Tình Yêu – cốt lõi của việc biến đổi

 

TÌNH YÊU – CỐT LÕI CỦA VIỆC BIẾN ĐỔI


Phêrô Nguyễn Văn Quý

Thánh Anphongsô nói rằng: “Tất cả sự nên Thánh và trọn lành của linh hồn hệ tại nơi lòng yêu mến Chúa Giêsu, sự toàn thiện và Đấng Cứu Độ của chúng ta[1]. Quả vậy, sự thánh thiện chỉ có ở nơi Thiên Chúa là nơi nguồn mạch tuôn tràn. Chúng ta không thể đạt tới sự thánh thiện trong Thiên Chúa nếu chỉ tự sức con người nhưng Thiên Chúa mời gọi chúng ta thông hiệp để được thánh hoá nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu. Ngài là đường dẫn về sự thánh thiện, là mẫu mực cho nhân loại bước theo để hiệp thông với Thiên Chúa Cha[2]. Chúng ta được dự phần vào sự thánh thiện và trọn lành đồng nghĩa với việc chúng ta được biến đổi hoàn toàn để đáp trả với Thiên Chúa. Tuy nhiên làm sao chúng ta biến đổi nếu đó không phải là bởi tác động đi bước trước của Tình Yêu Thiên Chúa trên cuộc đời. Chính Tình Yêu của Thiên Chúa là sức mạnh để lay chuyển, bẻ ngoặt làm biến đổi con người vốn bị thế gian chiếm đoạt để trở nên thuộc về Chúa như lời của Thánh Tông Đồ Phaolô xác quyết: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Thật vậy, Thiên Chúa luôn là Đấng đi bước trước để bày tỏ tình yêu đối với nhân loại. Tình yêu của Thiên Chúa chiếu dọi và len lỏi vào trong cuộc đời của từng người cách cá vị. Bất chấp chúng ta có biết hay không biết, có yêu mến hay khinh thường, có đón nhận hay chối bỏ. Tình yêu của Thiên Chúa được bộc lộ rõ ràng cách tuyệt hảo nơi chính Đức Giêsu Kitô – Đấng đã hoàn toàn hủy mình, trở nên Tôi Trung hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha bằng một lòng mến. Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa bày tỏ sự cảm thông, sẻ chia, đồng cam cộng khổ với loài người để ngang qua Mầu Nhiệm Vượt Qua và Phục Sinh của Đức Kitô, chúng ta được kín múc sự thánh thiện và Ơn Cứu Độ nhờ kết hiệp mật thiết với Người. Chính vì thế, Thiên Chúa tha thiết mời gọi chúng ta đáp trả tình yêu nhưng không, tình yêu đã khiến Chúa ra khỏi chính mình để trao ban không những một cách toàn thể nhưng còn trao ban cách cá vị cho từng người. Việc đáp trả đó phải được thể hiện bằng việc hoán cải không ngừng, đồng thời luôn trao đổi tình yêu cách liên lỉ với Thiên Chúa, phó thác trọn vẹn cho Chúa và hoàn toàn thuộc về Ngài, tìm làm vui lòng Ngài hay trở thành niềm vui cho Ngài trong mọi sự[3].

Thấy được tầm quan trọng của việc đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, thánh Anphongsô đã căn dặn các anh em tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế qua các thế hệ rằng: “Anh em thân yêu, điều tôi yêu cầu anh em là tình yêu dành cho Chúa Giêsu. Chúng ta phải tuyệt đối yêu mến Ngài. Đây là lý do chúng ta được chọn lựa từ muôn thuở và được kêu gọi vào Dòng Thánh: yêu mến Chúa và làm cho mọi người cũng yêu mến Ngài. Thật là một vinh hạnh cả thể do lòng nhân từ bao la Chúa Giêsu đã dành cho ta, khi Ngài giải thoát ta khỏi thế gian và lôi kéo ta đến cùng tình yêu của Ngài mà không phải vướng bận với những phù vân của hành trình trần thế. Như thế, chúng ta phải luôn làm vui lòng Thánh Ý Ngài; đồng thời, qua sứ mạng tông đồ, chúng ta phải làm cho nhiều người hiểu biết kính mến Chúa, và bỏ đàng tội lỗi để sống trong Ơn sủng thánh[4]. Quả thật, tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta không ngừng ra khỏi chính mình để yêu mến. Đối với tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, việc yêu mến thúc đẩy các tu sĩ trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, có được những tâm tư tình cảm như Đức Kitô (x. Pl 2,5tt) và nên một trí ý với Ngài (x. HP 25); đồng thời, chọn bản vị Đức Kitô làm trung tâm của đời sống và ngày càng nỗ lực gắn bó với Ngài cách mật thiết hơn bằng sự hiệp thông đích thân với Ngài (x. HP 23). Chính vì thế, tình yêu Đức Kitô biến đổi cuộc đời của tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế để mỗi người không còn sống cho chính mình nhưng là cho Thiên Chúa và cho mọi người.

Thật vậy, “mọi ơn gọi đời sống thánh hiến đều phát sinh từ chiêm ngưỡng, từ những giây phút hiệp thông sâu xa và từ một mối tương quan bằng hữu sâu sắc với Đức Kitô, từ vẻ đẹp và ánh sáng mà chúng ta thấy chiếu tỏa trên khuôn mặt Người. Từ đó ước muốn luôn ở với Người – và bước theo Người – nên vững mạnh”[5]. Vì thế, đối với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, Thánh Anphongsô đặc biệt nhấn mạnh đến việc chiêm ngưỡng Đức Kitô qua 4 trụ cột chính: Nhập Thể (Máng Cỏ), Thập Giá (Thương Khó), Thánh Thể (Bàn Thờ) và Đức Maria. Đó là những suy gẫm truyền thống của Dòng, đồng thời là cốt lõi trong linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế.

Nhập Thể - Máng Cỏ

Chiêm ngắm Mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta thấy được tình yêu của Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại món quà vô giá là Đức Giêsu – Đấng đã trở thành Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta – để chung chia thân phận kiếp người yếu đuối nơi xác phàm hư nát của Ađam và cứu chuộc nhân loại bằng chính hy tế Thập Giá của Người. Một tình yêu “điên cuồng” đến nỗi trao ban ngay chính Người Con Một Yêu Dấu cũng không giữ lại cho mình. Đồng thời, nơi Máng Cỏ, chúng ta chiêm ngưỡng khuôn mặt của Chúa Giêsu – Đấng đã hoàn toàn tự nguyện vâng phục theo Thánh ý Chúa Cha, hủy mình ra không để trở nên con người yếu hèn, yếu ớt nơi dáng dấp của một Hài Nhi. Vì tình yêu nên Chúa Giêsu đã chấp nhận trở nên nghèo hèn để làm cho chúng ta được trở nên giàu có. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã xé trời, hạ cố xuống ở với nhân loại, đồng cam cộng khổ với gia đình nhân loại để rồi dẫn đưa con người về với Thiên Chúa Cha, khôi phục lại nhân phẩm thần linh vốn bị tội nguyên tổ phá hủy, đồng thời làm cho con người trở nên con trong Con với Thiên Chúa.

Thập Giá

Mầu nhiệm Thập Giá là chóp đỉnh của Ơn Cứu Chuộc. “Thập Giá là tình yêu vô cùng dồi dào phong phú của Thiên Chúa được đổ chan hòa trên thế giới, là dấu chỉ lớn lao cho thấy sự hiện diện cứu độ của Đức Kitô, nhất là trong mọi khó khăn thử thách”[6]. Thánh Anphongsô đặc biệt kêu mời các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế chuyên cần chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ ngang qua sự tự hiến của Chúa Giêsu nơi Thập Giá để cứu độ loài người. Chiêm ngắm Mầu nhiệm Thập Giá, chúng ta cảm nghiệm sự trao ban đến tột cùng, chấp nhận hủy mình ra không, lĩnh lấy thân phận tôi đòi, phó mình cho ý Chúa Cha và hy sinh đến chết cách trần trụi, ô nhục trên thập giá cho công trình cứu chuộc của Thiên Chúa (x. HP 48). Đó là hình ảnh của Người Tôi Trung đau khổ, mang lấy tất cả tội lỗi và đau khổ của nhân loại đóng chặt nơi cây Thập Giá để làm cho chúng ta – những kẻ tin được ơn thánh hóa, trở nên thánh thiện tinh tuyền trước mặt Thiên Chúa. Đây là nền tảng cho việc hoán cải và biến đổi để trở về với Thiên Chúa, đáp trả cách trọn vẹn, đồng thời hiến dâng chính mình cho Đấng đã phó mình chịu chết vì chúng ta.

Thánh Thể - Bàn Thờ

Chiêm ngắm Mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta được cảm nghiệm tình yêu củaThiên Chúa – Đấng mà cả vũ trụ không chứa nổi lại khiêm nhường ẩn mình trong tấm bánh bé nhỏ đơn sơ nơi Nhà Tạm để ở lại với chúng ta. Hơn thế, chính Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta suốt chặng đường hành trình nơi dương thế. Thánh Thể trở nên chóp đỉnh và nguồn mạch của toàn bộ đời tông đồ và là dấu chỉ tình liên đới thừa sai của Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế (x. HP 29). Tình yêu của Thiên Chúa nơi Bí tích Thánh Thể đáng làm cho chúng ta phải yêu mến, tôn thờ, cung kính, kết hợp một cách liên lỉ không ngừng bởi đó là bảo chứng cho cuộc Vượt Qua và Phục Sinh của Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đáp trả lại một cách không bao giờ cho đủ với Đấng đã yêu thương cách trọn vẹn vì chúng ta.

Đức Maria

Mẹ Maria đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử cứu độ. Bởi thế, lòng yêu mến Mẹ Maria là một trong những nét chủ yếu trong linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế. Chính Mẹ đã hiệp thông với Chúa Giêsu trong vai trò là Mẹ và là Người Môn Đệ đầu tiên. Do đó, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nhận Mẹ Maria làm gương mẫu và là vị bảo trợ đã hết lòng tuân phục chương trình cứu độ của Thiên Chúa (x. HP 32). Mẹ luôn luôn đồng hành cùng con cái của Mẹ nơi dương thế và hằng cứu giúp, lôi kéo những người tội lỗi trở về để hưởng ơn cứu độ. Vì thế, chiêm ngắm Mẹ Maria giục lòng chúng ta luôn phải yêu mến và tôn sùng Mẹ cách đặc biệt trong cuộc đời của mỗi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. 

Kín múc được tinh thần đó, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế qua các thế hệ đều không ngừng được cải hóa nhờ việc trở nên mật thiết với Thiên Chúa trong tình yêu. Điều này tạo nên một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tinh thần dấn thân tận tâm tận lực, hết mình cho Thiên Chúa và cho hoạt vụ thừa sai (x. HP 1). Một số gương mặt tiêu biểu nổi bật cho sự biến đổi nhờ tình yêu của Thiên Chúa được trong Dòng Chúa Cứu Thế được nói đến như: Thánh Anphongsô, Đấng Sáng Lập – người đã được Thiên Chúa chinh phục và biến đổi trở nên hoàn toàn cho Thiên Chúa; Thánh Clementê – vị tông đồ nhiệt thành của mọi tầng lớp trong xã hội; Thánh Giêrađô – vị Thánh của người nghèo và là Đấng Bảo Trợ các bà mẹ và thai nhi; Thánh Gioan Newman – Vị thừa sai không biết mệt mỏi, bổn mạng của người di dân; chân phúc Phêrô Donders – vị tông đồ xuất sắc trong sứ vụ thừa sai nhắm đến ơn cứu độ con người toàn diện; chân phúc Gaspar Stanggassinger – người dấn thân không mệt mỏi để quảng bá ơn gọi linh mục, tu sĩ; chân phúc Gennaro Maria Sarnelli – vị thừa sai hết mình vì sứ mạng; và  cùng với đó là các vị chân phúc tử đạo và nhiều tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế trải dài qua các thế hệ. Tất cả đều bừng cháy ngọn lửa tình yêu của Chúa Cứu Thế nhờ lòng yêu mến Chúa Giêsu, hiệp thông với Ba Ngôi và lòng yêu mến Mẹ Maria cách đặc biệt.

Cùng trong dòng chảy đó, tình yêu của Thiên Chúa cụ thể nơi Đức Giêsu là động lực mạnh mẽ biến đổi những tập sinh cách đặc biệt trong Năm Tập Viện này. Sự biến đổi không hoàn toàn hệ tại ở việc chỉ thay đổi con người bên ngoài; hoặc là thay đổi thói quen xấu thành những đức tính tốt phù hợp với đời tu; hay chỉ là những chuyển biến do cảm xúc nhất thời; nhưng là sự biến đổi nội tâm bên trong. Ngang qua việc kinh nghiệm được Tình yêu của Chúa trong cuộc đời, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, mỗi tập sinh nhận diện ra được chính con người mình. Đồng thời, qua việc nhận diện đó, tập sinh khám phá ra được khuôn mặt của Chúa trong chính cuộc đời. Từ đó, tập sinh hướng tới việc hoán cải không ngừng, thanh luyện động cơ dấn thân, thiết lập mối tương quan mật thiết với Chúa; gấp nếp đời sống cầu nguyện; trau dồi bản thân hướng tới sứ mạng của thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế; can đảm xác tín, đáp trả tình thương của Chúa bằng việc cam kết khấn dòng. Tất cả sự biến đổi đó đều được thêu dệt bởi những sợi chỉ tình yêu của Thiên Chúa và sự đáp trả lại bằng việc yêu mến ngang qua chiêm ngắm các cốt lõi trong linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế.

Tóm lại, với vài nét phác thảo về cốt lõi tình yêu của việc biến đổi với việc yêu mến Thiên Chúa được cụ thể nơi Đức Kitô qua việc chiêm ngắm 4 trụ cột chính của linh đạo là : Nhập Thể, Thập Giá, Thánh Thể và Mẹ Maria, chúng ta thấy phần nào về tầm quan trọng của Tình Yêu trong linh đạo và đời sống của mỗi tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế. Đó không chỉ là cốt lõi của việc biến đổi nhưng còn là nền tảng của toàn bộ đời sống; là cốt lõi của linh đạo; động lực thúc đẩy và là phương thế đưa tới sự thánh thiện trong Chúa.


[1] Linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế, 76.

[2] Ibid., 76

[3] x. Ibid., 75.

[4] Ibid., 51.

[5] x. Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 25.

[6] x. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 24.

TÌNH YÊU – CỐT LÕI CỦA VIỆC BIẾN ĐỔI

Học viện Thánh Anphongsô