An Bình, C.Ss.R. tổng hợp
I. CỬA THÁNH VÀ NHỮNG CỬA THÁNH
“Cửa Thánh” [Porta Sancta]: cửa là nơi ra vào;
thánh có nghĩa là thuộc về Thiên Chúa. Cửa Thánh thuộc về Chúa và
là cửa dẫn ta đến với Chúa để được cứu độ.
Cửa Thánh là một trong những cửa chính của Vương cung
Thánh đường hoặc của Nhà thờ Chính toà, được vị chủ chăn mở khi khai mạc Năm
Thánh và đóng khi kết thúc Năm Thánh. Tại Rôma, Cửa Thánh của Vương cung Thánh đường
Gioan Laterano, Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, Vương cung Thánh đường Đức
Bà Cả, Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành luôn luôn đóng và được niêm phong, chỉ mở vào các Năm Thánh. Trong suốt Năm Thánh, các tín hữu
đi qua Cửa
Thánh sẽ được lãnh Ơn Toàn Xá, với những điều
kiện thông thường như xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng…
Cửa Thánh là biểu tượng của Đức Kitô, Đấng duy nhất dẫn
con người đến với Thiên Chúa để được Ơn Cứu Độ (x. Ga 10,7). Việc bước
qua Cửa Thánh cũng là biểu tượng cuộc vượt qua của người tín hữu: đi từ tình trạng
tội lỗi sang tình trạng ân sủng, rời bỏ thế gian để đến diện kiến Thiên Chúa.[1]
Tại Rôma, có bốn Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, Vương
cung Thánh đường thánh Gioan Latêranô, Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại
thành và Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả. Một số địa điểm hành hương truyền thống
ngoài Rôma cũng được các Đức Giáo hoàng ban đặc ân thiết lập Cửa Thánh. Đây là
danh sách một số nơi có Cửa Thánh được
Toà Thánh chính thức công nhận cách vĩnh viễn:[2]
1. Vương cung
Thánh đường Santa Maria di Collemaggio, Aquila, Ý: Cửa Thánh nơi đây là Cửa Thánh cổ nhất, được thiết lập vào năm 1294, gắn
liền với Tông sắc về Ơn tha thứ
của Đức Giáo hoàng Celestino V. Tông sắc
này do Đức Celestino V soạn thảo ban Ơn Toàn Xá cho tất cả những ai, đã xưng
thú và ăn năn về những tội lỗi của mình, đến kính viếng Vương cung Thánh đường Santa
Maria di Collemaggio từ kinh Chiều ngày 28 tháng Tám đến kinh Chiều ngày 29 tháng Tám.
2. Nhà thờ Chính
toà Atri, Abruzzo, Ý. Cửa Thánh
được thiết lập từ năm 1295 và được mở hằng năm từ ngày 14 đến 22 tháng
Tám.
3. Đền Thánh
Gioan Vianney, Ars-sur-Formans, Pháp: Cửa Thánh được Đức
Giáo hoàng Bênêđictô XVI ban phép thiết lập vào tháng Bảy năm 2007, nhân kỷ niệm
150 năm ngày mất của thánh Gioan Vianney.
4. Nhà thờ Chính
toà Guardialfiera, Molise, Ý: Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI thiết lập Cửa Thánh vào ngày 13/12/2007, và hằng năm được mở vào ngày 01 và 02 tháng Sáu.
5. Nguyện đường
Đại học Giáo hoàng Santo Tomas, Manila, Philippines: Cửa Thánh được Đức Bênêđictô XVI thiết lập ngày 21/12/
2010, nhân dịp kỷ niệm 400 năm thành lập Đại học này (1611-2011).
6. Nhà thờ Chính
toà Notre-Dame, Québec, Canada: Đức Giáo hoàng
Phanxicô đã cho phép mở Cửa Thánh tại đây vào ngày 08/12/2013, nhân dịp kỷ niệm
350 năm thành lập giáo xứ Công giáo đầu tiên ở Bắc Mỹ, ngoài khu vực Mêxicô.
7. Nhà thờ Chính
toà Santiago de Compostela, Tây Ban Nha: Cửa Thánh được xây dựng từ năm 1611 và được mở lần đầu
tiên vào năm 1666. Cửa Thánh này chỉ được mở trong các Năm Thánh Compostela.
8. Nhà thờ
Chính toà Bangui, Nam Phi: được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập và mở ra vào ngày 29/11/2015,
nhân chuyến Tông du của ngài đến Nam
Phi trước thềm Năm Thánh Lòng Thương Xót.
II. MỞ CỬA THÁNH KHAI MẠC NĂM THÁNH
Nghi thức được biết đến
nhiều nhất trong Năm Thánh là việc mở Cửa Thánh. Nghi thức này có ý nghĩa là:
trong Năm Thánh, tín hữu được ban cho một “con đường đặc biệt” để đến với Ơn
Cứu Độ.
Năm Thánh chính thức
bắt đầu với việc mở Cửa Thánh của Vương cung Thánh đường thánh Phêrô. Các Cửa
Thánh ở các Vương cung Thánh đường khác được mở vào những ngày sau đó. Trước
đây, Cửa Thánh được tháo dỡ một phần trước buổi lễ, chỉ để lại một phần tường
ngăn mà Đức Giáo hoàng sẽ đập vỡ bằng một chiếc búa nhỏ. Sau đó, các công nhân sẽ
hoàn tất việc tháo dỡ. Tuy nhiên, trong Năm Thánh 2000, Đức Giáo hoàng Gioan
Phaolô II đã đơn giản hoá nghi thức này. Từ đây, bức tường vôi vữa mặt trong Cửa Thánh được tháo
dỡ trước, chỉ để lại hai cánh cửa đóng kín ở phía tước mà Đức Giáo hoàng sẽ mở
bằng cách đẩy hai cánh cửa. Đức Gioan Phaolô II làm vậy có lẽ vì để nghi thức diễn ra ngắn gọn,
trang trọng và an toàn hơn, vì lần mở Cửa Thánh năm 1975, khi Đức Phaolô VI dỡ phần
tường vôi vữa còn lại, những mảng gạch lớn suýt nữa rơi xuống trúng ngài!
Cửa Thánh được mở cho
đến khi kết thúc Năm Thánh (tất nhiên, ban đêm khi không còn người hành hương thì được
đóng lại vì lý do an ninh).
Sau đó, mặt sau được xây bít lại bằng vôi vữa, trong khi mặt trước cánh cửa
được khép lại.
Chúng
ta cùng đọc lại vài Tông sắc [Bolla] và Tông thư [Lettera Apostolica] công bố các Năm Thánh gần đây liên quan đến Cửa
Thánh để hiểu hơn về việc mở Cửa Thánh.
1. Tông thư [Lettera Apostolica] Apostolorum Limina công bố Năm Thánh thường lệ 1975
Chúng tôi cũng mong muốn rằng: một đoàn tín hữu đông
đảo sẽ đến gần với “nguồn Ơn Cứu Độ” nhờ vào thừa tác vụ của chúng tôi và các anh em trong thánh chức Linh mục. Cửa
Thánh [Porta Santa] mà chúng tôi sẽ mở vào đêm Vọng Giáng Sinh, sẽ là dấu chỉ của con đường
mới dẫn đến Đức Kitô, Đấng duy nhất là Con Đường và đồng thời là Cửa, cũng như là dấu chỉ
của tình yêu thương của người cha, với trái tim rộng mở đến tất cả mọi người,
mang theo những suy tư về tình yêu và bình an.[3]
Trong Tông thư (Lettera
Apostolica) này, Đức Giáo hoàng Phaolô VI chỉ đề cập đến việc mở Cửa
Thánh trong đêm Vọng Giáng Sinh mà không nói đến việc sẽ mở Cửa Thánh tại các
Vương cung Thánh đường khác.
2. Tông sắc [Bolla] Aperite Portas Redemptori công bố Năm Thánh ngoại thường
1983
Cửa Thánh [Porta Santa], mà chính tôi sẽ mở
tại Đại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 25
tháng Ba [năm 1983] tới đây, là dấu chỉ và biểu tượng của một lối vào mới đến
với Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Ngài mời gọi tất cả mọi người, không ai
bị loại trừ, suy tư sâu sắc hơn về mầu nhiệm cứu chuộc và tham dự vào những hoa
trái của mầu nhiệm ấy (x. 1 Tm 2,4), đặc biệt qua bí tích Hoà giải.
Một nghi thức đặc biệt về cầu nguyện và sám hối có thể được các Giám mục trên
khắp thế giới cử hành tại các Nhà thờ Chính toà của mình, vào cùng ngày hoặc
ngay sau đó, để trong khởi đầu long trọng của Năm Thánh, toàn thể Giám mục
đoàn của năm châu, cùng với các Linh mục và tín hữu, thể hiện sự hiệp thông
thiêng liêng với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô (số 12).[4]
Trong
Tông sắc này,
Đức Giáo hoàng Gioan
Phaolô II không đề cập đến việc sẽ mở nhiều Cửa Thánh khác trong Năm Thánh, mà
chỉ nói đến việc mở Cửa Thánh tại Đại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô (giống với Năm Thánh thường lệ trước đó, năm 1975).
3. Tông sắc [Bolla] Incarnationis
mysterium công bố
Đại Năm Thánh 2000
Tôi quyết định rằng: Đại Năm Thánh 2000 sẽ bắt đầu vào đêm Giáng Sinh năm 1999, với nghi thức mở Cửa Thánh
[Porta Santa] tại Đại Vương cung Thánh đường
thánh Phêrô ở Vatican, diễn ra trước vài giờ so với Thánh Lễ khai mạc
được cử hành tại Giêrusalem và Bêlem, cũng như nghi thức
mở Cửa Thánh tại các Đại
Vương cung Thánh đường Giáo hoàng khác ở Rôma. Riêng với Đại Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô, việc mở Cửa Thánh sẽ được dời đến
thứ Ba, ngày 18 tháng 01 năm sau, khởi đầu tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất
các Kitô hữu, để nhấn mạnh cách đặc biệt khía cạnh đại kết của Năm Thánh này.
Tôi cũng quyết định rằng: đối với các Giáo Hội địa phương, Thánh Lễ
khai mạc Năm Thánh sẽ được cử hành vào ngày Giáng Sinh Cực Thánh của Chúa Giêsu,
với một Thánh Lễ trọng thể do Giám mục giáo phận chủ tế tại Nhà thờ Chính toà,
và cũng tại Nhà thờ đồng Chính toà. Tại Nhà thờ đồng Chính toà, Giám mục có thể
uỷ quyền cho một đại diện của ngài chủ tế Thánh Lễ. Vì nghi thức mở Cửa
Thánh là đặc quyền Vương cung Thánh đường Vatican và các Vương cung Thánh đường
Giáo hoàng khác, nên việc khai mạc Năm Thánh ở từng giáo phận nên ưu tiên
chọn một nghi thức tập trung [statio] ở một nhà thờ khác, từ đó sẽ bắt đầu cuộc
hành hương đến Nhà thờ Chính toà, trong cuộc hành hương đó, Sách Phúc Âm được cung nghinh, và đọc một số đoạn trong Tông sắc này, theo
các hướng dẫn trong Nghi thức cử hành Đại Năm Thánh trong các Giáo Hội địa
phương (số
6).[5]
Với Đại Năm Thánh 2000
thì cả bốn Cửa Thánh của bốn Đại Vương cung Thánh đường Giáo hoàng ở Rôma đều
được mở. Thật vậy, Tông sắc Incarnationis mysterium nói rõ: trong Đại
Năm Thánh 2000, chỉ mở Cửa Thánh ở các Đại Vương cung Thánh đường Giáo hoàng ở
Rôma, còn các
Nhà thờ Chính toà khác trên thế giới chỉ có nghi thức khai mạc Năm Thánh
chứ không có nghi thức mở Cửa Thánh. Đức Thánh Cha giải thích: “vì việc
mở Cửa Thánh là đặc quyền của các Vương cung Thánh đường Giáo hoàng.”
4. Tông sắc [Bolla] Misericordiae Vultus công bố Năm Thánh ngoại thường 2016
Năm Thánh sẽ được khai mạc vào ngày 08 tháng 12 năm 2015,
lễ kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngày lễ phụng vụ này nhắc nhớ hành động
của Thiên Chúa ngay từ ban đầu trong lịch sử nhân loại. Sau khi nguyên tổ Ađam
- Evà phạm tội, Thiên Chúa đã không muốn bỏ mặc con người dưới quyền lực của sự
dữ. Vì thế, Ngài đã nghĩ đến Đức Maria thánh thiện và được trở nên tinh tuyền
trong tình yêu thương (x. Ep 1,4), và muốn chọn Đức Trinh nữ
làm Mẹ Đấng Cứu Chuộc loài người. Trước sự nặng nề của tội lỗi, Thiên Chúa đã
đáp lại bằng sự tràn đầy của tình yêu. Lòng thương xót luôn lớn hơn tội lỗi và
không ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Tôi sẽ vui mừng
mở Cửa Thánh [Porta Santa] vào ngày Đại lễ kính Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong Năm
Thánh này, đó sẽ là Cửa Lòng Thương Xót [Porta della Misericordia]; bất cứ ai bước vào qua đó, sẽ cảm nghiệm được tình yêu
của Thiên Chúa là Đấng an ủi, thứ tha và trao ban niềm hy vọng.
Sau đó, vào Chúa nhật thứ ba mùa Vọng, sẽ mở Cửa Thánh
[Porta Santa] tại Nhà thờ chính toà Rôma, tức Đại Vương cung Thánh đường thánh Gioan Latêranô. Vào những tuần
tiếp theo, các Cửa Thánh [Porta Santa] tại các Vương cung Thánh đường Giáo hoàng khác sẽ được mở
ra. Cũng vào chính Chúa nhật đó, tôi ấn định rằng, nơi mỗi Giáo Hội địa phương,
có thể mở Cửa Lòng Thương Xót [Porta della Misericordia] trong suốt Năm
Thánh, tại Nhà thờ chính toà là Thánh đường Mẹ của tất cả các tín hữu, hoặc tại
Nhà thờ đồng chính toà, hoặc tại một Thánh đường đặc biệt. Bản Quyền địa phương
cũng có thể mở Cửa Lòng Thương Xót [Porta della Misericordia] tại những Đền Thánh có đông khách hành hương, những người khi đến đó sẽ được
ơn thánh tác động trong tâm hồn và tìm thấy con đường hoán cải. Bởi thế, mỗi
Giáo Hội địa phương sẽ trực tiếp dự phần để sống Năm Thánh này như một tác động
ngoại thường của ân sủng và năng lực canh tân thiêng liêng. Như thế, Năm Thánh
này sẽ được cử hành tại Rôma cũng như tại các Giáo Hội địa phương như một dấu
chỉ hữu hình cho tình hiệp thông toàn cầu của Giáo Hội (số 3).[6]
Có sự khác biệt giữa Cửa Thánh [Porta Santa] của bốn Đại Vương cung Thánh đường Giáo hoàng ở Rôma và
các Cửa Lòng Thương Xót [Porta della Misericordia] sẽ được mở tại các Nhà thờ Chính toà và Đền Thánh trên
thế giới. Đây là một sự “bất thường” trong Năm Thánh ngoại thường mà Đức Thánh
Cha Phanxicô cho phép. Mặc dù, trong suốt Năm Thánh, các Cửa Thánh của bốn Đại
Vương cung Thánh đường Giáo hoàng được gọi là Cửa Lòng Thương Xót, nhưng bản chất
của nó vẫn là Cửa Thánh đúng nghĩa. Tông sắc không đề cập đến việc mở
Cửa Thánh tại các Nhà thờ Chính toà và Đền Thánh trên toàn thế giới mà chỉ
gọi đó là Cửa Lòng Thương Xót. Điều này thấy rõ sự khác biệt giữa về bản
chất giữa Cửa Thánh của bốn Đại Vương cung Thánh đường Giáo hoàng ở Rôma và các
Cửa Lòng Thương Xót được mở trên thế giới trong suốt Năm Thánh Lòng
Thương Xót.
5. Tông sắc
[Bolla] Spes non confundit công bố Năm Thánh thường lệ 2025
Tôi quyết định khai mạc Năm Thánh thường lệ bằng việc mở Cửa
Thánh [Porta Santa] của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican vào
ngày 24 tháng 12 năm nay, 2024. Chúa nhật
tiếp theo, ngày 29 tháng 12 năm 2024, tôi sẽ mở Cửa Thánh Nhà thờ chính
toà Gioan Latêranô của tôi. Nhà thờ này sẽ kỷ niệm 1700 năm cung hiến vào ngày
9 tháng 11 cùng năm. Sau đó, vào ngày 01 tháng 01 năm 2025, Lễ trọng kính Đức
Maria, Mẹ Thiên Chúa, tôi sẽ mở Cửa Thánh Vương cung Thánh đường
Đức Bà Cả. Cuối cùng, vào Chúa nhật 05 tháng 01, tôi sẽ mở Cửa Thánh
Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Ba Cửa Thánh cuối
cùng này sẽ được đóng lại muộn nhất là vào Chúa nhật 28 tháng 12 cùng năm.
Ngoài ra, tôi quyết định rằng vào Chúa nhật 29 tháng
12 năm 2024, tại tất cả các Nhà thờ chính toà và Nhà thờ đồng chính toà,
các Giám mục giáo phận sẽ cử hành Thánh Lễ long trọng khai mạc Năm Thánh,
theo nghi thức sẽ được soạn cho dịp này.[7] Tại Nhà thờ đồng chính toà, một vị đại diện được chỉ
định đặc biệt có thể thay thế Giám mục để cử hành Thánh Lễ này. Một cuộc hành
hương, bắt đầu từ một nhà thờ được chọn để tập họp rồi đi tới
Nhà thờ chính toà, sẽ là dấu chỉ của con đường hy vọng, được Lời Chúa soi sáng,
hiệp nhất các tín hữu. Trong khi đi hành hương, sẽ đọc các đoạn văn trong tài
liệu này, và công bố Ân xá trong Năm Thánh, ân xá này có thể được lãnh nhận
theo những quy định trong cùng Sách Nghi thức cử hành Năm Thánh nói trên tại
các Giáo Hội địa phương. Năm Thánh sẽ kết thúc vào Chúa nhật 28 tháng 12 năm
2025 tại các Giáo Hội địa phương.
Để đem đến cho các tù nhân một dấu hiệu gần gũi cụ thể,
tôi muốn chính mình mở một Cửa Thánh trong một nhà tù và đây sẽ là một
biểu tượng mời gọi họ nhìn về tương lai với niềm hy vọng và với quyết tâm đổi mới
cuộc đời (số 6 và 10).[8]
Có một sự tương đồng đáng chú ý giữa 2 Tông sắc mở Năm
Thánh thường lệ 2000 và 2025. Cả hai chỉ cập đến việc mở Cửa Thánh tại bốn Đại Vương cung
Thánh đường Giáo hoàng ở Rôma, còn các
Giáo Hội địa phương chỉ có nghi thức khai mạc Năm Thánh tại Nhà thờ Chính toà hoặc đồng Chính toà. Cả
hai Tông sắc đều yêu cầu các Giáo Hội địa phương khai mạc Năm Thánh theo nghi
thức sẽ được soạn cho dịp này. Quả thật, nghi thức khai mạc Năm Thánh tại
các Giáo Hội địa phương không có nghi thức mở Cửa Thánh.[9]
III. NGHI THỨC
KHAI MẠC NĂM THÁNH 2025 TẠI CÁC HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG
Xin trích lại bản văn phụng vụ trong Năm Thánh 2025: từ
ngày 24 tháng 12 năm 2024 đến ngày 06 tháng 01 năm 2026 do Bộ Phụng tự và Kỷ luật
Bí tích phê chuẩn ngày 13/5/2024 (Prot. n. 276/24). Bản dịch Việt ngữ của Ủy
ban Phụng tự - HĐGM.VN.[10]
[...]
Đây là Nghi thức khai mạc Năm Thánh 2025 tại các Hội
Thánh địa phương liên quan đến các Hội Thánh theo nghi lễ Rôma.
[...]
5. Cuộc rước
diễn ra theo ba giai đoạn:
– Tụ họp ở một nhà thờ gần đó hoặc tại một địa điểm thích
hợp khác;
– khởi sự hành hương;
– tiến vào thánh đường.
6. Tụ họp
Dân Chúa qui tụ tại một nhà thờ mang một ý nghĩa đặc biệt
đối với cộng đoàn giáo phận, đủ điều kiện để cử hành nghi thức Nhập lễ và có
khoảng cách thích hợp cho một cuộc hành hương thực sự.
7. Trong khi tụ họp: hát tiền xướng hoặc bài ca nhập lễ, lời chào, lời mời gọi
chúc tụng và ca ngợi Thiên Chúa, lời hướng ý, lời cầu nguyện, công bố Tin Mừng
và đọc một số trích đoạn trong Tông sắc ấn định Năm Thánh Thường lệ 2025.
8. Hành hương đến thánh đường
Đoàn hành hương đến Nhà thờ Chính toà để cử hành Chúa nhật
Lễ Thánh Gia và khai mạc Năm Thánh, được đón nhận như một món quà từ Thiên
Chúa. Cuộc rước này là dấu chỉ của con đường hy vọng, trên đó những người hành
hương đang bước theo sau Thánh Giá Chúa Kitô, như được thể hiện trong logo của
Năm Thánh. “Trong một thế giới đang diễn ra tình trạng đan xen giữa tiến bộ và
thụt lùi, Thánh giá của Chúa Kitô luôn là chiếc neo của ơn cứu độ: dấu chỉ của
đức cậy trông không làm thất vọng, vì được xây dựng trên tình yêu Thiên Chúa, Đấng
nhân hậu và trung tín.” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Buổi tiếp kiến chung,
21.9.2022). Đây là con đường của Gia đình thánh, trong Hội Thánh ngày nay, đang
tiến tới Giêrusalem trên trời.
9. Vì thế, để
dẫn đầu đoàn hành hương, nên chọn một cây Thánh Giá mang ý nghĩa đặc biệt nào
đó đối với giáo phận, hoặc mang tính cách lịch sử và nghệ thuật, hoặc gắn liền
với lòng đạo đức bình dân. Thánh Giá phải được trang trí cách xứng hợp, và nếu
là Thánh Giá khá lớn, nên lưu tâm đến cách thức di chuyển. Thánh Giá sẽ được đặt
nơi cung thánh, gần bên bàn thờ, trong suốt Năm Thánh để các tín hữu tôn kính:
thật vậy, “trong tấm Bánh bẻ ra, có Thánh Giá của Chúa Giêsu, hy tế vâng phục của
Người vì tình yêu dành cho Chúa Cha” (Desiderio Desideravi, 7).
10. Phó tế
mang Sách Tin Mừng, kho tàng Lời hằng sống của Đấng Phục Sinh, giống như cột lửa
đi trước dân Israel trong cuộc Xuất Hành (x. Xh 13,21-22), Đấng là ánh
sáng và là người dẫn đường cho các môn đệ, đặc biệt là trong năm hồng ân này.
11. Trong khi
hành hương, cộng đoàn hát “Thánh vịnh hành hương” hoặc “thánh vịnh lên đền”, chẳng
hạn Thánh vịnh 14 (15) (“Lạy Chúa, ai được ở trong lều của
Chúa?”), Thánh vịnh 23 (24) (“cả thế giới và sự giàu có là của
Chúa”), Tv 83 (84) (“Con yêu chuộng biết bao những nơi Chúa ngự”), Tv
94 (95) (“Hãy đến, chúng ta hãy reo mừng Chúa”), Tv 117 (118), các câu
19, 20, 27 nói đến một cuộc rước, Tv 121 (122) (“Vui chừng nào khi người
ta bảo tôi”) và Tv 135 (136) (“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân lành”). Theo
truyền thống, cũng có thể hát Kinh cầu các Thánh.
12. Bước vào thánh đường
Dân Chúa tiến vào Nhà thờ Chính toà qua cửa chính, dấu chỉ
của Chúa Kitô (x. Ga 10,9). Khi đến ngưỡng cửa, Giám mục giơ cao Thánh
Giá, hướng về cộng đoàn, xướng lời tung hô tôn kính “gỗ cây Thánh Giá nơi treo
Đấng cứu độ trần gian” (Thánh thi Thứ Sáu Tuần Thánh “Ecce lignum Crucis, in
quo salus mundi pependit”).
13. Sau khi
qua cửa, Giám mục đi cùng các thừa tác viên đến Giếng rửa tội, cùng với các tín
hữu cử hành việc tưởng nhớ Bí tích Thánh tẩy. Cử hành này có thể tuỳ nghi thực
hiện tại cung thánh. Sau đó, Giám mục, các thừa tác viên và cộng đoàn tín hữu đến
vị trí đã được xếp sẵn. Nghi thức rảy nước thánh nhắc lại cách sống động Bí
tích Thánh tẩy, là cửa dẫn vào các Bí tích Khai tâm và gia nhập Hội Thánh.
Thánh tẩy là “bí tích đầu tiên của Giao ước mới, nhờ đó con người được liên kết
với Chúa Kitô trong đức tin, nhận được Thần khí nghĩa tử, được gọi và thực sự
là con Thiên Chúa, sau khi trải nghiệm sự chết và sự phục sinh giống như Chúa
Kitô, được tháp nhập vào thân thể của Người (x. Ep 5, 30; 1Cr 12,
27; Rm 12, 5), được xức dầu Thánh Thần và trở nên đền thờ của Thiên Chúa
(x. 1Cr 3, 16-17; 6, 19; 2Cr 6, 16; Ep 2, 21-22), đồng thời
trở nên thành viên của Hội Thánh, là dòng dõi được tuyển chọn, hàng tư tế vương
giả, dân tộc thánh thiện và đoàn dân được cứu chuộc” (1Pr 2, 9) (Sách
Chúc phúc, 832).
14. Nếu Nhà Rửa
tội được xây bên ngoài nhà thờ, nghi thức nhắc nhớ lại Bí tích Thánh tẩy được cử
hành trước nghi thức bước vào thánh đường.
[...]
26.
Sau bài đọc, Giám mục bỏ hương và phó tế mời gọi cộng đoàn bắt đầu cuộc rước:
Anh chị
em thân mến,
chúng
ta hãy lên đường nhân danh Chúa Kitô:
Người
là Con Đường dẫn đến Chúa Cha,
là Sự
Thật giải phóng chúng ta,
và là
Sự Sống đã chiến thắng sự chết.
27.
Hành hương đến thánh đường. Người cầm bình hương đi trước Thánh
Giá và các thừa tác viên cầm nến cháy đi hai bên Thánh Giá; phó tế mang Sách
Tin Mừng, Giám mục và sau ngài là các Linh mục, các thừa tác viên khác và các
tín hữu cầm đuốc hoặc đèn được thắp sáng. Đang khi đi, ca đoàn và giáo dân hát
Kinh cầu các Thánh hoặc các bài thánh ca thích hợp hoặc một số thánh vịnh (xem
phụ lục) với những điệp ca sau đây hoặc những điệp ca khác thích hợp:
Điệp
ca
(Dt 13,8.21):
Đức
Giêsu Kitô, hôm qua và hôm nay, vẫn là một,
Người
hằng hữu muôn đời.
Danh dự
và vinh quang là của Chúa đến muôn đời.
Hoặc:
Điệp
ca (Za
2, 14):
Hãy ca
hát và vui mừng, hỡi thiếu nữ Sion:
từ nơi
ngươi Đức Kitô đã được sinh ra,
Người
là mặt trời công chính;
nhờ
ngươi ơn cứu rỗi thế gian đã tỏa sáng.
Hoặc:
Điệp
ca (Kh
15, 3):
Lạy
Chúa là Thiên Chúa của toàn thể vũ trụ,
Kỳ
công của Chúa thật vĩ đại và tuyệt vời.
Lạy
Vua các dân tộc,
Đường
lối của Chúa thật chính trực công minh.
28. Đến
nhà thờ, đoàn rước đi qua cửa chính. Đến ngưỡng cửa, Giám mục đón lấy Thánh
Giá, giơ cao lên và mời gọi dân chúng tôn vinh Thánh Giá bằng lời sau đây hoặc
tương tự:
Kính
chào Thánh Giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng con.
Cộng
đoàn:
Chúng
con trông cậy nơi Thánh Giá Chúa,
chúng
con sẽ không bao giờ thất vọng.
Sau
đó, Giám mục trao lại cây thánh giá và cùng với các thừa tác viên đi đến Giếng
rửa tội nơi ngài chủ sự nghi thức nhắc nhớ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu đến
trước Giếng. Giám mục mời gọi cộng đoàn cầu nguyện bằng những lời sau đây hoặc
tương tự:
Anh chị
em thân mến,
chúng
ta hãy khẩn khoản nài xin Chúa là Thiên Chúa chúng ta,
thương
làm phép nước này để rảy trên chúng ta,
để tưởng
niệm bí tích Rửa tội chúng ta đã lãnh nhận.
Xin
Chúa thương ban ơn phù trợ,
giúp
chúng ta luôn trung thành với Chúa Thánh Thần.
Sau
vài giây thinh lặng cầu nguyện, Giám mục giang tay đọc tiếp:
Lạy
Chúa là Thiên Chúa toàn năng,
Chúa
là nguồn mạch sự sống của cả xác hồn.
Chúng
con nài xin Chúa ban phúc lành † cho nước này
mà
chúng con tin tưởng sử dụng
để kêu
cầu Chúa tha thứ tội lỗi và bảo vệ chúng con
khỏi
các bệnh tật và mưu chước ma quỷ.
Lạy
Chúa, xin đoái thương làm cho dòng nước thánh này
không
ngừng tuôn trào ơn cứu độ,
để
chúng con có thể đến gần Chúa với tâm hồn trong sạch,
và
thoát khỏi mọi nguy hiểm xác hồn.
Chúng
con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Cộng
đoàn:
Amen.
29. Giám
mục rảy nước thánh trên mình, sau đó rảy trên các vị đồng tế, các thừa tác viên
và giáo dân, trên Sách Tin Mừng và Thánh Giá. Trong lúc đó, hát đối ca sau đây
hoặc một bài thánh ca thích hợp:
Điệp
ca
(Tv 50, 9):
Lạy
Chúa xin dùng cành hương thảo rảy nước trên con,
con sẽ
được tẩy sạch, xin rửa con,
con sẽ
được trắng hơn tuyết.
Hoặc:
Điệp
ca
(Ez 36, 25-26):
Chúa
phán: Ta sẽ đổ nước trong sạch trên các ngươi,
và các
ngươi sẽ được tẩy sạch mọi vết nhơ.
Ta sẽ
ban cho các ngươi trái tim mới.
Trở lại
Giếng rửa tội, Giám mục chắp tay đọc:
Xin
Thiên Chúa toàn năng thanh tẩy chúng ta sạch tội lỗi,
và nhờ
việc cử hành bí tích Thánh Thể này,
xin
Người làm cho chúng ta nên xứng đáng
thông
phần vào bàn tiệc trong Nước Ngài.
Cộng
đoàn:
Amen.
IV. GHI CHÚ CỦA
PHÂN BỘ LOAN BÁO TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC
Trước thềm Năm Thánh 2025, một vài câu hỏi được gửi đến Phân
Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, trong đó có câu hỏi liên quan đến việc mở
Cửa Thánh trong Năm Thánh 2025.
Ngày 01 tháng Tám năm 2024, Thánh Bộ đưa ra ghi chú như
sau: “Nhân dịp chuẩn bị bắt đầu Năm Thánh
2025, gần đây đã có câu hỏi được nêu lên về khả năng thiết lập và mở Cửa Thánh
tại các Nhà thờ Chính toà, các Đền Thánh quốc
tế và quốc gia, cũng như tại các địa điểm thờ phượng khác có ý nghĩa đặc biệt.
Liên quan đến vấn đề này, mặc dù ghi nhận và trân trọng
những lý do mang tính mục vụ và lòng đạo đức đã gợi lên nguyện vọng đáng khen
ngợi đó, nhưng cần nhấn mạnh rằng: các chỉ dẫn cụ thể do Đức Thánh Cha quy định trong Tông
sắc Spes non confundit về việc công bố Năm Thánh 2025 vẫn phải được tuân
thủ. Tông sắc này chỉ rõ: Cửa Thánh
bao gồm cửa của Vương cung Thánh đường thánh Phêrô và ba Vương cung Thánh đường
khác, cụ thể là thánh Gioan Latêranô, Đức Bà Cả và thánh Phaolô ngoại thành (x. số 6). Ngoại lệ duy nhất là mong muốn của Đức Thánh Cha
được đích thân mở một Cửa Thánh tại một nhà tù “như một dấu chỉ cụ thể của sự gần
gũi” (x. số 10).
Đồng thời, cần nhắc lại rằng: dấu chỉ đặc trưng và mang tính nhận diện của Năm Thánh,
được truyền lại từ Năm Thánh đầu tiên vào năm 1300, chính là Ân xá, với ý nghĩa
“diễn tả sự trọn vẹn của ơn tha thứ từ Thiên Chúa, Đấng không giới hạn lòng thương
xót” (x. số 23). Ân xá này được ban qua Bí tích Hoà giải cùng với các dấu chỉ bác ái và hy vọng
(x. số 7-15).
Do đó, để sống trọn vẹn thời khắc ân sủng này, cộng đồng
tín hữu được khuyến khích hướng đến các địa điểm cụ thể và những phương thức
khác nhau được nêu trong Sắc lệnh của Toà Ân giải Tối cao ban hành ngày 13 tháng 5 năm 2024.[11]
V. MỘT VÀI KẾT
LUẬN
1. Ngoài bốn Cửa
Thánh của bốn Vương cung Thánh đường Giáo hoàng ở Rôma, trên thế giới còn có một
số Cửa Thánh khác nữa. Tất cả các Cửa Thánh đều do Đức Giáo hoàng chỉ định và
cho phép vì phần rỗi của các tín hữu. Vì thế, tại một số Giáo Hội địa phương, Cửa Thánh không chỉ được mở
trong Năm Thánh mà còn vào những dịp đặc biệt khác, tuỳ theo truyền thống của địa phương đó.
2. Việc thiết
lập và mở Cửa Thánh là đặc quyền của Đức Giáo hoàng, cho nên tuỳ theo Năm Thánh hoặc những dịp đặc biệt và vì nhu cầu
thiêng liêng của các tín hữu mà Đức Giáo hoàng sẽ ban phép mở Cửa Thánh.
3. Trong lịch
sử Giáo Hội, chỉ có Năm Thánh ngoại thường 2016, Đức Giáo hoàng mới cho phép mở
một “cửa đặc biệt” tại các Nhà thờ Chính toà và Đền Thánh có đông khách hành
hương trong suốt thời gian diễn ra Năm Thánh. Cửa này gọi là Cửa Thương Xót
[Porta della Misericordia]. Vì thế, Cửa
Thương Xót sẽ hết hiệu lực khi Năm Thánh Lòng Thương Xót kết thúc.
4. Cả hai Năm Thánh thường lệ 2000 và 2025, trong
Tông sắc mở Năm Thánh, các Đức Giáo hoàng đều quyết định mở bốn Cửa Thánh tại bốn
Vương cung Thánh đường Giáo hoàng ở Rôma. Riêng Năm Thánh 2025, Đức Phanxicô mở thêm một Cửa Thánh tại nhà tù Rebibbia. Cả
hai Tông sắc đều quyết định: các Giáo Hội
địa phương cử hành Nghi thức khai mạc Năm Thánh theo một Nghi thức được Toà
Thánh soạn sẵn cho dịp này. Vì vậy, trong Nghi thức này, chúng ta không tìm thấy phần gọi là “nghi thức mở Cửa Thánh”. Thật vậy, so sánh
Nghi thức Khai mạc Năm Thánh giữa Năm Thánh ngoại thường 2016 và Năm Thánh thường
lệ 2025, chúng ta thấy hầu hết các phần đều giống nhau. Nhưng có
một điểm khác biệt căn bản bản ở phần nghi thức mở Cửa: trong Nghi thức Khai mạc
Năm Thánh ngoại thường 2016[12] có nghi thức mở Cửa Lòng Thương Xót, trong khi đó Năm
Thánh thường lệ 2025 thì không nói đến việc mở Cửa.[13]
Tóm lại, trong Năm Thánh thường lệ 2025 chỉ có năm Cửa Thánh được mở trong Giáo Hội Công giáo Rôma.
[1] x. Uỷ ban Giáo lý Đức tin -
HĐGM.VN, Từ điển Công giáo (Hà Nội: NXB. Tôn giáo,
2016), 190.
[2] “La Porta
Santa,” truy cập
ngày 03-01-2025, https://www.giubileo-2025.it/porta-santa#:~:text=Le%20Porte%20Sante%20sono%20aperte,mura%20e%20Santa%20Maria%20Maggiore.
[3] “Apostolorum Limina,” truy
cập ngày 03-01-2025, https://www.vatican.va/content/paul-vi/it/apost_letters/documents/hf_p-vi_apl_19740523_apostolorum-limina.html
[4] “Aperite Portas Redemptori,” truy cập ngày 03-01-2025, https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/it/jubilee/documents/hf_jp-ii_doc_19830106_bolla-redenzione.html
[5] x. “Incarnationis mysterium,” truy cập ngày 03-01-2025,
https://www.vatican.va/jubilee_2000/docs/documents/hf_jp-ii_doc_30111998_bolla-jubilee_it.html
[6] x. Phanxicô, Tông sắc Misericordiæ vultus, Uỷ ban
Giáo lý Đức tin - HĐGM.VN chuyển ngữ, truy cập ngày 03-01-2025, https://giaolyductin.net/misericordi-vultus-dung-mao-long-thuong-xot-tong-sac-mo-nam-thanh-ngoai-thuong-ve-long-thuong-xot.html
[7] x. Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí
tích, Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Hội
Thánh địa phương, Uỷ ban Phụng tự - HĐGM.VN chuyển ngữ, truy cập
ngày 03-01-2025, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nghi-thuc-khai-mac-nam-thanh-2025-tai-cac-hoi-thanh-dia-phuong
[8] x. Phanxicô, Sắc chỉ Spes
non confundit, Uỷ ban Phụng tự - HĐGM.VN chuyển ngữ, truy cập ngày
03-01-2025, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/spes-non-confundit-hy-vong-khong-lam-that-vong---sac-chi-cong-bo-nam-thanh-thuong-le-2025
[9] x. Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí
tích, Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Hội
Thánh địa phương, Uỷ ban Phụng tự - HĐGM.VN chuyển ngữ, số
26-28, truy cập ngày 03-01-2025, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nghi-thuc-khai-mac-nam-thanh-2025-tai-cac-hoi-thanh-dia-phuong
[10] Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí
tích, Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Hội
Thánh địa phương, Uỷ ban Phụng tự - HĐGM.VN chuyển ngữ, truy cập
ngày 03-01-2025, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nghi-thuc-khai-mac-nam-thanh-2025-tai-cac-hoi-thanh-dia-phuong
[11] Nota del Dicastero per l’Evangelizzazione, Sezione per le questioni fondamentali
dell’evangelizzazione nel mondo, truy cập ngày 03-01-2025, https://www.vatican.va/content/romancuria/it/dicasteri/dicastero-evangelizzazione/documenti/nota-apertura-porta-santa-giubileo2025.html
; xem thêm: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-08/bo-loan-bao-tin-mung-luu-y-ve-cua-thanh-cua-nam-thanh-2025.html
[13] Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí
tích, Nghi thức khai mạc Năm Thánh tại các Hội
Thánh địa phương, Uỷ ban Phụng tự - HĐGM.VN chuyển ngữ, truy cập
ngày 03-01-2025, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/nghi-thuc-khai-mac-nam-thanh-2025-tai-cac-hoi-thanh-dia-phuong