Sự thật trong Gioan (Ga 18,28–19,16a)




Mùa Chay, 14 tháng 04 năm 2011

LM. Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

 

Nguồn: https://tinvuixuanloc.vn/Watch_su-that-trong-gioan-ga-18-28-%E2%80%93-19-16a.-giuse-le-minh-thong-o.p._1190.aspx

Đề tài được chia làm 5 bài:

Bài 1: “Sự thật là gì?”. Quan sát Ga 18,28–19,16a

Bài 2: Sự thật về những kẻ tố cáo Đức Giê-su.

Bài 3: Sự thật về Phi-la-tô.

Bài 4: Sự thật về Đức Giê-su.

Bài 5: Áp dụng Ga 18,28–19,16a vào cuộc sống.

 


Bài 1:  “SỰ THẬT LÀ GÌ?” (Ga 18,38)

QUAN SÁT BẢN VĂN Ga 18,28–19,16a

Dẫn nhập

“Sự thật” (alêtheia) là đề tài lớn trong Tin Mừng Gio-an, đặc biệt đề tài này được đề cao trong đoạn văn Đức Giê-su xuất hiện trước Phi-la-tô: Ga 18,28–19,16a. Trong đoạn văn này có lời đối thoại giữa Phi-la-tô và Đức Giê-su về đề tài sự thật:

“Phi-la-tô nói với Đức Giê-su: ‘Vậy chính Ông là Vua sao?’ Đức Giê-su trả lời: ‘Chính ngài nói rằng Tôi là Vua. Vì điều này Tôi đã sinh ra, và vì điều này Tôi đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật, bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Tôi.’ Phi-la-tô nói với Người: ‘Sự thật là gì?’ Nói điều này xong, Phi-la-tô lại đi ra với những người Do Thái và nói với họ: ‘Phần ta, ta không tìm thấy điều gì để kết tội Ông ấy…’” (Ga 18,37-38).

Độc giả có thể “nuối tiếc” và tự hỏi: Tại sao Phi-la-tô không nán lại để nghe Đức Giê-su định nghĩa về sự thật? Tại sao người thuật chuyện không tận dụng khoảng khắc quý giá này để cho độc giả biết sự thật là gì? Thực ra, đây là một điểm độc đáo về cách hành văn của Tin Mừng Gio-an: Không cho biết trực tiếp sự thật là gì, nhưng lại đang nói về sự thật. Phi-la-tô có lý do để bỏ đi sau khi đặt câu hỏi, có thể vì ông không dám đối diện với sự thật. Người thuật chuyện không cho độc giả biết sự thật là gì để nói với độc giả rằng: Muốn biết sự thật thì cứ đọc Tin Mừng Gio-an từ đầu đến cuối sẽ biết sự thật là gì và sự thật là ai. Cụ thể trong đoạn văn Ga 18,28–19,16a, người thuật chuyện đang nói với độc giả về sự thật, nhưng sự thật ấy được trình bày như thế nào?

Khi Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su “Sự thật là gì?” rồi bỏ đi, người thuật chuyện không cho độc giả câu trả lời trực tiếp về sự thật. Tuy nhiên, toàn bộ nội dung của đoạn văn Ga 18,28–19,16a cho độc giả biết nhiều sự thật. Đó là “sự thật về những kẻ chống đối Đức Giê-su”, “sự thật về Phi-la-tô” và “sự thật về Đức Giê-su”. Làm thế nào để đọc ra được những sự thật này? Làm thế nào để độc giả có thể trả lời được những câu hỏi: “Sự thật” trong đoạn văn Ga 18,28–19,16a là gì?

Để thưởng thức kiểu hành văn độc đáo trong đoạn văn Ga 18,28–19,16a chúng ta cùng tìm hiểu đoạn văn này. Trong bài viết này (bài 1/5) sẽ tập trung vào việc đọc và quan sát bản văn qua các mục:

1) Đọc bản văn 18,28–19,16a.

2) Phân đoạn 18,28–19,16a: Lý giải tại sao lại bắt đầu đoạn văn ở 18,28 và kết thúc ở 19,16a.

3) Tìm hiểu bối cảnh văn chương đoạn văn 18,28–19,16a.

4Phân tích cấu trúc của đoạn văn. Đoạn văn được xây dựng thế nào và kết cấu ra sao?

Ba bước “phân đoạn”, “bối cảnh văn chương” và “cấu trúc” sẽ được thực hiện nhờ chú ý đến các yếu tố: Thời gian, không gian, nhân vật, từ ngữ và các đề tài trong đoạn văn. Ba bước này giúp quan sát kỹ bản văn, từ đó có thể trả lời câu hỏi “sự thật là gì?” trong đoạn văn Ga 18,28–19,16a.

Nội dung loạt bài này đã được trình bày trong tập sách Phân tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư, phần áp dụng vào đoạn văn Ga 18,28–19,16a: “Đức Giê-su và Phi-la-tô”, tr. 197-220.

1. Bản văn Ga 18,28–19,16a: Đức Giê-su và Phi-la-tô (Lê Minh Thông dịch theo bản Hy Lạp)

[Dẫn nhập]

18,28 Vậy họ dẫn Đức Giê-su từ nhà Cai-pha đến dinh tổng trấn; lúc đó trời vừa sáng, họ không vào trong dinh tổng trấn để khỏi bị nhiễm uế, vì còn ăn lễ Vượt Qua.

[Bên ngoài dinh]

29 Vậy Phi-la-tô ra ngoài và nói với họ: “Các người tố cáo người này điều gì?”

30 Họ trả lời và nói với ông: “Nếu Ông này không làm điều ác, chúng tôi đã chẳng nộp cho ông.”

31 Phi-la-tô nói với họ: “Các người cứ đem Ông ấy đi và xét xử Ông ấy theo luật của các người.” Những người Do Thái nói với ông ấy: “Chúng tôi không được phép xử tử ai cả.”

32 Thế là nên trọn lời Đức Giê-su, Người đã nói cách chết nào Người sẽ phải chết.

[Bên trong dinh]

33 Phi-la-tô lại trở vào dinh, ông ấy gọi Đức Giê-su và nói với Người: “Ông là Vua dân Do Thái phải không?”

34 Đức Giê-su trả lời: “Ông tự mình nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ông về Tôi?”

35 Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do Thái sao? Dân của Ông và các thượng tế đã nộp Ông cho tôi. Ông đã làm gì?”

36 Đức Giê-su trả lời: “Vương quốc của Tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Vương quốc của Tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của Tôi đã chiến đấu để Tôi không bị nộp cho những người Do Thái. Nhưng thật ra, Vương quốc của Tôi không ở chốn này.”

37 Phi-la-tô nói với Người: “Vậy chính Ông là Vua sao?” Đức Giê-su trả lời:“Chính ngài nói rằng Tôi là Vua. Vì điều này Tôi đã sinh ra, và vì điều này Tôi đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật, bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Tôi.”

38a Phi-la-tô nói với Người: “Sự thật là gì?”

[Bên ngoài dinh]

38b Nói điều này xong, Phi-la-tô lại đi ra với những người Do Thái và nói với họ: “Phần ta, ta không tìm thấy điều gì để kết tội Ông ấy.

39 Theo tục lệ của các người, ta thả một ai đó cho các người trong dịp lễ Vượt Qua. Vậy các người có muốn ta thả cho các người Vua dân Do Thái không?”

40 Họ lại la lên rằng: “Không phải người này nhưng là Ba-ra-ba.” Nhưng Ba-ra-ba là một tên cướp.

[Bên trong dinh, chuyển tiếp]

19,1 Bấy giờ Phi-la-tô bắt lấy Đức Giê-su và đánh đòn Người.

2 Những người lính kết một vương miện bằng cây gai đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ tía.

3 Họ đến gần Người và nói: “Kính chào Vua dân Do Thái” và họ vả mặt Người.

[Bên ngoài dinh]

4 Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với họ: “Này, ta dẫn Ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết rằng ta không tìm thấy lý do để kết tội Ông ấy.”

5 Vậy Đức Giê-su bước ra ngoài, đội vương miệng bằng gai và khoác áo choàng đỏ tía. Ông ấy nói với họ: “Đây là Người.”

6 Khi vừa thấy Người các thượng tế cùng các thuộc hạ kêu lên rằng: “Hãy đóng đinh vào thập giá, hãy đóng đinh vào thập giá.” Phi-la-tô nói với họ: “Các người hãy đem Ông ấy đi mà đóng đinh vào thập giá, vì ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội Ông ấy.”

7 Những người Do Thái trả lời Phi-la-tô: “Chúng tôi, chúng tôi có Lề Luật và chiếu theo Lề Luật thì Ông ấy phải chết vì đã cho mình là Con Thiên Chúa.”

8 Khi Phi-la-tô nghe lời này, ông càng sợ hơn.

[Bên trong dinh]

9 Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giê-su: “Ông từ đâu đến?” Nhưng Đức Giê-su không cho ông ấy câu trả lời nào cả.

10 Vậy Phi-la-tô nói với Người: “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha Ông và có quyền đóng đinh Ông vào thập giá sao?”

11 Đức Giê-su trả lời [ông ấy]: “Ông không có quyền gì đối với Tôi, nếu nó không được ban cho ông từ trên, vì điều này, kẻ nộp Tôi cho ông có tội lớn hơn.”

[Bên ngoài dinh]

12 Từ lúc đó, Phi-la-tô tìm cách tha Người. Nhưng những người Do Thái kêu lên rằng: “Nếu ông tha người này, ông không là bạn của Xê-da. Bất cứ ai tự cho mình là vua thì chống lại Xê-da.”

13 Khi Phi-la-tô nghe những lời này, ông ấy dẫn Đức Giê-su ra ngoài đến nơi gọi là Nền Đá  tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha – và đặt Người ngồi trên tòa.

14 Hôm ấy là ngày chuẩn bị lễ Vượt Qua, vào khoảng giờ thứ sáu [12 giờ trưa]. Phi-la-tô nói với những người Do Thái: “Đây là Vua của các người.”

15 Họ liền kêu lên: “Đem đi, đem đi, hãy đóng đinh Nó vào thập giá.” Phi-la-tô nói với họ: “Ta đóng đinh Vua của các người sao?” Các thượng tế trả lời: “Chúng tôi không có vua nào cả ngoài Xê-da.”

[Kết]

16a Bấy giờ Phi-la-tô trao Người cho họ để Người bị đóng đinh vào thập giá.

2. Phân đoạn Ga 18,28–19,16a

Khi chọn một đoạn văn để đọc, câu hỏi trước tiên đặt ra: Tại sao đoạn văn lại bắt đầu từ câu này và kết thúc ở câu kia? Tại sao không chọn đoạn văn dài hơn hoặc ngắn hơn, hay bắt đầu và kết thúc ở một câu khác? Tại sao lại bắt đầu đọc ở 18,28 và kết thúc ở 19,16a? Tựa đề và phân đoạn các đoạn văn trong các bản dịch Kinh Thánh chỉ là gợi ý. Nói chung, một tựa đề không thể tóm tắt hết các ý tưởng của đoạn văn. Vì thế, người đọc không nên lệ thuộc vào các tựa đề và phân đoạn trong các bản dịch. Bản văn gốc Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp không có đề mục các đoạn văn như trong các bản dịch. Người đọc được tự do trong việc chọn bản văn dài hay ngắn (từ vài câu đến vài chương) để đọc.

Đầu đoạn văn 18,28–19,16a, người thuật chuyện cho người đọc biết có sự thay đổi về không gian, thời gian và nhân vật ở 18,28: “Vậy họ dẫn Đức Giê-su từ nhà Cai-pha đến dinh tổng trấn; lúc đó trời vừa sáng, họ không vào trong dinh tổng trấn để khỏi bị nhiễm uế, vì còn ăn lễ Vượt Qua.” Trước c. 28 Đức Giê-su ở nhà Cai-pha, trong c. 28 Đức Giê-su ở dinh Phi-la-tô. Trước 18,28 Đức Giê-su hiện diện giữa những kẻ chống đối (Kha-nan, Cai-pha), từ 18,28 sự phân cách giữa Đức Giê-su và những kẻ tố cáo Người đã hình thành: Đức Giê-su ở trong dinh Phi-la-tô trên phần đất bị nhiễm uế, còn những kẻ tố cáo ở trên phần đất không bị nhiễm uế. Như thế, không gian thay đổi từ nhà Cai-pha đến dinh Phi-la-tô. Về thời gian, trước 19,28 là ban đêm, từ 19,28, câu chuyện bắt đầu vào lúc “trời vừa sáng” (18,28), khởi đầu một ngày mới. Yếu tố mới là xuất hiện nhân vật Phi-la-tô. Ông là người ngoại, được Xê-da đặt lên để giám sát vùng Giu-đê.

Đoạn văn 18,28–19,16a kết thúc ở 19,16a, vì hai lần từ “họ” ở 19,16 chỉ hai nhóm người khác nhau. Người thuật chuyện kể: “Bấy giờ ông ấy [Phi-la-tô] trao Người [Đức Giê-su] cho họ để Người bị đóng đinh vào thập giá” (19,16a). “Vậy họ điệu Đức Giê-su đi” (19,16b). “Họ” ở 19,16a là các thượng tế, thuộc hạ và những người Do Thái; nhóm này đã đối chất với Phi-la-tô và đòi đóng đinh Đức Giê-su. “Họ” ở 19,16b là những người điệu Đức Giê-su đi và thực hiện việc đóng đinh Đức Giê-su, đó là lính tráng, được nói đến khi họ chia áo Đức Giê-su ở 19,23-24. Vì thế, 19,16a thuộc về đoạn văn trước và 19,16b bắt đầu đoạn văn mới.

Như thế, 18,28–19,16a làm thành một đoạn văn có sự phân đoạn rõ ràng qua sự thống nhất của bốn yếu tố:

1) Thống nhất về thời gian: Từ sáng sớm (18,28) tới trưa (19,14).

2) Thống nhất về không gian: Trình thuật diễn ra bên trong và bên ngoài dinh Phi-la-tô.

3) Thống nhất về nhân vật: Thuật lại các cuộc đối thoại giữa Phi-la-tô và những kẻ tố cáo Đức Giê-su, giữa Phi-la-tô và Đức Giê-su.

4) Thống nhất về nơi chốn: Trước 18,28 Đức Giê-su ở nhà Cai-pha (18,24); trong đoạn văn 18,28–19,26a, Đức Giê-su ở dinh Phi-la-tô và sau 19,16a, Người vác thập giá tiến về Gôn-gô-tha (19,16b-17).

Lý giải việc giới hạn đoạn văn là cần thiết vì nó tác động đến ý nghĩa bản văn. Dù đoạn văn ngắn hay dài cũng cần chỉ ra những dấu hiệu cho phép khởi đầu và kết thúc đoạn văn. Bước tiếp theo là tìm hiểu bối cảnh văn chương của đoạn văn.

3. Bối cảnh văn chương

Đặt bản văn trong bối cảnh chung rộng lớn hơn giúp định hướng ý nghĩa đoạn văn. Câu hỏi đặt ra là bản văn có những nối kết nào, liên tục hay đứt đoạn với những đoạn văn trước và sau nó? Đoạn văn bắt đầu một đề tài mới hay nối tiếp đề tài cũ? Đặt đoạn văn trong bối cảnh văn chương rộng lớn hơn giúp tránh hiểu lạc đề hay áp đặt lên bản văn những điều xa lạ với bối cảnh chung của đoạn văn. Thường một đoạn văn vừa liên hệ vừa đứt đoạn với những đoạn văn trước và sau nó.

Đoạn văn 18,28–19,16a là một phần trình thuật Thương khó (Ga 18–19). Hai chương này kể lại việc Đức Giê-su bị bắt (18,1-12) và bị tra hỏi (18,13-27); Người xuất hiện trước Phi-la-tô (18,28–19,16a); sau đó bị đóng đinh, chết trên thập giá (19,16b-37); và cuối cùng Người được mai táng (19,38-42). Đức Giê-su trong Ga 18–19 di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Người ta đến bắt Đức Giê-su trong một thửa vườn ở bên kia suối Kít-rôn (18,1); sau đó Người được dẫn đến các nơi: dinh Kha-nan, nhà Cai-pha, dinh Phi-la-tô và Gôn-gô-tha là nơi Người bị đóng đinh, rồi Người được mai táng ở một ngôi mộ mới trong một thửa vườn (19,41). Ga 18–19 làm thành trình thuật về “Giờ của Đức Giê-su” bắt đầu trong một “thửa vườn” (kêpos) ở bên kia suối Kít-rôn, phía đông thành Giê-ru-sa-lem và kết thúc cũng trong một “thửa vườn” (kêpos) ở Gôn-gô-tha, phía tây thành Giê-ru-sa-lem. Như thế, đoạn văn 18,28–19,16a là một phần không thể tách rời khỏi bối cảnh chung của các chương 18–19.

Trong bối cảnh chung Ga 18–19, đoạn văn 18,28–19,16a có những đặc điểm riêng, phân biệt với các đoạn văn khác. Những người dẫn Đức Giê-su đến dinh Phi-la-tô (18,28) không phải là những kẻ đi bắt Người (18,2), họ cũng không phải là những người dẫn Đức Giê-su đi đóng đinh (19,16b). Vậy họ là ai? Chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần phân tích nhân vật. Đức Giê-su và Phi-la-tô chỉ gặp nhau trong đoạn văn 18,28–19,16a. Với những dấu hiệu phân đoạn nói trên, đoạn văn 18,28–19,16a phân biệt với những đoạn văn khác và làm thành một đoạn văn để phân tích.

Trong Tin Mừng thứ tư, trình thuật “Đức Giê-su và Phi-la-tô” được thuật lại với nhiều chi tiết không có trong Tin Mừng Nhất Lãm. Thực vậy, Tin Mừng thứ tư trình bày việc Kha-nan chất vấn Đức Giê-su chỉ trong một câu: “Thượng tế hỏi Đức Giê-su về các môn đệ của Người và về giáo huấn của Người” (Ga 18,19); những gì xảy ra ở nhà Cai-pha không được kể lại, vì ông này đã đóng vai trò của mình ở Ga 11 khi Cai-pha đề nghị một người chết thay cho toàn dân (11,49-50). Trong khi đó, trình thuật “Đức Giê-su và Phi-la-tô” được kể đến 30 câu (Ga 18,28–19,16a): Phi-la-tô “đi ra”, “đi vào” nhiều lần để trao đổi với những kẻ tố cáo Đức Giê-su ở bên ngoài dinh và ông đối đáp với Đức Giê-su bên trong dinh.

Vào thời đó, những kẻ tố cáo “không có quyền xử tử” Đức Giê-su (18,31), nên mục đích của họ trong đoạn văn 18,28–19,16a là được chính quyền Rô Ma cho phép xử tử Đức Giê-su. Những lý do họ đưa ra để kết tội Đức Giê-su là để Phi-la-tô cho phép họ giết Đức Giê-su. Khi người thuật chuyện dành một phần quan trọng để trình bày câu chuyện “Đức Giê-su và Phi-la-tô”, chắc chắn tác giả muốn gửi gắm vào đoạn văn này những ý nghĩa thần học quan trọng. Để đọc ra ý nghĩa đó, cần phân tích cấu trúc đoạn văn 18,28–19,19a nhờ quan sát các yếu tố thời gian, không gian và nhân vật.

4. Cấu trúc đoạn văn 18,28–19,16a

Sau khi thực hiện bước thứ nhất (lý giải việc giới hạn đoạn văn) và bước thứ hai (đặt đoạn văn trong bối cảnh văn chương của nó), bước thứ ba là tìm cấu trúc đoạn văn. Mục đích việc tìm cấu trúc là để biết bản văn nói gì và nói như thế nào. Bản văn được chia làm mấy phần, gồm các đề tài nào và được diễn tả bằng từ ngữ nào? Các ý tưởng tiến triển, liên kết và tương quan với nhau như thế nào? Cấu trúc đoạn văn được thiết lập nhờ các yếu tố thời gian, nơi chốn, nhân vật, từ ngữ, đề tài trong đoạn văn.

Thời gian trong đoạn văn 18,28–19,16a trải dài suốt buổi sáng vào ngày áp lễ Vượt Qua. Những kẻ tố cáo Đức Giê-su dẫn Người đến dinh Phi-la-tô vào lúc “trời vừa sáng” (18,28), và cuộc trao đổi kết thúc vào “khoảng 12 giờ trưa vào ngày áp lễ Vượt Qua” (19,14). Về nơi chốn, câu chuyện diễn tiến tại dinh Phi-la-tô và được chia làm hai phần: Bên trong dinh (bị nhiễm uế) và bên ngoài dinh (không bị nhiễm uế). Các nhân vật được chia làm hai nhóm: Bên trong dinh có “Đức Giê-su” và “quân lính” (19,2); bên ngoài dinh có “những người Do Thái” (18,31.36.38; 19,7.12.14), “các thượng tế” (18,35; 19,6.15) và “các thuộc hạ” (19,6).

Nhân vật “đi ra”, “đi vào” giữa “bên trong” và “bên ngoài” dinh là Phi-la-tô. Nhóm nhân vật ở bên ngoài dinh được giới thiệu ở đầu đoạn văn 18,28–19,16a bằng đại từ “họ”: “Vậy họ dẫn Đức Giê-su từ nhà Cai-pha đến dinh tổng trấn (18,28a). “Họ” ở đây không chỉ là “những người Do Thái” mà thôi mà còn bao gồm cả “các thượng tế” và “các thuộc hạ”; các nhân vật này sẽ xuất hiện dần dần trong đoạn văn 18,28–19,16a. Đại từ “họ”, mở đầu (18,28) và kết thúc đoạn văn (19,16a) là có chủ ý. Chúng ta sẽ bàn đến ý nghĩa của đại từ “họ” trong phần sau.

Về từ ngữ, nhiều kiểu nói liên quan đến nhân vật Giê-su. Đầu trình thuật, Đức Giê-su bị tố cáo là “người làm điều ác” (18,30); Người bị đặt ngang hàng với Ba-ra-ba, một tên cướp (18,40) và những kẻ tố cáo đòi đóng đinh Người (19,6.15). Đến giữa trình thuật họ lại tố cáo Đức Giê-su tự xưng là Con Thiên Chúa (19,7). Đến cuối trình thuật, những kẻ tố cáo họ kết tội Đức Giê-su là xưng làm vua (19,12).

Về phần Phi-la-tô, ông dùng danh xưng “vua dân Do Thái” (18,33.39; 19,14.15) để gọi Đức Giê-su. Ông tuyên bố Người vô tội (18,38; 19,6) và tìm cách tha Người (19,12). Ông long trọng giới thiệu Đức Giê-su với những kẻ tố cáo: “Đây là Người” (19,5); “Đây là vua các người” (19,14). Như thế, đề tài chính đoạn văn có thể là “vương quyền” của Đức Giê-su.

Dựa vào yếu tố không gian (bên trong, bên ngoài) và việc Phi-la-tô “đi ra”, “đi vào” từ đầu đến cuối trình thuật, đoạn văn 18,28–19,16a có câu dẫn nhập (18,28) và câu kết (19,16a). Phần nội dung được cấu trúc thành hai phần song song (18,29-40 // 19,4-15); phần chuyển tiếp (19,1-3) ở giữa hai cấu trúc song song này. Mỗi phần nhỏ lại có cấu trúc đồng tâm (đối ngẫu) A, B, C, B’, A’ như sau:

CẤU TRÚC 18,18-19,16a

18,28 : Dẫn nhập.  “Họ” dẫn Đức Giê-su đến dinh Phi-la-tô

A. 18,29-30 : Đức Giê-su: Người làm điều ác.   Bên ngoài

   B.18,31-32: Người Do Thái xin hành quyết       Bên ngoài

      C. 18,33-38a: Đức Giê-su và Phi-la-tô               Bên trong

   B’. 1838b: Đức Giê su vô tội.                             Bên ngoài

A’. 18,39-40: Ba-ra-ba và Đức Giê-su                Bên ngoài

 

19,1-3: Chuyển tiếp. Dấu chỉ vương quyền         Bên trong

 

AA. 19,4-5: “Đây là Người, vương quyền”.       Bên ngoài

   BB. 19,6-8: “Xưng là Con Thiên Chúa”             Bên ngoài

      CC/ 19,9-11: Đức Giê-su và Phi-la-tô                  Bên trong

   BB’. 19,12: “Xưng là vua”                                  Bên ngoài

AA’. 19,13-15: “Đây là vua các người”              Bên ngoài

 

19,16a: Kết.  Phi la tô trao Đức Giê su cho “họ”

 

Đoạn văn 18,28–19,16a được cấu trúc chặt chẽ với phần dẫn nhập (18,28): Giới thiệu thời gian, nơi chốn và bối cảnh. Nếu trong phần mở đầu “họ” dẫn Đức Giê-su đến với Phi-la-tô thì trong phần kết, Phi-la-tô lại trao Đức Giê-su cho “họ”. Xem ra chẳng có gì mới trong cuộc “xét xử” Đức Giê-su. Thực ra, ngay từ đầu trình thuật, người thuật chuyện cho biết những gì xảy ra là để ứng nghiệm lời Đức Giê-su nói về việc “Người sẽ phải chết cách nào” (18,32). Nếu Đức Giê-su sẽ phải chết thì trình thuật Người xuất hiện trước Phi-la-tô (18,28–19,16a) nói điều gì với độc giả và bản văn trình bày điều đó như thế nào?

Hai cấu trúc đồng tâm song song A, B, C, B’, A’ và AA, BB, CC, BB’, AA’ được thiết lập dựa vào sự di chuyển của Phi-la-tô từ “bên trong” ra “bên ngoài” dinh và ngược lại. Phần chuyển tiếp (19,1-3), không có đối thoại, trình bày những dấu chỉ vương quyền cách tương phản: Vị vua bị đánh đòn; lời chào kèm theo những cái vả mặt. Cấu trúc cho thấy Đức Giê-su được trình bày từ một “kẻ làm điều ác” (A) đến một “vị vua” (AA’). Qua các yếu tố song song B // B’ và BB // BB’, Đức Giê-su từ một kẻ bị buộc tội (B) trở thành người vô tội (B’). Từ chỗ bị đặt ngang hàng với Ba-ra-ba, Người được nâng lên làm Con Thiên Chúa (BB) và được gọi là vua (BB’).

Các yếu tố C và CC là những đối thoại ở bên trong dinh giữa Đức Giê-su và Phi-la-tô. Trong đoạn văn 18,28–19,16a, Đức Giê-su chỉ trao đổi với Phi-la-tô. Đối thoại giữa Đức Giê-su và những kẻ tố cáo đã bị cắt đứt bởi ranh giới “bên trong” và “bên ngoài”. Chính ở trên phần đất được xem là nhiễm uế mà Đức Giê-su mặc khải ý nghĩa “vương quyền” và “quyền bính” cho Phi-la-tô (người đại diện đế quốc Rô Ma), và qua ông, Đức Giê-su nói với thế giới dân ngoại.

Việc lý giải giới hạn của đoạn văn, phân tích bối cảnh văn chương và cấu trúc như trên đã giúp độc giả quan sát kỹ bản văn 18,28–19,16a. Những phân tích sau đây nhằm tìm hiểu ý nghĩa của đoạn văn; nghĩa là điều mà người thuật chuyện muốn người đọc nhận ra qua nội dung và cách trình bày câu chuyện. Đó là sự thật về những kẻ chống đối Đức Giê-su sẽ được trình bày trong bài tiếp theo (bài 2/5). 

 

Bài 2: SỰ THẬT VỀ NHỮNG KẺ CHỐNG ĐỐI ĐỨC GIÊSU

Những gì xảy ra bên ngoài dinh Phi-la-tô liên quan đến nhân vật Phi-la-tô và những kẻ tố cáo Đức Giê-su. Mặc dù Đức Giê-su không giao tiếp với họ nhưng tất cả các trao đổi bên ngoài dinh đều liên quan đến Người. Chúng ta sẽ tập trung phân tích đề tài “sự thật” nơi ba nhân vật:

1) Những kẻ tố cáo;

2) Phi-la-tô;

3) Đức Giê-su.

Theo cách trình bày câu chuyện, sự thật về các nhân vật này được tỏ lộ dần dần trong đoạn văn 18,28–19,16a. Bài này sẽ tìm hiểu về sự thật liên quan đến những kẻ chống đối Đức Giê-su.

Cấu trúc đoạn văn 18,28–19,16a mở đầu và kết thúc với đại từ “họ”. Họ là ai? Nhóm nhân vật này dần dần xuất hiện qua câu chuyện. Ở 18,28-30 người đọc chưa biết “họ” là ai. Đến 28,31, nhân vật “những người Do Thái” xuất hiện: “Những người Do Thái nói với ông ấy: ‘Chúng tôi không được phép xử tử ai cả’” (18,31b). Sau đó lại xuất hiện nhân vật “các thượng tế” ở 18,35; 19,6.15 và “các thuộc hạ” ở 19,6.

Trong đoạn văn 18,28–19,16a, các nhóm nhân vật “những người Do Thái” và “các thượng tế” gần như đồng nhất với nhau. Quả vậy, ở 18,35, Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su: “Dân của Ông và các thượng tế đã nộp Ông cho tôi. Ông đã làm gì?”, nhưng trong câu trả lời, Đức Giê-su lại nói: “Nếu Nước của Tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của Tôi đã chiến đấu để Tôi không bị nộp cho những người Do Thái” (18,36). Nếu ở 19,6 các thượng tế cùng các thuộc hạ kêu lên: “Hãy đóng đinh vào thập giá, hãy đóng đinh vào thập giá”, thì ở 19,15 những người Do Thái kêu lên rằng: “Đem đi, đem đi, hãy đóng đinh Nó vào thập giá” (19,15). Như thế, có sự đồng nhất giữa hai nhóm nhân vật này. Về mặt chủng tộc, các thượng tế là những người Do Thái, nhưng về mặt văn chương, Tin Mừng thứ tư cho phép phân biệt hai nhóm nhân vật “các thượng tế” và “những người Do Thái”.

Trong Tin Mừng, nhóm “những người Do Thái” tranh luận trực tiếp với Đức Giê-su từ ch. 2 đến ch. 10, trong khi nhóm “các thượng tế” xuất hiện khá muộn (từ ch. 7). Đặc điểm của nhóm “các thượng tế” là không tranh luận trực tiếp với Đức Giê-su. Nhóm này xuất hiện cùng với nhóm Pha-ri-sêu trong việc tìm bắt Đức Giê-su (7,32-45) và trong việc quyết định giết Người (11,47-57). “Các thượng tế” là những người quyết định giết cả La-da-rô (12,10). Trong đoạn văn 18,28–19,16a, nhóm “các thượng tế” cùng với nhóm “những người Do Thái” nộp Đức Giê-su cho Phi-la-tô và đòi đóng đinh Người. Việc hai nhóm này xuất hiện trong đoạn văn 18,28–19,16a là có ý nghĩa. Nhóm nhân vật “những người Do Thái” gợi lại tất cả những tranh luận giữa họ với Đức Giê-su trong suốt Tin Mừng. Nhóm “các thượng tế” gợi lại việc họ triệu tập Thượng Hội Đồng, quyết định giết Đức Giê-su (11,47-53) và ra lệnh bắt Người (11,57). Vì thế, đại từ “họ” trong đoạn văn 18,28–19,16a chỉ hai nhóm này và có thể gọi “họ” là “những kẻ tố cáo Đức Giê-su”. Bản văn không trình bày rõ ràng ngay từ đầu ai là người dẫn Đức Giê-su đến dinh Phi-la-tô mà chỉ dùng đại từ “họ”. Người đọc sẽ dần dần khám phá ra “họ” là ai trong quá trình đọc bản văn.

Sự tỏ lộ dần dần qua bản văn phù hợp với sự tỏ lộ khác cũng dần dần, đó là những điều họ tố cáo Đức Giê-su trước Phi-la-tô. Chỉ khi đọc đến cuối đoạn văn, độc giả mới biết hết ý định của những kẻ tố cáo Đức Giê-su. Khởi đầu, họ kết tội Đức Giê-su là “người làm điều ác” (18,30). Họ đòi tha Ba-ra-ba là một tên cướp (18,40), nghĩa là Đức Giê-su được xếp vào hàng trộm cướp. Theo họ, Đức Giê-su đáng tội chết vì làm điều ác. Kế đến, họ để lộ lý do sâu xa hơn: Đức Giê-su phải chết vì Người tự xưng là Con Thiên Chúa; họ nói với Phi-la-tô: “Chúng tôi, chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì Ông ta phải chết vì đã cho mình là Con Thiên Chúa” (19,7). Đến cuối đoạn văn, họ lại tố cáo Đức Giê-su về tội chính trị, khi nói với Phi-la-tô: “Nếu ông tha người này, ông không là bạn của Xê-da. Bất cứ ai tự cho mình là vua thì chống lại Xê-da” (19,12).

Như thế, những kẻ nộp Đức Giê-su tố cáo Người ba tội: Tội hình sự (làm điều ác, 18,40); tội nói phạm thượng (xưng là Con Thiên Chúa, 19,7); và tội chính trị (xưng là vua, 19,12). Ba tội danh này nhằm đạt được điều những kẻ tố cáo muốn làm mà họ không được phép làm: Giết Đức Giê-su. Họ nói rõ sự bất lực của họ với Phi-la-tô: “Chúng tôi không được phép xử tử ai cả” (18,31). Câu giải thích của người thuật chuyện trong câu tiếp theo 18,32: “Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su, lời Người nói về việc Người sẽ phải chết cách nào”, cho thấy số phận Đức Giê-su đã được quyết định từ trước. Đoạn văn 18,28–19,16a không nhằm mục đích xét xử Đức Giê-su; nhưng qua câu chuyện này, người thuật chuyện muốn làm sáng tỏ sự thật sâu xa về các nhân vật: sự thật về những kẻ tố cáo, sự thật về Phi-la-tô và sự thật về Đức Giê-su.

Sự thật bên trong của những kẻ tố cáo được tỏ lộ dần dần với các yếu tố thời gian và nơi chốn. Lúc trời vừa sáng (18,28) mọi sự chưa sáng tỏ, người đọc chưa biết “họ” là ai và chưa hiểu hết ý định của “họ”. Nhưng đến cuối trình thuật, vào lúc 12 giờ trưa (19,14), sự thật về họ được tỏ lộ rõ ràng. “Họ” là “những người Do Thái”, “các thượng tế”, những kẻ chống đối và bách hại Đức Giê-su trong suốt sứ vụ công khai của Người. Họ không dám vào dinh Phi-la-tô vì sợ bị nhiễm uế, nhưng lại tìm mọi cách giết Đức Giê-su. Họ là những người trung thành với Thiên Chúa trong việc giữ luật thanh sạch để dự lễ Vượt Qua, nhưng đến cuối trình thuật, giữa thanh thiên bạch nhật, họ tuyên bố: “Chúng tôi không có vua nào cả ngoài Xê-da” (19,15).

Qua cách trình bày các nhân vật như thế, người thuật chuyện đã tạo ra sự đảo lộn ngoạn mục. Những kẻ tố cáo Đức Giê-su tìm mọi cách giết Người mà không quan tâm đến việc xét xử (phân định xem bị cáo có tội hay vô tội) làm cho họ trở thành “những người làm điều ác” chứ không phải là Đức Giê-su.

Sự đảo lộn về không gian cũng là nét độc đáo của đoạn văn. Ngay từ đầu, sự phân biệt bên trong dinh (bị nhiễm uế thuộc về dân ngoại) và bên ngoài dinh (thuộc phần đất không bị nhiễm uế) mang ý nghĩa tôn giáo. Không gian địa lý này gợi về không gian thần học: “Bên ngoài” dinh thuộc về dân Thiên Chúa và “bên trong” dinh thuộc về dân ngoại. Những kẻ nộp Đức Giê-su được giới thiệu như là những người trung thành với Thiên Chúa, họ không vào trong dinh để có thể dự lễ Vượt Qua kính Đức Chúa là Đấng đã cứu dân khỏi ách nô lệ Ai-cập. Họ tùng phục Thiên Chúa đến mức ai nói phạm thượng thì phải chết, vì Dân Thiên Chúa chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa. Trớ trêu thay, cuối đoạn văn họ lại tuyên bố Xê-da là vua của họ, trong khi Thiên Chúa mới là Vua thực sự của họ. Vẻ bên ngoài, họ trung thành với Thiên Chúa, nhưng thực ra họ tôn thờ Xê-da (19,15).

Như thế, không gian thần học bị đảo lộn: Những kẻ giữ luật, tránh bị nhiễm uế qua hình thức bên ngoài, lại lộ ra thái độ bên trong: Sống theo kiểu dân ngoại, tung hô Xê-da và bất trung với Thiên Chúa. Họ đòi giết Đức Giê-su là Đấng Thiên Chúa sai đến.

Qua cách trình bày nhân vật như trên, bản văn làm lộ ra bộ mặt thật của những kẻ tố cáo. Đức Giê-su đã tố cáo tội của họ khi Người nói với Phi-la-tô: “Kẻ nộp Tôi cho ông thì mắc tội nặng hơn” (19,11b). Người thuật chuyện mời gọi người đọc ra được những sự thật trên nơi những kẻ chống đối Đức Giê-su để soi rọi vào cuộc đời mình.

Bài tiếp theo (bài 3/5) sẽ trình bày sự thật về Phi-la-tô, một trong những nhân vật chính của câu chuyện. 

 

Bài 3: SỰ THẬT VỀ PHI-LA-TÔ

Trong đoạn văn 18,28–19,16a, Phi-la-tô là nhân vật trung tâm. Ông làm cầu nối giữa bên trong và bên ngoài dinh. Thoạt đầu ông không muốn liên lụy đến vụ xét xử Đức Giê-su khi ông nói với những kẻ tố cáo Người: “Các người cứ đem Ông ấy đi và xét xử Ông ấy theo luật của các ngươi” (18,31a). Việc Phi-la-tô từ chối can thiệp cho thấy Đức Giê-su không nguy hiểm về an ninh chính trị, đó chỉ là xung đột nội bộ giữa những kẻ tố cáo và Đức Giê-su.

Về phía những kẻ tố cáo, vấn đề không phải là xét xử để biết Đức Giê-su có tội hay vô tội, mà họ tìm cách để giết Đức Giê-su. Họ kéo Phi-la-tô vào cuộc đương đầu với những đối đáp ngày càng gay gắt. Khởi đầu, khi họ kết tội Đức Giê-su làm điều ác thì Phi-la-tô lại quan tâm đến tư cách “vua dân Do Thái” (18,33) của Người. Phi-la-tô tuyên bố ngược với điều họ tố cáo: Không tìm được lý do để kết tội Đức Giê-su (18,38). Khi những kẻ tố cáo đòi giết Đức Giê-su bằng cách hô lên: “Hãy đóng đinh vào thập giá” (19,6) và “Đem đi, đem đi, hãy đóng đinh Nó vào thập giá” (9,15a) thì Phi-la-tô đáp lại cách mỉa mai: “Ta đóng đinh vua của các người sao?” (19,15b). Những kẻ tố cáo đòi giết thì Phi-la-tô lại tìm cách tha (19,12). Ông khẳng định ba lần Đức Giê-su vô tội (18,38; 19,4.6). Như thế, Phi-la-tô đã dùng Đức Giê-su để đối đầu với những kẻ tố cáo Người.

Trong đoạn văn 18,28–19,16a, Phi-la-tô xử sự cách mâu thuẫn và bất công với Đức Giê-su. Thật thế, mâu thuẫn và bất công trước tiên là ông tuyên bố không tìm thấy điều gì để kết tội Đức Giê-su nhưng lại đặt Người ngang hàng với Ba-ra-ba. Tục lệ ân xá trong dịp lễ dành cho các tội nhân chứ không phải dành cho người vô tội. Việc ông đề nghị với những kẻ tố cáo lựa chọn giữa Đức Giê-su và Ba-ra-ba là xếp Người vào hạng trộm cướp. Mâu thuẫn và bất công thứ hai là nếu Đức Giê-su vô tội, tại sao Phi-la-tô lại cho đánh đòn (19,1) và để quân lính nhục mạ Người (19,2-3)? Hơn nữa, sau khi cho đánh đòn, chính Phi-la-tô lại tuyên bố Đức Giê-su vô tội (19,4). Mâu thuẫn và bất công thứ ba là Phi-la-tô tuyên bố ông có quyền tha hay đóng đinh Đức Giê-su, nhưng ông lại không thi hành quyền này. Ông không tuyên bố Đức Giê-su có tội hay vô tội mà chỉ làm theo đòi hỏi của những kẻ tố cáo, ông đã trao Đức Giê-su cho họ (19,16a).

Sự thật về Phi-la-tô lộ tỏ khi những kẻ tố cáo đe doạ: “Nếu ông tha người này, ông không là bạn của Xê-da. Bất cứ ai tự cho mình là vua thì chống lại Xê-da” (19,12). Để bảo vệ quyền lợi, ông đành thí bỏ Đức Giê-su. Ông không dám xét xử Người theo sự thật. Động từ “xét xử” ở đây hiểu là động từ kép: Trước là “xét” xem bị cáo đúng hay sai, vô tội hay có tội; sau đó tuyên án “xử”, nghĩa là tuyên bố hình phạt nếu bị cáo có tội và tuyên bố tha nếu bị cáo vô tội. Phi-la-tô đã không dám đứng về phía sự thật để thi hành việc xét xử.

Sự thật về Phi-la-tô trong đoạn văn 18,28–19,16a là ông chủ ý chọc tức và làm nhục những kẻ tố cáo Đức Giê-su. Ông gọi Đức Giê-su là vua của họ, nhưng trong mắt ông, đó là “vị vua hề”: Đức Giê-su là vua nhưng không có chút quyền lực nào. Ông là người sử dụng quyền hành cách độc đoán vì vừa tuyên bố Đức Giê-su vô tội vừa cho đánh đòn Người. Qua những mâu thuẫn và bất công nơi nhân vật Phi-la-tô trong đoạn văn, người thuật chuyện cho độc giả thấy ông cũng chẳng hơn gì những kẻ tố cáo Đức Giê-su. Ông cũng có tội, nhưng những kẻ nộp Đức Giê-su cho ông thì mắc tội nặng hơn (19,11).

Sự đối đầu giữa Phi-la-tô và những kẻ tố cáo vừa cho thấy ý định giết Đức Giê-su của những kẻ tố cáo; vừa lộ ra thái độ không dám đứng về phía sự thật của Phi-la-tô (18,37b). Như thế, câu chuyện đưa ra ánh sáng sự thật về Phi-la-tô, sự thật về sự lựa chọn của ông, sự thật về cách ông thực thi quyền hành. Phi-la-tô không xét xử Đức Giê-su, vậy ai mới thực sự là người xét xử trong câu chuyện? Những sự thật khác về Phi-la-tô sẽ được bàn tới trong bài sau (bài 4/5) khi phân tích sự thật về Đức Giê-su qua những lời Phi-la-tô trao đổi với Đức Giê-su. 

 

Bài 4: SỰ THẬT VỀ ĐỨC GIÊ-SU

Đức Giê-su trong đoạn văn 18,28–19,16a không nói nhiều, nhưng Người là nhân vật chính. Tất cả các nhân vật khác đều nói về Người và họ chỉ xuất hiện trong tương quan với Đức Giê-su. Sự đảo lộn cũng xảy ra với Đức Giê-su phù hợp với diễn tiến câu chuyện từ tờ mờ sáng đến giữa trưa. Căn tính của Đức Giê-su lộ tỏ dần dần trong câu chuyện. Khởi đầu Người bị tố cáo là người làm điều ác và bị đặt ngang hàng với quân trộm cướp. Giữa đoạn văn, Người là Con Thiên Chúa và cuối đoạn văn Đức Giê-su là vua dân Do Thái. Dưới hình thức những lời tố cáo, châm biếm, nhục mạ, sự thật về Đức Giê-su được bày tỏ.

Đối với độc giả, nếu như Đức Giê-su phải chết vì tội tự xưng là Con Thiên Chúa thì cái chết đó minh chứng rằng: Người đích thật là Con Thiên Chúa. Sự thật về tư cách vương đế của Đức Giê-su là đề tài quan trọng trong đoạn văn. Không phải vô tình mà câu đầu tiên Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” (18,33). Người thuật chuyện dẫn vào đề tài vương quyền của Đức Giê-su cách đột ngột bằng câu hỏi của Phi-la-tô. Sau đó, đề tài này xuyên suốt bản văn với hai từ “basileus” (vua) và “basileia” (vương quyền, vương quốc). Tất cả các nhân vật khác đều nói đến tư cách vua của Đức Giê-su.

Phi-la-tô gọi Đức Giê-su là “vua dân Do Thái”; ông biết Đức Giê-su không phải là vua theo nghĩa chính trị mà chỉ là vua hề. Thái độ và hành động quân lính cho thấy điều đó. Người thuật chuyện kể: “Những người lính kết một vương miện bằng cây gai đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ tía. Họ đến gần Người và nói: ‘Kính chào vua dân Do Thái’ và họ đánh Người” (19,2-3). Về phía những kẻ tố cáo, họ kết tội Đức Giê-su tự xưng là vua theo nghĩa chính trị để dồn Phi-la-tô vào chân tường. Họ nói với ông ấy: “Bất cứ ai tự cho mình là vua thì chống lại Xê-da” (19,12).

Đối với người đọc, tất cả những gì Phi-la-tô và những kẻ chống đối nói về tư cách vương đế của Đức Giê-su là nhằm minh họa cho đề tài vương quyền trong đoạn văn. Đề tài này được Đức Giê-su làm rõ ở bên trong dinh, khi Người trao đổi với Phi-la-tô về tư cách vương đế của Người. Phân tích những gì xảy ra bên trong dinh (hai cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và Phi-la-tô; việc quân lính chế nhạo) sẽ làm sáng tỏ sự thật về Đức Giê-su.

CUỘC ĐỐI THOẠI THỨ NHẤT (18, 33-38a)

Phi-la-tô

Đức Giê-su

c. 33: Ông là vua dân Do Thái?

c.34: Ai nói?

35a: Tôi là người Do Thái sao? 

Ông đã làm gì?

36: Không trả lời câu hỏi

Mạc khải về vương quốc

37a: Vậy Ông là vua sao?

37b: Xác nhận gián tiếp.

Mạc khải về sứ vụ

38: Sự thật là gì?

 

 

Trong đối thoại thứ nhất (18,33-38a), Phi-la-tô đặt ra cho Đức Giê-su năm câu hỏi (18,33.25a35b.37a.38a). Điều này chứng tỏ ông là người chất vấn, là người hỏi cung, người đang thi hành quyền xét xử. Nhưng cách trả lời của Đức Giê-su làm cho tình thế đảo ngược. Đức Giê-su không trả lời trực tiếp những câu hỏi của Phi-la-tô. Cách Đức Giê-su đối đáp với Phi-la-tô làm lộ ra tư cách thẩm phán của Người.

Trong lời thoại thứ nhất, Phi-la-tô hỏi xem Đức Giê-su có phải là vua dân Do Thái không (18,33). Người không trả lời, nhưng hỏi lại Phi-la-tô: “Ngài tự mình nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về Tôi?” (18,34). Việc Đức Giê-su đặt câu hỏi cho người hỏi cung cho thấy tình huống đã bắt đầu thay đổi ngay từ câu đầu tiên, khi người bị kết tội lại đặt câu hỏi cho người có quyền xét xử.

Trong câu hỏi thứ hai, Phi-la-tô vừa tự phân biệt mình với những người Do Thái: “Tôi là người Do Thái sao?” (18,35a), vừa cho thấy vai trò của các nhân vật khi nói: “Dân của Ông và các thượng tế đã nộp Ông cho tôi” (18,35b). Như thế, vị trí của các nhân vật được phân định: Phía tố cáo là dân và các thượng tế; người xét xử là Phi-la-tô; và người bị tố cáo là Đức Giê-su.

Câu hỏi tiếp theo của Phi-la-tô liên quan đến việc làm, ông ấy hỏi Đức Giê-su: “Ông đã làm gì?” (18,35c). Đức Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi này. Thay vì trả lời, Người mặc khải về vương quốc của Người: “Vương quốc của Tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Vương quốc của Tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của Tôi đã chiến đấu để Tôi không bị nộp cho những người Do Thái. Nhưng thật ra, Vương quốc của Tôi không ở chốn này” (18,36). Đức Giê-su gián tiếp nói về tư cách vua của Người, vì vương quyền đi đôi với vương quốc. Câu nói của Đức Giê-su (18,36) vừa đi vào chủ đề vương quyền mà Phi-la-tô đã hỏi ở 18,33 vừa cho thấy tại sao Người có mặt trước Phi-la-tô như là kẻ bị tố cáo.

Diễn tiến cuộc đối thoại cho thấy Đức Giê-su là người chủ động dẫn chuyện. Người kéo Phi-la-tô trở lại đề tài vương quyền trong lời thoại thứ ba. Khi Phi-la-tô hỏi: “Vậy Ông là vua sao?” (18,38a). Đức Giê-su khẳng định gián tiếp: “Chính ngài nói rằng Tôi là vua” (18,37b); và Người mặc khải sứ vụ của Người: “Vì điều này, Tôi đã sinh ra, và vì điều này, Tôi đã đến thế gian để làm chứng cho sự thật, bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Tôi” (18,37c). Mặc khải này là câu trả lời về việc làm của Người mà Phi-la-tô đã hỏi trước đây: “Ông đã làm gì?” (18,35c). Đức Giê-su tóm kết sứ vụ của Người bằng cụm từ: “Làm chứng cho sự thật.”

Một lần nữa, Đức Giê-su gợi ý để Phi-la-tô hỏi: “Sự thật là gì?” (18,38a); sau khi hỏi xong, Phi-la-tô bỏ đi, ông không muốn nghe nói về sự thật. Có lẽ vì ông sợ mất danh hiệu “bạn của Xê-da” (19,12) nên ông không dám đứng về phía sự thật, không dám bênh vực sự thật về Đức Giê-su.

Tóm lại, đề tài chính trong cuộc đối thoại thứ nhất ở bên trong dinh (18,33-38a) là tư cách vua của Đức Giê-su, Người nói về vương quyền và vương quốc của Người. Chính Người dẫn câu chuyện và gợi ý cho Phi-la-tô đặt câu hỏi. Người trả lời các câu hỏi của Phi-la-tô sau một nhịp; nghĩa là Phi-la-tô hỏi câu thứ hai thì Đức Giê-su trả lời câu thứ nhất. Ông hỏi câu thứ ba thì Người trả lời câu thứ hai.

Cuộc đối thoại tiến triển như sau: Phi-la-tô hỏi về tư cách vua thì Đức Giê-su không trả lời mà hỏi lại Phi-la-tô (18,34). Phi-la-tô hỏi về việc làm thì Đức Giê-su lại trả lời về vương quốc và vương quyền (18,36). Phi-la-tô hỏi trở lại về tư cách vua thì Đức Giê-su lại nói về việc làm của Người (18,37). Cách trình bày cuộc đối thoại như thế cho thấy Đức Giê-su chủ động trong cuộc trao đổi. Người nói với tư cách là Đấng mặc khải chứ không phải như người bị chất vấn. Cuối cuộc trao đổi thứ nhất, Phi-la-tô đã ở vào thế bị động, ông không dám đối diện với sự thật. Việc đặt câu hỏi rồi bỏ đi ra ngoài cho thấy ông sợ đối diện với sự thật về Đức Giê-su và sự thật về chính ông.

Phần chuyển tiếp (19,1-3) vừa làm tỏ lộ sự thật về Phi-la-tô, vừa bày tỏ sự thật về vương quyền Đức Giê-su, không phải bằng lời nói mà qua những gì quân lính làm. Tiểu đoạn 19,1-3 có cấu trúc đồng tâm A, B, A’ với sự tương phản giữa “không có quyền” và “những dấu chỉ quyền hành”:

CẤU TRÚC 19,1-3

A. 19,1:        Không có quyền

                        Đức Giê-su bị đánh đòn

            B. 19,2-3a:   Ba dấu chỉ vương quyền

                                    vương miện, áo choàng đỏ, lời chào

A’. 19,3b:      Không có quyền

                        Đức Giê-su bị quân lính đánh

 

Những gì quân lính làm cho Đức Giê-su là để chế nhạo, để làm cho Người trở thành vua hề. Đó là một vị vua không có quyền lực. Vương miện bằng gai do quân lính đặt lên đầu Đức Giê-su; áo choàng đỏ do quân lính khoác; họ cúi chào và lập tức chứng tỏ quyền hành bằng cách đánh Người. Như thế, quân lính mới thực sự là những người có quyền.

Đức Giê-su được trình bày như người bị tước hết mọi quyền hành, bị xỉ nhục, bị đối xử bất công. Phi-la-tô dùng quyền hành cách độc đoán: Ông cho đánh đòn Đức Giê-su, mặc dù không tìm thấy điều gì để kết tội Người. Phi-la-tô tỏ ra thiếu trách nhiệm trong việc thi hành quyền bính. Đức Giê-su sẽ tố cáo Phi-la-tô điều này trong cuộc đối thoại thứ hai (19,9-11).

Người đọc tự hỏi, việc Đức Giê-su bị xỉ nhục như vị vua hề có ý nghĩa gì? Tại sao Người lại nói về vương quyền ngay trước lúc Người bị đóng đinh? Như Đức Giê-su đã nói với Phi-la-tô: Vương quốc và vương quyền của Người không thuộc về thế gian này; nghĩa là Người không cạnh tranh với vương quyền trần thế. Phần chuyển tiếp (19,1-3) trình bày vương quyền Đức Giê-su qua các từ “vương miện” (19,2a), “áo choàng đỏ” (19,2b), “lời chào” (19,3a) nhưng lại kèm theo sự xỉ nhục.

Cách người thuật chuyện trình bày vương quyền như thế nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa thần học về vương quyền của Đức Giê-su. Những yếu tố tiêu cực: “Đánh đòn”, “vòng gai”, “vả mặt” nói lên sự khác biệt giữa vương quyền Đức Giê-su và vương quyền trần thế. Chính lúc Người bị tước hết mọi quyền là lúc tốt nhất để thể hiện vương quyền của Người. Khi Đức Giê-su bị tước hết mọi quyền lực trần thế, vương quyền của Người được tỏ lộ cách rõ ràng nhất. Trong hoàn cảnh như thế, vương quyền của Đức Giê-su sẽ không bị hiểu lầm, hiểu sai, hiểu lệnh lạc hay lẫn lộn với vương quyền trần thế.

Ở ch. 6, sau dấu lạ bánh hóa nhiều, Đức Giê-su biết đám đông sẽ tôn Người làm vua, nên Người đã lánh đi (16,15). Dân chúng chưa hiểu đúng vương quyền của Người. Trình bày vương quyền Đức Giê-su khi Người không còn chút quyền hành trần thế, tránh được mọi hàm hồ dị nghĩa về tư cách vua của Đức Giê-su. Như thế, phần chuyển tiếp (19,1-3) minh họa cho lời Đức Giê-su nói trong cuộc đối thoại thứ nhất với Phi-la-tô: Người là Vua và Vương quốc của Người không thuộc về thế gian này (18,37), nhưng Người thi hành vương quyền trong thế gian này.

Cuộc đối thoại thứ hai với Phi-la-tô cho thấy ai là người thi hành quyền xét xử. Đối thoại thứ hai (19,9-11) giữa Phi-la-tô và Đức Giê-su ngắn hơn đối thoại thứ nhất, gồm ba câu hỏi của Phi-la-tô và một câu trả lời của Đức Giê-su.

CUỘC ĐỐI THOẠI THỨ HAI (19,9-11):

Phi-la-tô

Đức Giê-su

c.9a: Ông từ đâu đến?

c.9b: (Không trả lời)

c.10: Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết là tôi có quyền tha ông hay đóng đinh ông vào thập giá sao?

c.11: Đức Giê-su mạc khải về quyền bính và kết tội.

Người thi hành quyền xét xử

 

Cuộc đối thoại thứ hai bắt đầu bằng sự sợ hãi của Phi-la-tô. Khi những người Do Thái nói: “Chúng tôi, chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì Ông ta phải chết vì đã cho mình là Con Thiên Chúa” (19,7). Người thuật chuyện cho biết: “Khi Phi-la-tô nghe lời này, ông càng sợ hơn. Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giê-su: ‘Ông từ đâu đến?” (19,8-9). Phi-la-tô sợ hơn, nghĩa là trước đó ông đã sợ. Nỗi sợ của Phi-la-tô có lẽ đã nảy sinh từ cuối cuộc đối thoại thứ nhất khi ông không dám đối diện với sự thật (18,38). Nếu ông sợ sự thật thì ông không thể thi hành quyền xét xử. Ở 19,8, Phi-la-tô sợ hơn, vì một đàng Đức Giê-su nói Vương quốc của Người không thuộc chốn này; đàng khác, những người Do Thái xác nhận Người là Con Thiên Chúa; đây mới là lý do đích sâu xa khiến Đức Giê-su phải chết. Như thế, Phi-la-tô sợ vì nhận ra rằng ông đang đối diện với Con Thiên Chúa; đối diện với một vị Vua có Vương quốc không thuộc về thế gian này (18,36).

Nếu như trong cuộc đối thoại thứ nhất, Đức Giê-su cho biết Người là Vua thì trong cuộc đối thoại thứ hai, Người thi hành quyền xét xử. Phi-la-tô tự cho là có quyền khi nói với Đức Giê-su: “Ông không biết rằng tôi có quyền tha Ông và có quyền đóng đinh Ông vào thập giá sao?” (19,10). Nhưng thực ra, Phi-la-tô không có quyền, đúng hơn ông không đủ can đảm thực thi quyền hành. Đức Giê-su nói về nguồn gốc của quyền bính và Người kết tội những kẻ tố cáo và cả Phi-la-tô nữa. Người nói với ông ấy: “Ông không có quyền gì đối với Tôi, nếu nó không được ban cho ông từ trên, vì điều này, kẻ nộp Tôi cho ông có tội lớn hơn” (19,11).

Tình thế đã bị đảo ngược hoàn toàn, lời cuối cùng Đức Giê-su nói với Phi-la-tô là lời kết tội, lời xét xử, lời tuyên án. Như thế, Đức Giê-su đã thực thi vương quyền của Người trong thế gian, ngay chính lúc Người bị thế gian tước hết mọi quyền hành. Sự đảo ngược độc đáo trong đoạn Tin Mừng là ở chỗ Đức Giê-su, người bị tố cáo, bị kết tội, lại trở thành vị thẩm phán đích thực; Người có quyền xét xử và tuyên bố ai là người có tội.

Tư cách thẩm phán này được nhấn mạnh khi Phi-la-tô đặt Đức Giê-su ngồi vào nơi dành cho vị thẩm phán: “Phi-la-tô đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha” (19,13). Động từ “kathizô” (đặt ngồi), ở 19,13 dùng ở ngôi thứ ba số ít nên có thể hiểu hai cách: “Phi-la-tô đặt Đức Giê-su ngồi” hay “Phi-la-tô ngồi” vào nơi gọi là Nền Đá. Vì trong đoạn văn, Phi-la-tô không tuyên bố lời xét xử nên hiểu theo nghĩa ông đặt Đức Giê-su ngồi phù hợp hơn. Một đàng Phi-la-tô muốn Đức Giê-su đóng vai vị thẩm phán hề; đàng khác người thuật chuyện chủ ý trình bày Đức Giê-su như vị thẩm phán. Phi-la-tô muốn Đức Giê-su đóng vai vị vua hề đến cùng; nhưng thực ra, Phi-la-tô đã nói đúng về Đức Giê-su khi gọi Người là “vua dân Do Thái” và đã làm đúng khi đặt Người ngồi vào chỗ ngồi của vị thẩm phán.

Yếu tố thời gian cuối trình thuật cho thấy ý nghĩa thần học về giờ chết của Đức Giê-su. Hôm đó là ngày áp lễ Vượt Qua vào khoảng 12 giời trưa (19,14). Khi Phi-la-tô trao Đức Giê-su để người bị đóng đinh cũng là lúc trong đền thờ người ta giết chiên để mừng lễ Vượt Qua, Đức Giê-su trở thành chiên Vượt Qua mới.

Tóm lại, vào lúc 12 giờ trưa, giữa thanh thiên bạch nhật, sự thật về Đức Giê-su được lộ tỏ. Người là Con Thiên Chúa, Người là Vua, Vương quốc của Người không thuộc về thế gian nhưng Người thi hành vương quyền của Người trong thế gian này. Ý nghĩa bản văn thật phong phú, nhưng việc hiểu bản văn chỉ kết thúc khi nhận ra điều bản văn muốn nói với người đọc hôm nay. Bài tiếp thep (bài 5/5) sẽ áp dụng một vài điều vào cuộc sống độc giả.

 

Bài 5: ÁP DỤNG Ý NGHĨA ĐOẠN VĂN Ga 18,28–19,16a VÀO CUỘC SỐNG

Loạt bài trên đã tìm hiểu sự thật nơi những kẻ chống đối Đức Giê-su, sự thật nơi nhân vật Phi-la-tô và sự thật về Đức Giê-su. Trong quá trình đọc, độc giả có thể có thiện cảm hay ác cảm với các nhân vật trong câu chuyện. Người đọc có thể tự đồng hóa với các nhân vật và lựa chọn đứng về phía nhân vật chính diện. Các tình tiết trong câu chuyện có thể soi rọi vào những tình huống tương tự trong cuộc sống người đọc. Mỗi độc giả có một lịch sử cuộc đời riêng, nên việc cảm nhận và sống bản văn cũng khác nhau.

Trong đoạn văn 18,28–19,16a, người đọc có thể đối chiếu với cuộc sống qua đề tài sự thật. Sự thật được lộ tỏ dần dần trong bản văn từ tờ mờ sáng cho đến giữa trưa. Đó là sự thật của những kẻ tố cáo Đức Giê-su, sự thật của Phi-la-tô và sự thật của Đức Giê-su. Người đọc có thể thấy sự thật về chính mình hay sự thật về người khác qua các nhân vật trong đoạn văn 18,28–19,16a.

Trong vị trí của những kẻ tố cáo Đức Giê-su, người đọc, hay ai đó, có thể đã vô tình hay hữu ý đi ngược với sự thật để đạt được điều mình muốn. Trong bản văn, những kẻ tố cáo không có bằng chứng về việc Đức Giê-su làm điều ác, hay tự xưng là vua theo nghĩa chính trị; dầu vậy, họ vẫn tìm cách giết Đức Giê-su. Khi những kẻ chống đối tìm mọi cách để đạt mục đích, họ vô tình đi ngược lại niềm tin của họ: Bên ngoài, họ giữ lề luật; nhưng thực ra, họ bất trung với Thiên Chúa vì đã tuyên xưng thần phục Xê-da. Bản văn mời gọi người đọc xem lại tính chính đáng của những điều mình đang đeo đuổi.

Về nhân vật Phi-la-tô, bản văn đặt người đọc, hay ai đó, trước việc dùng người khác để khiêu khích đối phương (Phi-la-tô dùng Đức Giê-su để châm chọc những kẻ tố cáo Người). Điều này dẫn đến tự mâu thuẫn với chính mình khi tìm cách tỏ ra là mình là người có quyền hành (Phi-la-tô không tìm thấy lý do để kết tội mà lại cho đánh đòn và chế nhạo Đức Giê-su). Khi quyền lợi bị nguy hại, người ta có thể không dám đứng về phía sự thật (Phi-la-tô không dám xét xử Đức Giê-su theo sự thật). Nhân vật Phi-la-tô có thể là lời chất vấn cho người đọc.

Qua nhân vật trọng tâm là Đức Giê-su, Người đọc được mời gọi phân biệt giữa vương quyền của Đức Giê-su và vương quyền trần thế. Sự phân biệt này có thể buộc người đọc thay đổi quan niệm của mình về vương quyền và quyền bính. Sự thật về Đức Giê-su và sự thật về vương quyền của Người trong bản văn giúp người đọc biết cách bày tỏ quyền bính và vương quyền của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể.

Tóm lại, bản văn 18,28–19,16a là lời mời gọi người đọc đứng về phía sự thật. Câu nói của Đức Giê-su: “Bất cứ ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Tôi” (18,37c) cũng là câu mà người thuật chuyện dành cho độc giả. Đọc toàn bộ Tin Mừng thứ tư, người đọc sẽ biết sự thật là gì, để làm gì và sự thật là ai. Đức Giê-su nói với những người Do Thái: “Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi, các ông là môn đệ đích thực của Tôi, và các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (8,31-32). Sự thật có khả năng giải phóng người đọc khỏi mọi thứ nô lệ. Sự thật đó là Lời Thiên Chúa, như Đức Giê-su nói với Cha Người: “Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật. Lời của Cha là sự thật” (17,17). Đức Giê-su đến để nói Lời của Thiên Chúa, và chính Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa (1,1-18), nên chính Người là sự thật. Đức Giê-su đã nói với các môn đệ: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (14,6).

Thực ra, thuộc về sự thật hay đứng về phía sự thật không gì khác hơn là đứng về phía Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa, như Đức Giê-su nói: “Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa” (8,47). Thuộc về sự thật là điều kiện để nghe Đức Giê-su (18,37) và khi đã biết sự thật là gì, là ai và để làm gì, người đọc được mời gọi làm theo sự thật (3,21) và làm chứng cho sự thật như Đức Giê-su (18,37).

Qua sự việc tất cả các nhân vật theo đuổi mục đích riêng của mình, người thuật chuyện muốn trình bày đề tài vương quyền của Đức Giê-su trong đoạn văn 18,28–19,16a. Để tìm cách giết Đức Giê-su, những kẻ tố cáo kết tội Người là kẻ làm điều ác, là người tự cho mình là Con Thiên Chúa và xưng là vua. Phi-la-tô chọc tức những kẻ tố cáo bằng cách gọi Đức Giê-su là vua của những người Do Thái; ông để quân lính làm cho Người thành vị vua hề. Phi-la-tô đặt Người ngồi trên toà xét xử để làm vị thẩm phán hề. Theo cách trình bày của người thuật chuyện, các nhân vật đã vô tình nói đúng và làm đúng về Đức Giê-su. Quả thật Người là Con Thiên Chúa, là Vua và Người thi hành quyền xét xử.

Bản văn đã làm đảo lộn tình thế và làm lộ tỏ ra sự thật của các nhân vật. Những kẻ tố cáo không vào dinh để khỏi bị ô uế, trong khi họ tìm mọi cách để giết Đức Giê-su. Họ chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua kính Đức Chúa, nhưng lại tuyên xưng thần phục Xê-da. Họ đạt được mục đích là giết Đức Giê-su, nhưng phải trả giá đắt. Họ trở thành những người tôn thờ Xê-da, nghĩa là bất trung với Thiên Chúa của họ. Phi-la-tô có quyền xét xử, nhưng lại sợ hãi và không dám đứng về phía sự thật. Ông là người có quyền, nhưng thực ra là không có. Nơi mà những kẻ tố cáo Đức Giê-su cho là bị nhiễm uế (bên trong dinh), thì ở đó Đức Giê-su mặc khải cho Phi-la-tô (đại diện đế quốc Rô Ma) về quyền bính và về vương quyền của Người. Như thế, vương quyền của Đức Giê-su mang tính phổ quát, vì không chỉ giới hạn trên phần đất “không bị nhiễm uế”. Đầu bản văn 18,28–19,16a, Đức Giê-su bị kết tội là người làm điều ác; đến cuối đoạn văn, Người là Con Thiên Chúa và là Vua.

Qua những đảo lộn ngoạn mục trong đoạn văn 18,28–19,16a, có nét châm biếm, mỉa mai nơi các nhân vật, người thuật chuyện đã trình bày thành công các đề tài thần học quan trọng: “Sự thật nơi các nhân vật” và “Vương quyền Đức Giê-su”. Người thuật chuyện mời gọi người đọc soi rọi vào cuộc đời mình qua ý nghĩa trong bản văn và qua tương tác giữa “thế giới bản văn” (le monde du texte) và “thế giới người đọc” (le monde du lecteur) để từ đó đón nhận sự thật, tin vào sự thật, sống theo sự thật và làm chứng cho sự thật.

Học viện Thánh Anphongsô