Đến và ở cùng…

(Cảm nhận mục vụ Hè 2024)

Trước khi đến giáo xứ Cao Bình thuộc giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng – trong chuyến mục vụ hè năm 2024, tôi đã đi qua những con đường gấp khúc và ngoằn ngoèo với cảnh núi non hùng vĩ, thơ mộng. Thật khó có thể dùng từ ngữ để diễn tả hết khung cảnh núi non chập chùng, đèo nối đèo, núi nối núi, các con suối nhỏ như bức tranh thủy mặc mê hoặc lòng người. Tôi không khỏi trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và thầm ca ngợi Chúa: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài,…” (Tv 8, 4).

Đến và ở cùng…

Khi đến nơi, Cha Giuse Nguyễn Văn Phượng – bề trên cộng đoàn dòng Chúa Cứu Thế Cao Bằng, chánh xứ Giáo xứ Cao Bình – cùng hai cha phó đã đón tôi rất thân tình. Bởi lẽ khi đến đó, tôi rất bỡ ngỡ và chưa thể tưởng tượng ra khung cảnh ở các điểm truyền giáo mà tôi sẽ được sai đến trong dịp hè này. Sau khi đặt chân đến nơi và chung sống với người dân trên các bản làng, tôi mới phần nào hiểu được truyền thống văn hóa, cũng như cảm nghiệm được sự vất vả, khó khăn, thiếu thốn về của cải vật chất lẫn tinh thần của người dân trên vùng cao này. Phía sau phong cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên thơ mộng là biết bao ngôi nhà đơn sơ, cũ nát; biết bao những gia đình nghèo; cùng những em bé ngây thơ, trong sáng không có đủ điều kiện cần thiết cho việc học cũng như sinh hoạt hằng ngày như các trẻ em nơi khác. Bên cạnh đó, tôi còn cảm nhận được công lao của qúy cha, qúy thầy và những vị thừa sai đã từng đặt chân đến nơi đây. Tất cả những hình ảnh đó đã làm con tim tôi thổn thức và ưu tư hơn nữa cho công cuộc truyền giáo trên vùng cao trong tương lai.

Giáo điểm Thành Công – Na Rị

Sau khi ở giáo xứ Cao Bình một vài ngày, cha Bề trên đưa tôi đến với giáo điểm Thành Công – Na Rị do cha Giuse Nguyễn Văn Sơn, C.Ss.R. đang phụ trách. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến đây đó là Thánh Lễ Chúa Nhật dành cho người H’Mông với hai ngôn ngữ Kinh – H’Mông. Dù tôi không hiểu gì về tiếng H’Mông, nhưng tôi thấy được tinh thần sốt sắng của bà con người miền núi khi tham dự Thánh Lễ. Để có thể dự Lễ Chúa Nhật, một số anh chị em phải đi 40km đường đèo để đến giáo điểm. Hay, một số người khác phải vất vả đi bộ 6km đường núi ngoằn ngoèo xuống trạm xe buýt, rồi bắt xe đi thêm 20km mới đến được giáo điểm. Họ khiến tôi khâm phục vì tinh thần kiên cường và khao khát được đến với Chúa nơi giáo điểm nhỏ bé. Ấn tượng thứ hai là cửa hàng áo quần 0 đồng cho người nghèo với dòng chữ: “Ai cần mời lấy, ai có mời cho” thể hiện sự chia sẻ lẫn nhau trong tình người.

Đến và ở cùng…

Tại giáo điểm này, tôi tôi được sống và sinh hoạt với các em nội trú đang học đàn, có cả người kinh lẫn người H’Mông. Các em đã đem đến không chỉ riêng cho tôi, mà còn cho các cha trong cộng đoàn niềm vui và hạnh phúc khi được làm người phục vụ. Trong thời gian tôi ở, giáo điểm đang trong quá trình xây dựng thêm sân sau và một số hạng mục để đáp ứng nhu cầu học tập và sân chơi cho các em thiếu nhi.

Đến và ở cùng…

Những lần được quý cha dẫn tôi đi thăm nhà dân trên bản, tôi thêm khâm phục và ngưỡng mộ những con người miền núi hơn. Cơn mưa bất chợt làm con đường lên bản như được bôi lên một lớp mỡ gà để thách thức người đi. Các cha và anh em không vì thế mà chùn chân, chúng tôi đi bộ một đoạn đường nhỏ với những con dốc đầy sỏi đá trơn trượt để đến với vài gia đình sống trong những ngôi nhà được dựng bên vách núi cheo leo. Những con người trên bản với thân hình ốm và khuôn mặt đượm nét vất vả, những em bé dễ thương và thiếu thốn nhiều thứ khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Mặc dù thời gian tôi ở với dân trên bản rất ngắn, nhưng tôi cảm nghiệm được sự khao khát về của ăn thiêng liêng tinh thần của họ. Những điều ấy gợi lên trong lòng tôi lời hỏi của của các Tông đồ với Chúa Giêsu năm xưa: “Ai sẽ cho họ ăn đây?”

Bản Lũng Gà

Kết thúc 2 tuần ở giáo điểm Thành Công, tôi được đi đến và sống cùng người dân ở bản Lũng Gà. Vừa đặt chân đến nơi, tôi được đi bẻ ngô cho nhà anh Trường. Con đường dẫn ra cánh đồng nhỏ hẹp với toàn sỏi đá khiến việc di chuyển khá khó khăn. Thế nhưng, người dân vẫn dùng xe máy để chở ngô về đến nhà. Đa số những cánh đồng ngô của người dân đều thế và tay lái của những người chở ngô cũng thật chắc. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người vác từng bao ngô gần bằng với cân nặng của mình về nhà tựa như người con trai H’Mông vác người con gái mình thương để đưa về nhà giữa thời tiết mưa nắng thất thường.

Đến và ở cùng…

Qua thời gian một tuần cùng sống với người dân, tôi phần nào cảm nghiệm được sự vất vả, khó nhọc của họ. Cuộc sống của người dân H’Mông gắn liền với công việc làm nông và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trên lưng của mỗi người luôn đeo một chiếc gùi, lúc thì đựng củi, lúc thì ngô, rau rừng, măng rừng hay thức ăn cho gia súc,… Từng chiếc gùi, từng bao ngô vác trên vai trong thời tiết khắc nghiệt của vùng cao diễn tả sức nặng của cuộc sống mưu sinh, gánh nặng gia đình, những lo lắng của thân phận con người. Nếu thời tiết thuận hòa, thì họ may mắn được no ấm; nếu không thì họ cũng chỉ dựa vào thức ăn tự kiếm được trong tự nhiên để sống qua ngày. Một thiếu thốn của họ nữa là chưa có nguồn nước sạch. Tất cả sinh hoạt đều dựa vào nguồn nước mưa. Quả thực, ngang qua từng cây rau rừng, bụi măng và từng giọt nước mưa, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, chăm sóc và không để dân Người phải đói khát. Trong những vất vả đó, tình yêu gia đình, tình làng nghĩa xóm và tình nghĩa anh em huynh đệ là những điều thiêng liêng giúp cho mỗi người có được niềm vui trong cuộc sống. Dù thiếu thốn của cải vất chất, nhưng tình người rất đong đầy và đầm ấm. Thần Khí Chúa luôn hoạt động trong con người nơi đây. Những hoa quả của Thần Khí: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ,… (x. Gl 5,22) đang hiện rõ trong mỗi người dân nơi đây trong ánh mắt, nụ cười, hay trong những bữa cơm gia đình.

Đến và ở cùng…

Bên cạnh những điều rất đẹp ấy, vẫn còn đó một vài nét tập tục xưa như tảo hôn. Trẻ em người H’Mông không được đi học đầy đủ và phải lập gia đình sớm. Văn hóa uống rượu đã có từ lâu vẫn còn kéo dài đến hôm nay, gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, dẫn đến bạo lực gia đình và các tệ nạn khác. Số lượng người theo đạo Công giáo chỉ là số nhỏ.

Đến và ở cùng…

Trải nghiệm cuộc sống với người dân trên bản, tôi lại càng ngưỡng mộ hơn sự hy sinh vất vả của những vị thừa sai đầu tiên đã đặt chân lên vùng cao này, cũng như quý cha đang hoạt động ở cánh đồng truyền giáo rộng lớn này. Các ngài chắc phải có trong mình tình yêu sâu đậm lắm với Đức Giêsu, mới có thể đi đến với người dân nơi các bản làng. Hơn nữa, ngôn ngữ cũng là rào cản cho việc truyền giáo nơi đây. Tuy nhiên, với sự hy sinh, quý cha cũng có thể tiếp xúc và dần dần giao tiếp được với bà con.

Đến và ở cùng…

Sau thời gian ở bản, tôi nhận thấy còn biết bao gia đình đang đói khát của ăn thiêng liêng tinh thần, chưa nhận biết Chúa và đón nhận đức tin. Lời Chúa lại vang lên: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13) như câu trả lời cho câu hỏi mà Thiên Chúa muốn chất vấn tôi. Vì chỉ có Chúa mới là Đấng an ủi những ai vất vả, lo âu và mang gánh nặng cuộc sống “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,28-30).

Giáo điểm Bảo Lạc và Bảo Lâm

Cuối cùng, cha Bề trên đưa tôi đi thăm giáo điểm Bảo Lạc cách giáo xứ Cao Bình khoảng 140km. Sau đó, tôi được ở lại giáo điểm Bảo Lâm hai ngày. Hai giáo điểm này được xem là vùng “trắng” tôn giáo. Người theo đạo Công giáo ở đây rất ít. Đời sống tâm linh của người dân nơi đây đang thiếu sự nuôi dưỡng thường xuyên, vì gặp nhiều khó khăn trong việc đón nhận Tin Mừng. Do đó, họ rất khao khát có những vị thừa sai đến để đồng hành với họ.

Đến và ở cùng…

Chuyến đi Bảo Lạc và Bảo Lâm dịp hè này đã mang đến một ý nghĩa lạ thường, thôi thúc trong tôi lòng nhiệt huyết và sự thao thức làm sao có thể đi đến và ở cùng với những người đang khao khát Chúa, khao khát cuộc sống tâm linh đích thực nơi vùng cao.

Khoảng thời gian mục vụ không dài, nhưng đủ để tôi cảm nhận được tình Chúa tình người nơi miền đất cao chập chùng đồi núi đầy nắng và gió này. Thấy được những vất vả và sự nhiệt tâm loan báo Tin mừng của quý cha nơi đây, cảm nhận được cuộc sống khó nhọc mưu sinh của những anh chị em người H’Mông, những kỉ niệm khi ở bên các em nội trú, và tình cảm của biết bao con người, tôi nhận thấy, có lẽ để có thể truyền giáo cho những người trên vùng cao, chúng ta cần quan sát để nhận ra và đáp ứng nhu cầu của dân làng, cả vật chất cũng như tinh thần “chính anh em hãy cho họ ăn.” Bên cạnh đó, đối với tôi, dịp gặp gỡ này nung đốt trong tôi tinh thần cầu nguyện và thôi thúc tinh thần thừa sai. Đồng thời, tôi cần học hỏi thêm tinh thần phục vụ của các thế hệ cha  anh đi trước và mong muốn có thể tiếp nối tinh thần truyền giáo của các vị như cha thánh Anphongsô – Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế - đi đến và ở cùng với người nghèo khổ tất bạt nơi vùng núi Scala năm xưa.

Phêrô Phùng Quốc Vũ, C.Ss.R.

Đến và ở cùng…

Labels:
Học viện Thánh Anphongsô