Kerygma và didakhè

Đây là một bài vừa ngắn gọn vừa đầy đủ cho ta hiểu thế nào là kerygma (khởi giảng, première annonce, the first announce).

Trích bài giảng đầu tiên của Cha Raniero Cantalamessa trong kỳ tĩnh tâm mùa Vọng (thứ Sáu 07.12.12) dành cho Đức Thánh Cha Bêneđictô XVI và giáo triều Rôma.

[…]

2. Kerygma và didakhè

Thời đầu Hội Thánh, có sự phân biệt giữa kerygma (khởi giảng) và didakhè (huấn giáo). Trong kerygma, mà Phaolô cũng gọi là “Tin Mừng”,  có liên quan đến hoạt động của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu, đến mầu nhiệm Vượt Qua – chết và sống lại – diễn đạt bằng những mệnh đề ngắn về đức tin, như mệnh đề trong lời lẽ của Phêrô vào ngày Ngũ Tuần: “Các ông đã thủ tiêu Ngài bằng cách đóng đinh Ngài vào thập giá, Thiên Chúa đã cho Ngài trỗi dậy và tôn Ngài làm Chúa” (x. Cv 2,23-36), hoặc câu: “Nếu bạn tuyên xưng nơi miệng bạn: Đức Giêsu là Chúa và nếu bạn tin trong lòng bạn: Thiên Chúa đã cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết, bạn sẽ được cứu (Rm 10,9).

Didakhè, trái lại, chỉ giáo huấn ban cho những người đã đón nhận đức tin, sự triển khai, đào tạo toàn diện của tín hữu. Người ta (nhất là Thánh Phaolô) xác tín rằng: đức tin đích thật, chỉ xuất hiện với kerygma. Kerygma không phải chỉ là tóm kết của đức tin hay là một phần của đức tin, nhưng là mầm giống từ đó xuất hiện mọi thứ còn lại. Bốn Tin Mừng cũng được viết ra sau, chính là để quảng diễn kerygma.

Cũng như thế đối với cốt lõi xưa nhất của Kinh Tin kính, vốn chỉ có đối tượng là bản thân Đức Giêsu Kitô, được nêu lên dưới hai bản tính nhân loại và thần linh của Ngài. Chúng ta có một ví dụ trong thư Rm, nói về Đức Kitô “sinh ra từ dòng giống Đavit theo xác thịt, đặt trong quyền năng làm Con Thiên Chúa do bởi phục sinh từ cõi chết, theo Thần Khí thánh hoá” (Rm 1,3-4). Rất nhanh chóng, cái cốt lõi ban đầu ấy, hay lời tuyên tín quy Kitô, đã đuợc bao bọc trong một bối cảnh rộng lớn hơn, như là điều khoản thư hai của Bản Tuyên tín, cho ra đời, cũng vì đòi hỏi liện hệ với bí tích Thánh Tẩy, những Bản Tuyên tín Ba Ngôi mà chúng biết tới ngày nay.

Tiến trình này là thành phần mà Newman gọi là “sự phát triển của đạo lý Kitô giáo” ; đó là một sự phong phú hoá chứ không phải là xa rời đức tin ban đầu. Và ngày hôm nay, chính chúng ta – trước tiên là các giám mục, các nhà giảng thuyết, các giáo lý viên – phải làm nổi bật cái tính cách “đặc biệt” của kerygma như là thời điểm nảy mầm của đức tin. Trong phần lời ca, lấy lại hình ảnh âm nhạc, có phần “lời” và phần “hát”, và trong phần hát có những “nốt cao” đánh động thính giả và gây nên những cảm xúc mạnh, có khi là rùng mình. Bây giờ thì chúng ta đã biết “nốt cao” của mỗi giáo huấn là gì.

Hoàn cảnh của chúng ta một lần nữa lại giống như hoàn cảnh thời các Tông Đồ. Các Tông Đồ đứng trước một thế giới tiền Kitô để Phúc Âm hoá ; chúng ta, chúng ta đứng trước, ít nữa về vài khía cạnh và trong một số môi trường, một thế giới hậu Kitô để tái (tân) phúc âm hoá. Chúng ta phải trở lại với phương pháp của các tông đồ, tái thể hiện (sử dụng lại) “gươm Thần Khí” (x. Ep 6,17) là công bố, trong Thần Khí và quyền năng, Đức Kitô bị phó nộp vì tội lỗi chúng ta và phục sinh vì sự công chính hoá chúng ta (x. Rm 15,19).

Nhưng kerygma không chỉ là công bố những sự kiện hay những chân lý đức tin chính xác: đó còn là một bầu khí linh thánh mà ta có thể tạo ra, cho dù ta đang nói gì đi nữa, một chân trời đằng sau mọi sự. Đó là thuộc về người loan báo, nhờ bời lòng tin của mình, để cho Chúa Thánh Thần tạo nên bầu khí đó.

Vậy thì ý nghĩa của cuốn Giáo lý Công giáo là gì? Đó là didakhè, như trong Hội Thánh thời các tông đồ: đào tạo đức tin, cho đức tin một nội dung, cho thấy những đòi hỏi luân lý và cụ thể của đức tin, đưa đức tin trở thành “hành động nhờ đức ái” (x. Gl 5,6). Một đoạn trong Sách Giáo lý cho thấy rõ điều đó. Sau khi nhắc lại nguyên tắc trường phái Tôma, theo đó thì “đức tin không dừng lại nơi những công thức nhưng là nơi thực tế”, Sách Giáo lý thêm: “Tuy nhiên, những thực tế này, chúng ta đến gần được là nhờ những công thức đức tin. Những công thức đức tin này cho phép chúng diễn tả và thông truyền đức tin, cử hành đức tin trong cộng đoàn, hấp thụ và sống đức tin một ngày một hơn.”

Từ đó, ta thấy tầm quan trọng của tính từ “Công giáo” trong đầu đề của cuốn sách. Sức mạnh của các Giáo Hội không phải Công giáo là hoàn toàn chú tâm vào lúc khởi điểm, khi người ta khám phá được đức tin, người ta tiếp nhận kerygma và người ta đón nhận Đức Giêsu là Chúa – đó là điều mà người ta gọi là “tái sinh”, hay “trở lại lần thứ hai”. Tất cả những cái đó có thể trở thành một giới hạn nếu dừng ở đó và nếu tất cả chi quay chung quanh điểm khởi đầu đó.

Còn chúng ta, Công giáo, chúng cần học tập các Giáo Hội đó một vài điểm, nhưng chúng ta cũng có nhiều điều để hiến tặng. Trong Hội Thánh Công giáo, tất cả những cái đó là khởi điểm, chứ không phải là đích điểm của đời sống Kitô. Sau điểm quyết định đó, mở ra con đường lớn lên và tiến triển trong đời sống linh thiêng. Và Hội Thánh Công giáo, nhờ sự phong phú của các bí tích, nhờ huấn quyền và gương của biết bao vị thánh, được ở trong một vị thế đặc biệt để dẫn dắt những kẻ tin tới sự trọn lành của đời sống Kitô. Trong tông thư Porta fidei, Đức Giáo hoàng viết như sau: “Từ Thánh Kinh đến các giáo phụ, từ các bậc thầy thần học cho đến các thánh trải qua bao thế kỷ, Sách Giáo lý hiến dâng một kỷ yếu thường xuyên về biết bao cách thức, qua đó, Hội Thánh đã gẫm suy đức tin và tạo ra một sự phát triển đạo lý để cống hiến xác tín cho những tín hữu trong đời sống đức tin của họ.”

3. Xức dầu lòng tin

Tôi đã nói kerygma là “cao điểm” (nốt cao) của huấn giáo. Nhưng để gây ra cao điểm (âm cao) này, không phải chỉ cao giọng lên một cung đâu, cần phải có cái khác nữa. “Không ai có thể nói: Giêsu Kitô là ĐỨC CHÚA! [Đó là cao điểm tuyệt vời!] mà không có tác động của Thánh Thần” (1Cr 12,3). Điều mà Thánh Gioan nói, trong thư thứ nhất của ngài, về dầu xức rất có ích cho chúng ta về vấn đề này. Ngài viết: “Phần anh em, Đấng Thánh đã thánh hiến anh em bằng dầu xức, và như vậy là tất cả anh em đều được giác ngộ, [...] dầu xức nhờ đó anh em được thánh hiến đang ở trong anh em, và anh em không cần người ta dạy anh em. Anh em đã được dạy bảo mọi sự nhờ dầu xức, vốn là sự thật chứ không phải dối trá: theo như dầu xức ấy dạy dỗ anh em, anh em được ở trong Ngài (1Ga 2,20.27).

Chúa Thánh Thần là tác nhân của việc xức dầu đó, như có chỗ đã gợi ý phần vụ “dạy dỗ mọi sự” là phần vụ của Đấng Bào Chữa – Thần Khí sự thật (Ga 14,26). Đó là, như nhiều giáo phụ viết, một việc “xức dầu của lòng tin”: “Dầu xức đến từ Đấng Thánh, Thánh Clêmentê Alexandria viết, được thực hiện trong đức tin.” “Dầu xức là lòng tin vào Đức Giêsu Kitô”, một tác giả khác cùng trường phái nói.

Trong bình chú của ngài, Thánh Augustinô đặt một câu hỏi cho tác giả Tin Mừng: Tại sao ngài đã viết trong lá thư của ngài, rằng những đối tượng lá thư của ngài đã nhận dầu xức dạy cho mọi sự và không cần người ta dạy nữa? Thế thì cần gì nói và dạy cho các tín hữu nữa? Và đây là câu trả lời của ngài, đặt nền tảng trên đề tài về Thầy dạy nội tâm: “Tiếng của lời chúng tôi đụng tới tai anh em, nhưng Thầy dạy đích thực ở bên trong. [...] Tôi đã nói cho tất cả mọi người ; nhưng những ai dầu xức không nói trong nội tâm, ra đi mà chẳng hiểu gì [...]. Vậy là   Thầy dạy, ngài ở bên trong ; chính là Đức Kitô dạy ; chính linh hứng của Ngài dạy” [...]. Vậy, một sự dạy dỗ bên ngoài là cần thiết, vẫn cần những thầy dạy ; nhưng tiếng nói của họ chỉ thấm nhập những con tim nếu có sự dạy dỗ của Chúa Thánh Linh cộng hưởng vào. “Phần chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân của tất cả những điều đó, cùng với Chúa Thánh Linh, mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng phục Người” (Cv 5,32). Qua những lời này, được công bố trước công nghị, tông đồ Phêrô xác quyết sự cần thiết của một việc làm chứng bên trong của Thần Khí, nhưng cũng cho thấy điều kiện để đón nhận chứng tá đó: sẵn lòng vâng phục, phục tùng Lời.

Chính sự xức dầu của Thần Khí làm cho vượt qua từ biểu từ đức tin vào thực tiễn của đức tin. Đây là một đề tài ưa thích của Thánh Gioan về một sự “tin” đồng thời là “biết”: “Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và chúng ta đã tin vào tinh yêu ấy” (1Ga 4,16). “Chúng tôi, chúng tôi tin, và chúng tôi đã biết Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 69). “Biết”, trong trường hợp này, cũng như chung cho cả Thánh Kinh, không có nghĩa như chúng ta gán cho từ ấy ngày nay, nghĩa có một ý niệm hay một nhận thức về một sư việc. Nhưng có nghĩa là một kinh nghiệm, liên hệ với sự việc hay với đích thân ai đó. Khi Đức Trinh Nữ quả quyết: “Tôi không biết đàn ông”, không có ý nói rằng tôi mù tịt về một người đàn ông là gì…

Một ví dụ rõ ràng về dầu xức của lòng tin là cuốn Hồi ức của Blaise Pascal, người ta tìm thấy bên trong áo của ông sau khi ông qua đời, kinh nghiệm mà ông trải qua trong đêm 23/11/1654, khẳng định bằng những câu tán thán ngắn: “Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob, không phải của các triết gia và của những nhà thông thái. Đúng. Đúng. Tâm tình. Vui. An bình. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô [...]. Chỉ tìm được Người bằng những con đường dạy trong Tin Mừng. [...] Vui! Vui! Vui! Nước mắt của niềm vui. [...] Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha, là Thiên Chúa chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, Giêsu Kitô.”

Thường thường, ta nghiệm được xức dầu của lòng tin khi từ một Lời của Chúa hay một khẳng định đức tin, đổ xuống trên ta ánh sáng Thần Khí, một thời khắc thường kèm theo một xúc động mạnh.[1] Một lần vào dịp lễ Chúa Kitô Vua, tôi nghe trong bài đọc thứ nhất lời ngôn sứ Đaniel về Con Người: “Tôi nhìn, vào những thị kiến ban đêm, tôi thấy tiến lại, cùng với mây trời, như là một Con Người ; Ngài tới chỗ Vị Bô Lão, và người ta cho Ngài xích lại trước nhan Người ; Ngài được ban quyền bính, vinh dự vương triều ; tất cả các dân, các nước, các tiếng nói đều làm tôi Người. Quyền bính của Người là quyền bính muôn đời, sẽ không qua đi, và vương triều Người, một vương triều sẽ không hề bị huỷ” (Đn 7,13-14).

Ta biết rằng: Tân Ước đã thấy lời ngôn sứ Đaniel thành tựu nơi Đức Giêsu ; chính Ngài, trước công nghị, đã lấy lời ấy là của chính mình (x. Mt 26.64) ; lời ngôn sứ đã đi vào lời tuyên tín: “Nước Người sẽ không bao giờ cùng” (“cuius regnum non erit finis”). Tôi biết tất cả điều đó, vì đã học qua, nhưng lúc đó lại khác. Cứ như thể cảnh tượng ấy diễn ra ngay trước mắt tôi. Đúng, Con Người ấy đang tiến lên chính là Chúa Giêsu hiện thân. Mọi nghi ngờ và mọi giải thích này nọ của các bậc thông thái, mà tôi cũng biết, đối với tôi, vào lúc đó, chỉ là những cớ để mà không tin. Tôi đã sống, mà không biết, một xức dầu của lòng tin.

Một lần khác (tôi đã nói tới cảm nghiệm này trước đây, nhưng cảm nghiệm cũng giúp hiểu ý nói ở đây), tôi đang dự lễ đêm của Đức Gioan Phaolô II tại đền thờ Thánh Phêrô. Tới lúc hát bài Calende, tức là bài long trọng tuyên xưng Chúa Cứu Thế giáng sinh, vốn có ở trong Danh Sách Tử Vì Đạo xưa và đưa vào lại trong phụng vụ Giáng sinh sau Vatican II: “Nhiều thế kỷ sau tạo thành thế giới… Mười ba thế kỷ sau xuất hành khỏi Ai Cập… Sau Olympiade thứ một trăm chín mươi lăm. Vào năm 752 thành lập Rôma… Vào năm thứ bốn mươi hai triều đại Cesar Augustô, Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa hằng hữu và Con của Cha hằng hữu, đã đầu thai bởi Chúa Thánh Thần, và chín tháng qua đi từ ngày Ngài đầu thai, đã sinh ra tại Bethleem xứ Giuđa, làm người bởi Đức Nữ Trinh Maria.” Tới những lời cuối cùng này, một chớp sáng bỗng loé lên trong tôi và tôi tự nói với mình: “Đúng! Tất cả những gì người ta hát đều đúng! Đó không phải chỉ là những từ suông. Thế là Đấng Hằng Hữu đã đi vào thời gian. Biến cố cuối cùng của loạt biến cố đã làm nổ tung loạt biến cố ; đã có một cái “trước” và một cái “sau” bất khả hoán cải ; thời gian, trước kia, được tính bằng những biến cố khác nhau (thế vận hội nào đó, triều đại của một ai đó), bây giờ được tính theo một biến cố duy nhất: trước Ngài, và sau Ngài. Một xúc động đột nhiên xâm chiếm bản thân tôi, tất những gì tôi nói được là: “Tạ ơn, Ba Ngôi Chí Thánh, và tạ ơn Mẹ, rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời!”

Xức dầu Thần Khí còn phát sinh một hậu quả khác, có thể nói là “song hành” nơi người loan báo: làm cho người loan báo cảm thấy vui mừng vì được loan báo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài. Nó biến sự bắt buộc và bổn phận phải loan báo Tin Mừng thành một niềm vinh dự và một lý do hiên ngang. Đó là niềm vui của sứ giả báo cho một thành trì bị vây hãm là hết vây hãm rồi, hay của người đưa tin trong thời cổ, chạy về thành để báo tin quân đội đã hoàn toàn chiến thắng. “Tin vui” gây ra cho người đưa tin một niềm hạnh phúc trước khi thông truyền hạnh phúc cho người đón nhận.

Thị kiến của Êzêkiel về cuốn sách được ăn đã được thể hiện một lần trong lịch sử theo nghĩa đen chứ không phải chỉ theo nghĩa bóng. Đó là lúc mà cuốn sách lời Thiên Chúa cô đọng thành Lời duy nhất, Ngôi Lời. Chúa Cha đã ban cho Maria ; Maria đã đón nhận, đã mang đầy bụng một cách thực thụ, rồi Mẹ hiến Lời đó cho trần thế. Maria là khuôn mẫu của tất cả những người loan báo Tin Mừng, của tất cả giáo lý viên. Mẹ dạy chúng ta làm đầy chúng ta bằng Chúa Giêsu để hiến Ngài cho những người khác. Maria đã chịu thai “bởi Chúa Thánh Thần” và cũng phải như thế đối với mỗi người loan báo.

Đức Thánh Cha đã quay lại với Đức Nữ Trinh khi kết thúc tông thư Năm Đức tin của ngài: “Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Thiên Chúa, đấng đã được tôn vinh “có  phúc vì đã tin”[7]. Chúng ta hãy xin Mẹ làm cho chúng, trong năm này, được ơn cảm nghiệm muôn vàn thời điểm xức dầu của lòng tin:[2] “Virgo fidelis, ora pro nobis”, lạy Đức Nữ Trinh tín thành, xin cầu cho chúng con.

LM. Giuse Trần Sĩ Tín, C.Ss.R. chuyển ngữ



[1] Xúc động mạnh: Chúng ta nên biết điều này để “không dập tắt Thần Khi”. Xúc động mạnh ở đây có thể có nhiều dạng: một ánh sáng, một cái rùng mình, một niềm vui, cầu nguyện lớn tiếng, tạ ơn, ca hát, nói tiếng khác lạ (như trong Cv), khóc òa, tan vỡ, ngã nhào, ngủ say (nghỉ ngơi trong Thần Khí)… Ta không nên chú tâm vào những hiện tượng đó. Cứ để cho đương sự cảm nghiệm cho hết. Và mọi sự sẽ qua đi. Ta có thể báo trước và làm cho cộng đoàn không ngỡ ngàng. Hãy để cho Thần Khí được tự do… (lời bàn thêm của người dịch).

[2] Onction de la foi (Xức dầu của lòng tin) hay Onction de l’Esprit (Xức dầu Thần Khí): Đây là một cụm từ đặc biệt còn lạ lẫm đối với chúng ta (khác với xức dầu trong Phụng Vụ). Xức dầu trong Phụng Vụ có mang ơn thánh ở dạng “mầm”, cho đến khi nào đương sự tín thác cho mầm ấy trổ sinh – có thể trổ sinh ngay lúc được xức dầu, có thể trổ sinh ở một thời điểm khác. Xức dầu trong phụng vụ cần có thừa tác viên chính thức và trong nhiều trường hợp là chỉ xức có một lần. Còn xức dầu của lòng tin hay Thần Khí nói ở đây được ban cho mọi kẻ tin và có thể xảy ra nhiều lần, bổ túc và hiện thực hóa xức dầu phụng vụ. Chúng ta không được hướng dẫn và thực hành để cảm nhận việc xức dầu này, cho nên có khi ta đã được Chúa xức dầu mà không biết, không tạ ơn, không sống, không phát huy.

Kêrygma (Khởi Giảng, Première Annonce, The First Announce) như được mô tả ở đây thường là thời điểm cho việc xức dầu lòng tin hay Thần Khí này (xức dầu mà không cần dầu). Vì ta không rao giảng theo dạng kêrygma nên ta không nghiệm, không thấy ơn xức dầu này. Tất cả các bí tích, các sách Tin Mừng và các thư đều theo dạng kêrygma. Bây giờ Hội Thánh muốn tất cả công cuộc rao giảng của chúng ta đều theo dạng kêrygma (x. Lineamenta và Instrumentum Laboris [VI] của Thượng Hội đồng Giám mục XIII). Chúng ta cần được đào tạo theo dạng kêrygma (Lời bàn thêm của người dịch).

Học viện Thánh Anphongsô