TÁC VỤ ĐỌC SÁCH và GIÚP LỄ
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, Trưởng Khoa Thần
học và giáo sư Phụng vụ
của Đại học Regina Apostolorum, Rôma.
Hỏi: Thưa cha, con là một chủng sinh, và con
quan tâm đến phụng vụ của các thừa tác viên Giúp lễ và Đọc sách. Xin cha giúp
con, cho con biết rõ về phụng vụ này. Mục tiêu là để cung cấp cho nhiều người
một số thông tin về hai tác vụ này là gì, và ý nghĩa của chúng? (L. L., Mumbai,
Ấn Độ).
Đáp: Tôi có thể là quá muộn để giúp
chủng sinh đặc biệt này, vì hình như thầy mới được trao các tác vụ. Tuy nhiên,
thông tin có thể giúp ích cho nhiều người khác.
Các tác vụ giáo dân (vì
chúng không còn được gọi là các chức nhỏ nữa) về Đọc sách và Giúp lễ đã được Đức
Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập vào năm 1973 với Tông Thư Ministeria Quaedam.
Các tác vụ này được trao cho mọi ứng viên sẽ lãnh chức thánh. Chúng cũng được
mở ra cho các nam giáo dân không mong lãnh chức thánh, nhưng trong thực tế một
vài giáo phận đã làm cho hiệu quả việc sử dụng khả năng này. Để trao tác vụ
trên cho họ, họ cần đáp ứng các điều kiện sau đây, theo Tông Thư:
Số
8. Sau đây là các yêu cầu
để được trao các tác vụ:
a. Ứng viên phải tự do
làm đơn xin, ký tên, và gửi đơn cho Đấng Bản Quyền (Giám mục, và nếu ứng viên
là tu sĩ, gửi thêm cho Bề trên Thượng cấp), là người có quyền chấp nhận đơn
xin;
b. Ứng viên ở trong một
độ tuổi thích hợp và có các phẩm chất đặc biệt được xác định bởi Hội đồng Giám
mục;
c. Ứng viên có một ý
chí vững chắc để phục vụ trung thành đối với Chúa và anh chị em Kitô hữu.
Số
9. Các tác vụ được trao bởi Đấng Bản Quyền (Giám mục, hoặc nếu ứng viên là
tu sĩ thì Bề trên Thượng cấp) thông qua nghi thức phụng vụ De institutione lectoris và De institutione
acolythi, vốn đã được Toà Thánh duyệt lại.
Số
10. Một khoảng thời gian,
được xác định bởi Toà Thánh hoặc Hội đồng Giám mục, cần được tuân giữ giữa lúc
trao tác vụ Đọc sách và tác vụ Giúp lễ, khi hai tác vụ được trao cho cùng một
người.
Số
11. Trừ khi họ đã làm như
vậy, các ứng viên cho chức thánh như Phó tế và Linh mục phải được trao các tác
vụ Đọc sách và Giúp lễ trước, và thực thi chúng trong một thời gian thích hợp,
để chuẩn bị tốt hơn cho việc phục vụ tương lai cho Lời Chúa và bàn thờ. Việc
miễn trao các tác vụ này cho ứng viên là dành cho Toà Thánh quyết định.
Số
12. Các trao các tác vụ
này không cho họ quyền được Hội Thánh trợ cấp hoặc trả lương.
Số
13. Nghi thức thiết lập
các thầy Đọc sách và thầy Giúp lễ sẽ sớm được công bố bởi thánh bộ hữu quan của
Giáo triều Rôma.
Các quy định chủ yếu
của tài liệu này sau đó đã được đưa vào điều 230 và điều 1035 của Bộ Giáo luật.
Bộ
Giáo luật, điều 230, §1:
Các giáo dân có độ tuổi và những đức
tính cần thiết theo sắc lệnh của Hội đồng Giám mục, có thể lãnh những tác vụ
Đọc sách và Giúp lễ cách cố định, qua nghi thức phụng vụ đã được quy định (Điều
230, §1 đã được thay đổi ngày
10/01/2021 với Tự sắc Spiritus Domini).
Như thế, một người nam
có thể được trao tác vụ Đọc sách, mà không cần phải khát vọng trở thành một thầy
Giúp lễ, nhưng dường như một người không thể được trao tác vụ Giúp lễ mà không
đi qua tác vụ Đọc sách. Vì nhiều lý do thực tiễn, các tác vụ này hầu như dành
cho các ứng viên sau đó sẽ được truyền chức Phó tế và Linh mục.
Bộ Giáo luật, điều 1035 nói như sau:
§1. Trước khi được tiến chức Phó tế, dù
là vĩnh viễn hay chuyển tiếp, đương sự buộc phải lãnh nhận và thi hành tác vụ
Đọc sách và tác vụ Giúp lễ trong một thời gian thích hợp.
§2. Phải có một khoảng cách ít là sáu
tháng, từ khi lãnh nhận tác vụ Giúp lễ cho đến khi chịu chức Phó tế (CIS 974 ;
CIS 978) (Bản dịch như trên).
Đối với các chức năng
của thầy Giúp lễ và thầy Đọc sách, Quy
chế tổng quát Sách lễ Rôma đã cho biết:
Những
phần việc của thầy Giúp lễ
187. Các phần việc mà thầy Giúp lễ có thể làm thuộc nhiều loại khác
nhau; lại có nhiều phần việc phải làm cùng một lúc. Vậy nên phân phối các phần
việc đó cho nhiều người. Nhưng nếu chỉ có một thầy Giúp lễ có mặt, thầy sẽ thi
hành những gì quan trọng hơn; còn các việc khác, thì trao cho những người giúp
lễ khác.
Nghi thức đầu lễ
188. Khi tiến ra bàn thờ, thầy Giúp lễ có thể mang Thánh Giá đi giữa
hai người giúp cầm nến cháy. Khi tới bàn thờ, thầy đặt Thánh Giá gần bàn thờ,
để thành Thánh Giá bàn thờ, nếu không thì đem cất vào nơi xứng đáng. Rồi thầy
về chỗ của mình trong cung thánh.
189. Trong suốt buổi cử hành, nhiệm vụ của thầy Giúp lễ là đến gần vị tư tế, hoặc Phó tế, mỗi khi cần, để đưa sách và giúp các ngài trong những gì cần thiết. Do đó, nên hết sức dành cho thầy một chỗ thuận tiện, để thầy dễ dàng lo phần việc của mình nơi ghế ngồi hay tại bàn thờ.
Phụng vụ Thánh Thể
190. Nếu không có thầy Phó tế, thì sau lời nguyện cho mọi người, và khi
vị tư tế còn ở tại ghế, thầy Giúp lễ đặt khăn thánh, khăn lau chén, chén thánh
và Sách Lễ lên bàn thờ. Rồi, nếu cần, thầy giúp vị tư tế tiếp nhận lễ phẩm do
giáo dân dâng tiến, và, nếu tiện, đưa bánh rượu tới bàn thờ và trao cho vị tư
tế. Nếu có xông hương, chính thầy đưa bình hương cho vị tư tế và giúp ngài xông
hương lễ phẩm, Thánh Giá và bàn thờ. Rồi thầy xông hương vị tư tế và giáo dân.
191. Thầy có tác vụ Giúp lễ có thể giúp vị tư tế cho giáo dân rước lễ,
nếu cần, với tư cách một thừa tác viên ngoại lệ. Nếu cho rước lễ dưới hai hình,
mà không có thầy Phó tế, thầy cho họ rước Máu Thánh; nếu giáo dân rước lễ theo
cách chấm, thì thầy cầm chén thánh.
192. Cho rước lễ xong, thầy có tác vụ Giúp lễ giúp vị tư tế hoặc Phó tế
lau và sắp xếp các bình thánh. Khi không có thầy Phó tế, thầy Giúp lễ mang các
bình thánh tới bàn phụ, tráng lau và sắp xếp các bình thánh tại đó.
193. Lễ xong, thầy Giúp lễ cùng với các
thừa tác viên khác, làm một với Phó tế và vị tư tế, trở về phòng thánh theo
kiểu đoàn rước cùng một cách và thứ tự như khi đi ra.
Những
phần việc của thầy Đọc sách
Nghi thức đầu lễ
194. Khi tiến ra bàn thờ, nếu không có thầy Phó tế, thầy Đọc sách, mặc
áo được chấp thuận, có thể mang sách Tin Mừng, nâng cao lên một chút; trong
trường hợp này, thầy đi trước vị tư tế; còn nếu không, thầy đi với các người
giúp khác.
195. Khi tới bàn thờ, cùng với những người khác, thầy kính cẩn bái chào bàn thờ. Nếu có mang sách Tin Mừng, thầy bước tới bàn thờ, đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ. Sau đó, thầy cùng với các người giúp khác về chỗ của mình trong cung thánh.
Phụng vụ Lời Chúa
196. Thầy đọc các bài đọc trước bài Tin Mừng trên giảng đài. Khi không
có ca viên, thầy cũng có thể đọc Thánh vịnh và đáp ca sau bài đọc thứ nhất.
197. Khi không có thầy Phó tế, thì sau lời dẫn nhập của vị tư tế, thầy
Đọc sách có thể xướng các ý nguyện của lời nguyện cho mọi người.
198. Nếu không hát Ca Nhập lễ hoặc Ca
Hiệp lễ, và giáo dân không đọc các Ca Nhập lễ hoặc Ca Hiệp lễ ghi trong Sách lễ,
thì thầy Đọc sách đọc các Ca Nhập lễ hoặc Ca Hiệp lễ vào lúc thích hợp (x. nn.
48, 87)” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận
Nha Trang).
Có lẽ việc giới thiệu
tốt nhất cho hai tác vụ trên đến từ bài nói của Giám mục trước khi ban tác vụ,
vốn được tìm thấy trong chính nghi thức.
Trước khi trao tác vụ
cho thầy Đọc sách, Giám mục nói:
“Chúng con thân
mến, Chúa Cha đã mặc khải và hoàn thành mầu nhiệm cứu độ nhờ Con Ngài đã làm
người là Đức Giêsu Kitô. Sau khi tỏ bày cho chúng ta mọi điều, Người đã giao
phó cho Hội Thánh trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho toàn thể thụ tạo.
Chúng con được
đặt lên làm người Đọc sách tức là người công bố Lời Chúa, chúng con sẽ trợ giúp
công việc rao giảng Tin Mừng, do đó, chúng con lãnh nhận một đặc nhiệm trong
dân Chúa, và được chỉ định phục vụ đức tin bắt nguồn từ Lời Chúa. Vì khi chúng
con công bố Lời Chúa trong cộng đoàn cử hành phụng vụ, chúng con giúp cho các
trẻ em và người lớn được vững mạnh trong đức tin và lãnh nhận các bí tích cho
xứng đáng. Chúng con cũng loan truyền Tin Mừng cứu độ cho những người chưa nhận
biết Chúa Cha, và Con Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng Ngài đã sai đến để họ được
sống đời đời.
Vậy, khi chúng
con loan truyền Lời Chúa cho kẻ khác, chính chúng con hãy tuân theo sự hướng
dẫn của Chúa Thánh Thần mà lãnh nhận và ân cần suy niệm Lời Chúa, để chúng con
ngày càng thêm đầy tình thương yêu êm dịu và mãnh liệt của Chúa, chúng con cũng
hãy lấy đời sống mà minh chứng Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô.”
Trước khi trao tác vụ
cho thầy Giúp lễ, Giám mục nói:
Chúng con thân mến, được tuyển chọn lãnh
nhận tác vụ Giúp lễ là chúng con lãnh nhận cách đặc biệt một phần tác vụ của
Hội Thánh. Tột đỉnh và nguồn mạch đời sống Hội Thánh là Bí tích Thánh Thể, nhờ
đó, dân Chúa được xây dựng và phát triển. Vì chúng con được uỷ thác công việc
trợ giúp các Linh mục và các Phó tế khi các vị này thi hành nhiệm vụ, và với tư
cách thừa tác viên ngoại lệ, chúng con trao Mình Thánh Chúa cho tín hữu và cả
bệnh nhân. Được chỉ định cách đặc biệt để thi hành tác vụ nầy, chúng con hãy chăm
lo thế nào, để nhờ hy lễ của Chúa Kitô, chúng con sống cách nhiệt thành hơn và
sống phù hợp với hy lễ ấy cách hoàn hảo hơn ; ngoài ra chúng con hãy tìm hiểu ý
nghĩa thâm thuý và thiêng liêng của những việc chúng con thi hành, để mỗi ngày
chúng con tận hiến mình cho Chúa làm của lễ thiêng liêng đẹp lòng Chúa nhờ Đức
Giêsu Kitô.
Khi thi hành những công việc trên, chúng
con nên nhớ rằng: chúng con được thông phần cùng một bánh với anh em, thì chúng
con cũng trở nên một thân thể với anh em chúng con. Vì vậy, chúng con hãy lấy
tình yêu thương chân thành mà đối xử với Nhiệm Thể Chúa Kitô là dân Chúa, nhất
là với những kẻ yếu đuối tật nguyền, chúng con hãy sống đúng theo mệnh lệnh
Chúa đã truyền cho các Tồng đồ trong bữa Tiệc Ly rằng: “Các con hãy yêu thương
nhau như Thầy đã yêu thương các con.”[1]
TÓM TẮT
1. Những phận
vụ mà từ xưa đến nay quen gọi là các chức nhỏ, từ
nay sẽ được gọi là các “tác vụ” (ministeria)
(x. Phaolô VI, Tông thư dưới hình thức
tự sắc Ministeria quaedam, II).
2. Các giáo
dân có độ tuổi và những đức tính cần thiết theo sắc lệnh của Hội đồng Giám mục,
có thể lãnh những tác vụ Đọc sách và Giúp lễ cách cố định, qua nghi thức phụng
vụ đã được quy định (x. GL, điều 230,
§1, thay đổi ngày 10/01/2021 với
Tự sắc Spiritus Domini).
3. Hội
Thánh thiết lập tác vụ Đọc sách để những
người nhận tác vụ này phục vụ cộng đoàn trong nhiệm vụ đọc Lời Chúa và hướng
dẫn cộng đoàn cầu nguyện. Bất cứ người nào [nam giới] muốn lãnh nhận chức thánh
Phó tế, thì trước đó phải lãnh tác vụ Đọc sách và thi hành tác vụ này trong một
thời gian tương xứng (x. GL, điều
1035). Trong Thánh Lễ, Thầy
đã lãnh tác vụ Đọc sách có nhiệm
vụ chính là đọc Lời Chúa, trừ bài Tin Mừng, đồng thời, hướng dẫn cộng đoàn cầu
nguyện khi không có mặt thừa tác viên có chức thánh. Khi cử hành Thánh Lễ, nếu
không có Phó tế, thì thầy đã lãnh tác vụ Đọc sách xướng các ý nguyện trong lời
nguyện chung, hoặc đọc Thánh vịnh đáp ca khi không có ca viên. Thầy đã lãnh tác
vụ Đọc sách sẽ thi hành nhiệm vụ riêng của mình trong Thánh Lễ, cho dù có sự
hiện diện của các thừa tác viên cấp trên trong Thánh Lễ (x. QCSL 2002, số 99). Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma 2002 còn cho phép thầy đã lãnh tác
vụ Đọc sách mang Sách Tin Mừng khi đi rước đầu lễ nếu thầy Phó tế vắng mặt ;
khi đến cung thánh, thầy đã lãnh tác vụ Đọc sách đặt Sách Tin Mừng lên bàn thờ
(không hôn bàn thờ) rồi trở về chỗ của mình (x. QCSL 2002, số 194-195).
4. Hội Thánh thiết lập tác vụ Giúp lễ để những người nhận tác
vụ này phục vụ bàn thờ, giúp Linh mục và Phó tế khi cử hành phụng vụ. Thầy đã
lãnh tác vụ Giúp lễ có nhiệm vụ chính là giúp lễ, chuẩn bị lễ vật trên bàn thờ, và là thừa
tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân (x. QCSL 2002, số 98). Hội Thánh cũng
dành một số công việc trong cử hành phụng vụ cho thầy đã lãnh tác vụ Giúp lễ:
chủ toạ buổi cử hành phụng vụ Lời Chúa khi vắng mặt thừa tác viên có chức thánh
và cho giáo dân rước lễ (x. Nghi thức tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, số 17). Thăm viếng và
trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân (x. Nghi thức tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, số 54). Đặt Mình Thánh
Chúa để giáo dân thờ lạy cách công khai, rồi cất nhưng không được phép ban phép
lành với Mình Thánh Chúa (x. Nghi thức tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, số 91). Cầm Thánh Giá
khi đi rước (x. QCSL 2002, số 188). Nếu không có Phó tế thì thầy đã lãnh tác
vụ Giúp lễ sẽ giúp chủ tế tiếp nhận lễ vật, dọn chén và bình thánh, đưa rượu
nước và bình hương cho chủ tế (x. QCSL 2002, số 190). Giúp chủ tế trao Mình Thánh Chúa cho
cộng đoàn, tráng chén và cất các bình thánh khi Phó tế vắng mặt (x. QCSL 2002, số 191-193).
5. Trong các Hội Dòng giáo sĩ, Đấng Bản Quyền là Bề trên Thượng cấp. Ứng viên phải tự do viết và ký một đơn nộp cho Đấng
Bản Quyền là vị có thẩm quyền tiếp nhận. NGHI
THỨC TRAO TÁC VỤ ĐỌC SÁCH do Đấng Bản Quyền cử hành trong
Thánh Lễ hoặc trong nghi thức cử hành Lời Chúa. NGHI
THỨC TRAO TÁC VỤ GIÚP LỄ do Đấng Bản Quyền cử hành trong
Thánh Lễ (x. Phaolô VI, Tông thư dưới hình thức tự sắc Ministeria quaedam,
VIII-IX).
6. Phải tuân giữ thời gian cách quãng giữa những lần trao các tác vụ mà
Toà Thánh hay Hội đồng Giám mục đã ấn định trong chu kỳ thần học: tác vụ Đọc
sách và Giúp lễ, và giữa tác vụ Giúp lễ và chức Phó tế (x. Phaolô VI, Tông thư
dưới hình thức tự sắc Ad pascendum, IV).
7. Các ứng viên lãnh tác vụ Đọc sách / Giúp lễ mặc Áo chùng thâm / Áo Dòng cùng với áo surplice khi lãnh tác vụ.
8. Lấy tất cả các bài đọc theo phụng vụ của ngày hôm đó.
THỪA TÁC
VIÊN TRAO MÌNH THÁNH
VÀ ĐẶT MÌNH THÁNH ĐỂ CHẦU
Lm. Giuse Trần Thiện Tĩnh
[…]
1.
Thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa là ai?
Thừa
tác viên ngoại thường trao Mình Thánh là những ai được thẩm quyền kêu mời thi
hành, chỉ như là bổ sung mà thôi, những nhiệm vụ do chức thánh (officia) như:
chủ tọa các buổi kinh phụng vụ, thi hành tác vụ Lời Chúa, trao Mình Thánh Chúa,
ban Bí tích Rửa tội (GL, điều 230, §3), trưng bày và cất Mình Thánh mà
không ban phép lành (GL, điều 943) và chứng hôn (GL, điều 1112).
Theo
các quy tắc của Giáo luật, ai đã lãnh nhiệm vụ trao Mình Thánh Chúa, được gọi
là thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh, kể cả ngoài lúc cử hành Thánh Lễ
(x. Huấn thị Bí tích Cứu Độ, số 155) và “chức vụ này phải được hiểu,
theo nghĩa hẹp của nó, có tên gọi là thừa tác viên ngoại thường trao Mình
Thánh, chứ không phải “thừa tác viên đặc biệt cho rước lễ,” cũng không phải là
“thừa tác viên ngoại thường của Thánh Thể,” hoặc là “thừa tác viên đặc biệt của
Thánh Thể.” Bởi chưng, các danh xưng đó có tác dụng nới rộng nghĩa của chức vụ
đó một cách vừa không đúng phép vừa không thích hợp" (x. Huấn thị Bí
tích Cứu Độ, số 156).
Giáo
luật điều 943 viết rằng: “Thừa tác viên đặt Mình Thánh để chầu
và ban phép lành Thánh Thể là tư tế hay Phó tế; trong những hoàn cảnh riêng, thừa
tác viên Giúp lễ,[2] thừa
tác viên ngoại thường trao Mình Thánh hay một người nào khác được Đấng Bản
Quyền địa phương ủy quyền, có thể đặt và cất Mình Thánh, mà không ban phép lành, nhưng vẫn phải giữ những quy định của Đức Giám
mục Giáo phận.”
[…]
5.
Những điều thừa tác viên phải tuân thủ và cần tránh
Tại
một số nơi trong hoàn cảnh và thời điểm nào đó do nhu cầu của Hội Thánh đòi
hỏi, vì thiếu thừa tác viên có chức thánh, người giáo dân có thể thay thế trong
một số chức vụ phụng vụ, theo các quy định của Giáo luật. Các tín hữu này, được
gọi và được cử để thi hành một số chức vụ được xác định, ít nhiều quan trọng,
nhưng không bao giờ được đảm nhận những chức năng thuộc riêng sứ vụ của các
thừa tác viên có chức thánh (x. Huấn thị Bí tích Cứu Độ, số 147, 149). Thừa
tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa, hoàn toàn có tính cách bổ sung, sự
cộng tác của các vị không được làm cớ để chính sứ vụ của các Linh mục (in
persona Christi) bị phai nhạt, đến nỗi các Linh mục này vì có thừa tác
viên ngoại thường mà chểnh mảng không lo cử hành Thánh Lễ, không đặt Mình Thánh
Chầu, không tự mình chăm lo rửa tội cho các trẻ em, không chứng hôn phối, không
chăm sóc bệnh nhân và cử hành an táng theo nghi lễ Kitô giáo, đó là những lãnh
vực thuộc quyền trước hết của các Linh mục, với sự trợ giúp của các Phó tế. Vì
thế, đừng bao giờ lẫn lộn và trao đổi các chức vụ của Linh mục với chức vụ của Phó
tế hoặc của giáo dân (x. Huấn thị Bí tích Cứu Độ, số 152).
Khi
có đông thừa tác viên có chức thánh hiện diện trong Thánh Lễ đồng tế, thì không
được phép cử các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Nói cách khác, trong
trường hợp ấy, những thừa tác viên ngoại thường không được thi hành tác vụ của
mình. Vậy, phải lưu ý thái độ của các Linh mục tuy có mặt ở buổi cử hành lại
không cho rước lễ, mà để cho giáo dân đảm nhận một chức vụ như vậy (x. Huấn
thị Bí tích Cứu Độ, số 157).
Thừa
tác viên ngoại thường cho rước lễ chỉ có thể cho rước lễ trong trường hợp không
có Linh mục hoặc Phó tế, hoặc khi Linh mục bị ngăn trở vì bệnh tật, vì lớn tuổi
hoặc vì một lý do khác nghiêm trọng, hay nữa khi số tín hữu đến rước lễ quá
đông, có thể kéo dài quá đáng việc cử hành Thánh Lễ [4] (x. Huấn thị Bí tích
Cứu Độ, số 158).
Thừa tác viên ngoại thường cho rước
lễ không bao giờ được phép uỷ quyền trao Mình Thánh Chúa cho một người nào
khác. Ví dụ: như uỷ quyền cho người cha hay người mẹ, người phối
ngẫu, hoặc người con của một bệnh nhân (x. Huấn thị Bí tích Cứu Độ, số 159).
Vào
Chúa nhật hoặc lễ trọng mà do hoàn cảnh thiếu vắng Linh mục, phải cẩn thận
tránh xa mọi hình thức lẫn lộn giữa những buổi họp cầu nguyện hoặc cử hành
phụng vụ Lời Chúa do thừa tác viên ngoại thường (họ là Phó tế hoặc giáo dân)
chủ sự với việc Linh mục cử hành Thánh Lễ (x. Huấn thị Bí tích Cứu Độ, 164,
165).
Giám
mục giáo phận có quyền quyết định những buổi cử hành như nói trên, nhưng không
dễ dàng cho phép những cử hành loại đó được tổ chức vào các ngày thường trong
tuần, nhất là, hơn nữa, cho rước lễ; việc này liên quan nhất là đến những nơi
mà Chúa nhật trước hoặc sau, đã có hoặc sẽ có cử hành Thánh Lễ (x. Huấn thị
Bí tích Cứu Độ, 166).
Không
được tiếp tục Thánh Lễ, nếu các tín hữu chưa rước lễ xong. Các thừa tác viên
ngoại thường có thể giúp Linh mục chủ tế, theo đúng các quy định của luật lệ,
và chỉ trong trường hợp cần thiết” (x. Huấn thị Bí tích Cứu Độ, 88).
Khi Linh mục hoặc Phó tế vắng mặt hoặc bị ngăn trở, thì thừa tác viên ngoại thường đem Mình Thánh cho một bệnh nhân rước lễ, nếu có thể được, từ nơi Mình Thánh Chúa được lưu giữ, phải đi ngay đến nơi bệnh nhân ở, không chia trí ở dọc đường, như vậy để tránh xa mọi nguy cơ xúc phạm và minh chứng một lòng hết sức tôn kính Mình Thánh Chúa Kitô. Luôn luôn phải tuân giữ nghi lễ cho bệnh nhân Rước Lễ, như đã ấn định trong sách Nghi thức Rôma (x. Huấn thị Bí tích Cứu Độ, 133).
6.
Cách thức trao Mình Thánh Chúa và một số lưu ý
Thừa
tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa phải nghiêm trang đi lại trên cung
thánh.
Bình
có đựng Mình Thánh, chén thánh có Máu Thánh và đĩa thánh có đựng Mình Thánh hay
còn những miếng vụn luôn phải được đặt trên khăn thánh, thậm chí ngay cả khi
các bình, các chén và đĩa thánh ấy chưa tráng cũng phải được đặt trên khăn
thánh tại bàn thờ chính hay tại bàn phụ.
Thừa tác viên ngoại thường không
được dồn Máu Thánh từ các chén lại, việc này tuyệt đối cấm đối với cả các Linh
mục, Phó tế và các thầy Giúp lễ (x. Huấn
thị Bí tích Cứu Độ, 106). Thừa tác viên ngoại thường không được
dồn Mình Thánh từ các bình đựng lại và tráng bình hay tráng chén. Đó là việc
của Linh mục, của Phó tế hoặc của thầy đã nhận tác vụ Giúp lễ [5].
Phải
cung kính mỗi khi cầm bình đựng Mình Thánh Chúa, không cầm thấp ngang bụng hoặc
ngang thắt lưng, nhưng phải cầm cao ngang ngực hoặc ngang với cằm.
Mỗi
lần trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân thì thừa tác viên giơ Mình Thánh lên và
nói “Mình Thánh Chúa Kitô” rồi trao cho người rước lễ [6]. Lưu ý không cầm
nhiều Mình Thánh một lần và đưa liên tục cho các người rước lễ, giống như chia
thẻ bài.
7.
TTV đặt Mình Thánh Chúa để chầu
Việc
đặt Mình Thánh Chúa Giêsu để chầu có 3 hình thức dành cho thừa tác viên:
Hình
thức I: Mở của Nhà tạm có chứa bình đựng Mình Thánh Chúa để cộng đoàn chầu.
Hình
thức II: Mở cửa nhà Tạm, đưa bình đựng Mình Thánh ra và đặt trên bàn thờ cho
cộng đoàn chầu.
Hình
thức III: Mở của Nhà tạm, lấy Mình Thánh đưa vào mặt nhật rồi đặt trên bàn thờ
hoặc toà để cộng đoàn chầu.
Khi
không có Linh mục hoặc Phó tế hiện diện, khi có phép của Cha xứ hay Bề trên, thừa
tác viên ngoại thường được làm cả 3 hình thức nói trên, nhưng phải thực hiện
các quy luật phụng vụ. Riêng ở hình thức
III (theo nghi thức), trước khi cất Mình Thánh có thể đọc lời
nguyện nhưng không ban phép lành Thánh Thể (x. GL, điều 943), cũng không được nâng cao Mặt Nhật lên và
rung chuông.
Khi
có Linh mục hay Phó tế hiện diện, Thừa tác viên ngoại thường không được làm cấp
nào cả, nhất là hình thức III: mở cửa Nhà Tạm lấy Mình Thánh đặt vào mặt nhật
để trưng ra cho cộng đoàn chầu hay cất Mình Thánh vào Nhà Tạm [7].
Khi
trưng Bình đựng Mình Thánh hoặc Mặt Nhật chứa Mình Thánh cho cộng đoàn chầu thì
luôn phải được đặt trên khăn thánh tại nơi trang trọng xứng đáng. Cần có hoa,
đèn nến đốt cháy trang trí để tỏ lòng tôn kính và gây chú ý có sự hiện diện của
Chúa Giêsu Thánh Thể.
Chú
thích:
[1]
Presbyterorum Ordinis, s. 5.
[2]
GL, điều 230, §.2.
[3] Immensae
Caritatis.
[4]
Bộ Kỷ luật Bí tích, Huấn thị Immensae Caritatis, n. 1: AAS
65 (1973) tr. 264-271, ở đây tr. 265-266; Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích các
văn bản Luật, Responsio ad propositum dubium, 1/6/1988 ; Bộ Giáo sĩ và
các cơ quan khác, Huấn thị Ecclesiae de mysterio, Những
dự định thực hành, art. 8 § 2: AAS 89 (1997) tr. 871.
[5]
Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, số 279.
[6]
Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, số 244.
[7]
Lưu ý: ngày chầu lượt tại một số giáo xứ trong giáo phận hiện nay, khi có cha
xứ, thầy Phó tế, hay các cha khách hiện diện, thừa tác viên ngoại thường vẫn tự
nhiên đặt và cất Mình Thánh.[3]
TRONG
GIỜ CHẦU THÁNH THỂ,
THẦY [đã lãnh tác vụ] GIÚP LỄ
CÓ ĐƯỢC ĐỌC LỜI NGUYỆN CỦA LINH MỤC KHÔNG?
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, Trưởng Khoa Thần
học và giáo sư Phụng vụ
của Đại học Regina Apostolorum, Rôma.
Hỏi: “Một
thầy đã lãnh tác vụ Giúp lễ, khi chầu Thánh Thể, có được phép đọc lời khẩn cầu
và lời nguyện, như được thực hiện bởi Linh mục hoặc thầy Phó tế không (nghĩa là
làm tất cả, trừ việc nâng Hào Quang cho mọi người bái lạy), hay thầy chỉ làm
những phần thường được thực hiện bởi mọi người, bài thánh ca và kinh “Chúc tụng
Thiên Chúa” (Divine Praises)?”
Đáp:
Các lời nguyện và bài hát được sử dụng trong giờ chầu Thánh Thể là không phụng
vụ đúng nghĩa, nhưng là hành vi đạo đức bình dân. Vì thế bất kỳ giáo dân nào,
chứ không chỉ thầy Giúp lễ đã nhận tác vụ, có thể sử dụng chúng.
Đúng
là ở một số nơi, có thói tục cho Linh mục hay Phó tế đọc một số lời cầu nguyện
hoặc kinh cầu, ngay trước khi xướng bài “Tantum Ergo,” trước khi nâng Hào
Quang. Nhưng trong thực tế, các lời nguyện và kinh cầu như vậy có thể được sử
dụng ở bất kỳ thời điểm nào của giờ chầu, và có thể được hướng dẫn hoặc thực
hiện bởi bất cứ ai.
Kết
quả là, nơi nào thói tục này tồn tại, có thể đọc các lời cầu nguyện này trước
khi cất Mình Thánh Chúa.
Tuy
nhiên, sẽ là không đúng để hát “Tantum Ergo” và lời nguyện đi kèm, như thể nó
được gắn liền với nghi thức xông hương, trước khi nâng Hào Quang, và việc sử
dụng nó có thể gây ra sự nhầm lẫn.
Một
số bài ca Thánh Thể khác, hoặc việc đọc hoặc hát kinh “Chúc tụng Thiên Chúa,”
có thể đi kèm việc cất Mình Thánh.
NGHI THỨC THĂM VIẾNG
VÀ TRAO MÌNH THÁNH CHÚA CHO BỆNH NHÂN
I.
NHỮNG LƯU Ý MỤC VỤ CẦN BIẾT TRƯỚC
1. Hội Thánh quan tâm đến những
người đau bệnh lâu ngày và những người lớn tuổi khi sức khoẻ bị suy giảm không
thể thường xuyên tham dự Thánh Lễ. Vì vậy các mục tử, hoặc chính mình, hoặc qua
các thừa tác viên trợ giúp sẽ thường xuyên viếng thăm và trao Mình Thánh Chúa cho
họ khi có thể được. Việc trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân và người già yếu có
thể thực hiện vào bất cứ lúc nào (XD, số 46).
2. Những người giúp bệnh nhân
và giúp người già cũng có thể rước lễ cùng với người mà họ chăm sóc trong cùng
một nghi lễ phụng vụ (XD, số 46).
3. Cần thận trọng khi đem Mình Thánh
Chúa cho bệnh nhân, nên để Mình Thánh Chúa trong một hộp hoặc bình đựng xứng
đáng. Nếu được, nơi nhà bệnh nhân cần chuẩn bị trước một bàn có phủ khăn để đặt
Mình Thánh Chúa, Thánh Giá, đèn nến cho trang nghiêm (XD, số).
II.
NGHI THỨC TRAO MÌNH THÁNH CHÚA TRONG TRƯỜNG HỢP BÌNH THƯỜNG
Mở đầu
Vị chủ sự đặt Mình Thánh Chúa trên
khăn thánh của bàn đã được chuẩn bị đèn nến, rồi làm dấu Thánh Giá.
Chủ sự: Nhân
danh Cha và Con và Thánh Thần.
Mọi người: Amen.
Chủ sự chào: Bình
an cho nhà này và mọi người trong nhà.
Mọi người đáp: Và
ở cùng cha (thầy)
Sau lời chào, mọi người cùng hát một
bài ca về tình yêu Thiên Chúa hoặc một Thánh vịnh thích hợp. Kế đó, chủ sự mời
gọi mọi người sám hối.
Chủ sự:
Anh chị em, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng tham dự vào
việc cử hành thánh này.
Mọi người thinh lặng đôi chút rồi
đọc kinh Thú Tội hay dùng một trong các công thức sám hối đầu lễ, rồi chủ sự
kết thúc:
Xin
Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn chúng ta đến sự sống muôn đời.
Mọi người:
Amen.
Cử hành Lời Chúa
Sau nghi thức sám hối, chủ sự mời
gọi:
Chúng
ta cùng nhau lắng nghe Lời Chúa.
Có thể đọc bài Tin Mừng của ngày
phụng vụ hôm đó hoặc bài Tin Mừng về Bánh Hằng Sống trong Ga 6 sau đây:
Chủ sự:
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
53 Khi
ấy, Chúa Giêsu nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và
uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt
và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào
ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của
uống. 56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở
lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và
tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như
vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các
ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
Đó
là Lời Chúa.
Mọi người:
Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.
Khi đọc bài Tin Mừng xong, vị chủ sự
có thể nói vài lời cho mọi người tham dự, rồi tất cả cùng đọc lời nguyện chung
sau đây:
Chủ sự:
Chúng ta hãy cầu nguyện cho người anh (chị) em chúng ta đây, cùng cho tất cả
nhưng ai hy sinh lo lắng và giúp đỡ cho người anh (chị) em này:
Xướng:
Xin Chúa lấy lòng nhân lành nhìn đến người anh (chị) em chúng con đây.
Đáp:
Xin Chúa nghe lời chúng con.
Xướng:
Xin Chúa ban sinh lực và nâng đỡ người anh (chị) em này.
Đáp:
Xin Chúa nghe lời chúng con.
Xướng:
Xin Chúa ban cho tất cả những ai chăm sóc người anh (chị) em chúng con đây được
dồi dào ơn thánh.
Đáp:
Xin Chúa nghe lời chúng con.
Xướng:
Xin Chúa dùng ơn thánh để cứu giúp tất cả chúng con.
Đáp:
Xin Chúa nghe lời chúng con.
Kế đó chủ sự mời gọi:
Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Thiên Chúa, như Đức Kitô đã dạy chúng
ta:
Tất cả mọi người:
Lạy Cha chúng con ở trên trời…
Sau đó, chủ sự nâng cao Mình Thánh Chúa
và nói: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Phúc cho
ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.
Mọi người: Lạy
Chúa, con chẳng đáng…
Chủ sự cho bệnh nhân và ngay cả
những người giúp họ rước lễ. Cho rước lễ xong, cộng đoàn nên hát một Thánh vịnh
hay thánh ca tạ ơn.
Sau đó chủ sự đọc lời nguyện kết
thúc:
Chúng ta dâng lời cầu nguyện
Lạy
Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tin tưởng
nài xin Chúa cho Mình Thánh Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, mà người
anh (chị) em chúng con đây vừa rước lấy, nên phương dược muôn đời cho cả xác
hồn. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Mọi người:
Amen.
Sau cùng để kết thúc, nếu chủ sự là Linh
mục hoặc Phó tế, ngài sẽ chào và ban phép lành như khi kết thúc Thánh Lễ. Nếu
chủ sự là thầy đã lãnh tác vụ Giúp lễ hoặc thừa tác viên ngoại thường trao Mình
Thánh Chúa, vị này sẽ nói như sau:
Xin
Thiên Chúa toàn năng ban phúc lành cho tất cả chúng ta. Xin Người che chở chúng
ta khỏi mọi sự dữ và dẫn đưa tới sự sống muôn đời.
Mọi người:
Amen.
Chủ sự kết thúc:
Chúc anh chị em đi bình an.
Mọi người: Tạ
ơn Chúa.
III.
NGHI THỨC TRAO MÌNH THÁNH CHÚA CÁCH ĐƠN GIẢN
Trường hợp phải đưa Mình Thánh Chúa
cho nhiều người một lúc, hoặc ở những nơi đông người như bệnh viện, dưỡng
dường… người ta có thể dùng nghi thức đơn giản sau đây để không quá kéo dài
thời gian hoặc không gây cản trở cho những người xung quanh. Nếu bệnh nhân hay
người già cả cần xưng tội, Linh mục có thể giải tội trước khi cử hành các nghi
thức sau đây:
Chủ sự (Linh mục hoặc thừa tác viên
trao Mình Thánh Chúa) nói vài lời thăm hỏi và nhắc nhở bệnh nhân hoặc người già
về sự hiện diện của Chúa, rồi mời gọi mọi người đọc Kinh Lạy Cha, kế đó, chủ sự
cầm Mình Thánh Chúa giơ cao và đọc (XD, số 59-63):
Đây
Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiêc
Chiên Thiên Chúa.
Mọi người:
Lạy chúa, con chẳng đáng…
Chủ sự cho bệnh nhân, người già và
những người chăm sóc họ rước lễ. Rước lễ xong, mọi người dành một vài phút
thinh lặng cám ơn rồi kết thúc.[4]
NGHI THỨC CHO RƯỚC
LỄ NGOÀI THÁNH LỄ
I.
NHỮNG LƯU Ý MỤC VỤ CẦN BIẾT TRƯỚC
Để
việc rước lễ ngoài Thánh Lễ mang lại hoa trái thực sự, luật phụng vụ đưa ra một
số quy định sau đây (TT, số 16-25):
1. Nên tổ chức rước lễ ngoài Thánh
Lễ trong khung cảnh buổi cử hành Lời Chúa.
2. Có thể tổ chức rước lễ vào
bất cứ giờ hay ngày nào khi có nhu cầu cần thiết. Tuy nhiên vào Tam Nhật Thánh
thì chỉ có thể rước lễ trong Thánh Lễ Tiệc Ly và trong cử hành tưởng niệm cuộc
thương khó của Chúa, còn ngày thứ Bảy Tuần Thánh chỉ đưa Của Ăn đàng cho người
hấp hối thôi.
3. Thừa tác viên thông thường
để cử hành Lời Chúa và cho rước lễ là Linh mục và Phó tế. Khi những người trên
vắng mặt, các thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ có thể thay thế các ngài chủ
sự nghi thức cho rước lễ. Trong số các
thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ, thầy có tác vụ Giúp lễ đứng hàng đầu.
Hơn nữa, những nơi Linh mục hay Phó tế thường xuyên không thể đến cử hành phụng
vụ cho giáo dân, thì Bản Quyền giáo phận sẽ chỉ thị và cho phép một hay vài
thừa tác viên ngoại lệ xứng đáng, thay phiên nhau củ toạ các buổi cử hành Lời
Chúa và cho giáo dân rước lễ.
4. Nơi cử hành Lời Chúa và cho
rước lễ thông thường được tổ chức ở nhà thờ hoặc nhà nguyện có cất giữ Mình
Thánh Chúa. Tuy nhiên khi có lý do chính đáng vẫn có thể tổ chức ở một nơi khác
như phòng họp, nhà ở, hay những nơi tập trung nhiều người…
5. Để việc cử hành Lời Chúa và
cho rước lễ được diễn ra trang trọng, người ta cần dọn một bàn có phủ khăn,
trên bàn sẽ trải thêm khăn thánh (corporal) và thắp nến sáng. Trong những ngày
lễ đặc biệt, nên trang hoàng không gian nơi cử hành phụng vụ sao cho đẹp mắt,
tươi vui, hân hoan và trang nhã; cũng cần tránh cách trang trí rườm ra hay cầu
thả, nhất là những cách trang trí làm cản trở việc cử hành phụng vụ hoặc làm
phân tâm những người tham dự.
II.
NGHI THỨC CHO RƯỚC LỄ
Nghi thức mở đầu
Chủ sự:
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Mọi người:
Amen.
Nếu Linh mục hay Phó tế chủ sự ngài
sẽ cử hành như đầu Thánh Lễ (với nghi thức sám hối). Nếu thừa tác viên ngoại lệ
trao Mình Thánh Chúa chủ sự, thì sau khi làm dấu Thánh Giá sẽ chào như sau:
Anh
chị em thân mến, chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa, Đấng do lòng nhân hậu mời
gọi chúng ta đến tham dự bàn tiệc của người.
Mọi người đáp:
Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.
Kế đó là nghi thức sám hối (như đầu
lễ), với lời nguyện mở đầu lấy theo ngày lễ trong lịch phụng vụ.
Phụng vụ Lời Chúa
Giống như cử hành Thánh Lễ. Lấy các
bài đọc, đáp ca, Halleluia và Tin Mừng theo ngày lễ nghi trong lịch phụng vụ
chung. Nếu phụng vụ Lời Chúa được cử hành vào Chúa nhật hay các lễ trọng, sẽ
đọc kinh Tin Kính. Nên soạn các lời nguyện chung cho các buổi cử hành có đông
giáo dân tham dự.
Rước lễ
Đọc lời nguyện chung xong, vị chủ sự
đặt Mình Thánh Chúa trên khăn thánh của bàn thờ, cúi đầu sâu thờ lạy. Kế đó
cộng đoàn có thể hát một Thánh vịnh hoặc một thánh ca hoặc đọc một kinh tôn thờ
Thánh Thể (CN, 45/2), rồi vị chủ sự mời gọi như sau:
Vâng
lệnh chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng:
Mọi người:
Lạy Cha…
Chủ sự:
Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau.
Mọi người trao bình an bằng cách cúi
đầu. Chủ sự cầm Mình Thánh Chúa và mời gọi:
Đây
Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc
Chiên Thiên Chúa.
Mọi người:
Lạy Chúa, con chẳng đáng…
Rước lễ xong vị chủ sự cất Mình
Thánh Chúa còn lại và tráng chén (nếu cần). Sau đó hát một Thánh vịnh tạ ơn và
vị chủ sự sẽ kết thúc bằng lời nguyện hiệp lễ theo ngày phụng vụ. Nếu cần thông
báo gì thì sẽ nói sau lời nguyện này.
Nghi thức kết thúc
Nếu chủ sự là Linh mục hay Phó tế thì
ngài sẽ chào, ban phép lành và kết thúc như trong Thánh Lễ. Nếu chủ sự là thừa
tác viên ngoại thường, vị này sẽ nói như sau:
Xin
Thiên Chúa toàn năng ban phúc lành cho tất cả chúng ta. Xin Người che chở chúng
ta khỏi mọi sự dữ và dẫn đưa tới sự sống muôn đời.
Mọi người:
Amen.
Chủ sự kết thúc:
Chúc anh chị em đi bình an.
Mọi người: Tạ
ơn Chúa.
Có thể hát một bài ca tạ ơn để kết
thúc.[5]
[1]
Edward McNamara, Hai thừa tác vụ Đọc
sách và Giúp lễ, http://www.vietcatholic.net/News/Html/183801.htm
(truy cập: 17-09-2017).
[2]
Khi đặt Mình Thánh Chúa để chầu, thầy đã lãnh tác vụ Giúp lễ mặc Áo Dòng (Áo
chùng thâm) và áo surplice. Không mặc áo choàng, cũng không sử dụng khăn phủ
vai.
Áo
choàng: khi đặt Mình Thánh chầu Thánh Thể và ban phép lành Thánh Thể với Mặt
Nhật, thừa tác viên có chức thánh nên sử dụng áo choàng cả trong hình thức tôn
thờ Thánh Thể đơn giản hay trọng thể ngay khi đặt Mình Thánh. Nhưng nếu giờ chầu
kéo dài lâu, chẳng hạn cả một ngày, thì khi đặt Mình Thánh, chỉ cần mặc áo alba
và dây stola (hoặc áo dòng / chùng thâm & áo các phép & dây stola) là đủ,
không cần sử dụng áo choàng. Tuy nhiên, buộc phải mặc áo choàng [trắng] khi ban
phép lành trọng thể bằng Mặt Nhật. Còn ban phép lành với Bình Thánh (ciborium)
thì tùy chọn mặc hay không mặc áo choàng cũng được, nhưng không mặc áo choàng
dường như hay hơn (x. Bộ Phụng Tự, Eucharistiae Sacramentum (21-06-1973),
số 92-94).
Khăn
phủ vai: là một tấm khăn màu trắng khoác trên vai thừa tác viên cầm Mình
Thánh Chúa. Thừa tác viên có chức thánh phải mang khăn phủ vai bên ngoài áo
choàng, dùng phần cuối của khăn phủ vai mà phủ đôi tay mình cũng như không để
bàn tay chạm trực tiếp vào Mặt Nhật khi nâng Mặt Nhật lên ban phép lành Thánh
Thể. Đây là một dấu hiệu để diễn tả lòng cung kính đối với đối tượng thánh và để
biểu thị chính Chúa Giêsu hiện diện nơi Thánh Thể ban phép lành cho dân chúng
chứ không phải thừa tác viên. Khăn phủ vai có thể khoác bên ngoài áo lễ hay áo
alba khi:
1. Đi rước
kiệu Mình Thánh (cách trọng thể trên các đường phố vào ngày lễ Mình Máu Thánh
Chúa Kitô; cách trọng thể chung quanh nhà thờ vào ngày thứ Năm Tuần Thánh từ
bàn thờ sang nhà tạm trong phòng nguyện nhỏ gần nhà thờ hoặc đến nhà tạm đã được
chuẩn bị ngay trong nhà thờ đó hay một nơi khác ngoài nhà thờ (một phòng, một hội
trường nào đó của giáo xứ); không trọng thể từ nơi lưu giữa Mình Thánh ra bàn
thờ trong thứ Sáu Tuần Thánh; hoặc từ nhà tạm này đến nhà tạm khác);
2. Đi rước
Bình Thánh, hộp đựng Mình Thánh (mang cho bệnh nhân rước lễ như của ăn đàng).
Thừa tác
viên sẽ dùng khăn phủ vai này để bao trùm hoàn toàn đối tượng (bình thánh, hộp
đựng Mình Thánh) hay một phần (Mặt Nhật) để bày tỏ lòng tôn kính đối với Mình
Thánh. Thừa tác viên mang các thánh tích trong đoàn rước trọng thể hay hỗ trợ
mang huy hiệu Giám mục cũng có thể sử dụng khăn phủ vai. Thực hành này phát xuất
từ tập tục cung kính các đối tượng thánh đến độ không thể chạm trực tiếp vào những
đối tượng này.
[3]
Trần Thiện Tĩnh, Thừa tác viên trao Mình
Thánh và đặt Mình Thánh để Chầu, http://gpbuichu.org/news/Phung-Vu/Thua-tac-vien-ngoai-thuong-trao-Minh-Thanh-Chua-va-dat-Minh-Thanh-Chau-1774.html
(truy cập: 17-09-2017).
[4]
Nguyễn Thế Thủ, Cẩm nang các nghi thức bí
tích và á bí tích (Lưu hành nội bộ), 52-56.
[5]
Nguyễn Thế Thủ, Cẩm nang các nghi thức bí
tích và á bí tích (Lưu hành nội bộ), 48-51.