
Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 334 nhắc nhở: “Hãy giữ truyền thống xây trong phòng thánh một Giếng Thánh để đổ nước đã dùng cho việc rửa chén thánh và giặt khăn thánh.” Còn ở số 280, thì nói: “Nếu Bánh Thánh hoặc một mụn Bánh Thánh rớt xuống đất, thì phải kính cẩn nhặt lên, nếu có chút Máu Thánh rớt xuống chỗ nào, thì phải lấy nước mà lau chỗ đó, sau đó đổ nước ấy vào Giếng Thánh.”
Vậy Giếng Thánh
là gì?
“Giếng Thánh” –
“sacrarium” (Latin) – “sacratio” (Ý). “Sacrarium” phát xuất từ “sacrum” (sự
thánh thiêng, vật thánh, điều thiêng liêng). Đó là một bồn rửa được xây trong
phòng thánh (thường làm bằng đá hoặc bằng sứ), bồn này được thiết kế rộng và
sâu hơn các bồn rửa bình thường khác để có thể dự trữ nước khi giặt đồ thánh.
Như các bồn rửa thông thường khác, Giếng Thánh cũng được trang bị thêm vòi nước.
Điều đặc biệt của Giếng Thánh nằm ở chỗ, ống thoát nước của nó không dẫn nước
sau khi đã sử dụng vào hệ thống thoát nước công cộng, mà phải dẫn trực tiếp xuống
lòng đất, nơi không có cống thoát nước nào khác chảy vào. Đây là điểm khác biệt
quan trọng nhất giữa Giếng Thánh và các bồn rửa thông thường khác. Cho nên, khi
xây Giếng Thánh, người thợ xây cần phải chú ý.
Tại sao các
nhà thờ, nhà nguyện Công giáo cần phải xây Giếng Thánh trong phòng thánh?
Lẽ dĩ nhiên, việc
xây Giếng Thánh trong phòng thánh không phải chỉ để giữ truyền thống xa xưa, nhưng
vì một lý do khác quan trọng hơn, đó là: GIỮ SỰ TÔN KÍNH ĐỐI VỚI MÌNH và MÁU
THÁNH CHÚA, CÁC ĐỒ DÙNG THÁNH đã được
thánh hiến để dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa trong phụng vụ.
Bởi vì, Giếng Thánh là:
-
Nơi đổ nước của lần ngâm đầu tiên các đồ vải
thánh dùng trong phụng vụ trước khi giặt. Vì có thể còn sót lại những mảnh vụn
Bánh Thánh trên khăn thánh hay Máu Thánh có thể dính vào khăn lau chén;
-
Nơi rửa các bình đựng Mình Thánh, dĩa thánh,
chén thánh;
-
Nơi đổ phần cặn còn dư của nước thánh;
-
Nơi đổ nước rửa tay của chủ tế;
-
Nơi rửa các đồ dùng để đựng tro thánh trong ngày
thứ Tư Tuần Thánh;
-
Nơi để rửa hộp đựng Mình Thánh sau khi mang Mình
Thánh cho các bệnh nhân và người già;
-
Nơi đổ tro khi cần phân hủy các đồ dùng hay tượng
ảnh thánh đã được làm phép;
-
Nơi đổ tro của bông gòn khi đã thấm vào các loại
dầu thánh;
-
Nơi Linh mục và các thừa tác viên giúp lễ rửa
tay trước khi tiến lên bàn thánh;
-
Nơi các thừa tác viên ngoại thường rửa tay trước
khi trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân.
Một số trường hợp
đặc biệt xảy ra liên quan đến Mình và Máu Thánh Chúa, chẳng hạn như:
-
Nếu
sau khi truyền phép, có một con ruồi hoặc vật gì đó rơi vào chén thánh, và Linh
mục cảm thấy buồn nôn, thì cần lấy vật đó ra, rửa bằng rượu, và sau Thánh lễ
hãy thiêu hủy nó. Tro và nước rửa phải được đổ vào Giếng Thánh;
-
Nếu
một chất độc rơi vào chén thánh, hoặc khiến người ta buồn nôn, Máu Thánh cần được
chuyển sang một chén thánh khác, và rượu pha nước mới phải được chuẩn bị và
thánh hiến lại. Sau Thánh lễ, Máu Thánh được đặt trong một chén thánh đầy nước
để các hình rượu tan biến hết, và nước này sẽ được đổ vào Giếng Thánh.
-
Nếu
Linh mục hoặc ai đó nôn Bánh Thánh ra, thì cần thu gom và đặt Bánh Thánh ở một
nơi xứng hợp, cho đến khi các hình bánh bị tan ra, sau đó đổ vào Giếng Thánh;
-
Khi
vì một lý do hợp lý nào đó cần phải làm sạch các đồ dùng bên ngoài Thánh lễ,
Linh mục để các mảnh vụn Bánh Thánh vào một bình được chuẩn bị riêng và đổ nước
rửa sạch vào, sau đó nước này sẽ được đổ vào Giếng Thánh.
Như vậy, có thể nói Giếng Thánh có vai trò rất quan trọng trong các nhà thờ và nhà nguyện Công giáo. Ước mong sao khi xây dựng nhà thờ hay nhà nguyện mới, Giếng Thánh cũng được đưa vào trong bản thiết kế tổng thể. Vì đó là nơi xứng hợp để chúng ta hủy bỏ những gì đã được thánh hiến dành riêng cho Thiên Chúa và những gì thuộc về Thiên Chúa tự bản chất.
An Bình, C.Ss.R.