Chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam song hành với sự phát triển của đạo Công giáo tại Việt Nam


TS. Hồ Tường 

(Giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh)

Mỗi đất nước đều có trang phục truyền thống biểu trưng cho văn hoá của quốc gia mình. Nếu Nhật Bản nổi tiếng với Kimono, Hàn Quốc được biết đến với Hanbok thì Việt Nam lại tự hào với áo dài. Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.

Áo dài của các bà, các mẹ ngày xưa thường là áo tứ thân hoặc áo năm thân. Áo tứ thân được kết bằng bốn mảnh vải, hai thân trước và hai thân sau. Áo năm thân, vạt áo trái phía trước được ghép thành hai thân vải, rộng gấp đôi vạt áo phía phải. Mặc áo tứ thân thường mặc bỏ buông; mặc áo năm thân thường buộc thắt vào nhau, làm cho dải thắt lưng thiên lí hiện ra lấp ló.

Dần dần, chiếc áo dài được cách tân, cải tiến từ từ trở thành những chiếc áo dài tân thời như ngày nay. Áo tứ thân được cải tiến, ống tay thon, cổ áo hoặc được dựng cao, hoặc ôm tròn viền quanh cổ người mặc được cách điệu. Đến áo dài tân thời có nhiều cúc bấm chạy chéo nghiêng theo hai vạt áo phía trước.

Việc mặc loại trang phục áo dài này không hề rườm rà hay cầu kì, những thứ mặc kèm đơn giản: Mặc với một quần lụa hay vải mềm, dưới chân đi hài guốc, hay giày đều được; nếu cần trang trọng (như trang phục cô dâu) thì thêm áo dài và chiếc khăn đóng truyền thống đội đầu. Đây chính là điểm đặc biệt của thứ trang phục áo dài truyền thống này.

Áo dài được may với nhiều chất liệu khác nhau như: nhung, voan, gấm, lụa tơ tằm... với nhiều màu sắc phong phú. Hoạ tiết trên áo có thể là hoa, con vật như chim phụng hoàng, bướm... và nhiều hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc. Với sự sáng tạo không ngừng của các nhà thiết kế, áo dài có thể mang nhiều hình dáng khác nhau. Các nhà thiết kế y phục đã sáng tạo ra nhiều kiểu áo dài tân thời, cố áo cài khuy. Khuy áo là hạt cườm, chính đặc điểm này khiến việc sinh hoạt của ngực phụ nữ được dễ dàng, đồng thời tạo dáng thanh thoát, yểu điệu, thướt tha.

Khác với Kimono của Nhật Bản hay Hanbok của Hàn Quốc, chiếc áo dài Việt Nam vừa truyền thống lại vừa hiện đại, có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi: dùng làm trang phục công sở, đồng phục đi học, mặc để tiếp khách trang trọng trong nhà...

Áo dài có thể nhiều màu nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là chiếc áo dài trắng thể hiện sự thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam. Trong trường học, không gì đẹp mắt và thanh bình cho bằng mỗi sáng, từng nhóm nữ sinh trong bộ áo dài, thướt tha, xoã tóc dài chạy xe đạp đến trường. Cũng nơi đó, những cô giáo, những người mẹ thứ hai của các học sinh, nhẹ nhàng đón tiếp những đứa con của mình trước giờ vào học trong chiếc áo dài mới thực sự toát lên vẻ đằm thắm, và thương yêu.

Trong những dịp lễ Tết, chiếc áo dài lại thêm một lần nữa thấp thoáng trên các ngã tư đường phố, cùng hoa va cảnh sắc của trời mới đất mới, khoe sắc ngày Tết. Áo dài giữa phố đông chật chội người và xe, ồn ào náo động, làm dịu lại cảnh sắc và làm mát lại những hồn người, làm cho ai đó phải quay lại ngắm nhìn dù chỉ một lần, dịu đi cái khó chịu và u uất vốn có trong bản tính mỗi con người bận rộn.



Ngược dòng lịch sử, riêng thành phần trí thức, quan lại, nho sinh người Việt từ Thuận Quảng vào Gia Định vào thế kỷ XVIII-XIX, thường mặc chỉnh tề trong trang phục quần trắng, áo dài đen, bới tóc, đội khăn đóng, đi hài. Còn áo của phụ nữ mặc thì dài hơn nam giới và đội nón ba tầm. Đó là kiểu áo dài năm thân mà vạt trước và vạt sau được nối dọc bởi hai mảnh vải, và vạt trước còn may thêm một miếng vải cho vùng ngực bên phải gọi là vạt con (đủ năm mảnh, nên gọi là áo năm thân). Quanh cổ may vải lót cho áo được bền, gọi là “lá sen”. “Một đặc điểm là thời đó chiếc áo dài của người Kinh được xem là “quốc phục” của cả hai phía nam và nữ đều không khác nhau bao nhiêu về kiểu may, độ rộng, chất liệu vải… khiến nhiều người nước ngoài rất bỡ ngỡ.”[1]

Trải qua hàng trăm qua, biết bao nhiêu thăng trầm đã diễn ra trong cuộc sống, nhưng với đạo Công giáo, các Thánh Lễ của đạo bao giờ cũng phải tổ chức thật tôn nghiêm, bởi “Thánh Lễ là hy tế cảm tạ Chúa Cha, là lời chúc tụng Hội Thánh dâng lên bày tỏ lòng biết ơn vì tất cả những phúc lành Thiên Chúa ban, tất cả những gì Người đã thực hiện qua việc sáng tạo, cứu chuộc và thánh hoá con người.”[2]

Thánh Lễ của đạo Công giáo có tầm quan trọng như vậy, cho nên đạo luôn có những lời nhắn nhũ tín đồ khi đến dự Thánh Lễ hãy chọn loại trang phục phù hợp nhất: “Ý thức việc đến nhà thờ để dâng lễ và thờ phượng Chúa nên chúng ta cần ăn mặc cách thích hợp (không mặc áo sát nách, quần short, đi dép 2 quai). Việc ăn mặc cách thích hợp là cách tỏ lòng kính thờ Chúa trong Nhà Tạm và tôn trọng tha nhân, những người cùng đi dâng lễ với chúng ta.”[3]

Dường như đạo Công giáo, cho đến nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể về loại hình trang phục của tín đồ, nhất là tín đồ nữ, khi tham dự Thánh Lễ tại nhà thờ. Thế nhưng, chính các nữ tín đồ của đạo Công giáo, trên trăm năm qua, đã chủ động chọn chiếc áo dài làm trang phục đi lễ cho mình: “Vào thập niên 1940, tại các xứ đạo hình như chỉ có hai màu chủ đạo: đen và trắng cho y phục áo dài cả nam lẫn nữ. Các cô gái áo trắng quần trắng hoặc đen, còn cánh nam quần trắng và áo dài đen hoặc trắng.”[4]

Xuyên qua hai cuộc chiến tranh ác liệt vào bậc nhất trong lịch sử 1945-1954 và 1954-1975 với nhiều hệ quả xã hội , nhất là tình trạng đói nghèo rất nghiêm trọng, nhưng những nữ tín đồ đạo Công giáo vẫn chọn chiếc áo dài làm trang phục mỗi khi đi dự lễ của đạo: “Mỗi Chúa nhật, các chị em Công giáo thường mặc áo dài đi lễ. Nhìn các bà, các cô, thướt tha trong bộ áo dài thật duyên dáng, quả là đẹp, vì người nào cũng chọn chiếc áo đẹp nhất để đến với Chúa.”[5]

Suốt quá trình hình thành và phát triển, có thể nói rằng chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam đã trải qua biết bao sự thăng trầm gắn liền với sự phát triển thịnh suy của xã hội Việt Nam. Chính những nữ tín đồ của đạo Công giáo đã trực tiếp đắc lực góp phần bảo tồn và phát huy chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam trong tất cả những Thánh Lễ của đạo hàng trăm năm qua.

Ngày nay, nhiều người đều biết rằng: “Chiếc áo dài Việt Nam hay kimônô của phụ nữ Nhật Bản vẫn luôn là nữ phục truyền thống được ưa chuộng và là biểu tượng của phụ nữ mỗi nước, nhưng nó lại chỉ được sử dụng trong một số dịp, như: ngày lễ, hội hè, cưới xin, hay trong một số nghề nghiệp nào đó.”[6]

Năm tháng qua đi, nhiều trang phục hiện đại dần phổ biến hơn. Nhưng áo dài vẫn lưu giữ trọn vẹn vẻ đẹp truyền thống dân tộc Việt Nam. Áo dài luôn là nét duyên dáng Việt. Nhìn thấy hình ảnh áo dài, bao trái tim xa quê hương vẫn thổn thức nghĩ về Việt Nam yêu thương xa nhớ.

Và “tính đến thời điểm hiện tại, tiếng Việt có 3 từ ngữ được công nhận trong Từ điển Oxford là: Ao dai, Pho và Banh mi (Áo dài, Phở và Bánh mì),”[7] để chúng ta tự hào rằng chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới đã đồng hành cùng sự phát triển của đạo Công giáo hàng trăm năm qua tại Việt Nam.



[1] Ngô Đức Thịnh, Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam (Hà Nội: NXB. Văn hoá Dân tộc, 1994), 79.

[2] “Lẽ sống: những điều nên và không nên khi tham dự Thánh Lễ”, truy cập ngày 28-03-2025, https://giaoxungoclam.net/le-song-nhung-dieu-nen-va-khong-nen-khi-tham-du-thanh-le/.

[3] “Lẽ sống: những điều nên và không nên khi tham dự Thánh Lễ”, truy cập ngày 28-03-2025, https://giaoxungoclam.net/le-song-nhung-dieu-nen-va-khong-nen-khi-tham-du-thanh-le/.

[4] Antôn Nguyễn Trường Thăng (29/11/2010), “Thương chiếc áo dài. Áo dài và người Công giáo Việt Nam đất Quảng”, truy cập ngà 28-03-2025. https://antontruongthang.wordpress.com/que-huong/th%C6%B0%C6%A1ng-chi%E1%BA%BFc-ao-dai-ao-dai-va-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-cong-giao-vi%E1%BB%87t-nam-d%E1%BA%A5t-qu%E1%BA%A3ng/.

[5] Phêrô Huy Hoàng, “Ao ước được mặc đẹp như thế!,” truy cập ngày 28-03-2025, https://tgpsaigon.net/bai-viet/ao-uo%CC%81c-duo%CC%A3c-ma%CC%A3c-de%CC%A3p-nhu-the%CC%81-70900.

[6] Ngô Đức Thịnh, Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, 239–40.

[7] TS. Hà Thanh Vân, “Áo dài Việt Nam, từ di sản văn hóa đến đời sống hiện đại,” truy cập ngày 28-03-2025, https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ao-dai-viet-nam-tu-di-san-van-hoa-den-doi-song-hien-dai-1262377.ldo.

Labels:
Học viện Thánh Anphongsô