Chân phúc Nicolas Charnetsky - chứng nhân niềm hy vọng của Chúa Cứu Thế


Chân phúc Nicolas Charnetsky - chứng nhân niềm hy vọng của Chúa Cứu Thế


Laurensô Đinh Hoàng Long

Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,5).

Thánh Phêrô Tông Đồ đã khuyên nhủ mọi Kitô hữu hãy sống và làm chứng cho niềm hy vọng của mình, niềm hy vọng vào Đức Kitô Phục Sinh, dù giữa trăm chiều thử thách vì biết rằng Đức Kitô đã thắng thế gian (x. Ga 16,33). Là môn đệ của Chúa Cứu Thế, bước theo Ngài để loan báo Tin Mừng cho người nghèo, hơn ai hết, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) được mời gọi phải trở nên men cho đời và là chứng tá sống động của niềm hy vọng (x. HP 43), qua lời rao giảng hay bằng chứng tá đời sống dưới mọi hình thức (x. HP 10). Khi nhìn vào cuộc đời của Chân phúc Nicolas Charnetsky, chúng ta thấy được nơi ngài hình ảnh một chứng nhân niềm hy vọng của Chúa Cứu Thế thực sự qua việc ngài hiến mình hoàn toàn cho sứ mạng của Đức Kitô.

Trước hết, chúng ta thấy nơi Chân phúc Nicolas Charnetsky lòng nhiệt thành thừa sai chăm lo cho những người bị bỏ rơi hơn cả, đặc biệt là những người nghèo. Nicolas Charnetsky sinh ngày 14/12/1884 trong một gia đình nông dân ở Tây Ukraine. Với ước muốn theo đuổi ơn gọi linh mục, ngài đã gia nhập chủng viên Stanislaviv sau khi hoàn thành bậc trung học. Sau đó, ngài trở thành sinh viên Học viện Ukraine ở Rome và tại đây ngài nhận bằng tiến sĩ thần học Urbanniaum. Ngày 2/10/1909, ngài được thụ phong linh mục và bắt đầu công việc giáo sư triết và thần học tín lý cũng như làm linh hướng của Đại chủng viện Stanislaviv.

Những tưởng rằng cuộc đời linh mục của cha Charnetsky sẽ gắn bó với việc giảng dạy và linh hướng trong môi trường đào tạo, thì thánh ý Chúa lại muốn ngài trong một vai trò khác. Và tận sâu trong tâm tư, Cha Charnetsky khao khát sống đời tu sĩ. Tiếp bước thánh Tổ phụ Anphongsô, Nicolas Charnetsky đã thực hiện cuộc “xuất hành” của đời ngài khi gia nhập Tập viện DCCT ở Zboiska vào tháng 10/1919 và tuyên khấn vào ngày 16/10 năm sau. Từ đây, ngài bước vào một hành trình mới với tư cách là một nhà thừa sai.

Với sự hăng hái nhiệt thành, cha Nicolas Charnetsky được gửi đến vùng truyền giáo tại Kovel trong vùng Volhyn. Chính nơi đây, ngài đã hết lòng phục vụ những người bị bỏ rơi nhất, đi tìm những con chiên lạc trở về với Hội Thánh và nhiệt huyết hoạt động cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Cha Charnetsky đã thực sự sống trung thành với ơn gọi của nhà Dòng là luôn ưu tiên chọn lựa người nghèo, người thấp hèn và người bị áp bức (x. HP 4). Khi được Đức Giáo Hoàng Pio XI bổ nhiệm làm Giám mục, cha Nicolas Charnetsky vẫn thực hiện sứ mạng trong tư cách là một nhà truyền giáo thừa sai, rồi sau mới như là một Giám mục. Ngay cả trong thời gian DCCT bị ngược đãi bởi quân Liên Xô, ngài vẫn can đảm ở lại đồng hành với dân chúng tại Lviv. Qua đó, chúng ta thấy được sự liên đới với người nghèo và trở nên dấu chỉ niềm hy vọng cho họ giữa những thử thách của cha Nicolas Charnetsky (x. HP 65).

Thứ đến, Chân phúc Nicolas Charnetsky trở nên chứng nhân niềm hy vọng qua sự kiên trì chịu đựng, lòng can đảm và sự trung thành với Hội Thánh Chúa Kitô trong thời gian bị bắt bớ. Chặng đường thương khó của Giám mục Nicolas Charnetsky bắt đầu vào ngày 11/04/1945, khi ngài bị mật vụ Liên Xô bắt giam tại Lonskoho. Suốt một năm trước thời gian xét xử, ngài bị hỏi cung, đánh đập, làm nhục và tra tấn dã man, tàn nhẫn. Sau đó, ngài bị kết án 10 năm tù khổ sai với tội danh là “Gián điệp của Vatican”. Cha Charnetsky đã chuyển qua 30 nhà giam và trại tù cùng 600 giờ thẩm vấn và tra tấn.

Dù vậy, Cha Nicolas Charnetsky chấp nhận tất cả với một lòng nhẫn nại và thanh thản đến anh hùng. Có lẽ, trong cơn bách hại, ngài thấy bản thân được ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô hơn, một Đức Kitô chịu đóng đinh, và mang lấy tâm tư của Người (x. HP 25). Từ đó, ngài quảng đại tha thứ cho những người tra tấn mình và cầu nguyện cho họ. Dù chịu đau khổ, ngài vẫn trở nên niềm an ủi, sự nâng đỡ cho tất cả các bạn tù. Ngài biết rõ từng người trong số họ như mục tử nhân lành biết từng con chiên (x. Ga 10,14). Cha Nicolas Charnetsky vẫn tiếp tục thi hành sứ mạng mục tử cách âm thầm, trở nên dấu chỉ và chứng tá về quyền năng Phục Sinh của Đức Kitô trước mặt tha nhân, khi loan báo về niềm hy vọng vào sự sống mới và vĩnh cửu (x. HP 51).

Cuối cùng, chứng tá niềm hy vọng ở chân phúc Nicolas Charnetsky còn được thể hiện qua sự kiên nhẫn làm việc Tông đồ và chuyên cần cầu nguyện trong đau yếu bệnh tật. Nhìn vào tiểu sử của cha Charnetsky, chúng ta có thể nhận ra một cuộc đời trao ban, tận tâm phục vụ Tin Mừng và tha nhân của ngài, từ việc giảng dạy và linh hướng cho các chủng sinh, rồi nhiệt thành phục vụ những người tất bạt, hay an ủi nâng đỡ tù nhân trong cơn bách hại chốn lao tù… Và ngay cả khi sức khỏe suy kiệt vì cảnh lao tù, ngài vẫn hết mình với sứ mạng trong ơn gọi tu sĩ thừa sai DCCT bằng việc nâng đỡ tinh thần anh em trong cộng đoàn, chuẩn bị cho các tiến chức và cầu nguyện liên lỉ.

Đời sống cầu nguyện của ngài đã trở nên gương mẫu cho các sinh viên cũng như tất cả những ai biết đến ngài. Chính nhờ mối tương quan mật thiết với Chúa qua việc cầu nguyện, được thông dự vào tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha và đối với con người, ngài đã kín múc được nguồn ân sủng, sức mạnh nuôi sống toàn bộ đời Tông đồ của mình, rồi từ đó mở ra phục vụ tha nhân (x. HP 24), luôn sống nguyên lí Lãnh nhận - Trao ban. Cha Nicolas Charnetsky đã sống kiên định với ơn gọi tu sĩ DCCT dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào qua việc hiến cả cuộc đời để trở nên mọi sự cho tha nhân (x. HP 49).

Ngày 02/04/1959, Cha Nicolas Charnetsky đón nhận cái chết lành thánh, hoàn thành cuộc đua với phần thưởng là sự sống vĩnh cửu trong Đấng mà ngài hằng tin yêu và đặt trọn niềm hy vọng. Ngài được phong Chân phúc tử đạo ngày 24/04/2001. Cuộc đời anh dũng làm chứng cho Tin Mừng và nhiệt thành phục vụ tha nhân của cha Nicolas Charnetsky trở nên sự cổ võ, khích lệ cho mọi Kitô hữu để họ can đảm sống và làm chứng cho Đức Kitô.

Và hẳn nhiên, cùng với Thánh Tổ phụ, các Thánh và các Chân phúc trong Dòng, Chân phúc Nicolas Charnetsky chắc chắn là một tấm gương sáng cho mọi tu sĩ DCCT noi theo, qua việc dám ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận những rủi ro để trở nên những chứng nhân niềm hy vọng của Chúa Cứu Thế cho mọi người trong thời đại này bằng cách họa lại cuộc đời của Đức Kitô, “bước đi trên con đường Người đã đi, con đường khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, con đường phục vụ hy sinh chính mình cho đến chết và Phục Sinh vinh hiển” (x. HP 50).

Chân phúc Nicolas Charnetsky - chứng nhân niềm hy vọng của Chúa Cứu Thế

Học viện Thánh Anphongsô