Thánh cả Giuse – con người thuộc trọn về Thiên Chúa


Thánh cả Giuse - con người thuộc trọn về Thiên Chúa

Giuse Ngô Đức Cường

Như hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời, thánh Giuse cũng luôn hướng về phía Thiên Chúa để lắng nghe, để đón nhận và chu toàn thánh ý của Người. Nhờ đó, ngài đã trở thành một tôi tớ tuyệt hảo và thuộc trọn về Thiên Chúa. Vậy đâu là là yếu tố chính yếu đã giúp thánh nhân có thể quy hướng về Thiên Chúa cách hoàn toàn? Đó là: Vâng Phục, Khó Nghèo và Thanh Khiết.

THÁNH GIUSE  CON NGƯỜI VÂNG PHỤC

Kinh Thánh gọi thánh Giuse với tước hiệu: Người Công Chính. Trong Cựu Ước, sự công chính là một phẩm chất dùng để định nghĩa những người sống đẹp lòng Thiên Chúa qua việc tuân giữ lề luật của Người.[1] Sự vâng phục căn bản nhất của thánh Giuse cũng được thể hiện qua thái độ tuân giữ lề luật của Thiên Chúa. Là một hậu duệ thuộc dòng dõi vua Đavít và các tổ phụ, chắc hẳn, thánh Giuse đã được thấm nhuần tinh thần thượng tôn lề luật Thiên Chúa từ tổ tiên mình. Có thể nói ngài coi luật lệ như lẽ sống của bản thân. Đồng thời, ngài cũng coi việc chu toàn lề luật như là phương cách tốt nhất để diễn tả lòng kính sợ Thiên Chúa. Vì thế, ngài đã vâng phục và tuân giữ cẩn tắc mọi điều luật dạy. Thánh Kinh minh xác điều này cách rõ nét hơn qua những sự kiện: cắt bì cho con trẻ, dâng Hài Nhi trong Đền Thờ và tham dự lễ Gia Liêm (x. Mt 2, 21-41). Điều đáng ngạc nhiên hơn là thánh Giuse còn vâng phục cả luật lệ dân sự. Trong biến cố kiểm tra dân số do hoàng đế Augustô phát động, thánh Giuse và Đức Maria đã vội vã từ Nazarét lên Giêrusalem để khai sổ bộ (x. Lc 2, 1-5). Điều này cho thấy ngài đã ý thức sâu xa được một điều: mọi quyền lực chân chính đều đến từ Thiên Chúa. Quyền lực này được ban từ trên xuống để bảo vệ và mưu cầu công ích cho xã hội. Do đó, ngài đã không ngần ngại chấp hành luật dân sự trong ý hướng làm hài lòng Thiên Chúa.

Không chỉ dừng lại ở việc thuận tuân lề luật, thánh Giuse còn vươn tới mức cao hơn là đón nhận và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Chiêm ngắm cuộc đời thánh Giuse trong Thánh Kinh, chúng ta thấy được ngài là một con người luôn lắng nghe và đón nhận Lời Chúa; ngay cả những điều trái ý nghịch lòng. Cụ thể trong biến cố Đức Maria mang thai, ngài đã cảm thấy hoang mang, thậm chí là lo sợ. Ngài định tâm bỏ bà cách kín đáo. Nhưng sau đó, ngài đã vâng lời sứ thần qua việc đón Đức Maria về nhà (x. Mt 1,19; 24). Rồi trong hai biến cố: đưa Hài Nhi và Mẹ Người lánh sang Ai Cập và trở về Nazarét, thánh Giuse còn thể hiện được thái độ vâng phục cách mạnh mẽ. Thánh Mátthêu chỉ rõ: ngài “liền trỗi dậy” và làm theo lời sứ thần (x. Mt 2, 14; 21). Thánh Giuse không chần chừ, không trì hoãn nhưng lập tức hành động. Đó là phong cách vâng phục của thánh Giuse. Ngài không muốn miễn cưỡng bước vào kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng ngài đã cộng tác một cách mau mắn và nhiệt thành trong kế đồ của Người. Ngoài ra, trong hai biến cố này, thánh Giuse còn vâng phục thánh ý Thiên Chúa vô điều kiện. Trước lệnh truyền của Thiên Chúa, ngài đã không yêu cầu sứ thần phải giải thích. Ngài cũng không đợi cho đến khi mọi chuyện ngã ngũ, sự thật được phơi bày rồi mới hành động. Trái lại, thánh Giuse đã ứng đáp bằng một thái độ hoàn toàn ngoan ngùy trước mầu nhiệm thẳm sâu của Thiên Chúa bằng cách đón nhận và thi hành. Làm sao ngài có thể làm được điều tuyệt vời này nếu như ngài không có một đức tin mãnh liệt và một sự vâng phục tuyệt đối vào Thiên Chúa?

Đáng nói nhất là tinh thần vâng phục trong thinh lặng của thánh Giuse. Xuyên suốt Phúc Âm, chúng ta không thấy có đoạn hội thoại nào của thánh nhân. Ngay cả trong biến cố tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ, ngài vẫn giữ sự thinh lặng và nhường lời cho Đức Maria chủ sự (x. Lc 2, 46-49). Rồi khi đối diện với câu nói có vẻ khó hiểu của Đức Giêsu: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49), thánh Giuse vẫn chỉ giữ một thái độ tương tự. Có thể ngài không thấu trọn ý nghĩa câu nói của Chúa nhưng thái độ giữ thinh lặng đã làm lộ rõ sự kính trọng và vâng phục sâu xa của ngài đối với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Ngài nhận thức được: mình phải nhỏ đi để Con Thiên Chúa được lớn lên. Đối với thánh Giuse, điều tối cần là thánh ý Thiên Chúa được thành toàn chứ không phải tiếng nói của bản thân. Nhờ nhận thức này mà hơn ba mươi năm sống dưới mái nhà Nazarét, thánh Giuse mới có thể vâng phục thánh ý Thiên Chúa cách trung thành qua việc gìn giữ bảo vệ Đức Maria và Chúa Giêsu; nhất là trong việc dưỡng dục Hài Nhi.

Đó là con người thánh cả Giuse – một con người luôn vâng phục Thiên Chúa cách tuyệt đối.

THÁNH GIUSE – CON NGƯỜI KHÓ NGHÈO

Nghề nghiệp của thánh Giuse cho chúng ta biết ngài là một người nghèo. Tin Mừng đã minh họa cảnh khó nghèo của ngài sắc nét hơn khi ở Đền Thờ: thánh Giuse chỉ có khả năng dâng hai con chim bồ câu hoặc một cặp chim gáy thay vì cừu chiên như bao người khá giả khác (x. Lc 2, 24). Tuy thánh Giuse là một người nghèo thực sự về mặt hiện sinh nhưng chỉ sự nghèo đó mới làm cho ngài xứng đáng hơn với Đức Giêsu (Đấng giàu có đã chấp nhận nghèo để chúng ta được phồn thịnh phong nhiêu) (x. 2Cr 8,9). Cũng chính cái nghèo này làm cho máng cỏ Bêlem nên hữu giá với chúng ta; vì Thiên Chúa đã muốn nó trở thành sự nghèo khổ của Đức Giêsu.[2]

Hơn cả sự khó nghèo về đời sống vật chất, thánh Giuse còn vươn tới sự nghèo khó trong tâm hồn. Vậy tâm hồn nghèo khó của thánh Giuse nằm ở điểm nào? Đó là ngay trong cảnh thiếu thốn vật chất của mình, ngài vẫn ý thức được sự trống rỗng nhân loại nơi bản thân và chỉ đặt niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.[3] Quả thật thánh Giuse đã kết hợp hài hòa giữa sự nghèo khó với đức tin cùng sự khiêm nhường. Điều đó đã khơi lên trong ngài niềm cậy trông mãnh liệt vào một Thiên Chúa giàu lòng xót thương – Đấng có thể định liệu mọi sự cho mọi người. Đồng thời, điều đó cũng giúp ngài đạt đến đỉnh cao của sự khiêm hạ: nơi đó ngài nhận ra mình trắng tay, không sở hữu bất cứ điều gì và cần phải hoàn toàn lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa.[4] Đó là một sự khó nghèo đặc biệt tiềm ẩn nơi tâm hồn thánh Giuse.

Tiếp nữa, qua nhiều giai đoạn trong Cựu Ước, hẳn thánh Giuse đã kinh nghiệm được những hoa trái mà sự nghèo khó đem lại. Vậy nên, ngài đã đón nhận sự túng nghèo với nụ cười. Ngài coi cảnh nghèo của bản thân như một quà tặng đến từ Thiên Chúa và như một phương tiện để kết hợp mật thiết hơn với Người. Nơi món quà đó, thánh Giuse đã khám phá ra lời mời gọi của Thiên Chúa – Lời khiến cho ngài dám liên lụy đến sự nghèo khó và vượt qua nó. Thánh Giuse đã nắm bắt được ý nghĩa siêu nhiên ẩn tàng trong sự nghèo khổ. Nên ngài đã tách mình ra khỏi của cải trần gian và hướng lòng trí lên cao để truy tìm của cải Nước Thiên Chúa. Như thế, sự nghèo khổ đã giải thoát ngài khỏi sự ham muốn chạy theo tiền tài tiện nghi.[5] Đối với ngài, kho tàng duy nhất khiến ngài phải hy sinh cả đời để tìm kiếm chính là Nước Trời. “kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” ( Lc 12,34). Thánh Giuse kinh nghiệm rõ một điều rằng: chỉ có một kho tàng duy nhất có thể làm thỏa mãn con người: Thiên Chúa. Bởi vậy, ngài chấp nhận nghèo là để đạt được kho tàng này. Ngài cảm thấy hạnh phúc khi được chiếm hữu Thiên Chúa qua sự Nghèo khổ. Và như thế, điều thánh Giuse đạt được qua sự nghèo khó không chỉ là Nước Trời nhưng trước hết là Đấng Cứu Thế - Con trai của ngài.[6]

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Đây chính là cái phúc nghèo của thánh cả Giuse - cái phúc đã giúp ngài chiếm được Thiên Chúa và thuộc trọn về Người.

THÁNH CẢ GIUSE – CON NGƯỜI THANH KHIẾT

Nói đến sự thanh khiết của thánh Giuse, trước tiên ta phải khẳng định đây là một ân sủng Thiên Chúa ban cho ngài. Ân sủng này làm cho ngài xứng đáng làm phu quân của Đức Trinh Nữ Maria. Đồng thời, nó cũng giúp ngài có được sự thanh khiết hoàn toàn trong tâm hồn và trong cách ứng xử. Qua Kinh Thánh, ta có thể thấy thánh Giuse không bao giờ có một tiếp xúc thiếu tinh tế nào với hiền thê mình. Trái lại, ngài luôn sống chuẩn mực và giữ sự tinh tế nhất trong mối tương quan với Đức Maria.[7] Như bao bạn trẻ khác, thánh Giuse và Đức Maria cũng có ước muốn căn bản của con người là hướng đến một sự kết hợp vợ chồng. Nhưng có một sự khác biệt lớn ở đây là các ngài đã tự nguyện bước vào một cuộc kết hợp đồng trinh nhiệm mầu. Trong sự kết hợp này, thánh ý Thiên Chúa được quảng diễn trọn vẹn. Vì thế, sự kết hợp này đã được xem như biểu hiện cao quý nhất của tình yêu hôn nhân. Khi thiên thần yêu cầu thánh Giuse đón Đức Maria về nhà với tư cách là vợ chính thức, ngài biết chắc sự kết hợp thanh khiết này đáp ứng với thánh ý Chúa. Cùng lúc, ngài cũng hiểu để sống chung với Đức Maria ngài cần phải kiên trì trong sự trinh khiết. Ngài phải vượt lên những ham muốn trần tục có nguy cơ gây phiền toái và bóp nghẹt tình yêu mầu nhiệm này. Ngài cần phải đặt thân xác vào đúng định mệnh của nó và chỉ dùng nó để làm nổi bật vẻ đẹp của linh hồn.[8] Nhờ nhận thức này mà thánh Giuse đã biết cách gìn giữ và phát triển niềm hạnh phúc vững chắc hơn từ sự kết hợp của tâm hồn.

Khía cạnh đáng khâm phục nhất của sự kết hợp thanh khiết giữa thánh Giuse và Đức Maria là tính phong nhiêu của nó. Sự thanh khiết của thánh Giuse đã hợp pháp hóa tư cách làm cha đẹp đẽ nhất bằng ân sủng tuyệt hảo của Thiên Chúa. Vì là thanh khiết nên ngài có thể ban tình phụ tử thanh sạch hơn cho con trẻ Giêsu (Đấng là cội nguồn tinh tuyền). Nếu tình yêu thanh khiết đã nâng cao tình yêu của người chồng thế nào thì nó cũng nâng cao tình yêu của người cha như thế. Nó còn cho phép ban nhiều hơn nữa tình yêu kính nhiệm của tâm hồn với sự cao thượng và vô vị lợi hơn. Thánh Giuse đã chứng thực rằng: một tâm hồn càng trong trắng thì càng có một tình phụ tử giống với tình yêu Chúa Cha hơn.[9]

Tóm lại, thánh cả Giuse là một con người thanh sạch. Qua lăng kính của sự thanh khiết, ngài đã được nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền nơi Hài Nhi ngài đang ẵm trên tay. Nơi Hài Nhi, Thiên Chúa đã hiện diện và hiến mình cho ngài (một con người tinh khiết như hoa huệ).

Tắt một lời, qua đức vâng phục, khó nghèo và thanh khiết, thánh Giuse đã chiếm được kho tàng vô giá: Nước Trời - Đấng Cứu Thế. Qua ba nhân đức ấy, Ngài đã hiến đời của mình cho Thiên Chúa và kế đồ cứu độ của Người. Nhờ đó, ngài được thuộc trọn về Thiên Chúa. Như thế, Thánh Giuse thật là một tấm gương sáng đáng để mọi Kitô hữu noi theo; nhất là đối với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT). Là một tu sĩ DCCT, chúng ta cũng được mời gọi bắt chước thánh nhân trong việc hiến mình cách đặc biệt cho Thiên Chúa và sứ vụ của Người. Việc hiến mình này được cụ thể qua việc tự nguyện sống triệt để ba lời khuyên Tin Mừng và theo gương Chúa Cứu Thế trong việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó; nhất là những người bị bỏ rơi hơn cả (x. HP 1, 2). Làm được như thế, chúng ta sẽ là những thừa sai thuộc trọn về Thiên Chúa và là những chứng nhân cho ơn cứu chuộc chứa chan của Người (x. HP 7).



[1] x. Jean Galot, Thần học Thánh Giuse, Thiên Hựu và Kim Ngân chuyển ngữ (Sài Gòn: NXB. Phương Đông, 2016), 109.

[2] x. Ibid., 132.

[3] x. Ibid., 134.

[4] xIbid., 134.

[5] x. Ibid., 135.

[6] x. Ibid., 137.

[7] xIbid., 139.

[8] xIbid., 140.

[9] x. Ibid., 143.

Thánh cả Giuse - con người thuộc trọn về Thiên Chúa

Học viện Thánh Anphongsô