi tuyên lời khấn Dòng, các khấn sinh phải tuyên bố rõ ràng việc quyết tâm dâng hiến toàn thân cho Chúa bằng cách đi theo sát Đức Kitô Cứu Thế; và vì mục đích ấy, khấn sinh tự do chọn đời sống Kitô hữu được ghi khắc bởi các lời khuyên tin mừng…

Hơn nữa, việc đi theo sát Chúa Kitô Cứu Thế không chỉ là đòi buộc có tính cá nhân, nhưng đó còn là đòi buộc có tính cộng đoàn. Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế, theo như Hiến Pháp quy định, “được kêu gọi để tiếp nối sự hiện diện của Đức Kitô và sứ mạng cứu chuộc của Ngài trên trần gian, nên họ chọn bản vị Đức Kitô làm trung tâm đời sống của họ và ngày càng nỗ lực gắn bó với Ngài cách mật thiết hơn bằng sự hiệp thông đích thân với Ngài.”[17] Cũng vì được kêu gọi tiếp nối sự hiện diện của Đức Kitô và sứ mạng cứu chuộc của Ngài, nên cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế được đòi buộc thăng tiến không ngừng qua việc liên tục canh tân nội tâm,[18] đồng thời “các tu sĩ phải hết sức lưu tâm đến việc mặc lấy con người mới, được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại từ cõi chết… Việc hoán cải tâm hồn và canh tân lòng trí không ngừng phải là nét đặc thù của toàn bộ đời sống thường nhật của họ.”[19]

Tóm lại, sống triệt để đặc sủng và linh đạo bước theo Chúa Kitô Cứu Thế trên con đường loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khó, nhất là những người bị bỏ rơi hơn cả, các tu sĩ Dòng Chúa Thế đang diễn tả cách sống động và rõ ràng mầu nhiệm Giáo Hội hiệp hành như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gợi nhắc.



[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Chuyến thăm mục vụ ở Assisi, ngày 4/10/2013.

[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Lễ kỷ niệm 50 năm thiết định Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngày 17/10/2015.

[3] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Lễ kỷ niệm 50 năm thiết định Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngày 17/10/2015.

[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài nói chuyện với các tín hữu Giáo phận Rôma, ngày 18/9/2021.

[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Lễ kỷ niệm 50 năm thiết định Thượng Hội Đồng Giám Mục.

[6] Uỷ ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, số 43.

[7] Ibid., số 44.

[8] Uỷ ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, số 47.

[9] Uỷ ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, số 49.

[10] Uỷ ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, số 50.

[11] Bruno Hidber, “Bước theo Chúa Giêsu” trong Lexicon of Redemptorist Spirituality, 114 – 117.

[12] Acts for Holy Communion” trong Ascetical Works IV, 406.

[13] Ibid., 166.

[14] HP, số 1.

[15] HP, số 74.

[16] HP, số 86, 2.

[17] HP, số 23.

[18] HP, số 40.

[19] HP, số 41, 1.

Phản chiếu mầu nhiệm Giáo Hội hiệp hành, tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế theo sát Chúa Kitô Cứu Thế

Học viện Thánh Anphongsô