TỪ ĐÓN TIẾP ĐỨA TRẺ ĐẾN ĐÓN TIẾP CHÚA CHA - Chú giải Tin Mừng CN XXV TN B (Mc 9,30-37)

 


Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, S.V.D.

(xem toàn bộ bài viết tại: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2021/09/tu-on-tiep-ua-tre-en-on-tiep-chua-cha.html)


Bản văn

30 Κἀκεῖθεν ἐξελθόντες παρεπορεύοντο διὰ τῆς Γαλιλαίας, καὶ οὐκ ἤθελεν ἵνα τις γνοῖ·

31 ἐδίδασκεν γὰρ τοὺς μαθητὰς αὐτοῦ καὶ ἔλεγεν αὐτοῖς ὅτι ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου παραδίδοται εἰς χεῖρας ἀνθρώπων, καὶ ἀποκτενοῦσιν αὐτόν, καὶ ἀποκτανθεὶς μετὰ τρεῖς ἡμέρας ἀναστήσεται.

32 οἱ δὲ ἠγνόουν τὸ ῥῆμα, καὶ ἐφοβοῦντο αὐτὸν ἐπερωτῆσαι.

33 Καὶ ἦλθον εἰς Καφαρναούμ. Καὶ ἐν τῇ οἰκίᾳ γενόμενος ἐπηρώτα αὐτούς· τί ἐν τῇ ὁδῷ διελογίζεσθε;

34 οἱ δὲ ἐσιώπων· πρὸς ἀλλήλους γὰρ διελέχθησαν ἐν τῇ ὁδῷ τίς μείζων.

35 καὶ καθίσας ἐφώνησεν τοὺς δώδεκα καὶ λέγει αὐτοῖς· εἴ τις θέλει πρῶτος εἶναι, ἔσται πάντων ἔσχατος καὶ πάντων διάκονος.

36 καὶ λαβὼν παιδίον ἔστησεν αὐτὸ ἐν μέσῳ αὐτῶν καὶ ἐναγκαλισάμενος αὐτὸ εἶπεν αὐτοῖς·

37 ὃς ἂν ἓν τῶν τοιούτων παιδίων δέξηται ἐπὶ τῷ ὀνόματί μου, ἐμὲ δέχεται· καὶ ὃς ἂν ἐμὲ δέχηται, οὐκ ἐμὲ δέχεται ἀλλὰ τὸν ἀποστείλαντά με. (Mk. 9:30-37 BGT)

Dịch sát

30 và sau khi đi khỏi đó, họ đi xuyên qua Ga-li-lê, và Người không muốn ai biết,

31 vì Người đang dạy các môn đệ của Người và nói cùng họ rằng Con Người sẽ bị nộp vào tay của người ta, họ sẽ giết chết Người và sau khi bị giết chết sau 3 ngày Người sẽ phục sinh.

32 nhưng họ [các môn đệ] cứ không hiểu lời đó, và họ cứ sợ không hỏi Người.

33 và họ đi vào Ca-phác-nao-um, và khi họ đã ở trong nhà, Người hỏi họ: “Anh em tranh cãi gì với nhau trên đường?”

34 Nhưng họ cứ im lặng, vì trên đường họ đã tranh cãi với nhau ai là người lớn hơn cả.

35 và sau khi ngồi xuống Người gọi nhóm Mười Hai và nói cùng họ: “Nếu ai muốn là người đứng đầu, người đó sẽ người người cuối cùng của tất cả và là người phục vụ tất cả.

36 và sau khi nhận một đứa trẻ, Người đặt nó ngay chính giữa họ và trong khi ôm nó, Người nói cùng họ,

37 bất cứ ai đón tiếp đứa một đứa trẻ như em này vì danh của Thầy là đón tiếp Thầy, và bất cứ ai đón tiếp Thầy, thì không phải đón tiếp Thầy mà đón tiếp Người đã sai Thầy.

Cấu trúc 

Đoạn Mc 9,3-37 gồm hai đoạn nhỏ khác nhau nhưng nối kết chặt chẽ với nhau. Đoạn I (9,30-32): Đức Giê-su tiền báo về khổ nạn – chết – phục sinh và phản ứng của các môn đệ. Đoạn II (9,33-37): Đức Giê-su dạy dỗ các môn đệ dựa trên phán ứng tranh giành quyền lực.

I. Bối cảnh: Không gian, nhân vật, giới thiệu sự kiện (9,30)

Dạy về Thương Khó – Chết – Phục Sinh (9,31)

Đáp trả của các môn đệ: Không hiểu – Sợ - Không dám hỏi (9,32)

II. Bối cảnh: Không gian và nhân vật (9,33a)

Câu hỏi của Đức Giê-su: “Anh em tranh cãi gì với nhau trên đường?” (9,34a)

Đáp trả của các môn đệ: Im lặng vì đã tranh cãi về vị trí đứng đầu (9,34b)

Dạy về quyền lực: Người đứng đầu = Người cuối cùng = Người phục vụ (9,35)

Dạy về sự đón tiếp: Đón tiếp đứa trẻ = Đón tiếp Đức Giê-su = Đón tiếp Chúa Cha (9,36-37)

Bình luận tổng quát

Lại một lần nữa Đức Giê-su dạy các môn đệ về mầu nhiệm khổ nạn-chết-phục sinh. Đức Giê-su đi riêng với họ, không cho ai biết, để trong không gian riêng tư, Người dạy cho các ông hiểu mầu nhiệm quan trọng. Tuy nhiên, mặc cho Người cố tạo bối cảnh nghiêm túc, riêng tư, lại một lần nữa các môn đệ tỏ ra thờ ơ, và mù tối với mầu nhiệm quan trọng mà Người đang dạy dỗ. Họ không hiểu gì cả, nhưng lại chẳng hỏi Người. Mà họ cũng chẳng mấy quan tâm. Thầy vừa tỏ mình sáng láng trên núi cao cùng với Ông Mô-sê và Ê-li-a. Thầy cũng vừa mới trừ quỷ câm điếc gây ra bệnh kinh phong, phép lạ mà họ không thể làm được. Thầy của họ quyền năng như thế, thì việc “thăng quan tiến chức” chẳng bao lâu sẽ xảy ra. Vậy thì, điều quan trọng lúc này là phân chia quyền lực cho rõ ràng: Ai lớn hơn và ai nhỏ hơn trong nhóm của họ là điều đáng quan tâm nhất. Đức Giê-su trở nên cô đơn, lạc lõng trong lời dạy của mình, bởi vì trong khi Thầy nói một chuyện, trò lại bàn về chuyện khác, mặc dù trên con đường ấy chỉ có Thầy-trò đồng hành bên nhau. Đức Giê-su đoán biết họ đã thảo luận sôi nổi về chuyện gì trên đường đi, mặc dù họ cứ thinh lặng, như bị quỷ câm ám khi Đức Giê-su hỏi họ. Người lại tiếp tục dạy họ về cách sử dụng quyền bính. Chắc họ phải cảm thấy xấu hổ, vì Thầy của họ đã khám phá ra chuyện bí mật tranh giành quyền lực giữa họ. Quyền lực của người môn đệ của Đức Giê-su là thứ “quyền lực không quyền lực”. Thực thi quyền lực đồng nghĩa với việc phục vụ người khác. Ai càng có quyền lớn thì càng phải phục vụ nhiều. Ai muốn đứng đầu thì phải trở thành người nhỏ nhất. Eo! Vậy thì giành quyền để mà làm gì? Các môn đệ có lẽ nghĩ thầm như thế. Đúng thế, trong cộng đoàn của Đức Giê-su chỉ có những con người “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”, những con người “ở giữa anh em như một người tôi tớ”. Nếu Đức Giê-su cũng ham mê quyền lực như họ, thì Người đã không tự hủy ra không để mặc lấy thân tôi tớ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Mức độ phục vụ của Người là phục vụ cho đến chết và chết trên thập giá. Các môn đệ phải tập sống mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm tự hủy bằng cách đón nhận tất cả mọi người, bắt đầu từ người có vị trí thấp kém nhất, những người mà họ cho là không đáng để đến cùng Đức Giê-su. Đó là những đứa trẻ, những kẻ bé mọn. Có nghĩa là họ phải đón tiếp tất cả mọi người nhất là những người bé mọn bằng cả tấm lòng của mình. Họ phải chuyển từ giấc mơ quyền lực thành giấc mơ được phục vụ. Chỉ trong những hành vi phục vụ như thế, họ mới gặp gỡ chính Thầy của mình và gặp gỡ chính Chúa.

Đại dịch Cô Vy đã tước đi nhiều sinh mạng nhưng cũng làm hồi sinh biết bao con tim biết nghĩ, biết lo, biết thổn thức, biết nghĩ đến người khác, để rồi cách này, cách khác họ ra sức hành động vì người khác, những người đau khổ vì bệnh tật, những người “đói cơm thiếu áo”, vì dây chuyền những chỉ thị cách ly bất chấp dài dằng dặc chưa có hồi kết. Có những người hy sinh vì bổn phận nghề nghiệp, vì tương quan người thân, xóm làng. Tuy vậy, cao cả nhất, đẹp đẽ nhất, thơ mộng nhất vẫn là những người đã và đang hy sinh vì nghĩa vụ tình người. Họ có thể chẳng có chuyên môn nghề nghiệp, họ cũng chẳng có ràng buộc nào về nghề nghiệp, cũng không ràng buộc máu mủ ruột thịt, bạn bè, bà con, xóm làng. Mối giây ràng buộc duy nhất và bền chặt nhất là tình người. Họ cố gắng duy trì nối kết từ một trái tim đến một trái tim khác, không cần nghĩ người đó là ai, hay ở đâu, làm gì. Trong hành trình nối kết từ trái tim đến trái tim ấy đã có biết bao người hy sinh. Một nữ tu chi hơn 30 tuổi đời đã bỏ lại quãng đời tu thơ mộng thánh thiêng để về với Chúa, sau khi đã đi đến cuối hành trình nối kết tình yêu. Đó chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho biết bao nhiêu con người đã và đang liều mình đi vào chốn hiểm nguy, vì yêu thương những người bé mọn. Hơn bao giờ hết, bài học tự hủy để phục vụ của Đức Giê-su trở nên thiết thực và gần gũi với mỗi con người, nhất là những ai muốn dấn thân theo Người.

Sự đón tiếp và phục vụ tất cả mọi người từ những người bé mọn nhất, không có địa vị xã hội, là biểu hiện của quyền lực tình yêu. Trong các mối tương quan thường ngày, người ta thường “nhất bên trọng, nhất bên khinh”; hay “chọn lựa và loại trừ”. Người ta chỉ chọn lựa tương giao đón tiếp những ai mang lại lợi ích cho họ, hoặc những người đem đến niềm vui cho họ. Họ xây những hàng rào khoanh vùng những nhóm người trong tương quan của mình. Đó là luận lý dựa trên lợi ích và cảm xúc. Luận lý tình yêu thì không phải thế, bởi trong tình yêu người ta được mời gọi mở rộng con tim để đón tiếp tất cả mọi người nhân danh Đức Ki-tô. Mỗi người đều được mời gọi đem đến niềm vui và lợi ích cho người khác thay vì mong chờ lãnh nhận niềm vui hay lợi ích mà người khác mang lại. Luận lý tình yêu xem ra ngược đời và khó thực hiện, nhưng nó lại là lý tưởng cao sâu nhất cho tương quan tình người, tình gia đình Thiên Chúa. Cộng đoàn của các môn đệ xưa kia, và của các ki-tô hữu ngày nay phải là một cộng đoàn của một dây chuyền phục vụ lẫn nhau. Ước gì mỗi cá nhân đều mang nơi mình ý muốn phục vụ và trao chính thân mình cho người khác. Giả như một cộng đoàn (dòng tu, gia đình, giáo xứ…) bao gồm tất cả các thành viên như thế thì quả là “Nước Cha đã trị đến” và mang hạnh phúc viên mãn cho thế gian rồi.

Học viện Thánh Anphongsô