Fiat - lời đáp trả hoàn hảo

 

FIAT- LỜI ĐÁP TRẢ HOÀN HẢO

 Phêrô Nguyễn Hải Nam, C.Ss.R.

Trong tất cả các thụ tạo hữu hình, chỉ con người có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa nên mình, chỉ con người được kêu gọi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.[1] Vì thế nhờ ân sủng, mỗi một người được kêu gọi dâng lên Ngài một lời đáp trả của đức tin và tình yêu, mà không ai có thể thay thế được. Và trong dòng lịch sử, Đức Trinh Nữ Maria là người thể hiện điều này cách hoàn hảo nhất ngang qua lời thưa “Fiat”.

Nhận biết và yêu mến cũng có nghĩa là đón nhận và đáp trả. Người đáp trả tình yêu trước hết phải là người biết mình được yêu. Tình yêu đó chính là Thiên Chúa. “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1,29). Lời chào của thiên sứ Gabriel có thể làm Đức Maria bối rối nhưng cũng nói lên được sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho Mẹ - Đấng được yêu mến và sủng ái. “Này bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vang vua Đavit, tổ tiên Người. Người sẽ trị vị nhà Giacop đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,33). Là một thiếu nữ Do Thái, Mẹ cũng mong ngóng, chờ đợi Đấng Messia mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân tộc của Mẹ. Vì thế, khi biết được kế hoạch Thiên Chúa đã định, linh hồn Mẹ ngợi khen Thiên Chúa, thần trí Mẹ hớn hở vui mừng. Và thái độ đon đả lên đường đi thăm bà Elisabeth đã lột tả hết niềm vui trào tràn nơi Mẹ. Để rồi, nơi căn nhà của bà chị họ, Mẹ đã xướng lên một trong những lời kinh chúc tụng tình yêu Thiên Chúa đẹp nhất trong Thánh Kinh - lời kinh Magnificat (x. Lc 1,46-55). Tình yêu mà Mẹ ca tụng rất cá vị và cụ thể. Ở làng Nadaret không có gì hay ho (x. Ga 1,46) mà Thiên Chúa - “Đấng Cứu Độ Mẹ” lại đoái thương phận nữ tỳ hèn mọn, để rồi từ nay hết mọi đời, Mẹ được khen là diễm phúc. Chúa Cha đã thi ân giáng phúc cho Mẹ hơn bất cứ loại thụ tạo nào khác, cho Mẹ hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần (x. Ep 1,3), Ngài đã chọn Mẹ từ trước trong Đức Kitô (x. Ep 1,4). Như là thiếu nữ Sion, Mẹ là đại diện rõ ràng nhất “những người nghèo của Thiên Chúa”. Các Anawim hay “số sót” này hằng cậy trông vào một mình Thiên Chúa.[2] Từ đó, Mẹ nhận ra được lòng quảng đại của Đấng Toàn Năng khi Người đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả: Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, ban của đầy dư cho kẻ đói nghèo. Và vị Thiên Chúa của Abraham, của Israel tôi tớ vẫn hằng trung tín từ đời nọ đến đời kia, Người vẫn nhớ lại lòng thương xót như đã hứa cùng cha ông của Mẹ. Lời hứa đó nay sẽ thành toàn nơi Mẹ qua lời loan báo của sứ thần.

Và để đáp trả lại ân tình và tín nghĩa Thiên Chúa đã dành, Mẹ Maria - Evà mới đã thưa lên “Fiat - xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”. Đây là lời đáp trả trọn vẹn và hoàn hảo trong tự do của Mẹ. Sở dĩ nó hoàn hảo bởi với lời thưa này, Mẹ đã bỏ ngỏ chính cuộc đời của mình cho Thiên Chúa. Khi thưa “xin vâng” Mẹ biết những hệ quả sẽ xảy đến với mình: bị nghi ngờ; mất danh dự, bị hôn phu Giuse từ bỏ, và thậm chí theo luật có thể bị ném đá. Nhưng “tình yêu hoàn hảo loại trừ sự sợ hãi” (1Ga 4,18). Mẹ tin vào Thiên Chúa “Đấng không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Tình yêu cũng không phải là một cảm xúc nhất thời nhưng là một chọn lựa trong trách nhiệm và trung tín. Vì thế tiếng Fiat đã được Mẹ thưa lên trong suốt cuộc đời. Không chỉ trong biến cố truyền tin, mà còn khi hạ sinh Chúa Giêsu nơi hang Belem, khi đưa con trốn sang Ai Cập, Mẹ đã thưa tiếng Fiat liên tục dù không hiểu. Mẹ tin vào kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa. Mẹ cũng đã suy đi gẫm lại lời tiên tri của cụ già Simêon trong ngày dâng con trong đền thờ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Để rồi, nơi đỉnh đồi Canvê, một lần nữa Mẹ lại thưa lên tiếng Fiat trọn vẹn và trung kiên trước thánh ý của Chúa Cha khi chứng kiến con mình chịu treo trên thập giá. Mẹ đã chịu khổ cực với Người Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra.[3] Như vậy, từ Nadaret đến Belem và cuối cùng nơi đồi Canvê, Mẹ đã hoàn toàn hành động như lời thưa: “vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”.

Với xác tín mạnh mẽ vào tình yêu của Thiên Chúa, cùng với sự đáp trả bằng cách hiến trọn cuộc đời cho thân thế và sự nghiệp của Đức Kitô, Mẹ Maria thực sự là mẫu gương cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) - những người được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và trợ lực, dùng mọi nỗ lực để đạt tới sự hiến thân trọn vẹn. Qua Đức Kitô, họ nhắm tới việc trở nên lời đáp trả cho Thiên Chúa “Đấng đã yêu thương họ trước” (1Ga 4,10). Họ diễn tả lời đáp trả này trong việc tuyên các lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục (x. HP 56). Sở dĩ Đức Maria cảm nghiệm được sâu sắc và đáp trả tình yêu Thiên Chúa bởi Mẹ hằng suy đi gẫm lại trong lòng các biến cố xảy ra (x. Lc 2,19). Cũng vậy, các tu sĩ DCCT được mời gọi mang lấy nơi mình lời khuyên của Đức Kitô Cứu Thế “Anh em phải cầu nguyện luôn và đừng nản chí” (Lc 18,1), họ vun trồng tinh thần chiêm niệm (x. HP 24), được nuôi dưỡng bởi giáo huấn của Tin Mừng và Phụng Vụ thánh đặc biệt là bí tích Thánh Thể (x. HP 27). Nhờ đó, họ có thể nhận thấy Thiên Chúa trong con người và trong những biến cố hằng ngày, nhất là trong chính cuộc đời họ (x. HP 24). Vị Thiên Chúa đó trung tín và quảng đại, đầy sáng kiến đã thi thố tình yêu của Ngài cách cá vị đối với họ. Cũng như Đức Maria đã thưa lên tiếng Fiat với Thiên Chúa từ Nadaret đến Belem và cuối cùng nơi đồi Canvê qua việc đồng hành với Đức Kitô và mầu nhiệm cứu chuộc của Ngài như một nữ tỳ của Chúa (x. HP 32), các tu sĩ DCCT cũng dễ dàng thuần phục đối với Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động không ngừng làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, để họ có được những tâm tư tình cảm như Đức Kitô (x. Pl 5, 5tt) và nên một lòng một trí ý với Ngài (x. HP 25), tham dự vào sự bỏ mình của Đấng chịu đóng đinh (x. HP 51), vì vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ trần gian, vì tình yêu đối với Thiên chúa và tình yêu dành cho con người (x. HP 53).

Như vậy, bằng tiếng Fiat trong suốt cuộc đời, Mẹ Maria đã thực thi ơn gọi nhận biết và yêu mến Thiên Chúa cách trọn vẹn. Và cho đến nay, Mẹ vẫn đang không ngừng thực thi điều này như là Đấng hằng cứu giúp dân Thiên Chúa trong Đức Kitô. Thế nên, Mẹ là gương mẫu và là vị bảo trợ cho các tu sĩ DCCT và những ai mong mỏi được hiến mình cho Thiên Chúa và công trình cứu chuộc của Người. Vì thế, họ hãy gắn bó với Mẹ như mẹ của mình với tất cả lòng yêu mến và sự tôn kính mà họ phải có như những người con (x. HP 32).




[1] X. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 356.

[2] Anthony M. Buono, Các danh hiệu cao cả của Đức Maria, G.M. Lê Thanh Thiện Đạt C.Ss.R. chuyển ngữ, 75.

[3] Lumen gentium, số 58.

FIAT- LỜI ĐÁP TRẢ HOÀN HẢO

Học viện Thánh Anphongsô