Xem toàn bộ bài chú giải tại đây: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2021/10/ke-chop-thoi-co-sieu-hang-chu-giai-tin.html
Bản văn
46 Καὶ ἔρχονται εἰς Ἰεριχώ. Καὶ ἐκπορευομένου αὐτοῦ ἀπὸ Ἰεριχὼ καὶ τῶν μαθητῶν αὐτοῦ καὶ ὄχλου ἱκανοῦ ὁ υἱὸς Τιμαίου Βαρτιμαῖος, τυφλὸς προσαίτης, ἐκάθητο παρὰ τὴν ὁδόν.
47 καὶ ἀκούσας ὅτι Ἰησοῦς ὁ Ναζαρηνός ἐστιν ἤρξατο κράζειν καὶ λέγειν· υἱὲ Δαυὶδ Ἰησο, ἐλέησόν με.
48 καὶ ἐπετίμων αὐτῷ πολλοὶ ἵνα σιωπήσῃ· ὁ δὲ πολλῷ μᾶλλον ἔκραζεν· υἱὲ Δαυίδ, ἐλέησόν με.
49 καὶ στὰς ὁ Ἰησοῦς εἶπεν· φωνήσατε αὐτόν. καὶ φωνοῦσιν τὸν τυφλὸν λέγοντες αὐτῷ· θάρσει, ἔγειρε, φωνεῖ σε.
50 ὁ δὲ ἀποβαλὼν τὸ ἱμάτιον αὐτοῦ ἀναπηδήσας ἦλθεν πρὸς τὸν Ἰησοῦν.
51 καὶ ἀποκριθεὶς αὐτῷ ὁ Ἰησοῦς εἶπεν· τί σοι θέλεις ποιήσω; ὁ δὲ τυφλὸς εἶπεν αὐτῷ· ραββουνι, ἵνα ἀναβλέψω.
52 καὶ ὁ Ἰησοῦς εἶπεν αὐτῷ· ὕπαγε, ἡ πίστις σου σέσωκέν σε. καὶ εὐθὺς ἀνέβλεψεν καὶ ἠκολούθει αὐτῷ ἐν τῇ ὁδῷ. (Mk. 10:46-52 BGT)
Dịch sát
46 và họ đến Jêrikhô. Và khi Người và các môn đệ của Người
cùng với đám đông lớn đang ra khỏi Jêrikhô người con của ông Timaiô, Bar-Timaiô, một
người mù, người ăn xin, đang ngồi bên vệ đường.
47 Bởi vì anh ta nghe rằng đó là Đức Giêsu
Nadarét, anh ta bắt đầu la lên và nói rằng: “Hỡi Giêsu, con vua
Đavíd, xin thương xót tôi”
48 và nhiều người cứ ngăn cấm anh ta để anh
ta phải im lặng, nhưng anh ta càng la nhiều hơn nữa: “Con vua
Đavíd ơi, xin thương xót tôi.
49 Sau khi đứng lại, Đức Giêsu nói: “Hãy gọi anh ta
và họ gọi người mù, nói rằng: “Can đảm lên, hãy trỗi dậy, Người gọi anh
đó”
50 Sau khi quăng áo choàng của mình, nhảy lên,
anh ta đi đến cùng Đức Giêsu.
51 Đáp lại anh ta, Đức Giêsu nói: “Anh muốn Tôi làm
gì cho anh?” Anh mù nói: “Thưa Thầy, để mà tôi có thể thấy”
52 Đức Giêsu nói cùng anh ta: “Hãy đi, đức tin của anh đã cứu
anh, và ngay lập tức anh đã nhìn thấy và cứ đi theo Người trên
đường của Người.
Bối cảnh
Xét về không gian, Mc 10,46-52 là đoạn
văn cuối cùng trong loạt bài giảng của Đức Giêsu trên đường lên Jêrusalem bắt đầu
từ Mc 10,1. Tiếp theo ngay sau đoạn này, sẽ là trình thuật về sự kiện Đức Giêsu
tiến vào thành Jêrusalem. Xét về nội dung, câu chuyện này tiếp tục những phép lạ
nhằm mạc khải Đức Giêsu là Đấng Kitô và sự chậm chạp của các môn đệ trong việc
hiểu và đón nhận một Đức Kitô chịu khổ nạn, chịu chết. Địa danh Jêrikhô nối kết
với nhiều trình thuật trong Cựu Ước, đặc biệt là trình thuật chiếm đất hứa (Gs
6). Trong Tân Ước, Jêrikhô cũng xuất hiện trong câu chuyện người Samari nhân hậu
(Lc 10); chuyện liên quan đến Giakêu (Lc 19). Danh xưng “con vua Đavíd” được nhắc
đến nhiều lần trong cả ba Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 9,27; 15,22; 20,30; 21,15; Lc
18,38). Khuyết tật “mù” cũng là một đề tài khá phổ biến trong truyền thống Tin
Mừng (Mc 8; 10; Mt 12; 15; Ga 9). Chủ đề về “đức tin” dẫn đến sự cứu chữa cũng
là một trong những chủ đề chính yếu trong các phép lạ chữa lành (Mc 5,34;
10,52; Mt 8,10.13; 9,22.29; Lc 8,48.50; Lc 17,19). Động từ “trỗi dậy” là một động
từ đặc biệt. Nó diễn tả sự sống lại của Đức Giêsu (Mc 6,14.16; 14,28; 16,6.14).
Hành động “đi theo” là hành động của một người môn đệ (Mt 4,20.25; Mc 1,18.20).
Cấu trúc
Câu chuyện được đóng khung bằng phần mở
đầu và phần kết thúc. Phần mở đầu giới thiệu số phận hẩm hiu của anh mù: Ăn
xin, ngồi bên vệ đường // Phần kết nói đến sự đổi đời của anh mù: Đứng dậy,
nhìn thấy và bước đi. Phần giữa là câu chuyện giữa anh mù và Đức Giêsu được xây
dựng xoay quanh chủ đề niềm tin của anh mù. A. Mù, ngồi bên vệ đường // A’.
Nhìn thấy, đi theo trên đường; B. Tiếng kêu đầy hy vọng // B’. Hy vọng thành hiện
thực; C. Đức Giêsu lắng nghe tiếng kêu và kêu mời anh mù // C’. Lắng nghe khát
vọng của anh mù; trung tâm là loạt hành động can đảm của anh mù: D. Quăng áo
choàng, nhảy lên, đi đến cùng Đức Giêsu.
A. Mở đầu: Người mù, ăn xin, ngồi bên vệ
đường (10,46)
(B) Tiếng kêu cầu trong niềm tin của người
mù bất chấp sự cản trở (47-48)
(C) Đức Giêsu lắng nghe và yêu cầu gọi
anh mù (10,49)
(D) Hành động trong đức tin: Quăng áo
choàng, nhảy lên, đi đến (10,50)
(C’) Đức Giêsu lắng nghe khát vọng của
anh mù: Anh muốn tôi làm gì cho anh (10,51)
(B’) Đức Giêsu đáp trả cho đức tin: Đức
tin đã cứu anh (10,52a)
A’. Kết thúc: Người mù nhìn thấy, và đi
theo Đức Giêsu trên đường (10,52b)
Bình luận tổng quát
Trên đoạn cuối của hành trình lên
Jêrusalem, Đức Giêsu gặp một người đang mong chờ Người. Dĩ nhiên, Đức Giêsu
không đi qua đó như là một hành trình ngẫu nhiên, bình thường. Người đi qua đó,
vì Người biết có một anh chàng đau khổ đang cần được Người đoái nhìn. Anh ta là
một người mù lòa, ăn xin, ngồi bên vệ đường. Tất cả các thông số về anh ta cho
thấy một thân phận hẩm hiu, cùng khổ, sống bên lề xã hội và cậy nhờ vào sự bố
thí của người qua kẻ lại. Anh không có quyền lên tiếng, mà có lên tiếng cũng chẳng
ai để ý. Khi anh lên tiếng liền bị người ta quát nạt, bịt miệng. Dù anh không
nhìn thấy nhưng đôi tai của anh rất thính. Dường như từ lâu anh đã nghe biết, để
ý về Đức Giêsu và mong chờ Người từ lâu. Anh nghe biết rằng Đức Giêsu đã làm
cho người mù sáng mắt ở Bếtsaiđa (Mc 8,22-26). Anh biết rằng Người chính là
“con vua Đavíd”, là Đấng Mêsia, niềm hy vọng của những người cùng khổ như anh.
Chính vì lẽ đó, khi vừa nghe đó là Giêsu Nadarét, anh đã lập tức la lên: “Lạy
ông Giêsu, con vua Đavíd xin thương xót tôi”. Đây là tiếng kêu lớn đầu tiên
trong cuộc đời anh. Tiếng kêu ấy lập tức làm cho nhiều người phiền toái và quát
nạt để anh im đi. Tuy nhiên, anh bất chấp sự ngăn cản ấy, vì anh biết rằng đây
là cơ hội hiếm có và cò thể là duy nhất của cuộc đời anh. Thật sự, anh cũng cảm
thấy hồi hộp, bởi vì lâu nay anh vẫn sống nhờ vào người qua kẻ lại, nay anh cãi
lời của họ, có thể chén cơm sẽ không còn. Anh đã liều mình đánh đổi chén cơm của
mình để gào lên nhiều lần nữa. Cuối cùng, Đức Giêsu đã nghe thấy, và dừng lại.
Dĩ nhiên, như đã nói, Đức Giêsu không vô tâm đến vậy, Người đi qua lộ trình này
có thể cũng là để gặp anh. Tuy nhiên, hành trình vượt ra khỏi bản thân, đánh đổi
cả chén cơm, bộc lộ một niềm hy vọng đáng trân quý. Hơn thế nữa, khi nghe rằng
Đức Giêsu gọi mình, anh chàng đã vất chiếc áo choàng lại. Đó là chiếc áo che
mưa, che nắng, chống lạnh, là chăn đắp mỗi lúc đêm về, là phương tiện để làm kế
sinh nhai. Anh đã bỏ lại tất cả để đến cùng Đức Giêsu. Những hy sinh, kỳ vọng của
anh rồi cũng được đền đáp. Đức Giêsu đã mở một cuộc đối thoại với một anh mù ăn
xin. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Có lẽ đây là người đâu tiên
trong cuộc đời quan tâm đến nhu cầu của anh, mà người này lại là Đức Giêsu,
“con vua Đavíd”. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng đã mở ra một cuộc gặp gỡ giữa
con người với con người. Không có một khoảng cách, hay rào cản nào về địa vị,
giai cấp, giàu nghèo, bệnh tật nào, có thể hạn chế mối tương quan do Đức Giêsu
khởi xướng. Người vẫn thường đến với trẻ em, những người mà các môn đệ “ngăn cản”;
đến ăn uống với những người tội lỗi, thu thuế, dù bị những người Pharisêu chỉ
trích; Người dám chạm vào người phong hủi (Mt 8,3) mặc cho luật về thanh sạch
ngăn cấm. Đức Giêsu luôn yêu thương và tôn trọng một con người, đặc biệt là những
người cùng khổ. Người hành khất mù đã bày tỏ nguyện vọng được nhìn thấy của
mình. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại cho anh thấy một điều cao quý hơn. Người công bố
rằng: “Đức tin của anh đã cứu chữa anh”. Lời công bố này cho thấy ơn chữa lành
này đã không xảy ra, nếu không có niềm tin mãnh liệt của anh Bar-Timaiô. Nó
cũng cho thấy rằng anh không những được chữa lành thể lý, mà còn lành lặn về
tâm linh. Con mắt đức tin của anh đã sáng ra, trước khi con mắt thể lý của anh
được nhìn thấy. Sự sáng mắt về tâm linh, “đức tin” là đỉnh cao của phép lạ chữa
lành này. Giả như con mắt thể lý của anh được sáng mà tâm linh của anh vẫn mù tối,
thì sự chữa lành này chẳng mang lại giá trị gì cho cuộc đời của anh cả. Cuộc gặp
gỡ với Đức Giêsu, đã “cứu độ” cuộc đời của anh chứ không chỉ “cứu chữa” đôi mắt
mù lòa của anh. Từ thân phận một người mù lòa, ăn xin, ngồi bên vệ đường, giờ
đây, Bar-Timaiô đã nhìn thấy tỏ tường. Anh đứng lên, hòa vào dòng người trên đường.
Cuộc đời anh hoàn toàn thay đổi từ thể xác đến tâm linh. Anh chẳng những được cứu
bệnh mù thể lý nhưng được cứu độ nhờ đức tin. Cái thấy quan trọng nhất là “thấy”
Đức Kitô trên hành trình lên Jêrusalem. Hành trình đầu tiên và duy nhất sau khi
sáng mắt là hành trình bước theo Đức Giêsu trên hành trình vào Jêrusalem, hành
trình khổ-tử nạn và phục sinh. Đó là hành trình của người môn đệ đích thực.
Câu chuyện Anh Bar-Timaiô thật là một
câu chuyện tuyệt vời, có giá trị vượt thời gian. Nó vừa mang đậm chất thần học
vừa biểu lộ khía cạnh nhân bản sâu sắc. Khía cạnh thần học: Một người
khiếm thị lại có thể có một tầm nhìn chân trời mà tất cả những người khác, ngay
cả các môn đệ cũng không nhìn thấy được. Con đường theo Chúa là con đường khổ
giá, nên thường rất khó thấy và dẫu có thấy người ta cũng rất khó chấp nhận. Chính
vì thế mà ba năm rao giảng, lập nhóm Mười Hai, nhưng đến cuối cùng Đức Giêsu vẫn
là người lữ khách “cô đơn” trên con đường thập tự. Có thể nói rằng, anh mù là một
ngôi sao sáng tượng trưng cho những con người dám chấp nhận hy sinh để nhìn nhận
rõ con đường Đức Giêsu, đường hẹp, đường thập giá, để rồi “bước theo Người trên
con đường Người đi”. Khía cạnh nhân bản: Một con người bị tước mất
quyền sống, bị đẩy ra bên ngoài xã hội, bị người khác sống dùm, dám chớp lấy thời
cơ tìm lại cuộc sống cho chính mình. Đó là biểu hiện của một con người hy vọng,
tin tưởng vào Chúa và can đảm dấn thân; Một con người ở địa vị cao, sẵn sàng
cúi xuống để ôm lấy những người cùng khổ với một sự tôn trọng và yêu mến hết
lòng.
Trong xã hội ngày nay, còn có rất nhiều
người, cách này cách khác, đang bị người khác sống dùm; hay chọn lựa sống theo
mong muốn của người khác. Đó đều là một hình thức của cuộc đời bị đánh mất. Hơn
nữa, có biết bao người luôn so đo, tính toán thiệt hơn trong các mối tương quan
để rồi không bao giờ có một sự gặp gỡ đúng nghĩa giữa một người với một con người
khác. Đó cũng là những cuộc đời èo uột khuyết tật cách nào đó. Tuy nhiên, xã hội
cũng luôn có những người dám làm, dám nghĩ khác đi. Trong buổi tiếp kiến thứ tư
hàng tuần dành cho giáo dân tại đại thính đường Phaolô đệ Lục (20/10/2021), có
một em nhỏ thiểu năng đã tiến lên chỗ Đức Giáo Hoàng. Vị Giáo Hoàng, mời cậu bé
ngồi xuống bên cạnh mình (trên chiếc ghế của đức ông L. Sapienza, nhiếp chính
phủ giáo hoàng), trong khi đó bài Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Galát đang được
đọc. Một lúc sau cậu bé ngỏ ý muốn có chiếc mũ trắng nhỏ (zucchetto) của Đức
Giáo Hoàng. Cậu giằng tay Đức Giáo hoàng hồi lâu, rồi đến với đức ông Leonardo
Sapienza để nhờ đức ông xin chiếc mũ dùm cậu ta. Khi đức ông không làm theo ý cậu,
cậu còn cầm tay vị linh mục đọc Lời Chúa bằng tiếng Bồ, kéo vị linh mục đến gần
Đức Giáo Hoàng ngỏ ý muốn vị linh mục giúp xin chiếc mũ ấy. Cuối cùng, vị Giáo
Hoàng tặng cậu bé chiếc mũ và cậu vui vẻ đi về chỗ cũ của mình. Đây không
phải là lần đầu một cậu bé lên gần Đức Giáo Hoàng trong một buổi tiếp kiến. Đức
Giáo Hoàng cũng có lần ôm hôn một người đàn ông “không có mặt” (năm 2013), rồi
ôm hôn “người mặt quỷ” (người bệnh u sợi thần kinh – neurofibromatosis – khiến
gương mặt nổi u sần nhiều) (2013). Nơi vị giáo hoàng này, người ta có thể
tìm thấy lại rõ nét nhân cách, hình ảnh đích thực của Đức Kitô ngày nào.
Nguyện cho tất cả mọi người có thể tận dụng được cơ hội Đức Giêsu đi ngang qua đời mình để rồi cũng nhìn thấy và bước theo Người như Anh Bar-Timaiô, qua cách ăn nết ở thường ngày của mình.