100 năm - một cột mốc lịch sử, một khởi đầu mới



 Laurensô Đinh Hoàng Long, C.Ss.R.


Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)

Đó là lời sai đi của một người đã được sai đi. Chúa Giêsu thực sự là một nhà thừa sai truyền giáo của Chúa Cha. Người vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ mọi vinh quang để mặc lấy thân phận nô lệ như một người trần cùng hạ mình mà vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên Thập Giá (x. Pl 2,6) để đem ơn cứu độ và công bố tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Tiếp tục, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Người cũng hãy ra khỏi sự an toàn, ra khỏi những sợ hãi, yếu đuối để đem Tin Mừng cứu độ đến cho muôn dân, cho những người nghèo hèn, bị áp bức (x. Lc 4,18).

Lời mời gọi ấy đã vang vọng lên trong trái tim của 3 vị thừa sai Canada. Tiếng gọi của Chúa Cứu Thế ngang qua Hội Thánh, nhà Dòng đã thúc giục các ngài đáp trả lên đường truyền giáo tại đất nước Việt Nam miền Đông Dương xa lạ, cùng các vị thừa sai và sinh viên khác tiếp bước sau đó. Các vị thừa sai đã can đảm bỏ đi công việc, nhiệm vụ tại Tỉnh Mẹ còn non trẻ và đang khó khăn, từ bỏ sự an toàn, tiện nghi nơi Canada văn minh, hiện đại mà ra đi đến một đất nước lạc hậu, xa xôi và đầy rẫy những rủi ro, nguy hiểm của chiến tranh, bách hại… Từng bước một, các thừa sai bắt đầu giảng cấm phòng cho hàng giáo sĩ, mở các cuộc Đại Phúc để củng cố đức tin cho giáo dân, mở trường học, dấn thân đến với người nghèo… Song song, các ngài xây dựng các cơ sở cộng đoàn, thiết lập hệ thống quản trị và hướng đến việc đào tạo lớp trẻ kế thừa. Các thừa sai Canada đã đem hết khả năng, sức lực và cả sự hy sinh để phục vụ Giáo Hội Việt Nam cũng như để xây dựng Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) với một lòng yêu thương dân tộc, đất nước hình chữ S này, nơi mà các ngài xem như quê hương thứ 2 của mình. Từ đó, DCCT Việt Nam ngày một phát triển không chỉ với cơ cấu quản trị, các cộng đoàn được thành lập, công việc sứ vụ đa dạng mà còn bởi đông đảo lớp tu sĩ Việt Nam tiếp nối. Lớp tu sĩ Việt Nam ấy được thừa hưởng từ những người thầy Canada nền giáo dục tiên tiến, tinh thần hăng say nhiệt thành và truyền thống, di sản của nhà Dòng, dần dần đảm nhận điều hành Tỉnh DCCT Việt Nam.

Biến cố lịch sử 30/04/1975 đã đẩy các nhà thừa sai Canada ra khỏi Việt Nam. Anh em tu sĩ Việt Nam tự mình đương đầu với những thay đổi của thời cuộc. Thật vậy, nhà Dòng khi ấy rơi vào tình thế cực kì khó khăn, do sự mất mát cơ sở vật chất cùng với thiệt hại về nhân sự bởi bị tù đày, bách hại, xuất ngoại hay về đời. Anh em phải ly tán mỗi người một ngả, bị kìm hãm trong các hoạt động mục vụ loan báo Tin Mừng… Nhưng Chúa vẫn bảo vệ cây nho tay hữu Chúa vun trồng. Với sự lãnh đạo của Chúa Thánh Thần ngang qua các vị Giám Tỉnh, các tu sĩ DCCT vẫn kiên vững trung thành với ơn gọi, sứ mạng. Từ đó, Hội Dòng được vực dậy, hồi sinh, thích ứng với thời cuộc, tiếp tục sứ mạng với những sáng kiến táo bạo và tổ chức lại công việc đào tạo. Cây nho DCCT Việt Nam đã không lụi tàn nhưng ngày một phát triển, lan rộng đến mọi miền với 30 cộng đoàn cùng 378 anh em (2024) đang đảm đương những trách nhiệm khác nhau mà Chúa trao phó ngang qua nhà Dòng. Cùng với đó là sự khao khát đáp trả lời mời gọi nơi Thầy Chí Thánh trong ơn gọi tu sĩ DCCT của biết bao bạn trẻ.

Hướng đến 100 năm DCCT hiện diện trên quê hương Việt Nam không chỉ là việc nhắc nhớ, hồi tưởng và tỏ lòng biết ơn với những hy sinh vất vả của những thừa sai Tỉnh Mẹ cũng như bao bậc cha anh đi trước, nhưng đây còn là cơ hội để thế hệ trẻ, cách riêng là anh em tập sinh chúng con, nhìn nhận tiếp thu, thấm nhuần linh đạo của nhà Dòng và tiếp tục dòng chảy đó qua việc sống ơn gọi tu sĩ DCCT ngày hôm nay, trước sự thay đổi của thời đại với những thách thức mà xã hội đặt ra.

Ngày nay, thế giới cần những tu sĩ biết cầu nguyện. Cho nên, tu sĩ DCCT phải là những người có đời sống cầu nguyện, tương quan mật thiết với Chúa. Từ đó, họ nhận thấy Thiên Chúa trong con người và trong những biến cố hằng ngày để đến với tha nhân (x. HP 24). Cùng với Giáo Hội hướng đến sự hiệp hành, một Giáo Hội truyền giáo vươn ra những vùng ngoại biên, các tu sĩ DCCT dấn thân trở nên người tiên phong trong những công việc khó khăn, khẩn thiết, đến với những người cần sự giúp đỡ thiêng liêng hơn cả (x. HP 4). Điều này đòi hỏi người trẻ phải biết đi ngược dòng với thế giới hiện đại, đầy những khuynh hướng, trào lưu vô văn hóa, hưởng thụ để sống một cuộc sống thực sự nghèo và tương hợp với người nghèo, trở nên mọi sự cho họ (x. HP 65).

Trong một thế giới bị tổn thương bởi sự ganh đua quyền lực, lợi ích, danh vọng, địa vị dẫn đến các cuộc xung đột, chiến tranh, áp bức bất công, tu sĩ DCCT không được giả điếc làm ngơ nhưng dám lên tiếng cho sự thật, liên đới với người nghèo, bảo vệ người bị áp bức, đứng về phía người bị bỏ rơi hầu có thể đem lại sự giải phóng và ơn cứu độ toàn diện của Thiên Chúa cho con người  (x. HP 5). Và còn nhiều thách đố, khó khăn khác đòi hỏi tu sĩ trẻ tiếp nối phải nhạy bén đọc ra những dấu chỉ thời đại (x. HP 43), cùng việc trau dồi đầy đủ kiến thức cần thiết, kinh nghiệm thực tiễn về thế giới cũng như sự cộng tác trong Hội Thánh để có thể “dấn thân cách tự tin vào cuộc đối thoại với thế giới trong tinh thần thừa sai” (HP 19).

Một trăm năm, một cột mốc lịch sử, một chặng đường đã qua và sẽ còn chặng đường phía trước với những cột mốc khác. Dù quá khứ thăng trầm đầy đau thương, dù hiện tại đầy khó khăn với những thách đố của thời đại và dù tương lai phía trước còn mù mờ giữa những cái đã là, quen thuộc và cái sẽ là, chưa biết thì tỉnh DCCT Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đứng vững và lớn mạnh nếu mỗi tu sĩ luôn trung thành với ơn gọi, sứ mạng mình đã lãnh nhận. Như thế, dòng máu của Chúa Cứu Thế từ Cha Thánh Anphongsô, qua bao thời kỳ, vẫn sẽ tiếp tục chảy đến những thế hệ mai sau và cho đến tận thế, để đem Ơn Cứu Chuộc chứa chan nơi Đức Kitô vượt qua mọi rào cản, biên giới để đến mọi nơi chân trời góc biển, đến với từng linh hồn tất bạt.

100 năm - một cột mốc lịch sử, một khởi đầu mới

Học viện Thánh Anphongsô