Hội thảo: 100 năm DCCT với sứ mạng loan truyền Lời Chúa



 

+

Hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ

trong Thánh Lễ an táng Đức Thánh Cha Phanxicô

(lúc 10:00, thứ Bảy, 26/4/2025, giờ Rôma)


Ngược dòng lịch sử:

ÍT LỜI THANH MINH
CÙNG ĐỘC GIẢ QUYỂN TÂN ƯỚC

LM. Yuse Nguyễn Thế Thuấn, C.Ss.R (1922–1975)

 

Trích Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 4/1965,

488-491.506-507.

 Do Chú Nguyễn Công Bình (X 5/2024)

thuộc Hội Cựu Đệ tử DCCT San Jose đánh máy lại.

Xin thành kính tưởng nhớ Chú Bình.

Học viện thánh Anphongsô hiệu đính (4/2025).

 


Nhiều độc giả đã mong chờ hỏi tin về quyển Tân Ước, Tạp chí Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã báo tin hơn một năm rồi. Nay nó được ra chào đời. Nó sinh ra được cũng đã là một cái may. Vì tưởng chừng nó cũng đã chết nghẻo lúc còn trứng nước. Nó ra đời nhưng cũng khá què quặt. Độc giả thấy đằng cuối sách một chuỗi dài dằng dặc những câu đính chính ắt cũng lấy làm ngán. Đó là một điều chẳng may, và dịch giả xin chư vị hết thảy lấy đại lượng mà châm chước cho. Nói trắng ra thì phải thú thật rằng đã có sự bất đồng ý kiến giữa nhà xuất bản và dịch giả, tuy rằng ai cũng muốn đạt đến trọn lành.

Trước lúc độc giả mở sách ra, dịch giả xin có mấy lời trình bày những nguyên tắc mình đã theo trong công việc, mong độc giả thông cảm với.

Dịch giả hèn hạ này được diễm phúc làm con của Hội Thánh thời không lấy phương châm nào hơn là những lời của Đức Piô XII trong Thông điệp Divino Afflante Spiritu, tức là một hiến chương cho công việc chú giải Công giáo. Điều ngài dạy đã hướng dẫn dịch giả, chứ không phải một sở thích lập dị nào khác. Và cũng vì đó mà dịch giả không thể lĩnh nhận lấy những lời chỉ giáo khác do tự hảo tâm thiện chí thật, nhưng không hẳn là phù hợp với chính lời dạy của Thông điệp:

Sau khi đã chuẩn bị đàng hoàng, là học biết các tiếng cổ ngữ, và dự bị sẵn những lợi khí của nghệ thuật bình luận, nhà chú giải Công giáo hãy tra tay vào phận việc này – phận việc tối thượng giữa hết các phận việc ký thác cho mình – tức là tra tầm cho ra và trình bày ý nghĩa chân chính của Sách Thánh.

Trong khi thi hành công việc đó, nhà chú giải phải luôn luôn có trước mắt cái lớn lao nhất giữa vạn sự phải lưu tâm, tức là nhận ra, vạch ra ý nghĩa của lời Kinh Thánh mà người ta gọi là tự nghĩa. Tự nghĩa đó, họ phải hội ra với tất cả sự thận trọng phải có, nhờ sự hiểu biết ngôn ngữ, căn cứ vào mạch lac, và hiệu đính với các đoạn song song” (Enchiridion Biblicum, số 550).

Chiếu theo nguyên tắc Hội Thánh đã ra, dịch giả chỉ nhắm mục đích là làm sao có một bản dịch xác đáng, trung thành được chừng nào hay chừng ấy. Dịch giả không muốn làm một bản dịch thích nghi cho độc giả ngày nay, cũng không phải là phóng dịch để hội ra ý nghĩa đạo đức thần học. Dịch giả thâm tín rằng các sách Tân Ước chưa thành một hệ thống thần học, chưa có một thuật ngữ thần học; tư tưởng đầy nhựa sống, nhưng cũng như nước thanh trong bọt trắng phau đang phun ra từ mạch chưa có dòng sông uốn thẳng. Dịch giả nói vậy không có ác ý chỉ trích những phương pháp dịch thuật khác hữu ích có khi nhiều hơn, thích ứng hơn vói hạng người này hay hạng người khác.

Điều dịch giả muốn là lấy chính bản Hy Lạp mà dịch. Bản đó là bản duy nhất thực sự là lời Kinh Thánh có thần hứng; một điều mà không có bản nào khác có thể có, cho dẫu người ta dịch tài tình đến đâu đi nữa[1] hay là đã được dùng lâu đời trong Hội Thánh như bản Latin gọi là bản Phổ thông (Vulgata).[2]

Dịch giả hằng cố đi sát với văn bản xét là cựu trào của nguyên văn, hay được các nhà bình luận coi là chính gốc. Công việc dựa trên những kết quả của môn bình luận văn bản hiện đại. Việc bình luận này có mục đích đạt thấu câu văn như lọt khỏi tay tác giả đầu tiên – ít ra lý tưởng là thế. Cái nạn “tam sao thất bản” là một sự thường tình, nhất là xưa kia mọi sách vở đều phải chép tay. Một đoạn văn khi qua nhiều tay chép lại, ắt nhiều khi đã ra lu mờ, hay có khi mất dạng nữa, bởi người chép khi thì quên điều này, khi lại viết thêm, hoặc không có ý, hoặc cũng có ý nữa. Bản dịch này cống hiến cho độc giả nhàn lãm những điều dịch giả đã chọn, nhưng cũng không muốn giấu độc giả những câu văn khác có thể đọc được trong những thủ bản thời xưa, và nay còn nhiều nhà bình luận vẫn giữ, và có khi khoa bình luận tiến triển hơn nữa có thể bắt mọi nhà chú giải phải theo.

Văn bản đã chọn rồi, thì đến công việc phiên dịch.

I. VIỆC PHIÊN DỊCH

Việc phiên dịch tựu chung có hai: hiểu nguyên văn, và chuyển tất cả ý nghĩa qua tiếng Việt.

Nguyên tắc đó không có gì lạ. Nhưng người ta có thể áp dụng rất khác nhau.

1. Hiểu nguyên văn

Tiếng dùng là tiếng một thời, của một người nhất định trong một xã hội nào đó. Vậy phải cố gắng như lời Đức Piô XII dạy: Trở lại bằng tinh thần trong các thế kỷ xa xăm đó. Ngài lại dạy điều đó là một sự nhất thiết phải làm: “Omnino oportet mente quasi redeat interpres ad remota illa Orientis saecula” (Enchiridion Biblicum, số 558), để hiểu văn bản như những người đã soạn ra và độc giả tiên khởi đã hiểu. Nghĩa là không được hiểu như người đời sau đã hiểu sau bao nhiêu phát triển về thần học, đạo lý, cũng như đời sống thiêng liêng đạo đức. Muốn thế thì phải biết từ ngữ, mẹo luật, công thức, xã hội, văn hoá của thời xưa. Và trong việc hiểu tư tưởng, thì phải chú trọng đến những điều mà người ta thường không quan tâm, nhất là tư tưởng Á Đông chúng ta có khi không đặt tầm ý nghĩa đăc biệt; những chữ nối tư tưởng như: bởi vì, vậy, nếu, ngõ hầu, để, bấy giờ (theo nghĩa nối ý chứ không phải theo nghĩa thời gian). Rồi phải để ý đến những tiếng tác giả dùng một cách cố ý. Trong khi ấy, thì cho dẫu muốn đổi tiếng khác cho dễ nghe cũng đành phải ép bụng mà lặp lại.[3]

2. Chuyển qua tiếng Việt

Khi đã hiểu nguyên văn, thì chuyển qua tiếng Việt. Một việc khá phức tạp, vì không phải dịch từng chữ ra sao thì ra.

Nhiều khi người ta theo nguyên tắc: giữ lấy ý đừng nghĩ đến chữ. Nguyên tắc đó là nguyên tắc phóng tác chứ không còn là dịch văn nữa. Vì ngoài ý tưởng, một đoạn văn còn lắm điều khác để làm cho nó nên một đoạn văn có cá tính: văn có thể dùng tiếng sang trọng hay tiếng bình dân; câu văn có lúc điêu luyện, có lúc xoàng xĩnh; khi cắt gọn, khi dài hơi; khi xuôi chảy, lúc theo nhịp phách; có những kiểu người này dùng mà người khác không bao giờ dùng đến. Một bản dịch khả quan nếu chỉ doãn lại đúng ý mà lại bỏ ngoài các yếu tố kia, ắt phải nói là phóng tác, không thực là dịch nguyên văn. Lý tưởng và cũng là điều khó mà đạt đến được là bản dịch phải làm sao gợi lên cho độc giả hiện tại cái cảm tưởng mà độc giả tiên khởi đã có khi đọc nguyên văn. Họ phải cảm thấy đâu là thường, đâu là sang, đâu là bình dân, đâu là học thức.

Đây xin dẫn một vài thí dụ:

Mt 21:41, dịch giả đã để một tiếng có khi độc giả lấy làm lạ, một tục ngữ của ta “ác giả ác báo”. Thiết tưởng lời đó đã lột được cả ý lẫn lời của tác giả Tin Mừng Matthêô (Mt): tác giả đã láy đi láy lại những tiếng cùng một gốc, và kiểu nói đã gần như ngạn ngữ.[4]

I Corinthô 13:1, dịch giả viết: “Tôi chỉ là thanh la vang ngân, hay chũm choẹ chập cheng.” Dĩ nhiên cũng có thể viết “thanh la” “não bạt”. Nhưng dịch giả đã cố ý dùng bốn chữ “ch” vì đó là một cách bắt chước tiếng vang của thứ nhạc khí đó; một điều, đã có trong câu văn Hy Lạp của thánh Phaolô. Đàng khác “chập cheng” là kiểu tả, việc tụng kinh riêng của thầy pháp, một điều thánh Phaolô cũng ám chỉ đến; ngài ám chỉ đến những sãi của nữ thần Kybêlê , và có ý châm biếm những ngưới sính nói tiếng lạ tại Côrinthô, họ cũng không khác gì các sãi đánh kẻng bên láng giềng.[5]

Vậy điều đặc sắc của một nhà trước tác là ý tưởng. Nhưng cũng có những yếu tố riêng không thể liệt hàng ý tưởng, mà dịch giả nào muốn trung tín tất phải kính nể, được chừng nào hay chừng ấy. Người ta có thể dịch mọi ý tưởng, nhưng đổi hẳn câu kéo đi. Nội dung có khi toàn vẹn, nhưng thực sự người ta sẽ không còn giữ tư tưởng sống động của tác giả muốn gợi ra một tâm tình nào ngay trong việc dùng chữ hay đặt câu.

Phẩm sắc của tiếng dùng cũng nên đề cập đến. Vì cách dùng tiếng cũng lộ ra con người của một tác giả. Bản dịch này cũng muốn duy trì điều đó. Dịch một đoạn văn bình dân, tiếng Hy Lạp có vẻ cục mịch tầm thường, thành một trang tiếng Việt văn vẻ trau chuốt, ắt phải coi là không trung thành. Bởi đó, độc giả sẽ nhận ra lối văn dịch Tin Mừng theo thánh Marcô (Mc) có khác với lối văn của thánh Luca (Lc). Và một chỗ mập mờ để nảy ra hai nghĩa có thể có, dịch giả không được phép dứt khoát chỉ hướng về một chiều.[6]

Phúc Âm Nhất lãm và Thánh Yoan. Nhân tiện dịch giả cũng xin nói ít lời về việc dịch Tin Mừng Nhất lãm (tức là các Phúc Âm Matthêô (Mt), Marcô (Mc), và Luca (Lc). Bản dịch đã muốn làm sao độc giả khi muốn so sánh thì có thể nhận ra sự đụng chạm, những điều tương đồng giữa ba Phúc Âm. Xét chung về bản Tin Mừng Nhất lãm, dịch giả đã cố gắng làm cho độc giả có một cảm tưởng: cảm tưởng đầu tiên có lẽ là thiếu tôn kính. Cảm tưởng đó, xin độc giả cứ giữ lấy, đừng vội lên án bản dịch. Vì thiết tưởng còn có điều cao trọng hơn là tôn kính nữa. Chúng ta thường khó mà có một ý tưởng thành thực xác đáng về bản tính loài người nơi Chúa Yêsu. Mặc nhiên, chúng ta thường nghĩ về Ngài như Thiên Chúa hiện diện trong một thân xác, nơi một ý thức người ta. Ý thức nhân loại đó thực sự là một điều chúng ta không thể “suy bụng ta ra bụng Ngài” được, xin miễn chấp cho lời táo bạo đó: vì là một sự chắc thực về sứ mạng độc nhất do Thiên Chúa và về cả sự đồng nhất huyền bí với chính Thiên Chúa. Đó là một điều vượt quá ý nghĩ của chúng ta. Tuy thế, các sách Tin Mừng vẫn cho ta thấy rõ ràng, cũng như Hội Thánh hằng tuyên xưng: Chúa Yêsu là người thật. Ngài có ý thức của một người thật, đầy đủ tự do; Ngài chịu trách nhiệm về mọi hành vi nước bước của Ngài trong khi thi hành sứ mạng; Ngài có những sáng kiến của một người biết tuỳ cơ ứng biến. Điều đó không phải là suy luận phát tự tín điều Thiên Chúa Nhập thể, nhưng là một đòi hỏi của văn bản khi ta muốn thành thật nhận lấy văn bản như đã viết, thí dụ như những chương thuật lại cho ta biến cố Tiệc ly hay cơn hấp hối tại vườn Cây Dầu.

Chỗ này chúng ta phải thành thực nhận biết cái khó khăn gặp phải khi so sánh Nhất lãm với Tin Mừng theo thánh Yoan (Yn). Vào thời soạn tác các sách Tin Mừng, toàn thể Hội Thánh cũng như các tác giả Nhất lãm đều có một lòng tin đầy đủ như tác giả sách Tin Mừng thứ tư: họ đều tin rằng Yêsu Nazarét là đích thực Đức Kitô (Mêsia), Đấng Thiên Chúa đã hứa cho Israel như Đấng Cứu Thế; và hơn nữa, Ngài là Con đích thực của Thiên Chúa. Nhưng khi đọc đến các trước tác thì ta thấy được là các Nhất lãm (và cách riêng Mc) khác Yn nhiều. Các Nhất lãm cho ta thấy Chúa Yêsu chỉ tỏ mình ra cho môn đồ mà thôi, mà Ngài lại làm một cách chậm rãi, như thể từng bước một; và Ngài tỏ mình ra nơi cử chỉ của Ngài, nơi thái độ của Ngài, hơn là nơi những lời tuyên bố. Còn Yn ngược lại, ngay từ lúc khai mạc sứ vụ, Chúa Yêsu đã tuyên xưng mình là Mêsia, là Kitô (4:26; 5:39-47), là Con Thiên Chúa theo một nghĩa hoàn toàn siêu việt (5:17; 8:56-58…), không thấy có chuẩn bị dọn đàng. Và điều đó lại được nói ra không chỉ cho các môn đồ của Ngài, mà là cho mọi tầng lớp thính giả, ngay cho cả những kẻ không sẵn lòng tin vào lời Ngài. So sánh như vậy mới thấy có lắm vấn đề nảy ra. Xác nhận các vấn đề, rồi đi sâu vào các vấn đề để giải thích một cách không chỉ là minh giáo nhất thời mà là để nhận chân khâm phục tất cả mầu nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa làm người, đó là một công việc quá bao la, mấy chương này không thể trình bày dẫu chỉ là một cách đại cương đi nữa. Chúng ta hãy tạm nhận với nhau rằng Nhất lãm cũng như Yoan đều chung một ý định, tức là trình bày sự kiện Chúa Yêsu một cách hoàn toàn chân thật. Có điều là họ hướng mình theo những quan điểm khác nhau đó thôi. Và bởi đó mà những phương tiện văn chương họ sử dụng cũng khác nhau. Các Nhất lãm muốn doãn lại các truyện, các truyền tụng di sản của những chứng tiên khởi; họ giữ lại hầu y nguyên, như lúc đức tin mới chớm nở, hay hơn nữa, như lúc người ta mới ngạc nhiên nhìn nhận ra có cái gì khác thường nơi con người mà hằng ngày họ được tiếp xúc thân mật. Công việc của họ là một cống hiến cần thiết đặc biệt cho việc tế nhận đầy đủ mầu nhiệm Nhập thể trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Còn Yoan nhìn tất cả sự nghiệp của Chúa Yêsu trong sự duy nhất sâu thẳm, trong thực tại hằng có của Ngài, hơn là trong những giai đoạn kế tiếp nhau theo diễn tiến của thời gian. Yoan đã nhìn thấy vinh quang ngay cả nơi Thập giá; nơi người một thời, Yoan đã cho thấy Đấng Cứu thế muôn đời. Đọc Yoan không phải là dễ, nhưng tuy thế, đối với đức tin hiện có của ta, Yoan không làm ta ngạc nhiên bằng Nhất lãm.

Xin độc giả hãy lượng xét. Dịch giả có chủ đích hoàn toàn trung thành với văn bản, một cách thành thực, không giấu giếm, không che đậy, cả những tiếng mà người mới đọc phát rợn mình. Một cách thành thực, dịch giả cứ theo các nhân chứng tiên khởi để chịu lấy mặc khải tiệm tiến của Chúa Yêsu về chính mình Ngài. Yoan cho ta thấy như thể bản tính Thiên Chúa rạng ra nơi nhân vật lịch sử Yêsu Nazarét. Còn Nhất lãm theo bước một người hai chân dẫm ngay trên sỏi đá của trần gian (chứ không phải phớt trên ngọn cỏ như kiểu một nhà tiên) để cuối cùng bỡ ngỡ mà xưng lên: “Chính Ngài là Con Thiên Chúa”. Bởi thế, dịch giả không dùng tiếng “Đức”, tiếng “Chúa”, làm tiếng đệm với danh Chúa Yêsu trong các sách Tin Mừng. Do đó độc giả thấy được rằng, khi nào trong bản dịch có những tiếng đó, thì nó đã là một tiếng đệm vì tôn kính nữa; tiếng đó đã giúp các nhà bình luận suy nghĩ nhiều về công việc soạn tác cho các sách Tin Mừng Nhất lãm.[7]

Nhịp điệu cú pháp. Cùng với phẩm sắc của tiếng dùng, cũng nên thêm ít lời về nhịp điệu của câu văn. Điều này cũng phải cố gắng duy trì. Nhip điệu không thay đổi ý tưởng. Nhiều khi có thể bỏ một phần câu đi, mà chẳng thiệt gì về ý tưởng. Nhưng như thế gọi là tóm tắt chứ không còn là bản dịch.[8] Kiểu nói có tiết điệu, cú pháp của tác giả, một bản dịch cũng phải cố gắng làm cho lộ ra một phần nào như có thể nhận thấy trong nguyên văn. Vì thế trong Lc, dịch giả cũng cứ để nhiều nơi: “Và xảy ra là khi ấy…” Các tiếng “và xảy ra là” chẳng thêm ý nghĩa gì, đã hẳn thế, nhưng dịch giả thiết nghĩ cũng nên duy trì một phần nào, vì đó là dụng tâm của một tác giả đã cố ý bắt chước kiểu nói của Kinh Thánh Cựu Ước trong bản dịch Hy Lạp gọi là Bản Bảy Mươi LXX. Câu văn như thế, độc giả tiên khởi Hy Lạp cũng đã lấy làm kỳ rồi, chứ không phải chúng ta mới cảm thấy thế. Những kiểu nói Kinh Thánh như vậy, dịch giả tưởng không có quyền loại hẳn đi, nếu chỉ vì muốn có một bản tiếng Việt hoàn bị. Đó là một lập trường có thể công kích, nhưng dù sao thì lập trường đó cũng dựa trên điều này là Thiên Chúa mặc khải trong một lịch sử nhất định, ngang qua những người cụ thể một thời, một văn hoá.

Nói tóm lại, dịch giả đã đặt tâm đến mọi chữ viết ra, cố sao uốn giọng lựa lời để đừng phản phúc với nguyên văn. Sự sơ xuất vẫn còn nhiều. Dịch giả không dám nói mình đã thực hiện tất cả nguyên tắc mình đã ra cho mình, huống hồ lại trông mong bản dịch của mình sẽ làm hài lòng mọi hạng người. Chỉ xin thú thật rằng, có những đoạn dịch giả đã dịch đi dịch lại không biết mấy lần mà lần nào cũng chưa lấy làm thoả mãn: xuôi thì mất ý, được ý thì kỳ dị. Nhưng nhiều khi dịch giả đành chịu nhận là kỳ dị còn hơn là phản ý nghĩa. Dù sao, xin độc giả hiểu cho rằng dịch giả đã cân nhắc từng chữ.[9] Các điều dịch giả đã lựa chọn nhiều khi đã lựa chọn một cách giải thích, giải thích đó không tự tiện, nhưng cũng phải nhận rằng nó có tính cách cái nhiên mà thôi, và công việc khảo sát mai sau của các học giả sẽ đem đến một giải quyết thỏa mãn hơn. Đức Piô XII cũng có viết trong thông điệp nói trên: “Đừng ai lấy làm lạ vì mọi khó khăn vẫn chưa thanh toán được, chưa lướt qua được hết, và hiện giờ vẫn còn những vấn đề nan giải đang lẩn vẩn nơi đầu óc những nhà chú giải Công giáo.” Và ngài khuyên hãy kiên nhẫn, và tìm hiểu thêm, rồi kết luận: “Không có gì lạ nếu có một hai vấn đề sẽ không bao giờ có được một câu trả lời đích đáng, làm hoàn toàn thoả mãn, vì là dính líu với những điều mù tối và đã quá xa thời đại chúng ta, và cả kinh nghiệm của chúng ta nữa” (Enchiridion Biblicum, số 563).

II. NGOÀI BẢN DỊCH còn có:

- Tiểu dẫn chung.

- Tiểu dẫn nhập đề cho một số sách hay cho từng quyển một.

- Lề chú và cước chú.

- Bản kê những chú thích quan trọng.

- Niên biểu sơ lược.

- Địa đồ: Đất thánh, Yêrusalem, các vùng Địa Trung Hải.

Lần lượt dịch giả xin có vài lời nói đến các yếu tố này.

1. Tiểu dẫn

Tiểu dẫn chung cho cả Tân Ước muốn vạch ra công việc cấu thành Tín thư của Tân Ước. Nhìn thấy được trình tự cấu thành đó là một điều quan trọng, vì Tân Ước không có tính cách hệ thống, nhưng là nhiều cách tế nhận một biến cố, hay nói phải hơn, tiếp xúc với một người, và nhận dần dần ra kích thước của người đó trong lịch sử cứu rỗi theo nhiều khía cạnh, trong những thư tịch viết vào những trường hợp nhất thời. Đọc tiểu dẫn xong, mà chưa đọc Tân Ước, độc giả sẽ thấy hình như không dẫn vào Tân Ước gì cả. Cảm tưởng đó là một điều phải. Tiểu dẫn đây không phải là một linh dược làm độc giả hiểu ngay trong chốc lát tất cả Tân Ước. Phải chi ai kiếm ra được một phương pháp thần diệu như thế! Có khi độc giả còn cho tiểu dẫn là khúc mắc hơn chính bản Tân Ước nữa. Tiểu dẫn đây là một toát yếu. Một toát yếu tất nhiên không diễn giải ra được tất cả những điều muốn nói, nó phải dựa trên điều đã biết ở đâu kia rồi. Vậy nếu độc giả đọc sơ qua tiểu dẫn mà có điều không tỏ, độc giả cứ yên tâm để một bên, và cứ mạnh dạn đi vào chính bản Tân Ước. Lần này lần khác, chứ không phải là đọc một lần cho xong, trông cậy rằng độc giả sẽ không đọc Tân Ước như đọc một quyển tiểu thuyết. Nhưng độc giả sẽ coi Tân Ước như một người bạn của cả đời, viếng thăm thường nhật. Độc giả đọc xong Tân Ước rồi, và vui lòng trở lại tiểu dẫn, dịch giả trông cậy rằng độc giả sẽ thông cảm hơn, nhất là nếu độc giả đành lòng dành dụm ít thì giờ và tìm các xuất xứ kê trong tiểu dẫn, thử viết lại các xuất xứ và suy nghĩ, độc giả sẽ càng lĩnh hội nhiều hơn. Thế rồi lại về với chính bản Tân Ước, và thỉnh thoảng trở lại tiểu dẫn. Bấy giờ tiểu dẫn trông cậy rất có ích: đó là một vài chương toát yếu Thần học Tân Ước kính tặng độc giả như bó hoa dịch giả đã hái chỗ này chỗ khác và đã cảm thấy nó giúp ích cho chính mình rất nhiều. Dịch giả nhận ra là giữa hai mươi bổn trước tác dài vắn khác nhau này, nếu không có một tiêu điểm để thống nhất các khía cạnh thì trí lòng có khi bị tán loạn mất. Nếu dịch giả biết được trong hàng độc giả đã có người chia sẻ với mình quan điểm đó, dịch giả đã lấy thế làm toại nguyện rồi.

2. Tiểu dẫn nhập đề cho một số sách hay cho từng quyển

Có hai nhập đề quan trọng: Nhập đề vào Tin Mừng Nhất lãm, và nhập đề vào các thư của thánh Phaolô. Ngoài ra mỗi quyển có một nhập đề riêng, dài vắn tuỳ khi. Các nhập đề đó thu thập một cách sơ lược, nhưng đã cân nhắc hẳn hoi những gì chắc chắn của công việc sưu tầm Kinh Thánh hiện tại. Cùng với nhập đề đó có kèm thêm một bố cục (hay dàn bài). Tuy mới coi thì chỉ là một việc kê các đoạn. Nhưng ngay việc kê các đoạn đó cũng đã là một chú giải quan trọng rồi, để vạch ra điều chính điều phụ của một trước tác, và đối với những người thường làm quen với Sách Thánh, thì bố cục đó sẽ giúp họ thâu nhận, và ghi kỹ nội dung của mỗi quyển sách hơn.

3. Lề chú

Bên tả hay bên hữu bản dịch có những hang chữ li ti, kê những chữ tắt các sách, kèm thêm đoạn (số đậm) và câu (số lép). Chính việc in các lề chú này và các xuất xứ cước chú mà nhà in đã phải mất công hơn cả. Nên tiện đây dịch giả xin hết lòng đa tạ về công trình tỉ mỉ đó. Trông cậy sau này còn có thể bổ túc để nên hoàn bị hơn. Mục đích của lề chú là cho thấy những xuất xứ song song về đạo lý của câu trong văn bản ngang hàng với xuất xứ. Lề chú giúp ích cho những ai muốn tìm hiểu đạo lý. Nhưng lề chú quan trọng hơn cả là lề chú của các sách Tin Mừng Nhất lãm (Mt, Mc, Lc). Lề chú cho thấy những đoạn cũng đồng một nội dung. Lề chú đó có kèm thêm dấu “//”; dấu đó muốn nói rằng đoạn Sách Thánh bên trong bản văn đi song song với các đoạn kê số bên lề. Học Tin Mừng Nhất lãm cốt thiết là so sánh, đối chiếu, và rút kết luận về những đoạn song song đó.

4. Cước chú

Ở gần cuối trang thường có in một đoạn chữ nhỏ hơn: có kê câu và đoạn (nếu cần), đối với những câu có hoa thị trong văn bản ở trên. Mục đích của cước chú là cắt nghĩa các câu có hoa thị đó. Tất nhiên trong khuôn khổ một sách nhỏ việc cắt nghĩa chỉ dồn vào ít điều mà thôi:

a) những đoạn văn gọi là dị bản. Tức là những câu Kinh Thánh nhiều khi trong việc biên chép đã sai chạy cách này cách khác, và nhiều lần còn thấy trong chính bản Latin dùng trong Hội Thánh: có khi vì thêm (cước chú có ghi: có bản thêm); hoặc bớt (cước chú ghi: có bản bỏ); hoặc thay đổi (cước chú viết: có bản đổi).

b) cắt nghĩa những điều tối nghĩa, hoặc biện chính cho việc dịch ở trên.

c) giải rộng thêm một ít về vài chủ đề đạo lý. Các chủ đề này nếu kê cứu hết xuất xứ, độc giả sẽ am hiểu hơn về đạo lý Tân Ước.

5. Bản kê những chú thích quan trọng

Cũng vì lý do đó mà cuốn sách có một bản kê những chú thích quan trọng viết theo chủ đề, sắp đặt theo thứ tự A, B, C… Nhờ đó độc giả có thể tra như một tự vị nhỏ những chủ đề cốt yếu của Thần học Tân Ước.

6. Niên biểu sơ lược

Sau cùng cuối sách còn ít trang kê một số niên biểu về Thánh sử. Các niên biểu đó gồm có:

a) Niên biểu các biến cố quan trọng của Thánh sử.

b) Niên biểu các tác giả hay trước tác Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân Ước.

c) Niên biểu quan trọng lịch sử nhân loại, cả bên Đông lẫn bên Tây phương, để làm mốc cắm chặng thời gian.

7. Địa đồ

Sách Tân Ước này còn kèm thêm ba địa đồ. Nhân tiện đây, dịch giả xin có lời thành thực cảm tạ ông Văn Đình Khai, thuộc Nha Địa dư Quốc gia Đà Lạt đã vui lòng bỏ thì giờ quý báu để hoạ lại một cách rất công phu. Các địa đồ đó cho thấy các địa điểm chính có nói đến trong các sách Tân Ước.

III. PHIÊN ÂM CÁC TÊN RIÊNG

Sau cùng dịch giả cũng xin có đôi lời trình bày việc phiên âm ít tên riêng. Chiếu theo ngữ học, dịch giả giữ nguyên trạng cái gốc của tên, còn phần chót tức là phần thường được thay đổi theo mẹo Hy Lạp, thì dịch giả đã theo lệ mà để là “ô” hay vần nào khác thường dùng (thí dụ: Saulô, gốc là Saul, và phải đọc là: Sa-u-l (ơ) (ơ rất nhẹ chỉ cốt làm nổi chữ “L” mà thôi). Những tên quen lắm, dịch giả đành để yên, trừ ra tiếng Môsê. Dịch giả viết thế, vì nhận thấy tiếng đó tại Việt Nam có nhiều kiểu đọc và viết như Maisen, Moysen. Các kiểu đó muốn dựa trên tiếng Latin hay tiếng Pháp. Không có nhất luật thì chi bằng đánh bạo mà viết y nguyên kiểu đọc của người Do Thái: gốc Hipri là Môseh: chữ “h” cuối không đọc; chữ “e” đọc như “e” hay “ê” Việt Nam ta, chữ “s” đọc có gió giống như “sh” của tiếng Anh.

Nhân tiện cũng xin nói dịch giả phiên âm tiếng Hébreu (Pháp), Hebraeus (Latin), Hebrew (Anh) bằng tiếng “Hipri”. Chúng ta thường nghe nói “Hi-bá-lai” hay “Hi-bá”. Kiểu nói đó phát tự việc phiên âm của người Trung Hoa. Họ phiên âm tiếng Anh (Hebrew) thành Hi-pe-lai vì họ không đọc được chữ “R” nên họ đọc “L”. Chữ Hán của Hi-pe-lai đọc theo kiểu Hán Việt là “Hi-bá-lai”. Nghe thì hay nhưng là một kiểu nói ngọng. Vậy dịch giả thử táo bạo mà viết hầu y nguyên tiếng gốc tiên khởi là Hipri. Thiết tưởng làm thế không có gì là quá lập dị.

Cũng vậy dịch giả luôn luôn viết “Rôma” chứ không dùng “La-mã”. Đây cũng vậy, người Trung Hoa phiên âm “Roma” là “Lo-ma” vì không có chữ “R”. Mà “Lo-ma” của chữ Hán nếu đọc ra Hán Việt thì thành “La-mã”, một phiên âm nói được là phi lý. 

Nhưng có một điều mà lắm người công kích dịch giả là việc dùng “Y” thay “Gi” khi phiên âm tên riêng: như Yêsu thay vì Giêsu. Vậy đây xin có vài lời cắt nghĩa.

a) Kiểu đọc các tên riêng như Giêsu, Gioan, Giacôbê, đều dựa trên chữ J của các tên đó hoặc trong tiếng Latin (Jesus, Johannes, Jacobus) hay tiếng Pháp (Jésus, Jean, Jacques), và có thể chúng ta đọc theo tiếng Ý Đại Lợi : “Giesu, Giovanni, Giacobbe”. Những kiểu đọc của ta muốn dựa trên Latin một phần nào. Cứ xét về luật phiên âm thì phiên âm Latin mới đúng. Nhưng khi đó thì “J” có giá trị như “I”, và “I” đó đồng giá trị với “Y”, nó có giá trị như khi chúng ta đọc “yên” trong tiếng “bằng yên”.

b) Dịch giả không cần nhấn đến vài ích lợi phụ thuộc: như chúng ta sẽ viết ít chữ hơn (thời nguyên tử cấp tốc, thì điều đó cũng đã có lợi), hay như “Y”có thể mọi người Nam Bắc đọc giống nhau được chứ như ‘Gi’ thì không chắc có được đồng nhất hay không.

c) Nhưng điều cốt yếu đã khiến dịch giả mạo muội ra đề nghị phiên âm này là một vấn đề chú giải, hay tra cứu để cắt nghĩa một phần nào.

Tên riêng Do Thái thường có kèm thêm Danh Thiên Chúa. Danh Thiên Chúa chung là EL (nghĩa là “Thiên Chúa, thần”). Tên đó chúng ta gặp trong tiếng Ezêkiel (chính là Y (ơ) khezq, El: Xin Thiên Chúa (El) làm cho ‘nó’ nên mạnh mẽ), cũng như trong các tên Mikael, Gabriel, Raphael, Israel.

Nhưng Thiên Chúa trong Giao ước với Israel có mang danh hiệu đặc biệt là: YHWH và phải đọc là Yahweh, hai chữ “H” không cần cho việc phát âm, và như thế người ta đọc là Yavê. Tiếng đó viết tắt lại là Yahu, rồi “Ya”. Tiếng “Ya” đó ta gặp trong tiếng Allêluia (chính là Hallêluya: hãy ngợi khen (Hallêlu) Thiên Chúa Yavê (Ya). Tiếng Ya đó ta còn gặp trong các tên như:

Elia: chính là Eliyya hu, Eliyya; Elya (Ya (vê) đích thực là El). Đó là tiếng Ya đặt ở cuối tên (Isaia, Ysaya cũng thế).

Nhưng “Yahu”, “Ya” có thể đặt ở đầu tên, khi đó thì người ta đọc là Y-hô (Yơ-hô) và đọc chập lại thì thành Yô (chính là Yaw, Y au), và có khi chỉ còn có Y mà thôi.

Johannes: Y-hô-kha-nan, Yôkhanan: Yavê thương xót.

Joachim: Y-hô-ya-qim, Yô-ya-qim (Yavê thiết lập, cho trỗi dậy).

Jesus: Y-hô-su-a, Yô-su-a, (tên của ông Gio-duệ như thường nói) và sau cùng Yê-su-a, và phiên âm Hy Lạp Latin Iesus.

Tên đó đã được cắt nghĩa trong Mt 1:21 (vì sẽ cứu): chính là Yavê cứu thoát, Yavê là sự cứu thoát.

Vậy xét hiện tượng đặt tên như thế, nên dịch giả thiết tưởng phiên âm những gốc có tiếng “Y” trong nguyên khởi thành “Y” trong tiếng Việt Nam là một điều nên thử xem, vì khi đó thì cho dù là ở sau như Elya, hay là ở trước như Yoan, cái gốc cũ vẫn còn có thể nhận hình trạng của nó. Chứ như Elia và Gioan thì thật xa hình thức rồi. Chữ viết là một phù hiệu để gợi ý, nếu kiểu viết nào vừa ngắn lại vừa gợi nhiều ý, tất nhiên giá trị phù hiệu của nó được gấp đôi. Một thí nghiệm trông cậy được nhiều độc giả hưởng ứng. Và hễ ai đọc được “yên” thì cũng đọc được “Yê” hay “Ya”.


Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 4/1965, 488-491.506-507


Đề tài 1:

VIỆC PHỔ BIẾN LỜI CHÚA 

TẠI VIỆT NAM

 

+ ĐGM. Giuse Đỗ Quang Khang

Giám mục GP. Bắc Ninh

 

Kính thưa toàn thể tham dự viên,

Khởi đi từ chủ đề của buổi hội thảo hôm nay: ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG CHÚA CỨU THẾ CHO HỘI THÁNH VIỆT NAM VỀ VIỆC PHỔ BIẾN LỜI CHÚA, xin được khởi đi từ hai gợi ý căn bản:

- Câu nói nổi tiếng của thánh Jérônimô: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.”

- Tông huấn Verbum Domini, số 47, minh định rằng: “Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa đang ngỏ với thế giới hôm nay, với Giáo Hội và với riêng từng người.

1. Kinh Thánh nói về Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa

Từ hai khẳng định này, ta có thể nhận ra rằng hai điều:

- Kinh Thánh là “một câu chuyện tình”, mà Thiên Chúa, ngang qua Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa, ngỏ với thế giới, với Hội Thánh và với riêng từng người.

- Tất cả mọi trình thuật, mọi sự kiện, mọi câu chuyện… được ghi lại trong Kinh Thánh chỉ có thể được đọc và hiểu trong lăng kính nền tảng là “quy Kitô”. Sách Công vụ Tông đồ, chương 8 đã cho chúng ta một kinh nghiệm thật quý giá về điều này: “34 Viên thái giám ngỏ lời với ông Philípphê: “Xin ông cho biết: vị ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay về một ai khác?” 35 Ông Philípphê lên tiếng và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho ông” (Cv 8,34–35).

2. Đức Kitô, Lời ban Sự Sống Đời Đời

Tuy nhiên, ý niệm “Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa” như chúng ta vừa trình bày xem ra khá trừu tượng, thậm chí khó hiểu ngay cả với những người quen suy tư. Nhất là con người của thế giới hôm nay: điều gì cũng phải rõ ràng, dễ hiểu, mới có thể dễ chấp nhận hơn.

Tin Mừng Ga 6 đã kể lại cho chúng ta một kinh nghiệm đắt giá về điều này: sau diễn từ về Bánh Hằng Sống: “60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?... 66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. 67 Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”68 Ông Simôn Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”’

Khẳng định cho hôm nay: ‘Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa’ có lẽ cũng sẽ thật khó chấp nhận như Chúa Giêsu năm xưa đã mặc khải cho các môn đệ: “54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,54–57).

Các môn đệ quyết định ở lại với Đức Kitô không phải vì các ông đã hiểu điều mà người khác không thể hiểu, nhưng chỉ vì một lẽ thật giản đơn: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).

3. Sự Sống Đời Đời là biết Thiên Chúa Cha, và Đức Kitô, Đấng Thiên Sai

Để có Sự Sống Đời Đời, Phêrô đã quyết định ở lại với Chúa Giêsu. Nhưng ý niệm Sự Sống Đời Đời ấy xem ra vẫn xa lạ và khó hiểu với những người dân mà một cuộc sống cứ quay quắt giữa vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Chúng ta cùng trở lại với lới khẳng định của Chúa Giêsu về ý niệm Sự Sống Đời Đời trong Ga 17: “Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô [αὕτη δέ ἐστιν ἡ αἰώνιος ζωὴ ἵνα γινώσκωσιν σὲ τὸν μόνον ἀληθινὸν θεὸν καὶ ὃν ἀπέστειλας Ἰησοῦν Χριστόν (Jn. 17:3 BGT)].”

4. Làm sao để có Sự Sống Đời Đời?

Lời khẳng định ấy của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu ra rằng:

- Sự Sống Đời Đời đã được bắt đầu từ cuộc sống trần thế này.

- Vậy, ai có thể có được Sự Sống Đời Đời?

* Người biết Cha là Thiên Chúa duy nhất-chân thật. Nói cách khác, người có kinh nghiệm hay trải nghiệm về một Đấng mà Đức Giêsu gọi là Cha, Thiên Chúa, Ngài chỉ là một và chân thật; nghĩa là không có hai và không bao giờ có sự giả dối nơi Ngài.

* Biết Thiên Chúa trở thành cửa ngõ để biết Đức Giêsu Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đến – Đấng Thiên Sai.

Như thế, Thiên Chúa mà Đức Giêsu mặc khải, không phải là một Đấng chỉ để lạy lục, van xin, kêu cầu… nhưng là Đấng để mỗi người có thể gặp gỡ ngang qua mỗi biến cố trong cuộc sống hằng ngày. Đối diện với mỗi biến cố, điều quan trọng không phải là tôi đang trào dâng cảm xúc gì để suy nghĩ và hành xử theo sự chi phối của cảm xúc ấy, mà là Thiên Chúa nói gì với tôi về tôi ngang qua sự tôi đang đối diện hằng ngày. Con đường ấy giúp tôi có kinh nghiệm biết Thiên Chúa duy nhất chân thật. Ý Cha được thể hiện.

5. Làm sao để biết Đức Giêsu Kitô, Đấng mà Thiên Chúa sai đến?

Câu hỏi ấy gợi ý cho ta một câu hỏi ngược lại và quan trọng hơn: làm sao để Chúa Giêsu biết ta?

Mt 7 21 “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” 23 Và bấy giờ, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác! 24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.” [Οὐ πᾶς ὁ λέγων μοι· κύριε κύριε, εἰσελεύσεται εἰς τὴν βασιλείαν τῶν οὐρανῶν, ἀλλ᾽ ὁ ποιῶν τὸ θέλημα τοῦ πατρός μου τοῦ ἐν τοῖς οὐρανοῖς (Matt. 7:21 BGT) - Πᾶς οὖν ὅστις ἀκούει μου τοὺς λόγους τούτους καὶ ποιεῖ αὐτούς, ὁμοιωθήσεται ἀνδρὶ φρονίμῳ, ὅστις ᾠκοδόμησεν αὐτοῦ τὴν οἰκίαν ἐπὶ τὴν πέτραν· (Matt. 7:24 BGT)] – ‘Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành.’ Lời Thầy được thi hành.

6. Vài nhận định

- Lối sống đạo rước sách rầm rộ, cỗ bàn linh đình, nặng tính lễ hội tại Việt Nam hiện nay không có gì đáng chê trách, tuy nhiên, thực tế ấy cho thấy mặt trái một cộng đoàn tín hữu vẫn chưa thực sự cảm nhận được sự cần thiết của việc để cho “Ý Cha được thể hiện” hay  cho “Lời Thầy được thực thi” trong đời sống hằng ngày.

- Việc phổ biến Lời Chúa tại Việt Nam hiện nay, có lẽ, mới chỉ dừng lại ở mức độ giúp mọi người hiểu Lời Chúa, nhưng chưa thực sự gợi lên nơi mỗi tín hữu một sự hứng khởi nhằm thay đổi bản thân theo như ý Chúa Cha muốn hay như lời Chúa Con dạy.

- Nói cách khác, việc phổ biến Lời Chúa là một tiến trình dài hơi: để có Lời Chúa, để nghe Lời Chúa, để hiểu Lời Chúa qua việc học hỏi, mà nhất là để biết Chúa, nghĩa là dám để Chúa thay đổi nghĩ suy, lối sống cùa mình theo ý Chúa Cha muốn và theo Lời Chúa Con dạy.

- Cùng các Cha Dòng Chúa Cứu Thế, chúng ta hăng say làm tiếp phần còn dở dang của sứ mạng phổ biến Lời Chúa cho anh chị em Kitô hữu trên quê hương Việt Nam thân yêu: Khơi lên sự hứng khởi nơi mỗi người nhằm biến đổi bản thân theo như ý Chúa Cha muốn qua lời Chúa Con dạy trong cuộc sống hằng ngày.


Đề tài 2:

100 NĂM DCCT:

SỨ MẠNG LOAN TRUYỀN LỜI CHÚA TẠI VIỆT NAM

LM. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, C.Ss.R.


Phần này xin trình bày sơ lược và tóm tắt việc các tu sĩ thừa sai DCCT góp phần vào sứ mạng loan truyền Lời Chúa tại Việt Nam trong suốt dòng lịch sử trăm năm. DCCT đã góp phần về mặt chuyên môn dịch thuật, chú giải cũng như mục vụ loan báo Tin Mừng cho đến ngày hôm nay.

1. Lời Chúa trong bối cảnh nước Việt Nam

Trước Công đồng Vatican II, một trong những rào cản đầu tiên với người Việt Nam là tình trạng mù chữ của dân chúng, thêm vào đó, thái độ của thẩm quyền trong Giáo Hội không muốn cho người giáo dân đọc Kinh Thánh! Thái độ này phát xuất từ phản ứng chống lại phong trào cải cách của người Tin Lành. Như vậy, hàng ngũ giáo dân thời bấy giờ chắc chắn không thể tiếp xúc với Kinh Thánh trong ngôn ngữ địa phương.

Sự hạn chế việc dịch thuật Kinh Thánh sang ngôn ngữ địa phương của Giáo Hội đã là một trở ngại đối với người Công giáo để có thể tiếp cận trực tiếp Lời Chúa. Hoàn cảnh của người Công giáo Việt Nam ở trong một tình huống như vậy. Trong khi Giáo Hội Tin Lành tìm cách phổ biến bản văn Kinh Thánh tiếng Việt đã có từ đầu thế kỷ XX thì người Công giáo vẫn tìm cách loại trừ. Có khi bản Kinh Thánh được gửi đến, được chuyền tay, và bị bỏ vào thùng rác hay ở những chỗ tồi tệ hơn.

Giáo dân Việt Nam biết đến Lời Chúa cách gián tiếp qua những câu chuyện kể lại, nhờ những suy gẫm về các mầu nhiệm Kitô giáo, về cuộc đời của Ðức Kitô và của Ðức Trinh Nữ Maria, nhất là về mầu nhiệm Giáng Sinh và cuộc Thương Khó của Chúa, nhờ sách Sấm truyền Cũ / Mới.

Những câu Lời Chúa mà giáo dân biết được là qua lời giảng của các cha xứ, được truyền miệng hoặc qua kinh nguyện, ngắm nguyện, bài hát (“Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: lúa chín đầy đồng…”) và các sáng tạo văn chương.

Tất cả chỉ là sự thu góp cách vụn vặt chứ không có hệ thống hoặc được học hỏi cách chuyên sâu như hiện nay.

Bản dịch Kinh Thánh Công giáo đầu tiên là của Cố Chính Linh, một vị thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Paris (MEP), là người đầu tiên dịch toàn bộ Kinh Thánh ra tiếng Việt. Bản dịch Kinh Thánh đầu tiên của Cố Chính Linh được in năm 1913-1916.


Bản dịch Kinh Thánh Công giáo đầu tiên của Cố Chính Linh


Đối với chúng ta ngày nay, lối văn này đã quá cổ, nhất là trong cách xưng hô “bay, tao”. Ngay trang đầu có dẫn Ga 5,39: “Hãy lục xét Sách Thánh… Sách Thánh làm chứng về tao.” Hay câu Đức Giêsu “lả lời” cho bà vợ ông Dêbêđê và hai con: “Đức Chúa Jêsu bảo các chúng rằng: thật chén tao thì bay sẽ uống; còn sự ngồi bên tả bên hữu tao, chẳng phải tự tao ban cho bay, bèn là những kẻ Cha tao sắm để cho nó” (Mt 20,23).

Dầu sao, chúng ta phải khâm phục công trình của một vị thừa sai ngoại quốc đã mở đường cho việc dịch thuật và giải thích Kinh Thánh.

2. Bản dịch của cha Gérard Gagnon

Sau bản dịch Kinh Thánh đầu tiên của Cố Chính Linh, phải đợi 50 năm sau mới có một bản dịch Công giáo khác của một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế là cha Gérard Gagnon (cha Nhân). Bản dịch này xuất bản tại Đà Lạt vào năm 1963 gồm 5 tập: Ngũ thư, Lịch sử, Triết minh, Tiên tri và Tân Ước. Bản dịch mỗi sách trong Kinh Thánh thường có phần nhập đề vắn tắt; sau bản dịch có phần chú thích rất ngắn.


Bản dịch Kinh Thánh của cha Gérard Gagnon (cha Nhân).

Bản dịch này xuất bản tại Đà Lạt vào năm 1963 gồm 5 tập: 

Ngũ thư, Lịch sử, Triết minh, Tiên tri và Tân Ước


Cha Gérard Gagnon khiêm tốn viết:

Đây chỉ là một bản phiên dịch Thánh Kinh, với mục đích để giáo dân tiện dụng trong công cuộc tìm hiểu và học hỏi Thánh Kinh. Chúng tôi không dám có tham vọng tự coi đây là một bản dịch ‘sát chữ và bình luận’. Chúng tôi mong ước rồi đây sẽ có một bản dịch chính thức do các nhà chuyên môn nghiên cứu Thánh Kinh dịch thuật, chú giải…

Xét về mặt văn chương, bản dịch này khá xuôi và người đọc không có cảm tưởng rằng bản dịch đã được thực hiện cách đây 60 năm.


Cha Gérard Gagnon (cha Nhân)

Tuy nhiên bản dịch Kinh Thánh này cũng không phổ biến rộng rãi đến giáo dân nên nhiều người cũng không có cơ hội nhìn thấy sách này.

3. Bản văn trong Sách lễ

Việc tiếp cận khá tốt Thánh Kinh là khi có bản dịch Sách lễ (NXB. Hiện tại) với các bài đọc Thánh thư, Phúc Âm mà giáo dân được đọc vì trước đó các bài đọc đều bằng tiếng Latin không mấy người hiểu được.


Sách lễ của NXB. Hiện tại

Với việc cho đọc Thánh thư và Phúc Âm bằng tiếng bản xứ đã là một cánh cửa mở rộng cho việc tiếp cận Lời Chúa cách gần gũi, dễ dàng và trực tiếp cho người Công giáo Việt Nam, từ năm 1963.

Thời gian 1963 cũng là thời của Công đồng chung Vatican II đang được tiến hành. Bầu khí của Giáo hội Việt Nam nói chung được hâm nóng với những phong trào “canh tân phụng vụ”, “trở về nguồn” và nhất là phong trào “Thánh Kinh”.

4. Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn

Quyển Tân Ước của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn (ấn bản đầu tiên) đã ra đời năm 1965. Một bầu khí sôi động bùng lên trong Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế. Các cha, các thầy hân hoan phấn khởi tiếp nhận bản văn Tân Ước đầy đủ, không còn phải tìm đến những bản văn tiếng Pháp hay Latin để truy tầm Lời Chúa nữa mà đã có một bản văn tiếng Việt thuần tuý. Việc phổ biến sách Tân Ước cũng lan rộng qua công việc rao giảng của các vị thừa sai DCCT khắp mọi nơi. Lời Chúa được trích dẫn nhiều hơn, được ứng dụng vào cuộc sống cụ thể hơn. Những câu lời Chúa được ghi lại và truyền đạt cách đơn giản: “Hãy xin thì sẽ được” (Lc 11,9); “Mọi điều các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cả các ngươi nữa cũng hãy làm cho người ta như thế” (Mt 7,12); “Hãy coi chim trời, chúng không gieo, không gặt… Các ngươi không hơn chúng sao” (Mt 7,27); “Vì ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh ta, thì có ta ở đó, giữa họ” (Mt 18,20); “ Còn ngươi bố thí. Thì tay trái đừng biết việc tay phải làm” (Mt 6, 3)… Lời Chúa được đọc lên một cách rõ ràng và lan toả cách sống động đến mọi tầng lớp.


Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn

Khác với các bản dịch Kinh Thánh trước đó, cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn đã dịch Kinh Thánh từ nguyên ngữ Hipri, Aram và Hy Lạp. Do đó, bản dịch vẫn tiện dụng cho những ai muốn học hỏi Kinh Thánh.​

Một điều phải nói về ảnh hưởng của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn đó là ngài đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ trẻ của DCCT yêu mến Lời Chúa, say mê Lời Chúa, hứng khởi với nguồn mạch Kinh Thánh, hăng hái loan báo Tin Mừng cho mọi người. Ngài dạy, ngài giảng không đậm chất hùng biện nhưng đầy lửa nhiệt thành và niềm xác tín làm cho các thính giả cảm thấy được đốt nóng lên niềm phấn khởi và hăng hái thánh thiện. Diệu cảm ấy được bừng lên trong bầu khí sau Công đồng Vatican II lại như được tiếp thêm sức sống mới của ân sủng và đã được thổi bùng lên bằng ngọn lửa của Thần Khí Chúa. Bài dạy Kinh Thánh của ngài còn được truyền đến nhiều thế hệ đi sau như Kerygma, Kinh Lạy Cha và Bài giảng trên núi.

Trong Hội Dòng, tinh thần học hỏi, say mê Lời Chúa lan toả đến cả những anh em Đệ tử viện. Có những người đã yêu mến Lời Chúa và bắt đầu học tự học Hy Lạp để sau này nghiên cứu Kinh Thánh. Mỗi người trong Dòng đều phải có quyển Tân Ước và được nhắc nhở đọc Lời Chúa mỗi ngày.

5. Việc loan truyền Lời Chúa sau Công đồng Vatican II

Lời Chúa còn thấm nhập vào trong các hoạt động mục vụ khác như âm nhạc. Các nhạc sĩ DCCT như cha Thành Tâm, cha Sĩ Tín, cha Hoàng Đức, cha Tiến Lộc… cũng lấy cảm hứng từ Thánh Kinh. Ca từ cũng đậm chất liệu của Lời Chúa. Các sách, các bài viết đều có những điểm nhấn mạnh đến Lời Chúa. Những suy tư bắt nguồn từ những ý tưởng trong Thánh Kinh và được triển khai một cách đa dạng, phong phú.

Năm 1969, quyển Tân Ước được tái bản 12.000 cuốn với những sửa chữa bản dịch do chính cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn thực hiện (vì ấn bản đầu tiên có những chỗ cần thay đổi cho dễ hiểu hơn và cần thích nghi với ngôn ngữ đương thời). Bản văn mới cũng được hân hoan đón nhận và phổ biến càng ngày càng rộng rãi hơn.

Một hoạt động khác nói lên sự góp phần của DCCT trong những năm 70 để phổ biến Lời Chúa đến với các quân nhân và gia đình binh sĩ Công giáo đó là phong trào “mỗi quân nhân một Tân Ước” do cha Rôcô Nguyễn Tự Do khởi xướng, bản văn Tân Ước được dùng lúc đó là bản dịch của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, được cha Giuse Trần Hữu Thanh hiệu đính một số chỗ trong bản văn với sự đồng ý của dịch giả. Sách khổ nhỏ và gọn nhẹ để người lính dễ dàng mang theo, được in ở Hồng Kông với số lượng 300.000 bản, và đến năm 1975, đã phân phát hết. Khổ sách rất vừa cho mọi người nên cũng được nhiều người sử dụng. Ðến nay, người Công giáo Việt Nam đã dễ dàng và trực tiếp tiếp xúc với Kinh Thánh, nhờ đó, đời sống thiêng liêng của họ được nuôi dưỡng thêm phong phú hơn.


Bản dịch Kinh Thánh của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn

trong chương trình “mỗi quân nhân một Tân Ước”

Cha Giuse Nguyễn Thể Hiện sẽ trình bày đầy đủ hơn về cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn trong phần sau.

6. Việc loan truyền Lời Chúa sau 1975

Biến cố năm 1975 đã gây ra một sự xáo trộn lớn lao trong đời sống người Công giáo. Họ đã sống những ngày tháng lo âu, sợ hãi. Họ đã tìm đến Chúa để được bình an và được nâng đỡ trong những lúc bối rối, hoang mang.

Lời Chúa quả là phương thuốc kỳ diệu đã giúp cho giáo dân được bình tâm và can đảm đối diện với cuộc sống mà bão táp đang rình chờ họ. Họ đã tìm đến với các sinh hoạt của Giáo Hội như Thánh Lễ, kinh nguyện, hội đoàn, nhóm cầu nguyện... Trong thời gian này, tại DCCT Sài Gòn, đã có những lớp học hỏi Lời Chúa, các nhóm cầu nguyện với Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa, cầu nguyện Thánh Linh, bồi dưỡng đức tin, giáo lý cho người lớn, suy tôn Lời Chúa… Tất cả đều tập trung vào Lời Chúa, và anh chị em giáo dân có thể dùng đến bản văn Tân Ước đang có sẵn. Họ cảm thấy được nâng đỡ rất nhiều để vượt qua khó khăn. Họ được thêm sức mạnh để sống đức tin trong một hoàn cảnh mới. Họ hân hoan, hăng say và nhiệt thành với Lời Chúa vì từ đó họ đã tìm được sức sống mới. Có lẽ trước đây, họ sống đạo cách hời hợt và thờ ơ, thì nay, nhờ tiếp cận với Lời Chúa họ khám phá ra những nét đẹp của đạo, họ sống đạo sốt sắng hơn, họ cảm thấy được no thỏa với Lời được ban cho. Họ còn lên đường đem Lời Chúa đi vào các giáo xứ, các gia đình, các đoàn thể nơi họ sinh sống nữa. Bầu khí thấm nhuần Lời Chúa được lan toả ngày càng đi sâu vào đời sống giáo dân. Các nhóm còn đem Lời Chúa đến những vùng sâu, vùng xa. Việc dạy giáo lý cũng dựa trên bài Tin Mừng vì lúc đó không có nhiều sách vở, tài liệu đầy đủ.

Cha Phaolô Đinh Khắc Tiệu, cha Giacôbê Đào Hữu Thọ, cha Henri Bạch Văn Lộc, cha Anphongsô Phạm Gia Thuỵ, cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng… tích cực hướng dẫn, dạy dỗ và nối kết nhiều người đến với sinh hoạt Lời Chúa tại Nhà Thờ DCCT Sài Gòn. Cả hoạt động thiếu nhi của cha Thành Tâm cũng triển khai học hiểu Lời Chúa cách sâu xa. Điều này đã đem đến niềm hứng khởi cho cả các vị phụ huynh. Những năm tháng sau 1975, chúng ta thấy nở rộ các hoạt động cổ võ việc đọc Lời Chúa khắp nơi. Đã có nhiều người nhận được kết quả thiêng liêng, được ơn hoán cải, ơn đổi đời để sống tốt lành hơn.

Như vậy, chúng ta thấy: việc có được bản văn Lời Chúa quả là vô cùng hữu ích và có ý nghĩa quan trọng. Vào thời điểm này, bên Công giáo, chỉ có bản dịch của cha Thuấn là được phổ biến và sử dụng rộng rãi.

Sau khi cha Thuấn qua đời vào 01 tháng Tư năm 1975 (theo nhật ký của cha xứ Di Linh), việc xuất bản cuốn Thánh Kinh trọn bộ là một việc làm cấp thiết. Một số anh em trong Dòng hăng say lao vào làm việc, dịch cho xong những phần cha Thuấn chưa hoàn tất. Sau đó anh em liền xúc tiến việc ấn hành bản dịch của ngài để lại, sửa chữa đôi chút, bổ túc những chương cuối cùng, rồi cho xuất bản. Sở dĩ, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn hoàn tất được công việc vĩ đại này giữa một nghịch cảnh hầu như vô vọng, là vì, như đã nói trên, mọi sự đã được chuẩn bị trước. Giấy in thì nhà sách Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn đã đặt mua sẵn từ ngoại quốc để chuẩn bị việc xuất bản

Mùa Giáng sinh năm 1976, người Công giáo Việt Nam đã có thể có thêm một bản dịch Thánh Kinh trọn bộ mới, dày khoảng 3.014 trang khổ 20 x 14cm, được in trên giấy bible, tức loại giấy vàng, mỏng và dai, thường được dùng để in sách Thánh Kinh. Cuốn Kinh Thánh trọn bộ này đã được in ra lần thứ nhất 10.000 cuốn trên giấy lụa và đóng bìa cứng rất đẹp. Sách đã tiêu thụ hết cách rất mau chóng.


Bản dịch Kinh Thánh trọn bộ của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn (bản in năm 1976)


Bản dịch Kinh Thánh trọn bộ của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn (bản in năm 2022)

Sau thời gian khó khăn ban đầu của giai đoạn 1975 đến một thời điểm thuận lợi hơn, Tỉnh Dòng cũng gửi những anh em trẻ đi học chuyên sâu về Kinh Thánh tại trường Pontificium Institutum Biblicum (Viện Giáo hoàng về Kinh Thánh) ở Rôma để có tiếp nối sứ mạng loan báo Lời Chúa và dạy học cho các Đại Chủng viện, các Học viện tại Việt Nam.

 Trong lãnh vực hoạt động có tính chuyên môn, Tỉnh Dòng không chỉ giới hạn vào một bản dịch của người trong Dòng mà còn cộng tác với việc phổ biến và loan truyền Lời Chúa với các nhóm hay Ủy ban Kinh Thánh khác. Trong nhóm Phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ có cha Giuse Trần Ngọc Thao, cha Micaen Nguyễn Hữu Phú làm việc với nhóm cho đến khi qua đời. Các cha Giuse Nguyễn Thể Hiện, Vinh Sơn Phạm Cao Quý, Giuse Phạm Đình Trí,… làm việc trong Ủy ban Kinh Thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

7. Hiệu quả của mục vụ loan truyền Lời Chúa

Trong những bài giảng lễ hay giảng đại phúc, các linh mục DCCT dựa vào bản văn Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin, các việc phải làm vì vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi của loài người. Việc loan truyền Lời Chúa đem lại những hoa trái tốt lành.

Hoán cải và biến đổi

Nhờ đón nhận Lời Chúa mà nhiều người đã hoán cải và canh tân đời sống cho phù hợp với giáo huấn của Tin Mừng. Chính Lời Chúa đánh động tâm hồn làm cho người ta cảm thấy được cần phải hoán cải và nhận được sức mạnh của Lời Hằng Sống, lời ban ơn cứu rỗi. Họ đã được biến đổi để trở thành con người mới. Lời Chúa đã thánh hoá những ai đón nghe Lời. “Anh em được thanh sạch rồi, nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (Ga 15,3).

Gặp Chúa

Qua rao giảng Lời Chúa, nhiều người được ơn soi sáng để biết sống chân chính hơn và biết ứng dụng Lời Chúa cách linh hoạt vào cuộc sống. Lời Chúa không chỉ là những quy tắc luân lý phải tuân thủ nhưng họ gặp được chính Đức Giêsu và Lời của Ngài tác động trực tiếp vào tâm hồn người ta. Lời ấy còn là sức mạnh nâng đỡ họ can đảm làm chứng cho Đức Kitô.

Cần phải giúp cho giáo dân gặp được chính Ðức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, trong Kinh Thánh, chứ không chỉ đọc Kinh Thánh như những lời được ghi chép lại. Như vậy phải giúp họ cầu nguyện bằng Lời Chúa, giúp Dân Chúa gặp được Chúa Giêsu Ngôi Lời để đi đến những thay đổi đời sống.

Lời Chúa là Ánh Sáng

Lời Chúa là Ánh Sáng soi đường giúp người ta vượt qua tăm tối hay phong ba bão táp: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27). Ơn ta là đủ cho ngươi (2 Cr 12,9). Lời Chúa còn giúp người ta trong những cơn nguy khó. Họ nhận được sự trợ giúp để trở nên can đảm hơn, họ thấy được bàn tay uy quyền của Thiên Chúa toan năng và sự bảo vệ trước những nỗi hiểm nguy như đã nói đến trong những ngày tháng tăm tối, bất an, nguy hiểm.

Đem bình an

Những ai lắng nghe lời Chúa cũng sẽ cảm nhận được sự bình an sau những xáo động từ bên ngoài cũng như bên trong. Mỗi khi gặp khó khăn hay cám dỗ người ta mở Lời Chúa ra đọc để được hướng dẫn qua những bước đường khó khăn hay tăm tối mù mịt. Lời Chúa đem đến sự bình an nội tai làm biến tan những sóng gió, những chao đảo, những bất hoà, những xáo trộn.

Lời Chúa và những điều kỳ diệu giữa đời thường

Nghe Lời Chúa và sống Lời Chúa, người ta thấy được những điều kỳ diệu, những điều lạ lùng giữa đời thường nhờ sự can thiệp của Chúa và Lời Chúa không còn là những điều lý thuyết xa vời mà ứng nghiệm vào chính cuộc đời: Hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa trước còn các sự khác Ngài sẽ ban cho (Mt 6,33). Tin vào Lời ấy, người ta có thể gặp được một sự trợ giúp bất ngờ do sự quan phòng, hay một sự hiện diện đem đến bình an.

Lời Chúa với đời sống thiêng liêng

Lời Chúa còn làm tăng trưởng đời sống thiêng liêng. Tâm hồn người ta khi thấm nhuần Lời Chúa người ta sẽ được nuôi dưỡng bằng Lời ban sự sống. Lời Chúa ở lại với họ thì họ sẽ nhận được sự ban phát dồi dào để mỗi ngày sẽ được thêm khôn ngoan, thánh thiện, mỗi ngày được triển nở trong đời sống thiêng liêng.

Lời Chúa chữa lành

Giáo dân cần những dấu chỉ để họ có thể đặt niềm tin vào Lời Chúa. Trong những nhóm cầu nguyện, các thừa sai DCCT cũng đã giúp cho anh chị em thấy được dấu chứng của việc Chúa làm khi loan truyền rằng: Lời Chúa có thể chữa lành bệnh tật tâm hồn và cả thể xác nữa. Khi nghe Lời Chúa, khi đọc Lời Chúa, họ nhận được những ơn huệ. Những điều này sẽ củng cố đức tin, gia tăng niềm cậy trông và yêu mến Lời Chúa nhiều hơn.

Việc cổ võ và loan truyền Lời Chúa có thể sẽ không tác động nhiều đến giáo dân vì người kêu gọi không thực sự tin tưởng vào điều mình thực hiện hay không chắc chắn Lời Chúa có thể đem lại được gì cho dân Chúa. Có một linh mục đã dùng tiền mừng ngân khánh Linh mục để mua sách Tân Ước tặng cho toàn dân trong giáo xứ của ngài nhưng đã đau lòng khi thấy sách mình gửi tặng đã không được rờ chạm đến mà còn mới nguyên được bọc kỹ sau nhiều năm!

Các Ðức Giám mục Việt Nam đã nói trong Thư Mục vụ 2005:

Nhìn chung, Kitô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Kinh Thánh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Kinh Thánh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình.

Người loan truyền Lời Chúa không chỉ là người cổ võ hay khuyến khích mà phải là người có kinh nghiệm sống Lời Chúa, xác tín vào quyền năng, uy lực của Lời Chúa, mạnh mẽ tin vào hành động của Lời Chúa và khẳng định vững chắc cho những ai tin vào Lời Chúa sẽ được sự an toàn tuyệt đối. 

Uy quyền Lời Chúa: Giải thoát khỏi ma quỷ

Vì thế, có xác tín về Lời quyền năng của Thiên Chúa mới thấy được uy lực thật sự của Lời Chúa, uy quyền đánh bại các quyền lực tối tăm, sức mạnh tà thần sẽ bị đè bẹp. Lời Chúa xua trừ được ma quỷ. Khi ta tin thật Chúa hành động qua Lời của Ngài và ta bảo đảm cho dân Chúa biết Lời Chúa đem đến cho họ sự giải thoát, là quyền lực dũng mãnh đánh bại tà thần ta có thể giúp cho dân đặt niềm tin tưởng vào Lời Chúa họ sẽ vui sướng và mau chóng tiếp nhận Lời và hăng hái loan báo Lời Chúa.

Lời Chúa – Lời ban sự sống

Tuy nhiên, nếu chỉ vì lợi mà đón nhận Lời thì việc đến với Lời Chúa còn được coi như phương tiện hữu dụng chứ chưa ở một tầm mức cao trọng lắm. Dân Chúa cần yêu mến và say mến Lời Chúa vì họ phải nội tâm hoá Lời Chúa, để Lời Chúa không chỉ là phương thế mà là Thần Khí và là sự sống để họ sống nhờ Lời Chúa, sống gắn bó Lời Chúa như là điều cần thiết không thể tách rời. Chúng con sẽ đến với ai vì Thầy mới có lời ban sự sống đời đời (x. Ga 6,68). Lời là chính Chúa. Lời là sự hiện thân của Đức Kitô.

8. Lời kết

Có một câu hỏi: Tại sao DCCT lại tha thiết với việc loan báo Lời Chúa?

Đối với anh em DCCT thì Lời Chúa được trình bày ngay trong số 1 của Hiến pháp DCCT, nói về sứ mạng của Dòng. Điều này cũng đã được nói đến trong bản Hiến pháp đầu tiên của Dòng: Người đã sai tôi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó (Lc 4,18)

Lời Chúa còn được ghi khắc nhiều nơi trên tường nhà, trên cửa ra vào. Tại nhà Sài Gòn, chúng ta còn thấy câu này: “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15,27).

Tại nhà Đệ tử Vũng Tàu, từ ngoài đường, chúng ta nhìn ngay rõ một hàng chữ rất lớn trên Nhà Khánh tiết: “Duc in altumHãy ra khơi thả lưới.” Điều này lưu dấu ấn sâu đậm và lâu dài nơi anh em trong Dòng, để rồi, qua năm tháng dài vẫn nhớ được câu Lời Chúa khi Chúa nói với Phêrô: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4).

Lời Chúa còn đậm dấu trong khẩu hiệu của Dòng để bất cứ ai khi nhìn thấy đều nghĩ ngay đến DCCT: “Ơn Cứu Chuộc chứa chan nơi Chúa – Copiosa apud eum redemptio (Tv 129,7).

Tác phẩm của thánh Anphongsô, được in lại nhiều lần nhất là sách Viếng Thánh Thể mà các tu sĩ DCCT thường xuyên sử dụng cho việc viếng Chúa, đều có các trích dẫn Lời Chúa. Điều này cũng giúp hiểu được tinh thần gắn bó và hăng hái loan truyền Lời Chúa của anh em DCCT tại Việt Nam.

Như vậy, DCCT được thấm nhuần Lời Chúa trong tinh thần của thánh Anphongsô, Đấng Sáng Lập, trong suy tư, trong kinh nguyện và trong cuộc sống thường ngày.

Cùng lúc ấy, tinh thần Công đồng Vatican II thổi bùng lên sức sống cho niềm say mê Lời Chúa và bản dịch đem đến cho đông đảo giáo dân vừa kịp lúc như tiếp thêm sinh lực cho nguồn sống đã khơi mào.

Một con người là cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn được gửi đến đúng lúc cho DCCT thắp lên ngọn đuốc nhiệt thành loan truyền Lời Chúa đã truyền cảm hứng cho rất nhiều tâm hồn. Ngọn lửa ấy cứ tiếp tục lan rộng và bùng lên thành đám cháy lớn.

Hoàn cảnh của xã hội Việt Nam vào một thời điểm nhiều xáo trộn lại là cơ hội cho giáo dân hưởng được hoa trái bình an, hoan lạc, hy vọng và khám phá ra nhiều chiều kích vô cùng kỳ diệu và hiệu quả của Lời Chúa.

Lời Chúa còn lan toả và toả chiếu ánh sáng rạng ngời của lòng tin cách lạ lùng trong công cuộc truyền giáo. Vào năm 1988, người ta ghi nhận có một hiện tượng bất ngờ: một con số đông các dân tộc thiểu số rải rác trên các vùng đồi núi của đất nước, đã hàng loạt trở lại đạo Công giáo: người Mường, người H’mong... tại miền Bắc; người Bana, Sêđang, Giarai... tại giáo phận Kontum; người K’Ho, người Churu trong giáo phận Ðà Lạt. Bí mật của hiện tượng này, chính là sức thu hút phi thường của Lời Chúa. Lời Chúa mở ra một con đường hy vọng cho các dân tộc thiểu số đang ở giữa những dân tộc nghèo nhất của đất nước.

Cha Giuse Trần sĩ Tín, một nhà truyền giáo lão thành, sẽ trình bày cho quý vị về việc loan truyền Lời Chúa cho anh chị em người sắc tộc J’rai.

Công đồng Vatican II mở rộng kho tàng Lời Chúa cho mọi sinh hoạt của Hội Thánh, cũng như cho mọi thành phần Dân Chúa trong Hội Thánh. Với tựa đề “Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội”, ở số 21 của Dei verbum, các Nghị phụ đã viết như sau: “Giáo Hội luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thân thể Chúa, nhất là trong Phụng vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu. […] Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội.”

Chúng ta sẽ mãi mãi hiệp thông với mọi thành phần Dân Thiên Chúa thuộc mọi thời đại trên toàn thế giới, để “thành kính lắng nghe Lời Thiên Chúa và có thể tin tưởng công bố Lời của Ngài” (x. Dei verbum, số 1).

Xin cám ơn quý anh chị em đã lắng nghe.



Đề tài 3:

CÁC NGUYÊN TẮC DỊCH THUẬT
CỦA LINH MỤC NGUYỄN THẾ THUẤN 

TRONG VIỆC PHIÊN DỊCH KINH THÁNH 

SANG TIẾNG VIỆT:
MỘT TIẾP CẬN CHÚ GIẢI VÀ NGÔN NGỮ HỌC

 

LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

 


Tóm tắt

Bài trình bày này phân tích các nguyên tắc dịch thuật then chốt của linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn C.Ss.R., người Việt Nam đầu tiên đã thực hiện bản dịch toàn bộ Kinh Thánh từ nguyên ngữ Hipri và Hy Lạp sang tiếng Việt. Dựa trên bài viết của Ngài: “Ít lời thanh minh cùng độc giả quyển Tân Ước” trong dịp xuất bản lần đầu bản dịch Tân Ước (1965),[10] chúng tôi tái hiện và đánh giá các lựa chọn dịch thuật của ngài dưới ánh sáng của phương pháp chú giải hiện đại, đồng thời suy tư về những đóng góp học thuật của bản dịch Kinh Thánh trọn bộ này trong bối cảnh Việt Nam.

1. Dẫn nhập

Việc chuyển ngữ Kinh Thánh sang tiếng Việt là một nỗ lực thần học - ngôn ngữ phức tạp, đòi hỏi sự chính xác nguyên ngữ và chiều sâu chú giải. Trong lịch sử Công giáo Việt Nam, linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn (1922–1975), tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, nổi bật như một trong những dịch giả đầu tiên thực hiện bản dịch Kinh Thánh hoàn toàn từ tiếng Hipri và tiếng Hy Lạp. Không chỉ là một nhà dịch thuật, ngài còn là nhà chú giải nghiêm túc, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Thông điệp Divino Afflante Spiritu của Đức Piô XII (1943), khởi đầu cho kỷ nguyên nghiên cứu Kinh Thánh hiện đại trong Giáo Hội.

Bài trình bày này khảo sát ngắn gọn các nguyên tắc dịch thuật mà cha Nguyễn Thế Thuấn đã trình bày trong dịp xuất bản lần đầu bộ Tân Ước của ngài (1965), nhằm xác định hướng tiếp cận, phương pháp ngôn ngữ, và lập trường thần học của bản dịch.

2. Ưu tiên tuyệt đối cho nguyên văn Hipri và Hy Lạp

Ngay từ đầu, cha Nguyễn Thế Thuấn xác lập một quan điểm nền tảng:

Điều dịch giả muốn là lấy chính bản Hy Lạp [và Hipri] mà dịch. Bản đó là bản duy nhất thực sự là lời Kinh Thánh có thần hứng.

Lập trường này cho thấy sự đoạn tuyệt với truyền thống dịch trung gian (qua bản Latin Vulgata hay tiếng Pháp), và đặt bản gốc Hipri và Hy Lạp trong vị trí độc tôn về nguồn mạch mặc khải. Điều này phản ánh tinh thần của Divino Afflante Spiritu, khi Đức Piô XII khuyến khích trở lại với nguyên ngữ (Hipri, Aram, Hy Lạp).

Cha Nguyễn Thế Thuấn viết:

Dịch giả hằng cố đi sát với văn bản xét là cựu trào của nguyên văn, hay được các nhà bình luận coi là chính gốc. Công việc dựa trên những kết quả của môn bình luận văn bản hiện đại.

3. Trung thành với “tự nghĩa” và cấu trúc bản văn

Một trong những điểm cốt lõi là cha Nguyễn Thế Thuấn không chỉ tìm ý, mà còn cố gắng khôi phục tự nghĩa của bản văn – tức là nghĩa văn phạm, cú pháp, và mạch lạc trong văn hoá gốc. Ngài xác định:

Trong khi thi hành công việc đó, nhà chú giải phải luôn luôn có trước mặt cái lớn lao nhất giữa vạn sự phải lưu tâm, tức là nhận ra, vạch ra ý nghĩa của lời Kinh Thánh mà người ta gọi là tự nghĩa.

[…]

Chiếu theo nguyên tắc Hội Thánh đã ra, dịch giả chỉ nhằm mục đích là làm sao có một bản dịch xác đáng, trung thành được chừng nào hay chừng ấy.

Ngài xác định rõ ràng:

Muốn thế thì phải biết từ ngữ, mẹo luật, công thức, xã hội, văn hoá của thời xưa… Rồi phải để ý đến những tiếng tác giả dùng một cách cố ý. Trong khi ấy, thì cho dẫu muốn đổi tiếng khác cho dễ nghe cũng đành phải ép bụng mà lặp lại.

Cha Nguyễn Thế Thuấn cho rằng mỗi bản văn Thánh Kinh không chỉ mang nội dung tư tưởng mà còn là một thực thể văn học. Ngài viết:

Ngoài ý tưởng, một đoạn văn còn lắm điều khác để làm cho nó nên một đoạn văn có cá tính: văn có thể dùng tiếng sang trọng hay tiếng bình dân; câu văn có lúc điêu luyện có lúc xoàng xĩnh; khi cắt gọn, khi dài hơi; khi xuôi chảy, lúc theo nhịp phách; có những kiểu người này dùng mà người khác không bao giờ dùng đến. Một bản dịch khả quan nếu chỉ doãn lại đúng ý mà lại bỏ ngoài các yếu tố kia, ắt phải nói là phóng tác, không thực là dịch nguyên văn. Lý tưởng – và cũng là điều khó mà đạt đến được – là bản dịch phải làm sao gợi lên cho độc giả hiện tại cái cảm tưởng mà độc giả tiên khởi đã có khi đọc nguyên văn. Họ phải cảm thấy đâu là thường, đâu là sang, đâu là bình dân, đâu là học thức.

Do đó, ngài cố gắng giữ lại các yếu tố văn học đặc trưng, kể cả những yếu tố “không hay” của nguyên văn:

Kiểu nói có tiết điệu, cú pháp của tác giả, một bản dịch cũng phải cố gắng làm cho lộ ra một phần nào như có thể nhận thấy trong nguyên văn. Vì thế, trong Lc, dịch giả cũng cứ để nhiều nơi: “Và xảy ra là khi ấy…” Các tiếng ‘và xảy ra là’ chẳng thêm ý nghĩa gì, đã hẳn thế, nhưng dịch giả thiết nghĩ cũng nên duy trì một phần nào, vì đó là dụng tâm của một tác giả đã cố ý bắt chước kiểu nói của Kinh Thánh Cựu Ước trong bản dịch Hy Lạp gọi là Bản Bảy Mươi. Câu văn như thế, độc giả tiên khởi Hy Lạp cũng đã lấy làm kỳ rồi, chứ không phải chúng ta mới cảm thấy thế. Nhưng kiểu nói Kinh Thánh như vậy, dịch giả tưởng không có quyền loại hẳn đi, nếu chỉ vì muốn có một bản tiếng Việt hoàn bị. Đó là một lập trường có thể công kích, nhưng dù sao thì lập trường đó cũng dựa trên điều này là Thiên Chúa mặc khải trong một lịch sử nhất định, ngang qua những người cụ thể một thời, một văn hoá.

Chính những nỗ lực trung thành với “tự nghĩa” và cấu trúc bản văn như vậy đã làm nên nét độc đáo, vẻ đẹp sâu sắc và giá trị khoa học của bản dịch. Cha Nguyễn Thế Thuấn đã cố gắng hết sức để không chỉ chuyển tải những “thông tin nội dung sự kiện” mà còn cố gắng truyền đạt những “thông tin nội dung quan niệm” và những “thông tin tình thái” được chứa đựng trong nguyên văn.

4. Tránh các lối dịch không đúng

Cha Nguyễn Thế Thuấn cũng nêu rõ ràng những phương pháp dịch mà ngài phản đối.

4.1. Phóng dịch và dịch thích nghi

Ngài không ngần ngại bác bỏ mọi hình thức làm mềm bản văn để “dễ hiểu” hoặc “đạo đức hoá”. Ngài viết:

Dịch giả không muốn làm một bản dịch thích nghi cho độc giả ngày nay, cũng không phải là phóng dịch để hội ra ý nghĩa đạo đức thần học.

Theo ngài, bản văn Kinh Thánh cần được tiếp cận bằng trí tuệ và sự khiêm tốn, không phải bằng tâm lý tiện dụng hoặc nhu cầu mục vụ ngắn hạn:

Nhiều khi người ta theo nguyên tắc: giữ lấy ý đừng nghĩ đến chữ. Nguyên tắc đó là nguyên tắc phóng tác chứ không còn là dịch văn nữa.

4.2. Dịch theo một hệ thống thần học hậu kỳ

Dịch giả thâm tín rằng: các sách Tân Ước chưa thành một hệ thống thần học; chưa có một thuật ngữ thần học; tư tưởng đầy nhựa sống…

Từ chối cách đọc hậu kỳ, cha Nguyễn Thế Thuấn muốn giữ cho bản văn trạng thái nguyên thuỷ: đầy những lớp nghĩa mở, chưa khép kín theo một hệ thống thần học. Đây là quan điểm đồng thuận với các nhà chú giải hiện đại.

Điều này đòi hỏi, trước hết, phải:

[…] hiểu văn bản như những người đã soạn ra và độc giả tiên khởi đã hiểu. Nghĩa là không được hiểu như người đời sau đã hiểu sau bao nhiêu phát triển về thần học, đạo lý, cũng như đời sống thiêng liêng đạo đức.

4.3. Lược dịch và bỏ qua dị bản

Cha Nguyễn Thế Thuấn phản đối việc giản lược hay thay đổi câu cú để cho văn mượt mà. Ngài viết:

Dịch một đoạn văn bình dân, tiếng Hy Lạp có vẻ cục mịch tầm thường, thành một trang tiếng Việt văn vẻ trau chuốt, ắt phải coi là không trung thành.

[…]

Nhịp điệu không thay đổi ý tưởng. Nhiều khi có thể bỏ một phần câu đi, mà chẳng thiệt hại gì về ý tưởng. Nhưng như thế gọi là tóm tắt chứ không còn là bản dịch.

Cha Nguyễn Thế Thuấn cẩn thận ghi chú các dị bản: “có bản thêm”, “có bản đổi”… Rồi, những chữ cần thêm vào nhưng không có trong nguyên văn, ngài cẩn thận để trong dấu ngoặc. Đó là những dấu hiệu của tính minh bạch học thuật.

5. Làm việc nghiêm túc, khổ công và khiêm tốn

Cha Nguyễn Thế Thuấn bộc bạch:

Nói tóm lại, dịch giả đã đặt tâm đến mọi chữ viết ra, để sao uốn giọng lựa lời để đừng phản phúc với nguyên văn. Sự sơ suất vẫn còn nhiều. Dịch giả không dám nói mình đã thực hiện tất cả nguyên tắc mình đã ra cho mình, huống hồ lại trông mong bản dịch của mình sẽ làm hài lòng mọi hạng người. Chỉ xin thú thật rằng, có những đoạn dịch giả đã dịch đi dịch lại không biết mấy lần mà lần nào cũng chưa lấy làm thỏa mãn: xuôi thì mất ý, được ý thì kỳ dị. Nhưng nhiều khi dịch giả đành chịu nhận là kỳ dị còn hơn là phản ý nghĩa. Dù sao, xin độc giả hiểu cho rằng dịch giả đã cân nhắc từng chữ.

Những trang bản thảo viết tay còn lưu giữ cho thấy cách làm việc hết sức nghiêm túc, cẩn trọng và khoa học của ngài.


Bản thảo viết tay của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn

6. Tác động học thuật và mục vụ của bản dịch

Công trình của linh mục Nguyễn Thế Thuấn đánh dấu một bước ngoặc: lần đầu tiên, người Công giáo Việt Nam có một bản Kinh Thánh từ nguyên ngữ với lối dịch sát văn, thấm đẫm chú giải, tôn trọng truyền thống mà vẫn khai phóng tư duy.

Ngôn ngữ ngài dùng không bóng bẩy, nhưng sắc bén và chính xác. Cách dịch đôi khi có vẻ khô, nhưng lại chất chứa chiều sâu thiêng liêng của một người “để cho bản văn tự lên tiếng”. Đây là mẫu mực không chỉ cho dịch Kinh Thánh, mà còn cho mọi công trình chuyển ngữ văn bản cổ.

7. Kết luận

Bản dịch Kinh Thánh của cha Nguyễn Thế Thuấn không chỉ là sản phẩm ngôn ngữ, mà là kết quả của một đời chiêm niệm, học vấn và lòng trung thành với Kinh Thánh. Trong thời đại ngày nay – khi dịch thuật Kinh Thánh vẫn còn là thách thức lớn – những nguyên tắc ngài đặt ra tiếp tục gợi hứng cho thế hệ dịch giả trẻ. Chúng ta cần đọc lại lời “thanh minh” của ngài không như một lời biện hộ, mà như một bản tuyên ngôn dịch thuật: can đảm, khoa học, và đầy lòng kính sợ trước Lời Chúa. 


Đề tài 4:

LỜI CHÚA VÀO ĐỜI JRAI:
PHIÊN DỊCH THÁNH KINH RA TIẾNG JRAI

 

LM. Giuse Trần Sĩ Tín, C.Ss.R.

 


1. Nhóm Plei Kly, gồm cha Antôn Vương Đình Tài (+ 2005), Tu sĩ Phêrô Lêônarđô Hồ Văn Quân (+ 2017), hai Phó Tế Giuse Trần Sĩ Tín và Phêrô Nguyễn Đức Mầu (+ 2022), từ năm 1969, đến cùng sống, cùng làm, cùng ăn với người Jrai, làm Jrai với Jrai, làm dân với dân. Được sống “thời Nazareth” của Chúa Yêsu Cứu Thế. Đến tháng 03 năm 1971, anh em được chia sẻ kiếp ruồi muỗi của dân đen trong cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Không bị chết vì bom đạn như một số người dân và binh sĩ hai bê, tu sĩ Marcô Đàn, tân linh mục Phêrô Nguyễn Đức Mầu, Phó tế Giuse Trần Sĩ Tín bị bắt đi “cải tạo”. Thầy Marcô Đàn vì tuổi già sức yếu đã để xác lại nơi trại “cải tạo”. Cha Phêrô Nguyễn Đức Mầu, Phó tế Giuse Trần Sĩ Tín thân tàn ma dại được đưa về lại Plei Kly, nhà tan cửa nát, nên anh em di tản sang phía Cheoreo-Phú Bổn. Và tại đây:

2. Tại đây, chúng tôi, lúc này có cha GB. Nguyễn Văn Phán (+ 2020) tăng cường, đã cùng với bà con Jrai Cheoreo, Pleikly, Pleiku dịch sách Tân Ước ra tiếng Jrai. Cuốn Tân Ước này được Nhà Sách Đức Mẹ xuất bản năm 1973. Cuốn sách được Đức cha P. Seitz cho phép in tại Nhà Sách Đức Mẹ, 38 Kỳ Đồng - Sài Gòn - ngày 19/3/1973. Trong lời cuối, chúng tôi có viết bằng tiếng Jrai:

Hết lòng tin tưởng Lời Chúa có quyền năng tác tạo và cứu độ chúng ta, vì thế chúng tôi đã cả gan dám dịch cuốn sách Tân Ước này sang tiếng Jrai, để người Jrai có thể nghe được chính tiếng Cha của mình, tiếng của Đấng đã yêu thương chúng ta từ trước khi tạo thành trời đất (x. Ep 1,4-5), Đấng ở rất gần mỗi người chúng ta (x. Cv 17,28), đã nhiều kiểu, nhiều cách, Người đã nói với cha ông chúng ta, nhưng vào thời cùng, nghĩa là ngay bây giờ, Người nói với chúng ta qua chính Con của Người (x. Hr 1,1-2).

Việc dịch sách Tân Ước này, chúng tôi tiếp nối và chỉnh sủa những gì cha Jacques Dournes đã khởi sự từ năm 1960. Khi dịch, chúng tôi cũng sử dụng Thánh Kinh Tân Ước của cha Nguyễn Thế Thuấn (Nhà Sách Đức Mẹ, 1969), La Sainte Bible de l’Ecole Biblique de Jerusalem (Ed. Du Cerf, 1961), Holy Bible (Revised Standard Version, American Bible Society 1952), Novum Testamentum Graece et Latine (D. Dr. Erwin Nestle et Kurt Aland D. D., Stuttgart Privilegierte Wurttenbergische Biblelanstalt, 1957).

Chúng tôi cố gắng dịch sao cho đúng với Sách Thánh, và cũng sao cho phù hợp với tiếng Jrai nữa. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng lực bất tòng tâm. Chúng tôi không phải là những người chuyên môn về Kinh Thánh. Chúng tôi chỉ làm việc theo khả năng nhỏ bé của chúng tôi thôi. Cho nên nhất định sẽ có nhiều điều chúng tôi suy chưa thấu, hiểu chưa tường. Chúng tôi xin tất cả những anh chị em cô dì chú bác, ai đọc sách này, thông báo cho chúng tôi những sai sót đó. Chúng tôi hết lòng cám ơn. Chúng tôi mong rằng trong mươi, mười lăm năm nữa sẽ có người dịch lại hay chỉnh sủa bản dịch này.

Xin Thiên Chúa Cha, nhân danh Chúa Yêsu Kitô, thương cho dùng tạm cuốn sách này để nói với con cái Jrai ta, và sai Thần Khí của Người cho ta được hiểu biết, lắng nghe, tin và vâng theo Lời của Người.


Bản dịch Tân Ước tiếng Jrai (năm 1973)

Nói mươi mười lăm năm sau xin dịch lại, mà từ 1973 đến mãi năm 2008 mới thực sự bắt đầu một bản dịch khác. Bản dịch 1973 tuy bất toàn, nhưng từ những năm 1985, người Jrai đã dùng bản dịch đó trong lòng tin để cầu nguyện, học hỏi theo Lời Chúa và họ đã đón nhận được muôn vàn ân huệ của Chúa (1973).

Năm 1975, tưởng rằng cuốn Tân Ước này không sinh ích gì cho dân Jrai, khi chúng tôi không được đi ra khỏi nơi cư trú, không được nói chuyện Đạo ngoài Nhà Thờ, vì truyền Đạo ngoài Nhà Thờ là bất hợp pháp. Nhưng vào những năm 1985, Năm Thánh Đức Mẹ chuẩn bị cho Năm Đại Thánh 2000, và năm 1988, năm phong thánh các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, các dân tộc khắp đất nước Việt Nam đều đi tìm Chúa. Từ những năm đó dân Jrai chỉ sống đức tin bằng cách cầu nguyện theo Lời Chúa qua cuốn Tân Ước của năm 1973, vì lúc đó chúng tôi không có tài liệu nào khác. Tuy “không phải là đã thành toàn” (x. Pl 3,12), những ai tới với cộng đồng Công giáo Jrai cũng công nhận đó là một cộng đồng đức tin và văn hoá, một cộng đồng cầu nguyện và yêu mến Lời Chúa. Theo thống kê của Giáo phận Kontum (2020), trong huyện Chư Sê, nơi chỉ có tôi là linh mục duy nhất phục vụ cho đến năm 2005, cùng với các thừa sai giáo dân Jrai, có 19.138 người Công giáo Jrai, chưa kể người Công giáo Jrai từ các vùng Bon Treng, Ea Hleo, Dlai Yang (Thuận Mẫn), Plei Sôp... là những làng hiện nay trực thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột. Trong khi toàn Giáo Phận Kontum, người Jrai có 89.458 người Công giáo; riêng trong tỉnh Gialai, có 69.636 người Công giáo Jrai (họ chỉ có khoảng 1.000 người trước khi các nhà thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế đến vào năm 1969, và trước khi phong thánh cho các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam vào tháng 06/1988).

3. Không bản dịch nào là hoàn hảo. Không những đối với chúng tôi là những kẻ không chuyên. Mà còn kể cả đối với những bản dịch Bible Jérusalem, Traduction Oecuménique de la Bible, Louis Segond, New America Standard Bible, King James, Nova Vulgata... mà chúng tôi tham khảo cùng với bản dịch của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, của Nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ, và bản dịch mới nhất của Tin Lành Jrai. Việc cập nhật là thường xuyên. Trong cuốn Tân Ước năm 1973, chúng tôi đã viết: “Biết được những hạn chế về hiểu biết Thánh Kinh, về ngôn ngữ bản địa, chúng tôi ao ước mươi mười lăm năm sau sẽ có người dịch lại”, thế mà mãi tới năm 2008, 35 năm sau chúng tôi mới có thể làm công việc duyệt lại cuốn Tân Ước này. Khi chúng tôi khởi sự duyệt lại cuốn Tân Ước Jrai, nhóm phiên dịch của chúng tôi gồm có:

- Pêtrô Siu Bloach (Wa H’Bem) - Plei Hrăi Dong - Chư Pưh

- Yohan Nay Bip (Ama Tôna) - Plei Jut - Ia Dêr

- Markô Ksor Săk (Ama Sô) - Plei Blang - Ia Drai

- Ama Huôr - Krông Pa

- Yoseph Rmah Ngôk - Plei Ia Ba - Chư Ti

- Rčom Nuan (Ama Her) - Plei Athai - Ia Pa

- Antôn Rahlan Run (Ama Rut) - Plei Chuêt - Pleiku

- Nay Wañ (Ơi Vina) - Bon Ama Djơng - Cheoreo

- Plik (Ơi Bư’) - Plei Chuêt - Pleiku

- Ama Ly - Plei Pa - Ia Pa

- Pâolô Nay Drok (Ama Phu)

- Stêphanô Nay Ber (Ama Thanh)

- Pâolô Brang (Ama Nơ) - Ia Ly

- Anna Têrêsa Nguyễn Thị Diễm Ly (Th.S.)

- Thầy Đa Minh Hoàng Xuân Anh, CVK 2008

- Thầy Đa Minh Hà Minh Thịnh, CVK 2010

- Thầy Phêrô Nguyễn Trung Phát, O.F.M.

- Lm. Đa Minh Phạm Mạnh Niệm, C.Ss.R. (+)

- Lm. Phêrô Nguyễn Đức Mầu, C.Ss.R. (+)

- Lm. Giuse Trần Sĩ Tín, C.Ss.R.

- Vincentê Nguyễn Văn Dương, CVK

Hiện nay, chúng tôi cũng đã dịch xong Cựu Ước.


Bản dịch Tân Ước tiếng Jrai (năm 2012)

4. Chúng tôi chọn những người Jrai tương đối nắm vững tiếng Jrai, hiểu biết tiếng Việt, đến từ nhiều địa phương khác nhau, cách nhau hằng trăm cây số, cung giọng, ngôn từ khác nhau. Nay nhờ Thánh Kinh, họ thống nhất được với nhau trong ngôn từ và chữ viết. Cũng như người Việt Nam, có những người nói: “zô” hay “yô” thay cho “vô” có nghĩa là “vào”, nhưng trong bản văn chính thức đều luôn luôn viết là “vào”; có người nói “cái láp xe độp”, nhưng viết chính thức ra vẫn là “cái lốp xe đạp”; có những người nói “đeo ké kẻng”, nhưng viết chính thức vẫn là “đau cái cẳng”; có người nói “mô, tê, răng, rứa...”, nhưng chính thức vẫn là “đâu, kia, sao, thế...”; có người nói “trốt củi” nhưng chính thức vẫn là “đầu gối”; có người nói “lồi lăm cơm lếp lát”, nhưng viết ra chính thức vẫn là “nồi năm cơm nếp nát”.... người Jrai cũng có những cung giọng, ngôn từ và chữ viết khác nhau như thế theo từng địa phương.

5. Một trong những công việc truyền thống của người thừa sai trong một dân tộc khác không những là học nói và hiểu nhuần nhuyễn ngôn ngữ của họ, mà còn là tạo ra chữ viết, thống nhất chữ viết, đi đến thống nhất, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ bản địa. Gương của cha Alexandre de Rhodes, cha Cadière, cha Jacques Dournes vẫn còn đó. Không có một lý do nào miễn cho người thừa sai nhiệm vụ đó. Ơn Cứu Độ bao gồm toàn diện con người, trong đó có chữ viết, ngôn ngữ và văn hoá bản địa. Nhìn về các vị thừa sai tiền bối, chúng ta thấy chúng ta thiếu sót và xấu hổ biết chừng nào, vì món nợ ngôn ngữ còn mắc với dân Jrai. Và bây giờ chúng ta, những kẻ rao giảng Lời Chúa, chúng ta còn mắc nợ với Lời Chúa. Vì Lời Chúa không dành riêng cho một dân tộc nào, một ngôn ngữ nào. Chúa muốn nói với dân Jrai, bằng ngôn ngữ Jrai, bằng chữ viết Jrai, một ngôn ngữ và chữ viết thống nhất, chung cho mọi người Jrai: Jrai Chor (vùng Cheoreo Phú Bổn), Jrai Hruai, Jrai Mơthur (Vùng Krông Pa), Jrai Trung (Vùng Ia Hleo), Jrai Chơbuan (Vùng Đức Cơ), Jrai Hơdrung (Vùng Plei Ku), Jrai Arap (Kontum). Khi Đạo tới Tây Nguyên Kontum năm 1848, thì năm 1853 đã có những tài liệu viết bằng tiếng Bahnar và Jrai. Trải qua bao thời kỳ, các vị thừa sai ở địa phương nào viết theo địa phương ấy. Nay, 2008, khi chúng tôi phiên dịch Thánh Kinh sang tiếng Jrai, là thời cơ để thống nhất chữ viết và thống nhất ngôn ngữ Jrai.

6. Trước tiên chúng tôi có hai buổi họp mặt với các mục sư Tin Lành Jrai. Hai bên cùng thảo luận và nhất trí cách viết tiếng Jrai. Chỉ có Công giáo và Tin Lành sử dụng thường xuyên ngôn ngữ và chữ viết Jrai. Tín hữu Công giáo và Tin Lành mà thống nhất được chữ viết Jrai tức là đã có nhiều người viết giống nhau, và nhiều người khác sẽ theo. Thoả thuận theo đa số. Vì vậy trước kia có những người viết: RWĂ (đau), KWAL (vùng)... nay theo đa số mà viết RUĂ, KUAL... Và sự thống nhất cũng mới ở cấp độ chữ viết, chứ chưa thống nhất được một số từ. Mỗi từ cần ở trong môi trường văn hoá của nó để Lời Chúa có thể hội nhập và thấm sâu vào tim gan máu thịt Jrai, thể hiện câu: “Lời đã thành xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Và hệ quả là người được sai đi để chuyển Lời Chúa đến với dân Jrai cũng được kêu gọi đi theo con đường của Ngôi Lời mà ở với dân Jrai, sống kiếp sống Jrai, trong văn hoá Jrai, trở thành Jrai với Jrai. Không như thế thì rất khó chuyển dịch Lời Kinh Thánh vào lời Jrai.

7. Trong bản dịch Tân Ước Jrai cuối cùng, bắt đầu từ năm 2008, xuất bản năm 2012, chúng tôi được tham khảo cha Giuse Trần Ngọc Thao C.Ss.R., cha Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R. Và chúng tôi được khuyến cáo là không dịch từ một bản dịch, và phải tham khảo bản gốc tiếng Hipri và Hy Lạp. Và chúng tôi được chỉ cho biết dùng Bible Works. Bởi đó chúng tôi thấy có những từ trong Kinh Thánh khác với những từ thường được dùng trong giới Công giáo Việt Nam. Một vài ví dụ như:

- từ Hipri ) רוּחַruach), Hy Lạp πνεῦμα (pneuma); Latin spiritus; Pháp Esprit; cha Jacques Dournes từ năm 1960 đã dịch ra tiếng Jrai là Jua (Jua Adai, hơi thở, Thiên Khí) chứ không phải dịch như từ tiếng Việt là “Thánh Thần”.

- từ Hy Lạp βαπτίζω (baptizo) [bap-tid'-zo]; Latin baptizare; Pháp baptiser; cha Jacques Dournes từ năm 1960 đã dịch ra tiếng Jrai là pơñŭ chứ không phải từ tiếng Việt là “rửa tội” (Bahnar đã dịch là “ñao kơl: rửa đầu!”).

- từ Hy Lạp κενόω (kenoo), tham khảo tiếng Anh: to empty; tiếng Pháp: vider, dépouiller; tiếng Latin: exinanire; chúng tôi dịch ra tiếng Jrai là pơsoh (xúc trút bỏ; pơsoh lui Ñu Pô: trút bỏ chính mình), không theo bản tiếng Việt đọc hằng tuần: trút bỏ vinh quang (x. Pl 2,7).

- Trong Kinh Lạy Cha (Mt 6,9), câu ἁγιασθήτω τὸ ὄνομά σου (hagiasthetô to onoma sou); chúng tôi theo Latin của Vulgata: sanctificetur nomen tuum; Pháp: que ton nom soit sanctifié; Anh: Sanctify your name; mà dịch ra tiếng Jrai: pơmơyang brơi anan Ih Pô; chứ không dịch theo tiếng Việt thường đọc: nguyện Danh Cha cả sáng

8. Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 174, Đức Thánh Cha nhắc rằng: “Không chỉ có bài giảng phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Tất cả việc Phúc Âm hoá (evangelisatio) được đặt nền tảng trên Lời được lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành và làm chứng. Thánh Kinh là nguồn mạch của việc Phúc Âm hoá. Vì vậy, phải liên tục tự đào tạo lắng nghe Lời Chúa. Hội Thánh không Phúc Âm hoá nếu không liên tục để cho mình được Phúc Âm Hoá. Điều quan trọng là Lời Chúa “càng ngày càng trở nên trung tâm của mọi hoạt động của Hội Thánh.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho thấy về tầm quan trọng của Lời Chúa trong việc TẦM ĐẠO, TU ĐẠO, CHỨNG ĐẠO. Chính vì vậy mà cần một bản dịch Kinh Thánh qua tiếng Jrai. Ngoài ra, như một anh em trong nhóm phiên dịch nói: “Phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Jrai là tôn vinh tiếng Jrai vì được hội nhập với Lời của Chúa, là hoàn thiện, là thống nhất, là bảo tồn, là phát huy ngôn ngữ Jrai, chữ viết Jrai. Đây là một công việc đem lại lợi ích cho bản thân và cho toàn thể dân Jrai.”

9. Lời cuối tôi muốn nói là: Tôi đã được trực tiếp học với cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, không học với ai khác. Một học trò nhiều lần bị cha giáo mắng là dốt (vì trước khi được ngài khai tâm Thánh Kinh, tôi là một người Công giáo trước công đồng Vatican II, một người Kitô hữu không biết Thánh Kinh, mà ai không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô (thánh Hiêrônimô). Người học trò dốt mà lại phải dịch Kinh Thánh cho cả một dân tộc. Xin cha cầu cho chúng con.

 




[1] Dịch giả có kê cứu Bible de Jérusalem, cũng như nhiều bản khác. Nhưng không dịch một bản dịch. Về điều này nhà xuất bản nhiều khi sửa sai ý của dịch giả vì chỉ dựa vào Bible de Jérusalem. Điều này độc giả thấy được ngay khi so chiếu với bản đính chánh.

[2] Về uy tín bản Phổ thông (Vulgata), coi Enchiridion Biblicium, số 549.

[3] Thí dụ Yn 1:39 dịch giả đã cố ý lặp lại hai lần tiếng “lưu lại”. Nhà xuất bản vì không rõ chỗ dụng ý nên đã sửa lại khác cho dễ nghe. Hay Yn 3:16-29, tiếng “miêu duệ” dịch giả dùng suốt chương đã bị sửa đổi vài nơi thành “dòng giống”. Đã hẳn “miêu duệ” ít dùng, nhưng cần thiết cho lý luận của thánh Phaolô trong đoạn này.

[4] Cv 8:31, dịch giả viết “Tiện nhân làm sao hiểu nổi” đã bị sửa “Tôi làm sao hiểu nổi” là vì không rõ dịch giả muốn giữ sắc thái câu văn điêu luyện của Luca là một người ăn học hết sức lễ độ.

[5] Trong thư Ephêsô, dịch giả dùng tiếng “hoằng thiên”. Nhà xuất bản sửa “trên trời”. Không ngờ đây có một tiếng sang trọng, và ý nghĩa không hẳn là thuộc thiên đàng, vì có cả các thần hắc ám ở đó.

[6] Nên chú ý Mt 26:64 và những tuyên ngôn của Chúa Yêsu trước các toà án. Dịch giả đã để mập mờ (coi bản đính chính). Nhà xuất bản sửa “đúng thế”. Một điều không nhắm, vì lời giữ điệu thận trọng hơn.

[7] Dĩ nhiên khi dùng những bài Phúc Âm trong phụng vụ thì khác. Công bố Tin Mừng trong phụng vụ là rao truyền Lời hiện tại của Chúa vinh hiển nói cùng cộng đoàn những kẻ tin, tin cách đầy đủ. Nên lời Tin Mừng nên kèm thêm tiếng đệm: Đức (Kitô), Chúa (Yêsu)…

[8] Về điều này, Yn đã bị nhà xuất bản cắt ngắn kiểu nói của Yn: “Ngài đáp lại thì nói rằng…” Dĩ nhiên “Ngài đáp lại” cũng đã đủ lắm rồi. Nhưng phương pháp dịch trung thành không cho phép như thế. Vì thế dịch giả đã nói là phải có đính chính.

[9] Một thí dụ: Mc15:45, dịch giả đã muốn trung thành hoàn toàn với một chữ khác thường, nhưng cục mịch của nguyên văn Marcô mà viết “thây” của Ngài nghe rất bất xứng. Sau đó, dịch giả còn tìm kiếm và nhận ra sắc thái luật pháp của tiếng đó vào thời bấy giờ, nên mãi khi lên khuôn mới xin đổi lại là “tử thi”.

[10] x. Nguyễn Thế Thuấn, “Ít lời thanh minh cùng độc giả quyển Tân Ước,” Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 4/1965, 488-491.506-507.


Học viện Thánh Anphongsô