Đời sống cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế trong tâm hồn người anh em Giuse Lê Nguyễn (R.I.P.)

CỘNG ĐOÀN HUYNH ĐỆ: CHỨNG TÁ TIN MỪNG

Giuse Lê Nguyễn (X)

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

anh em được sống vui vầy bên nhau,

như dầu quý đổ trên đầu

xuống râu xuống cổ áo chầu A-ha-ron,

như sương từ đỉnh Khéc-môn

toả trên đồi núi Xi-on lan tràn,

nơi đây ân huệ CHÚA ban,

chính là sự sống chứa chan muôn đời” (Tv 133).

Quả thật, trong cuộc đời lữ thứ trần gian niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người là được sống cùng và sống với nhau; sống cho và sống vì nhau. Bởi lẽ, con người được tạo dựng theo cách không thể sống, phát triển và hoàn thiện mình trừ khi họ chân thành hiến mình cho tha nhân. Ngay từ khởi thủy, con người được Thiên Chúa tạo dựng để sống liên đới và hiệp thông với nhau. Vì thế, tự bản chất, con người chỉ có thể trở thành người cách toàn vẹn khi tương quan với người khác.

Đời sống cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế trong tâm hồn người anh em Giuse Lê Nguyễn

Đứng trước những biến chuyển, đổi thay của thời đại, con người dường như đang phá vỡ đi các mối tương quan giữa mình với nhân loại. Con người không còn muốn sống cùng và sống với nhau; sống cho và sống vì nhau. Thay vào đó, họ tự cô lập và rút vào trong những quyền lợi của mình, họ tự xây lên cho mình những bức tường ngăn cách với toàn thể tạo thành, họ biến mình thành những ốc đảo và tại nơi đó không ai có thể đụng chạm tới được. Trước một thế giới đang bị tổn thương do những chia rẽ, bất hòa, chiến tranh, xung đột, hận thù,… Trước những đổ vỡ giữa các mối tương quan giữa con người với con người, thì hơn bao giờ hết, những người sống đời thánh hiến được mời gọi xây dựng lại các mối tương quan, “thêu dệt”, “lắp ghép” lại những mảnh đổ vỡ, rách nát của nhân loại bằng đời sống huynh đệ hiệp thông và “làm cho con người thấy được vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ và chỉ cho họ những nẻo đường cụ thể để đưa tới đó”[1]. Đặc biệt, đối với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) những nẻo đường này không gì khác hơn là sống tình bác ái huynh đệ trong đời sống cộng đoàn.

Đời sống huynh đệ cộng đoàn – Dấu chỉ hiệp thông

“Đức Giêsu lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng.” (Mc 3, 13-14)

Khởi đi từ lời mời gọi của Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng để làm nên một cộng đoàn huynh đệ hiệp nhất, yêu thương, chắc chắn không phải tự ý muốn con người mà có nhưng được phát xuất từ ý muốn của Thiên Chúa. Thật vậy, chính Thiên Chúa đã gọi đích danh và thánh hiến từng người một để họ sống hiệp thông với chính Người, với anh em và để họ chia sẻ sứ mạng và cuộc sống của Người.

Qua đó, chúng ta thấy rằng cộng đoàn huynh đệ trước hết là một hồng ân của Thiên Chúa. Vì thế, sự hiệp thông trong đời sống cộng đoàn huynh đệ không phải là một nhóm người sống bên cạnh nhau, hay là một nhóm người được quy tụ lại với nhau để phục vụ trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội,… cộng đoàn huynh đệ cũng không phải là tập thể những người sát cánh cùng nhau để bảo vệ sinh mạng cho nhau gọi là “cộng đoàn của những người đắm tàu trên một chiếc bè”[2]. Nhưng cộng đoàn huynh đệ không gì khác hơn là một sự gắn kết giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Sự gắn kết này được đặt trên nền tảng khuôn mẫu tuyệt hảo là cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi lẽ, giữa Ba Ngôi có một mối hiệp thông đặc biệt đến nỗi Ba Ngôi Vị khác nhau nhưng lại không phân chia, không có Ngôi Vị nào hành động mà lại thiếu vắng sự tham dự hành động của Ngôi Vị kia, không có gì là bí ẩn và tách rời trong tương quan liên vị của Ba Ngôi. Vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) mà tình yêu thì không thể nào hiện hữu một mình và đơn độc như Chúa Cha trao ban chính mình và tự bộc lộ một cách trọn vẹn nơi Ngôi Lời; Chúa Con đón nhận tất cả và không ngừng đáp lại tình yêu của Chúa Cha; khi Chúa Cha và Chúa Con trao ban cho nhau thì nhiệm xuất Chúa Thánh Thần. Dựa trên khuôn mẫu tuyệt hảo là cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi, cộng đoàn sống đời thánh hiến được mời gọi ở lại trong tình yêu của Ba Ngôi và trở nên dấu chỉ hiệp thông bằng đời sống hiệp thông của cộng đoàn mình, mở ra cho những tương quan nhân loại và trao ban trọn vẹn trong tình yêu.

Đời sống huynh đệ cộng đoàn – Luật sống cốt yếu của các tu sĩ DCCT

Hiến pháp số 21 của DCCT cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của đời sống cộng đoàn huynh đệ trong việc thực thi sứ mạng thừa sai của mỗi tu sĩ DCCT: “Để chu toàn sứ mạng của mình trong Hội Thánh, các tu sĩ DCCT thực hiện công việc thừa sai như là một cộng đoàn. Vì lẽ đời sống chung mang tính tông đồ mở đường cách hiệu quả nhất cho đời sống đức ái mục vụ. Vì thế, luật sống cốt yếu của các tu sĩ là: sống cộng đoàn và thực hiện công việc tông đồ ngang qua cộng đoàn. Vì lí do này, khía cạnh cộng đoàn phải luôn được lưu tâm đến bất cứ khi nào một công việc thừa sai được chấp nhận.” Như vậy, đời sống sứ mạng của mỗi tu sĩ DCCT không bao giờ được tách biệt khỏi đời sống cộng đoàn huynh đệ.

Khởi đi từ tình yêu của Chúa Cứu Thế “ Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15, 16). Các tu sĩ DCCT đáp trả tình yêu này bằng việc hiến mình cách đặc biệt cho Thiên Chúa và cho hoạt vụ thừa sai (x. HP 1). Nhờ đó các tu sĩ DCCT sống chung với nhau và làm nên một thân mình thừa sai duy nhất (x. HP 2).

Nhìn lại mẫu gương của cộng đoàn tiên khởi, chúng ta thấy được mọi sinh hoạt của cộng đoàn đều xoay quanh trục Đức Kitô chết và sống lại. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh sử Luca đã thuật lại cho chúng ta thấy đời sống sinh hoạt của các Tông Đồ sau khi được ánh sáng Phục sinh chiếu giãi và Thần Khí Chúa ngự xuống. “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng làm lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng.” (Cv 2,42) “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu.”(Cv 2, 44 – 45) Ngang qua đời sống sinh hoạt của cộng đoàn tiên khởi, các tu sĩ DCCT cũng được mời gọi làm cho đời sống của mình trở nên giống như các tông đồ - nghĩa là xoay quanh trục Đức Kitô chết và sống lại. Như Hiến pháp số 22 của DCCT đã nhấn mạnh rằng: “Toàn bộ mục đích của đời sống cộng đoàn nhằm giúp các tu sĩ, giống như các tông đồ nhờ tinh thần hiệp thông huynh đệ chân thật, nối kết việc cầu nguyện với bản thảo, lao động với khổ đau, thành công với thất bại, cũng như của cải vật chất của họ để phục vụ Tin Mừng.” Như vậy, “cộng đoàn sẽ không thực sự hiện hữu khi các thành viên chỉ đơn thuần sống chung với nhau; cộng đoàn còn đòi buộc việc chia sẻ chân thành về phương diện nhân bản và tâm linh.” Vì thế, đời sống cộng đoàn huynh đệ DCCT phải được bắt nguồn từ cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện qua Mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Kitô, vì đó là trung tâm và chóp đỉnh trong việc xây dựng cộng đoàn huynh đệ và là dấu chỉ hiệp thông với tha nhân, đặc biệt là với những người nghèo, những người bị bỏ rơi hơn cả.

Cộng đoàn huynh đệ - Men cho đời, ánh sáng cho trần gian

Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhận định rằng: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Quả thật, để công cuộc loan báo Tin Mừng trở nên hữu hiệu thì Lời loan báo Tin Mừng không chỉ là những lời giảng dạy trên bục giảng mà còn bằng sự hiện diện huynh đệ âm thầm với lối sống dấn thân, phục vụ, hiến mình cho tha nhân. Hiến pháp số 9 của DCCT cũng chỉ rõ: “Nếu hoàn cảnh khiến họ có lúc không thể công bố Tin Mừng cách trực tiếp và tức thời, hoặc không thể rao giảng Tin Mừng cách trọn vẹn, thì các thừa sai với sự kiên nhẫn và sự thận trọng, nhưng đồng thời với hết lòng tin tưởng, phải làm chứng cho lòng mến của Đức Kitô và cố hết sức làm cho mình trở nên người thân cận của mọi người. Lòng mến này sẽ được biểu lộ bằng việc cầu nguyện, bằng việc chân thành phục vụ tha nhân và bằng chứng tá của đời sống dưới mọi hình thức.”

Nhìn lại công cuộc loan báo Tin Mừng bằng sự hiện diện huynh đệ của các tu sĩ DCCT, chúng ta không thể không nhắc đến NHÓM RA ĐI[3] gồm có bốn người: Cha Antôn Vương Đình Tài, thầy Lêônard Hồ Văn Quân, hai thầy phó tế là Giuse Trần Sĩ Tín và Phêrô Nguyễn Đức Mầu. Năm 1969, các ngài đặt chân đến mảnh đất của người Jrai để Loan báo Tin Mừng cho người Jrai. Thế nhưng trong cái giai đoạn khó khăn thiếu thốn đủ bề, khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ và chính trị đang diễn ra căng thẳng, tôn giáo bị đàn áp, cấm cách, bắt bớ khắp nơi,… thì làm sao có thể loan báo Tin Mừng cách minh nhiên được, nhưng với sự dấn thân cho Tin Mừng Cứu Độ các ngài đã ở giữa dân, sống với dân, học với dân và làm với dân trong suốt 20 năm để loan báo Tin Mừng cho dân bằng sự hiện diện huynh đệ âm thầm phục vụ, dấn thân, hiến mình hoàn toàn cho sứ vụ của các ngài. Trong suốt 20 năm trải qua nhiều đau khổ, gian nan, thử thách, đối diện với cái chết cận kề và chứng kiến cảnh nằm xuống nơi lòng đất lạnh lẽo giữa rừng của những anh em trong dòng, các ngài vẫn không sờn lòng nản chí, hay thất vọng nhưng các ngài vẫn tiếp tục sống chứng tá Tin Mừng bằng sự hiện diện huynh đệ với đời sống phục vụ, tràn đầy tình yêu thương, niềm vui và niềm hy vọng để hạt giống Lời luôn được lớn lên và trổ sinh trên mảnh đất J’rai.

Như vậy, để lời loan báo Tin Mừng trở nên hữu hiệu trong thời đại ngày hôm nay, người rao giảng không phải chỉ giảng dạy cho người ta một thứ học thuyết cao siêu hay một bài giáo lý hoa mỹ, mê hoặc lòng người mà chẳng đụng chạm tới hay biến đổi tâm hồn người ta. Nhưng người rao giảng trước hết phải sống đúng các giá trị Tin Mừng nghĩa là trở nên chứng tá của Tin Mừng bằng sự hiện diện huynh đệ và bằng lối sống hiệp thông, yêu thương, phục vụ hết mọi người, khi đó lời loan báo Tin Mừng mới thực sự được vang vọng, đụng chạm, và biến đổi tâm hồn con người khắp nơi trên thế giới.

Con người ngày hôm nay đang sống trong một thế giới đang bị tổn thương, không an toàn và bất ổn do chiến tranh, nghèo đói, thất nghiệp, cùng với sự xuống cấp của các giá trị đạo đức, luân lý,… Trước thực tại đau thương của nhân loại, những người sống đời thánh hiến được mời gọi ở lại trong tình thương của Chúa và để Chúa sai đi như những người trợ giúp, những người đồng hành và những thừa tác viên trong công trình vĩ đại của ơn cứu chuộc (x. HP 2).

Bên cạnh đó, những người sống đời thánh hiến cũng được mời gọi cách đặc biệt hơn nữa là trở nên những chuyên viên của sự hiệp thông[4] để “thêu dệt”, “xây dựng” lại những mảnh rách nát, đổ vỡ trong mối tương quan giữa con người với nhau. Điều này đòi hỏi những người sống đời thánh hiến phải RA ĐI, ra đi khỏi chính mình, ra đi khỏi những cơ cấu đã bị xơ cứng, ra đi để đến với người nghèo, những người bị bỏ rơi nơi các vùng ngoại biên, và ra đi để tìm Chúa, tìm mình và tìm người.

Đối với các tu sĩ DCCT là “những thừa sai của niềm hy vọng theo bước chân Chúa Cứu Thế” chúng ta cũng được mời gọi canh tân lại đời sống của mình, canh tân lại tương quan huynh đệ hiệp thông trong đời sống cộng đoàn và hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi chấp nhận rủi ro, như những nhà thừa sai mang tính ngôn sứ của hy vọng, hãy sẵn sàng ra đi đến nơi Thần Khí mời gọi, với tầm nhìn về tạo thành và nhân loại được đổi mới theo hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chúng ta.[5]

Trích nội san Đáp trả Tình Yêu

của lớp NICOLAS CHARNETSKY niên khóa 2023-2024


[1] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 41.

[2] Thần học đời tu (Lưu hành nội bộ), 66.

[3] Trần Sĩ Tín, Sứ vụ J’rai, 294.

[4] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 42.

[5] Sứ điệp của Tổng Công hội DCCT XXVI, số 9.

Đời sống cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế trong tâm hồn người anh em Giuse Lê Nguyễn (R.I.P.)

Học viện Thánh Anphongsô