Vincentê Cổ Diệu Thanh
Từ "mà chớ"
“Mà chớ” là tổ hợp dùng ở cuối câu để biểu thị ý xác nhận dứt khoát: đúng như vậy, chắc chắn như vậy, quả như vậy.
- Từ điển Việt-Bồ-La của cha Đắc Lộ định nghĩa: không còn gì hơn.
- Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Của định nghĩa: chắc như vậy, quả như vậy, không có thể gì khác.
Ví dụ:
- Vì vậy, khi ta muốn cho sống lâu, thì ta cậy một Đức Chúa Trời mà chớ (x. Đắc Lộ, Phép giảng tám ngày, 52).
- Thật phải mày ăn phải trái Tao đã cấm mà chớ (x. Đắc Lộ, Phép giảng tám ngày, 90).
- Vì vậy khi con cái đốt cho cha mẹ những của giả ấy, thật là gửi lửa cho cha mẹ mà chớ (x. Đắc Lộ, Phép giảng tám ngày, 123).
- Thật người này là con Đức Chúa Trời mà chớ (x. Đắc Lộ, Phép giảng tám ngày, 232)
- Cầu nhân ắt được nhân mà chớ (x. Nguyễn Công Trứ, Vịnh Di, Tề).
- Tham khảo thêm: Vương Lộc, Từ điển từ cổ (Đà Nẵng: NXB. Đà Nẵng, 2002), 106.
Về bản kinh Mười điều răn
Bản kinh gốc chữ Nôm đã được dịch ra chữ Quốc ngữ hiện đại như sau:
“Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà chớ, trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu thương người ta như mình ta vậy. Amen.”
Như vậy, câu tóm của kinh Mười điều răn trong bản kinh Việt ngữ phải hiểu thế này:
“Mười điều răn đó tóm về hai điều này chắc chắn như vậy (không thể khác được), trước là kính yêu một Thiên Chúa, sau là yêu thương tha nhân như yêu chính bản thân mình. Amen.”
Nhận xét
“Mà chớ” là một từ Việt cổ tính đến nay ít là hơn 400 năm tuổi. “Mà chớ” là một từ Việt, mà ngày nay, rất tiếc, đã bị biến nghĩa hoàn toàn về cách hiểu dẫn đến việc nhiều nơi tự sửa thành: “Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà NHỚ…” hoặc “Mười điều răn ấy tóm về hai điều này: trước kính mến…”